Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

QUẢNG TRỊ NƯỚC MẮT VÀ NỤ CƯỜI


          Dặn lòng kỹ lắm, là đừng khóc, không khóc khi bước vào nghĩa trang này, hãy căng mắt căng tai căng mọi giác quan ra mà cảm mà nhận mà thu lấy những gì đang hiện hữu ở kia, ngay trong cái nghĩa trang liệt sĩ đặc biệt này... thế mà rồi nước mắt cứ trào ra. Nghĩa trang liệt sĩ ở đâu mà chả giống nhau, những tấm bia tăm tắp, những ngôi sao đỏ, những cuộc đời, số phận... giờ lạnh lùng là những dòng chữ tên tuổi quê quán ngày nhập ngũ ngày hy sinh... chao ơi, những chàng trai căng tràn nhựa sống, hừng hực tuổi hai mươi, giờ chỉ còn có thế thôi sao. 


Rất nhiều, tuyệt đại bộ phận trong ấy, những người con ưu tú của dân tộc kia, ra đi khi chưa biết cái mùi tóc con gái nó mềm mại thế nào, nó mỏng manh mời gọi bí ẩn hấp dẫn ra làm sao... thế mà lại vẫn còn những người chỉ đơn sơ dòng chữ: liệt sĩ chưa biết tên- ngày xưa còn lạnh lùng hơn với tấm biển liệt sĩ vô danh. Một con người bình thường thì ngồn ngộn nghênh ngang như thế, nói cười đi đứng như thế, hoành tráng như thế... thế mà giờ, mỗi bác mỗi ô, im lìm dưới mưa, trong bàng bạc khói hương và nhòe nhoẹt nước mắt chúng tôi. Cái nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn này khác hàng ngàn nghĩa trang khác trên khắp đất nước ta bởi nó là nghĩa trang của các nghĩa trang, là nơi quy tụ đông nhất các liệt sĩ từ mọi miền đất nước, và vì thế mà gần như tỉnh nào cũng có một khu riêng, với một cái nhà thờ theo phong cách văn hóa tỉnh ấy. Hẳn sẽ ấm lòng hơn khi giữa nơi heo hút này, các liệt sĩ như được nằm giữa quê nhà. Cũng phải tỏ lòng trân trọng với ai đấy, tác giả của việc thiết kế nghĩa trang này ra từng khu, để nghĩa trang có vẻ nhỏ lại, ít đi, tầm nhìn gần lại, không thấy dằng dặc miên man hàng chục cây số mộ liệt sĩ mà ớn lạnh, mà hoang mang. Cảm giác gần gụi khá rõ khi các khu ngăn nhau bởi các lối đi và cây xanh...

          Với Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, nhà thơ Nguyễn Duy là người đầy duyên nợ. Ngay năm 75 ông Duy đã gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và họ đã có mối giao hảo giữa 2 tâm hồn nghệ sĩ lớn. Năm 1976, vì ngủ ở nhà ông Sơn không mang theo giấy tờ mà chàng chuẩn úy thông tin đã bị bắt về đồn Phủ Cam ngồi suốt đêm, chung với các tay anh chị, các chị em gái làm tiền bị bắt dưới thuyền sông Hương lên. Trước đó, anh ở Quảng Trị. Lịch sử văn chương Việt Nam sẽ còn ghi sự kiện chàng lính trẻ Nguyễn Duy đọc thơ từ đường dây thông tin mặt trận Quảng Trị về tòa soạn báo Văn Nghệ, và chùm thơ này sau khi in đã đoạt giải thưởng báo Văn Nghệ, một giải thưởng rất danh giá thời ấy. Ngay từ năm 1968, cái năm mà lần đầu tiên xe tăng ta có mặt ở chiến trường miền Nam với cuộc đấu tăng vĩ đại ở cứ điểm làng Vây thì chàng lính trẻ Nguyễn Duy đang làm nhiệm vụ ở đây với tư cách là lính thông tin, chàng Hữu Thỉnh là lính xe tăng và Đỗ Chu là phóng viên mặt trận. Hôm cùng lên thăm lại di tích lịch sử làng Vây, nhà thơ Hữu Thỉnh kể cho mấy nhà văn Mỹ, trong đó có Kevin Bowen năm đó cũng đang có mặt ở đây với tư cách là một chiến binh đối phương, rằng để đưa được xe tăng vào làng Vây, bộ đội ta đã biến tăng thành... thuyền và kéo nó dọc suối. Nhiều bộ phận của tăng được tháo ra cho bà con người Vân Kiều, Pako, Tà Ôi... gùi, còn lại thì tất cả các sắc lính từ xe tăng đến công binh và cả thông tin... được huy động đi... kéo tăng. Là họ đã tắt máy để giữ bí mật cho cuộc đấu tăng lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ, kéo tăng xuống suối rồi kéo nó đi dọc suối. Con suối ấy còn kia, văn vắt trong và vô tư len lỏi giữa rừng. Người kéo người đẩy, cả chục cái tăng như thế im lìm vào trận địa. Ông Hữu Thỉnh đang kể thì Nguyễn Duy phụ họa rằng chính ông là người cũng được điều đi kéo tăng. Cứ nhích từng bước một bước một, không được dô hò hai ba gì cả, mà rồi quãng đường hơn chục cây số cũng qua, và rồi đã có trận Làng Vây, Tà Cơn, có đường 9 Nam Lào lịch sử. Hôm ở căn cứ Tà Cơn, mọi người đang thăm nhà bảo tàng thì nghe tiếng rú lên sung sướng. Kéo lại thì ra là nhà văn Đỗ Chu đang dùng cái điếu cày cầm trên tay chỉ lên bức ảnh trên tường. Trên bức ảnh ấy có tướng Lê Quang Đạo, một loạt tướng nữa, và... ông. Có lẽ không có hiện thực nào sinh động hơn để miêu tả cho việc chúng ta đã từng có cả một thế hệ nhà văn chống Mỹ, trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ghé một căn cứ ấy mà trong đoàn đã có đến 3 nhà văn đã từng tham chiến, chưa kể bên Mỹ có một là nhà văn Kevin Bowen. Nếu chệch vào một tí với chiến trường khu V và Trường Sơn thì còn nhiều nữa, những là Nguyễn Chí Trung, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh, Ngân Vịnh, Thái Bá Lợi...


          Tối ấy, tại một khách sạn ở thị trấn biên giới Lao Bảo, tôi ghi vội vào một file word: "Sáng mai sẽ mỗi người mỗi ngả, nên chả hẹn mà vào cuộc ăn chiều ở 1 nhà hàng ở thị trấn Biên giới Lao Bảo thì nhà thơ giáo sư Kevin Bowen lôi ra 1 chai rượu xách từ nhà sang, chai mà như bà Laydi Borton nói rằng nó được xách từ Ailen, quê gốc của Kevin. Trong khi đó thì nhà thơ Nguyễn Duy, một trong ba nhà văn Việt Cộng trong đoàn trước đó đã oánh nhau ở nơi này, cũng vào siêu thị miễn thuế mua 1 chai Chivas 18. Hôm nay là 1 ngày nhiều nước mắt. Mình sẽ phải viết 1 bút ký thật xứng đáng về ngày hôm nay, nếu không viết được thì sẽ bỏ phím, chắc chắn thế. Mình nhé, chả dám kể đến ai, đã khóc khi Nguyễn Quang Thiều đọc bài thơ trong bữa ăn trưa tại Đông Hà. Trước đó mình cũng nước mắt nhòe nhoẹt khi vào thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nhiều người khóc lắm, khóc tự nhiên và ngượng nghịu chứ không phải diễn. Mấy nhà văn Mỹ cựu binh cũng khóc, ngon lành như trẻ nhỏ. Không ai diễn bởi ai cũng ngượng nghịu muốn giấu phút ấy đi.

          Những người lính cũ từ hai chiến tuyến, bây giờ gặp nhau ở đây, tay trong tay, cứ lẩm bẩm: Nếu mấy chục năm trước mà thế này thì không có hàng triệu nấm mồ đau đớn kia. Những người lính của 2 phía ngày xưa, nhưng bằng thiên chức nhà văn, họ đã là một trong những người tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, mở ra một thời kỳ mới..."...

          Và đúng là chiều ấy, trong cuộc "giải quyết" hai chai rượu rất ngon ấy giữa các nhà văn Việt Mỹ, mọi người như lên đồng. Tôi đã vụt dậy say sưa hát bài "Huyền thoại mẹ" lời 2 do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm từ thuở nào, thuở mà Việt Nam còn bị cấm vận, để thấy cái trực cảm của nhà văn nó nhạy như thế nào: "Nay mai rồi bỏ cấm vận/ Bợm nhậu Mỹ nó mò qua/ Vì lợi ích quốc gia/ Ta lại đi chiến dịch/ Ta cụng ly với địch/ Mà địch là địch còn ta là ta"... Là tếu táo thế, mà bây giờ ứng nghiệm. Cũng nói luôn, chính các nhà văn chứ không ai khác, ngay khi cả hai bên còn vô cùng khắt khe với nhau, cấm vận nhau (chứ chả phải mình Mỹ cấm vận Việt Nam) thì các nhà văn cựu chiến binh của cả hai phía đã bằng nhiều cách tìm đến nhau, thăm nhau, mà 2 nhà văn Việt Nam đầu tiên đi thăm Mỹ ngay từ khi khó khăn ấy là Lê Lựu và Ngụy Ngữ. Bác Lê Lựu về viết sách bán chạy như tôm tươi, trước đấy thì được mời đi nói chuyện liên ti tục tận, còn được in ra băng cát sét bán như bán nhạc Trịnh Công Sơn. Ngay các nhà văn cựu chiến binh Mỹ ở trung tâm William Joiner như Kevin Bowen,  Lady Borton, Larry Heinemann, Bruce Weigl, Fred Marchant... cũng rất là khốn khổ khi mời các nhà văn Việt Nam sang, và làm thủ tục để sang Việt Nam. Họ bị la ó là chống lệnh cấm vận của chính phủ Mỹ, bị kiện một vụ kéo dài đến 7 năm, "và cuối cùng phần thắng đương nhiên thuộc về thiện chí và lẽ phải"- lời nhà thơ Hữu Thỉnh...


          Một lần đi cùng đoàn nhà văn là cựu chiến binh vào nghĩa trang sư đoàn 10 ở Kon Tum. Đang tếu táo trên xe thế, nhưng khi leo rào vào được bên trong (chiều rồi, người quản trang đã đóng cửa), khi một người cầm bó hương to tướng hoa lên đầu kêu to "đồng đội ơi" thì như điện giật, 100% người đi cùng khóc theo, khóc vô tư, không giấu diếm, khóc như mưa như gió cho đến lúc lên xe. Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn hôm nay không ai công khai khóc to thế, nhưng mắt ai cũng đỏ hoe, mà người đầu tiên là nữ nhà thơ cựu binh Phạm Hồ Thu. Mỗi người một góc, lủi thủi trong nghĩa trang như nói thầm với từng ngôi mộ. Chiều mưa, gió như cắt vào thịt. Ai nghĩ mùa này Quảng Trị lạnh thế. Những đứa trẻ con địa phương cùng chúng tôi tha thẩn, chúng đầu trần phong phanh áo mỏng nhưng rất thông thạo từng khu mộ của từng địa phương. Chỉ cần nói là người ở đâu đến chúng sẽ dẫn đến đúng khu của tỉnh ấy. Mỗi tỉnh một phong cách như là mang toàn bộ hơi ấm quê hương vào đây vỗ về giấc ngàn thu những người lính trẻ quê mình. Ai cũng trầm lặng, những bước chân cứ như lạc vào quá khứ, cái quá khứ hào hùng bi thương như mới vừa qua đây. Nhưng mà nghĩ, dẫu đau đớn và bi tráng nhưng các liệt sĩ ở đây còn có đất mẹ mà quây quần. Những ngày này chúng ta đang nhớ về những địa danh với những tên tuổi liệt sĩ trên biển đông, mà thân xác họ giờ đang trôi nổi đâu đó giữa bao la đại dương. Quặn lòng lắm, thưa các anh, và mới quý mỗi ngày chúng ta đang sống hôm nay.


