Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2020

LẶT VẶT VỀ TRÀ THÁI



          Đến giờ tôi có thể khẳng định, mấy ông nhà văn ở Tạp chí Văn Nghệ quân đội là sành/ nghiện chè/ trà nhất.

          Tất nhiên cũng phải nói luôn, phàm là dân phía Bắc, nhất là đàn ông, thì họ đều nghiện chè/ trà như nghiện... vợ. Nó cũng như dân phía Nam nghiện cà phê. Nhưng đa phần cà phê chỉ uống ngày một cữ, chủ yếu là vào buổi sáng, ông nào phê pha thì làm thêm cữ nữa vào buổi chiều, còn ban đêm, các quán cà phê nghìn nghịt người, nhưng họ uống nhiều thứ nước, trừ... cà phê. Số người uống cà phê đêm rất ít. Trong khi chè/ trà, người ta có thể pha uống cả ngày. Sáng sớm lăn trên giường xuống, loay hoay là súc ấm pha trà. Tối trước khi ngủ có khi cũng rốn thêm ấm nữa. Tức là có thể uống cả ngày, nhất là khi trong nhà có từ 2 gã đàn ông trở lên. Dẫu vậy, trà ấy chưa chắc đã là... trà, mà mới chỉ đạt chuẩn... chè khô.

          Nhưng với cánh nhà văn Tạp chí Quân đội thì trà nó thứ thiệt là trà. Nghe nói mấy bố này có nguồn xịn từ Thái Nguyên, toàn loại trong cái gói giấy màu vàng hút chân không. Biết nó ngon là bởi, tôi là kẻ trà lõm bõm nhì nhằng, có thì uống, không cũng chả thèm. Và uống chỉ ngon khi hôm ấy được ăn món gì ngon, như riêu cá chẳng hạn. Và tuyệt đối chưa bao giờ uống được buổi sáng khi bụng đói, tức với dân trà tôi chỉ là cậu trẻ con lon ton nhắng nhít. Thế mà chỉ 2 lần dự trại sáng tác với các ông ở tạp chí Văn Nghệ quân đội thì tôi... phân biệt được trà ngon trà dở, phân biệt được trà Thái Nguyên và trà Thái... không nguyên. Người sành trà nhất trong số những nhà văn sành trà Văn Nghệ quân đội là ông nhà thơ ít tóc nhưng râu rậm Đoàn Văn Mật. Vậy nên sau mỗi cuộc ăn trưa chiều phòng ông lại rộn ràng róc rách trà. Và tôi, ban đầu chỉ là ngồi cầm nhịp những câu chuyện văn chương cho các ông ấy ngon mồm, thì sau này luôn luôn đòi hỏi. Khi tan trại còn nửa gói, tôi mắt trước mắt sau thủ ngay, về uống cứ sợ hết...

          Lại nói trà xịn Thái Nguyên. Lần ấy tôi tiếp mấy chị phó giáo sư tiến sĩ đại học Thái Nguyên vào nghiên cứu văn học dân gian. Họ mang tặng tôi một cân trà. Thì đã bảo, tôi thường phản đối các kiểu dân Tây Nguyên thì gửi quà là cà phê ra Bắc, và ngược lại dân Bắc vào Nam thì mang theo trà để biếu, bởi những thứ ấy người nghiện mới quý chứ không thì để nó mốc rất phí, nhất là cà phê thì cái không khí cà phê ở quán nó mới là chính chứ lụi hụi cích rích pha ở nhà nó rị mọ lắm. Người không nghiện trà mà mang biếu họ trà khác gì mang váy tặng người... chân cong. Thì tôi cũng đành nhận trà và cám ơn, rồi mời họ vào một quán cà phê. Trên vách quán có cái biển mi ca: Bán trà Thái Nguyên thứ thiệt, 100 ngàn một lạng. Một chị nói nhỏ với chị kia: 100 ngàn thì sao mà xịn được. Trà em mua tặng anh Hùng lấy tận nhà sinh viên, 3 triệu một cân đấy. Nói nhỏ, nhưng tôi là kẻ chả vừa, thâm niên nghe... lỏm để làm báo mà, nên nghe được. Và thế là tôi đã cố gắng uống hết cân trà ấy, trong tâm thế nói thật là, hồi ấy chưa thấy ngon, chưa uống đã sẵn sàng... mất ngủ...

          Giờ đi làm cho một khu du lịch ở Củ Chi, một mình ở một tòa nhà, sau khi đi trại Văn Nghệ quân đội về, thì trà lại trở thành một nhu cầu khốc liệt. Anh bạn nhà văn Phạm Đức Long làm cùng, khoe em mua trà Thái từ Pleiku mang đi, để em sẻ cho bác một ít. Cái tiệm trà nổi tiếng ở thành phố Pleiku này cũng đã có lần tôi viết về nó cho tạp chí Trà của Thái Nguyên. Nó là nơi uy tín nhất của tỉnh Gia Lai bán trà Thái Nguyên, nghe nói là cất từ đại lý nào đấy ngoài ấy. Nhưng sau khi hết gói trà của ông Đoàn Văn Mật, tôi chuyển sang trà ông Long đưa thì cha mẹ ơi, nó quả là một trời một vực. Vừa không được nước vừa không được hương vừa không màu vừa thô vì cái bã trà từng lá to như... cái quạt. Được cái nó cũng... chát, để chứng minh mình vẫn là trà. Trong khi thứ trà của ông Mật, nó chát nhưng lại thanh, có dư ba ở cổ, thậm chí xuống tận... cuống tim. Nên nó khiến mình hồi hộp, bồi hồi, nó khiến mình nhớ mà nghiện...

