Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2023

ĐỘC THOẠI VỚI “ĐỐI THOẠI CHUYỂN MÙA”- bản FULL

 

(Đọc “Đối thoại chuyển mùa”, thơ Phan Tùng Sơn, NXB Hội Nhà Văn 2023)

Tôi biết Phan Tùng Sơn thi sĩ trước khi biết anh là nhà báo. Đọc không nhiều, không hệ thống nhưng tôi rất ấn tượng với một giọng thơ đa dạng, khỏe, chắc và trữ tình. Tôi từng được về quê anh, cái vùng Hương Sơn đẹp như tranh vẽ, nơi cụ Hải Thượng Lãn Ông tìm về an trú những ngày cuối đời nhưng rồi vẫn được vời ra Kinh chữa bệnh để rồi có “Thượng kinh ký sự” nổi tiếng. Về và mới nghĩ, chính nơi này đã khiến anh, và nhiều người như anh, như một số bạn văn quê Hương Sơn của tôi, phải làm thơ, phải viết.

Thứ Năm, 2 tháng 11, 2023

VỚI BÁO VĂN NGHỆ, MỘT THỜI VÀ...

 


Tới giờ, tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác khi cầm tờ báo Văn Nghệ in bài thơ đầu tiên của mình. Năm 1983.

Chiều Pleiku chạng vạng, Pleiku hồi ấy buồn lắm. Một chiếc xe uoat tải xịch vào sân Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai- Kon Tum (khi ấy vẫn chưa chia tỉnh). Mấy thanh niên ngồi ở thùng xe phía sau lục tục nhảy xuống. Ca bin là hai bác lớn tuổi, một trong hai ông ấy là giáo sư Tô Ngọc Thanh. Phía sau là các cán bộ khoa học trẻ của viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam. Họ vào theo lời mời của trưởng ty Văn hóa Thông tin khi ấy, chú Trịnh Kim Sung, một lãnh đạo văn hóa mà chúng tôi nể tới giờ dù ông là cán bộ ở núi ra, tức là không được đào tạo cơ bản. Một trong những cán bộ ấy cầm xuống một chồng báo, họ cầm theo để đi đường học, nghe nói từ Hà Nội vào họ đã đi tới ba bốn ngày chi đó. Tôi sáng mắt lên khi nhìn thấy trong chồng báo có tờ Văn Nghệ mà trước đấy nhà thơ Phạm Đình Ân đã viết thư (tay, gửi bưu điện) kể cho tôi là báo in bài thơ “Với người dệt hoa văn” của tôi ở số ấy số ấy, sẽ gửi vào. Nhưng ngay bây giờ, báo gửi vẫn còn thất lạc chứ huống gì hồi ấy...

Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2023

XỨ THANH, TRONG VEO VÀ ĐẬM ĐẶC

 

Hôm rồi về Thanh, lái xe từ Hà Nội vào, cô em dâu dẫn tôi đi theo đường cũ. Trước đó tôi cứ thắc mắc, sao nhiều lần đi mà chả thấy cái khu Nam Ngạn ngày xưa đâu, ở đấy có cái bến thuyền, trước cứ thấy đen sì sì một màu than. Là cứ đi theo đường mới, con đường thênh thang, ngẩng lên đã thấy trung tâm thành phố rồi, cái khu Nam Ngạn cứ nhờ nhờ trong ký ức.

Thứ Ba, 10 tháng 10, 2023

THƠ MỘT NGƯỜI TỪNG PLEIKU

 


Sau khi rời Pleiku, cũng lâu lâu rồi, hễ có dịp là Đào Phong Lan lại tìm cách trở về, tôi vài lần được làm tài xế cho cô thi sĩ trẻ này lang thang Gia Lai, lên cả Kon Tum, vài lần làm hướng dẫn viên online  khi chị muốn đưa bạn, cả các ông tây ba lô, về Pleiku ngắm dã quỳ.

Nhưng chị vẫn có mặt thường xuyên ở Pleiku, nhất là trong những cuộc vui, liên hoan tập thể, khi một người nào đó cất lên “Đêm trong veo/ nhà rông bập bùng ánh lửa/ cô gái Jrai hát câu gì/ Mà trăng nhô lên” là mọi người tay trong tay vào vòng xoang tập thể, có thể ở làng, có khi trên phố, giữa bãi cỏ rộng, hay trong phòng nhỏ, có thể ở Gia Lai hoặc một tỉnh thành nào đấy...  Đào Phong Lan chính là tác giả lời của bài hát “Đêm xoang Tây Nguyên” mà mọi người đang hát ấy.   

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2023

CHUYỆN KHEN THƯỞNG VÀ DANH HIỆU NGHỆ SĨ (bản full)

Có người đã thống kê, rằng cái giải thưởng nhà nước với món nghệ sĩ nhân dân với ưu tú ấy là ta học của Liên Xô cũ. Nhưng suốt bao nhiêu năm cho tới khi tan rã, Liên Xô cũng cũng chỉ trao cho một số lượng rất tượng trưng, trong đó có trao cho ông Brezhnev giải thưởng Lê Nin về văn học với tác phẩm “Đất nhỏ”. Ông Brezhnev là tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô khi nhận giải.

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2023

NHỮNG HỒI CHUÔNG ĐIỆN THOẠI

 

Ám ảnh, rất nhiều ám ảnh, rất nhiều quặn thắt, rất nhiều đau thương, rất nhiều nức nở và nước mắt khi những ngày này ta đọc những bài báo, những status trên facebook về vụ hỏa hoạn ở chung cư mini Hà Nội, cả từ phía sự đau thương và cả ở phía san sẻ đau thương.

Nhưng ám ảnh nhất trong tôi là cái hình ảnh hàng chục chiếc điện thoại trong căn nhà mù mịt khói, liên tục reo mà không người nghe, không ai có thể nghe và còn có thể nghe.

Nó, cái tiếng điện thoại reo vô vọng ấy, là sợi dây cuối cùng, rất mong manh nhưng chứa chan hy vọng, là còn sự sống.

Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

BA TRĂM NĂM MƯƠI NGÀN TỈ LÀ BAO NHIÊU?

 


Khi tôi viết bài này (10/9/2023) thì chưa có vụ cháy khiến 56 người chết ở chung cư mini Hà Nội và chưa có đêm diễn điềm nhiên ngay tối sau đấy của bộ Văn Hóa khen thưởng các nhà báo viết hay về bộ văn hóa, và cũng như chưa có cái công văn của bộ này gửi bộ 4T bị tuồn ra ngoài...

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

MÙA SINH NỞ CỦA TÂM HỒN THI SĨ

 Bài của thi sĩ Trần Tuấn

Tây Nguyên thường được biết đến chỉ có hai mùa, là mùa khô và mùa mưa. Còn mùa thu? Mùa thu Tây Nguyên kín đáo, mùa của tâm thức, mùa lắng nghe hơi mưa ẩm ướt phủ lên làn sương khói bảng lảng mờ nhòe, mùa cảm nhận bước chuyển xao xuyến của rừng núi, cỏ cây, mùa thường chỉ được phát hiện bởi những kẻ lãng đãng đi tìm chút mơ hồ của bước thời gian…

Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

CHUYỆN NHỎ HẬU “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH”

 


Viết bài này để ủng hộ báo Nghệ An đang đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, đúng là “Nỗi buồn chiến tranh” chứ không phải “Thân phận của tình yêu” như một thời nó phải ngụy trang, trên chương trình Podcast của bổn báo.

---------

Hôm ấy tại nhà tôi có một cuộc nhậu toàn các “tên tuổi”: Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Dương Trung Quốc, và Bảo Ninh... Khi ấy nhà văn Đỗ Tiến Thụy nổi tiếng bây giờ là trưởng ban Văn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đang còn là cậu lính trẻ viết văn của sư 10 từ Kon Tum về khép nép một góc, cứ loay hoay tìm cách thu cặp chân rất dài của mình lại. Nhà chật, ngồi trên chiếu. Tôi cũng khép nép dù là... chủ nhà.

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

“CÓ MỘT BÀI CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN”

 


Hôm kia, chúng tôi, một nhóm văn nhân thi sĩ báo chí xuống huyện Chư Sê, Gia Lai chơi. Chủ nhà là 2 ông bà về hưu trước tuổi giờ mở trường mẫu giáo tư thục. Bà chủ nhà rộng bụng làm một bàn toàn đặc sản Tây Nguyên tiếp khách: Lá mì (sắn), cà đắng, măng rừng, cá suối... Qua năm lượt rượu ông chủ nhà, nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện đứng dậy ôm đàn. Ôi giời là hay. Điêu luyện như chuyên nghiệp. Cô vợ trẻ hơn chục tuổi, xinh thôi rồi, ngồi bên tủm tỉm, ngày xưa em chết vì tiếng đàn của ổng đấy.

Nhưng anh này lại hát rất phô, nên intro một lúc vẫn ngắc ngứ. Đột nhiên một tiếng hát vút lên: Có một bài ca không bao giờ quên...

Cô giáo quê Yên Thành, hiệu phó một trường phổ thông vùng 3 của huyện Chư Sê, giọng trong, cao vút, và rất hay. Cả bàn lịm đi. Giọng Nghệ, ưu điểm lớn nhất là hát rất dễ hay, mà đã hay thì thường được nhân đôi.

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2023

CHIÊNG LÀNG, CHIÊNG PHỐ...

 

Bài đăng trên Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên

          Đang có nhiều cách “quẫy cựa” từ cả phía chính quyền và nhân dân Tây Nguyên, những chủ thể của chiêng để cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trở lại là chính nó. Có điều, để được như xưa thì đúng là rất khó và không thể. Bởi cuộc sống không đứng yên, nó luôn phát triển từ đúng quy luật tới cả phá quy luật. Vấn đề quan trọng là, ứng xử với nó thế nào trong tiến trình phát triển hợp lý ấy.

KHÔNG GIAN CỒNG CHIÊNG

          Đơn giản nhất nó là toàn bộ không gian sống của người Tây Nguyên. Không gian ấy gồm có: Làng và rừng.

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2023

PHONG BÌ THÓI QUEN- bản full

 

Hôm kia, ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực họp. Lâu nay dân ta có thói quen là hồi hộp... theo dõi các cuộc họp của ban chỉ đạo này và của Ủy ban kiểm tra Trung ương, gọi nôm na là lò cụ tổng. Theo dõi kỹ tới mức mà biết quy luật thường là cuối tuần thì có thông cáo báo chí của ủy ban kiểm tra trung ương, tuần nào chưa thấy là xôn xao hỏi nhau là sao ban của anh Trần Cẩm Tú chưa họp. Theo dõi để biết xem kỳ này những ai bị “lò” gọi tên, điểm danh.

Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

“NGHỀ” THẤT ĐỨC

 

Trên đời có rất nhiều nghề, nhiều nghề rất lạ, nhiều nghề rất kinh, nhiều nghề rất buồn cười, nhưng thất đức như “nghề” rải đinh với lại phá đường làm cho xe xịt lốp, hỏng rồi phải vào tiệm của mình sửa với giá cắt cổ thì quả là vừa lạ vừa kinh vừa buồn cười. Nhiều lúc tôi tự hỏi trên thế giới có nơi nào có người làm “nghề” này không?

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

QUỲNH HỘI VÀ KÝ ỨC PLEIKU

 


Hôm qua, một bà chị từ Hà Nội thảng thốt gọi: em ơi Quỳnh Hội mất rồi à? Ôi thế ạ, em không biết? Để em kiểm tra. Gọi ngay cho một đồng nghiệp, bạn bảo em đang viếng anh Hội. Nói với bạn ấy, anh không kịp viếng rồi, em giúp anh nhé, gửi hộ anh một chút viếng Hội.

Trần Minh Hội, tức Quỳnh Hội, là một cái tên gắn với ký ức Pleiku, ít nhất là khoảng bốn chục năm nay.

Thứ Ba, 8 tháng 8, 2023

CHÚNG TÔI VÀ... MƯA

 


Nhà thơ Lê Hồng Thiện từ Hưng Yên vào gọi, mưa thế này có ngồi cà phê với nhau được tí không nhỉ?

Bác nhà thơ này năm nay tám mươi mốt tuổi, sống trong một gia đình toàn... nhà văn. Con gái là nhà văn Lê Hồng Nguyên, con rể là nhà thơ Phạm Khải, thiếu tướng, Tổng biên tập báo Công An nhân dân. Tám mốt tuổi nhưng còn rất khỏe, vẫn ngồi xe 16 chỗ từ Hà Nội vào Phú Quốc, là bác khoe thế. Còn lần này tất nhiên bay vào Pleiku, lần đầu đến Pleiku, và gặp mưa.

Thì ngồi chứ, Pleiku đang “chính mưa”, cơn mưa sáng nay như trút, phố trắng mờ. Lái xe đi đón bác Thiện, tôi nhắn thêm nhà thơ Hương Đình và Phạm Đức Long tới quán cà phê quen ngồi chờ tôi đưa khách tới.

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

CHUYỆN KHẨU HIỆU

 

Hôm qua tôi chụp và đăng lên facebook cá nhân cái khẩu hiệu giăng ngang đường tôi đi bộ buổi sáng, nội dung khẩu hiệu là: “Duy trì ổn định mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số". Khẩu hiệu cắt bằng giấy dán trên miếng vải mỏng màu xanh chăng ngang đường.

Một số bạn ở cái cơ quan treo câu khẩu hiệu này vào comment cho rằng họ đã làm đúng... chỉ đạo của trên, rằng là câu này trên đưa về và họ chỉ thực hiện, thêm nữa, câu này là trích từ nghị quyết.

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

MỘT CÁCH VIẾT VÀ NHỮNG CUỐN SÁCH hay là HIỆN TƯỢNG PHAN THÚY HÀ (BẢN FULL)

 

Nói bản full vì nói thật, nhà cháu đã viết rất khéo rồi, khi đăng vẫn bị cắt đi một ít. Cũng là người từng làm biên tập và chịu trách nhiệm cao nhất của một tờ tạp chí Văn Nghệ, nhà cháu hết sức thông cảm và chia sẻ với các bạn đã phải dao kéo bài nhà cháu. Cũng như thế, nhà cháu biết, để cuốn sách này ra đời được, tác giả và NXB, từ BTV tới giám đốc TBT cũng trầy vi tróc vẩy...

Biết làm sao?

---------

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

NHỮNG CHUYẾN VỀ LÀNG

 

Hồi mới lên Tây Nguyên, tôi hay mò về làng. Một mặt nó như đi chơi, chứ hồi ấy cũng chưa có ý thức nghiên cứu tìm hiểu gì, nhưng cái chính, nó giải quyết cái sự... đói. Về làng được ăn no hơn, có rượu cần uống, giỏi còn có được ăn thịt gà nữa. Tất nhiên là không ăn không, mà biết cách trao đổi, ví dụ như vải, nhất là vải đỏ (món ở Ty Văn hóa thời ấy rất nhiều), thuốc lá, cá khô... chuẩn bị sẵn mang theo.

Và trong một chuyến về như thế, tôi chứng kiến một vụ... tự tử.

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

VỀ RỐN SÂM

 


Hồi mới lên Gia Lai – Kon Tum nhận công tác, tức cái thời chưa chia tỉnh ấy, một người bạn cho tôi một đùm lổn nhổn củ, bảo sâm Ngọc Linh đấy, mang về khi nào đau bụng thì ngậm một ít, khỏi ngay. Hoặc mệt, ngậm một tí cũng tốt.

Tôi để ở đầu giường chả mở ra, cho tới một ngày vô tình thấy, mở ra thì đã mốc hết, bèn vất.

Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

CÚ “XUẤT NGOẠI” ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI

 

          Tôi vừa có chuyến trở lại Chư Prông, xuyên qua thị trấn, lên Ia Lâu, Ia Mơ, đường thênh thênh, ô tô phóng vèo vèo, trống trải. Trên xe kể cho mấy đồng nghiệp trẻ về chuyến đi, cũng trên cung đường này gần... 40 năm trước.