          Tôi đã không kịp hỏi tên cái cô bé xinh đẹp thuyết minh ở bảo tàng Tà Cơn ấy, nhưng vẫn ám ảnh với cái giọng Quảng Ngãi lọt thỏm giữa vùng Khe Sanh này. Quảng Trị bây giờ không còn là vùng đất chết, nó đang mời gọi người về. Cô bé này theo gia đình ra Lao Bảo từ ngày có khu cửa khẩu này. Từ đây cô ngược vào Thành phố Hồ Chí Minh học rồi lại quay ra Khe Sanh, lấy chồng là một chàng thợ điện. Cô thuộc vanh vách các sự kiện, con số, tên nhân vật... nhưng khi tôi nhắc tên mấy nhà văn cựu chiến binh trong đoàn thì cô... trở thành khách tham quan, cứ đứng ngẩn ra nghe những người lính cũ hồi ức. Cũng nể luôn một nhân viên nam khác ở đây khi anh đã dịch làu làu các cuộc nói chuyện của các nhà văn Việt Mỹ. Chiến trường xưa bây giờ đang xanh tươi với một thế hệ công dân mới, vừa trân trọng lưu giữ quá khứ, vừa xây dựng tương lai của mình trên chính vùng đất từng bị coi là vùng đất chết...



          Và tôi cũng bày tỏ sự thán phục và cả nỗi ám ảnh trước một loạt ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính bày trong bảo tàng thành cổ Quảng Trị, ở nơi mà chỉ có 81 ngày đối phương đã ném xuống 328.000 tấn bom, hơn 2000 lần máy bay oanh kích với tổng lượng bom, pháo ném xuống mảnh đất bé nhỏ này tương đương 7 quả bom nguyên tử. Ở nơi mà mỗi vốc đất bốc trên tay đều có mảnh đạn, mà tưởng như không thể có sự sống ấy, thì những người lính đều rất tươi cười khi chụp ảnh. Chao ơi là những nụ cười thành cổ, nó cứ sáng trưng lên trong cái chiều mưa lạnh xám xịt tái tê này... Người trong ảnh thì cười, còn những người đến thăm hôm nay thì rưng rưng nước mắt. Phải chăng đấy là sức mạnh Quảng Trị, niềm tin Quảng Trị...

                                                         Pleiku ngày 14/3/2012
                                                                     V.C.H

9 nhận xét:

nhatrang nói...

Em đọc mà nước mắt chảy anh ạ. Vì e cũng có ông anh trai hi sinh ở QT.
Anh em tên là Bùi Quang Sinh sinh 1948- Đang học đại học thì nhập ngũ năm 1967 ở C3-D13-BTL Đặc Công. Hi sinh ngày 12/3/1970 ( tức 05/02/1970 al}tại cứ điểm Đầu Mầu. Giờ bọn em đưa về NTLS huyện rồi mà thực tế cũng là " Chiêu hồn tử táng' anh ạ. Qua blog anh k biết ai còn là chiến hữu của ông anh em nữa k?

My love nói...

Ai đã làm đất nước này trở nên tang thương ? Những học sinh đang cầm cây bút vẫn phải cầm súng , bên này bên kia nhưng cuối cùng dân ta cùng chết , đồng bào ta đánh đồng bào ta ? bên nào thắng được thành Liệt Sỹ bên nào thua thì lại Ngụy gian , bao nhiêu năm đất nước ta cứ đem đau thương ra mà kỷ niệm . Triệu người thắng thì cũng triệu người buồn cùng dân tộc chém giết nhau . Anh là nhà văn mà cũng nhai lại vũ điệu đau thương dân tộc .

nhatrang nói...

Anh trai tôi quê Xã Cẩm Tiến ( nay là TT Cẩm xuyên)- H- Cẩm xuyên- T- Hà tĩnh ĐT tôi 0906482603

nhatrang nói...

To My love.
Triệu người thắng thì cũng HÀNG CHỤC TRIỆU người buồn bạn ạ

My love nói...

Đúng rồi hàng chục triệu người đau , dân Việt giết dân Việt. Hằng ngày báo chí cứ kỹ niệm này chiến thắng nọ rồi toàn là những hình ản thương đau . Có lần tôi đã khóc khi thấy một MC truyền hình hỏi Bà mẹ mất con trong chiến tranh vô tình gợi nhớ cho mẹ một kỹ niệm đau lần thứ 2 . Ta cứ nhìn người Mỹ kỷ niệm đau thương tòa tháp đôi rất đơn giản mà có ý nghĩa . Chứ ai như báo chí mình cứ nói được gì cứ nói không biết nổi đau người còn lại .

Nặc danh nói...

Xin nhắc nhỏ anh Hùng: Khi tiếp xúc với Tây, cử chỉ thò ngón tay giữa như anh trong bức ảnh trên đều không hay, cho du là trong hoàn cảnh nào hay tâm trạng nào cũng vậy. Anh nhá.
Dũng_Ninh Thuận

nguyenanninh657@gmail.com nói...

Chào anh VCH

chúng ta quen nhau đấy, mình đã gặp nhau trong một lơp CCLLCT - tác giả của tập thơ Đêm không màu là lơp trưởng. Anh tặng tôi một cuốn giờ vẫn giữ...
Đọc bài viết của anh: QTNMNC, thấy nhớ... Chúc Anh Khỏe và có thêm nhiều thơ hay. thỉnh thoảng Tuệ có viết cho tôi... cho gửi lời thăm anh em trong lớp nhé
Ninh (nguyenanninh657@gmail.com)

Văn Công Hùng nói...

THưa thầy Ninh:
--------------
Thật cảm động thầy còn nhớ em và vào trang của em. Thường thì trò nhớ thầy, đằng này... em vẫn nhớ thầy đấy ạ. Em chúc thầy sức khỏe và nhiều thành công ạ.
Và rỗi, lại mời thầy tiếp tục vào đây thầy nhé.
Trân trọng.

nguyenanninh657@gmail.com nói...


Thời gian như cái sàng, chỉ lưu lại những gì có kích thước …
Anh em mình nhớ nhau, quý nhau là được rồi.
Thấy cái ảnh Nụ cười Thành cổ, lại nhớ một thế hệ cầm súng, làm văn.
Ông bố tôi cùng ông Đoàn Công Tính là 2 nhà báo QĐND nằm ở Thành cổ năm mươi mấy ngày! May mà không chết…
Độ ấy, ông Tính có bộ ảnh để đời, còn ông già tôi được mấy cái phóng sự.
Về nhà kể với thằng con trai, giọng vẫn lào thào như chuyện không muốn cho ai biết: Ác liệt lắm, mỗi ngày thương vong gần một đại đội. Tôi trợn mắt…
Sau này mới biết: Thành cổ và Thạch Hãn nó “làm” của ta gần vạn người.
Cái giá của hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do lớn vậy đấy.
Bây giờ Cụ cũng về với tổ tiên được ba năm rồi…