          Lại nhớ có lần tôi tổ chức một sự kiện văn học ở Pleiku, ông nhà thơ Hữu Thỉnh trước khi vào dự bảo nhà thơ Đỗ Hàn, khi ấy là chánh văn phòng Hội Nhà Văn ra Hàng Điếu, đến đúng số ấy số ấy, mua đúng loại trà ấy mang vào biếu mấy ông lãnh đạo tỉnh. Đỗ Hàn ra mua loại trà xịn, nghe nói rất đắt, gói trong giấy đỏ, vuông chằn chặn. Tôi cũng được một gói. Uống thấy nó cũng... ngang với cái trà mà cái tiệm trà Thái ở Pleiku bán.

          Ôi giời, chả biết đằng nào mà lần.

          Hàng xóm tôi ở Pleiku có ông nghiện trà. Ông này một thời toàn được hưởng... xái trà của tôi. Ấy là khi được biếu trà, thì hoặc là tôi đưa cho ông ấy pha rồi sang uống, bởi một mình pha một ấm thì rất nhiêu khê, chỉ trừ mấy tiên ông về trà mới uống kiểu ấy. Đưa ông này pha rồi tôi lại phải kêu thêm vài người nữa, sang uống. Hoặc cho ông ấy luôn. Hắn cứ xuýt xoa, bác tốt quá, có biết đâu nếu không đưa cho hắn thì tôi cũng để... mốc. Hắn khoe trà hắn toàn gửi từ Bắc vào chứ không bao giờ mua ở Pleiku. Mỗi lần gửi vào mấy cân, hắn có cái vò sành bỏ vào, rất kỹ. Vừa rồi về, giữa cơn nghiện trà trở lại, lò dò sang bảo chú còn trà cho anh ít mang đi uống. Hai vợ chồng lụi hụi mở vò bốc cho tôi đến mấy lạng, bảo bác mang đi uống. Ơ kìa, tôi đang uống, và vẫn không ngon như những gì ông Mật cho uống.

          Đấy, trà Thái nó năm bảy loại là thế. Đâu đâu cũng trà Thái là thế. Giữa Sài Gòn, quận Phú Nhuận, hôm nọ hỏi nơi bán trà Thái, một cháu chỉ, chú đi hết đường Hoa Lan, sang Phan Xích Long, tới Phan Đăng Lưu, nhìn bên tay phải, rồi liếc trái một cái, có một cửa hàng chuyên bán đồ Bắc, có bán trà Thái đấy. Ăn cơm trưa văn phòng xong, thay vì hạ ghế ngủ phát như... viên chức công chức một thời, tôi đi bộ tìm trà. Nắng Sài Gòn nhễ nhãi và tôi đã phải... trở về không. Thế tức là, kiếm được ấm trà Thái giữa thành phố lớn nhất nước này cũng không dễ, chả trách sao mười ông dân Bắc đi công tác phía Nam thì trong va li đều có... trà. Ông còn lại không nghiện hoặc nghĩ thằng đi cùng nó mang theo thế nào cũng mời mình nên không mang chứ cũng chả phải tiết kiệm hay keo kiệt gì?

          Ơ nhưng mà lại thế này, ở cái trại Văn Nghệ quân đội ấy, có ông nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, ông này cũng ở Đại học Thái Nguyên, dân Thái Nguyên xịn, vậy mà chả nghe ông ấy ỏ ê gì về trà cả. Các cuộc tụ tập ở phòng ông Mật uống trà thì ông này ngồi uống nước lọc, nhìn ra cửa sổ đăm chiêu, mắt mơ màng tâm tư... khó hiểu... Và đặc biệt, khác với tất cả dân Thái Nguyên khi xuất... tỉnh đều mang theo trà làm quà, ông này mang thứ khác, hình như là kẹo. Ai nói uống trà với kẹo ngon, tôi phản đối, vì nó... nhạt trà, nó như là cho trẻ con uống thuốc thì lấy đường hoặc sữa để dẫn. Trà là trà, thế thôi, nó là một thứ thời trân trời đất dành cho Thái Nguyên, thế thôi. Nó khác tất cả các loại trà khác, như trà Yên Bái (kể cả trà san tuyết), trà Bàu Cạn (Pleiku), trà Bảo Lộc (mà giờ người ta dùng để làm trà Ô Long)... Nó là trà Thái Nguyên. Uống nó xong lên Tuyên Quang mà ngẫm câu "trà Thái gái Tuyên" mới thấy các cụ đã nói là cấm có bỏ đi câu nào?

          Tôi viết bài này trong tâm thế, trà ngon nên uống nửa ly, đề tài hấp dẫn chỉ nên viết... ngắn. Và chắc chắn, tết này sẽ có trà Thái Nguyên xịn để uống...

          Có ai cấm mình mơ ước đâu nhỉ, dẫu ước mớ ấy có phần... xa xỉ?


                                                                      

Không có nhận xét nào: