Thứ Tư, 30 tháng 4, 2025

NHỮNG NGÀY THÁNG ẤY

 

Bài đăng trên báo Thanh Niên số đặc biệt 30/4/2025. Báo đặt bài với điều kiện: chỉ viết 1.200 chữ, huhu, khó như/ hơn lên giời.

Tôi lên Pleiku năm 1981 sau khi tốt nghiệp đại học. Năm 1984 thì... lấy vợ. Nhà vợ ở Ayun Pa. Là nhà ở đấy thôi chứ ông tập kết lấy bà ở Hà Đông, về tiếp quản cái nhà máy điện Ayun Pa rồi ở đấy luôn.

Kể để thấy, tôi rất quen với con đường 7, giờ nó mang tên đường 25.

Từ hồi học đại học, những tháng học quân sự chúng tôi đã được nghe các sĩ quan tuyên huấn giảng và kể về chiến dịch đường 7 lịch sử, những là ta với đối phương “lừa” nhau ra sao, “nhử” nhau thế nào, những cuộc hành quân giả rồi hành quân thật. Hành quân giả thì rầm rộ, trống giong cờ mở, vô tuyến gọi tẹt ga, hành quân thật thì bí mật, đi không dấu nấu không khói, tắt toàn bộ vô tuyến, chỉ truyền tin miệng vân vân... Rồi đọc, mà cuốn “cận chiến” nhất của đường 7 là tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của nhà văn Khuất Quang Thụy.

Có hai người lính từng chinh chiến ở Tây Nguyên từ thời 1975 ấy, sau này trở thành những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, và rất buồn là, họ lại chọn đúng sát những ngày mà 50 năm trước họ từng chinh chiến ở đất này để... ra đi, ra đi trong tiếc thương và cả tự hào, bởi những gì họ đã làm và để lại cho đời.

Khi ấy Khuất Quang Thụy là lính, lính thực thụ của sư đoàn 320 nổi tiếng, đã cùng đồng đội ôm súng chạy suốt đêm xuyên rừng để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là chặn đường 7, không cho đối phương rút từ Tây Nguyên theo đường 7 xuống đồng bằng Tuy Hòa.

Và, “đối phương” khi ấy không chỉ là binh lính, mà còn khá nhiều dân thường, và nhiều cuộc lạc nhau thương tâm cho tới giờ cái chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” của chị Thu Uyên vẫn còn việc làm.

Năm 1985 anh Khuất Quang Thụy từ Hà Nội vào lại Tây Nguyên. Tôi và anh lọ mọ đi lại một số nơi mà anh bảo từng sống và đánh nhau. Hai anh em ngủ chung 1 cái giường đơn ở nhà khách ủy ban thị trấn Kbang, mà anh thì vừa to béo vừa... ngáy to. Chuyến đi ấy, anh viết 1 loạt tác phẩm về Tây Nguyên và tại Tây Nguyên như “Nước mắt gỗ” (truyện ngắn), “Gửi em người trinh sát rừng xanh”, “Tiếng đàn” (thơ)...

Cũng năm ấy, 10 năm sau ngày hòa bình ấy, tôi cũng gặp nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha tại Pleiku. Tôi ra sân bay Cù Hanh đón anh, khi này máy bay từ Hà Nội vào một tuần đâu 2 chuyến, bằng máy bay AN 24 của Liên Xô. Hai ngày sau khi tới Pleiku, anh Kha ôm đàn hát cho tôi nghe bài anh mới sáng tác: “Những chuyến bay hòa bình”, có đoạn điệp khúc: Những chuyến bay lên Tây nguyên, những chuyến bay hòa bình, những chuyến bay lên Pleiku, những chuyến bay không mang bom...

Sau đấy tôi đi cùng anh Kha lên phía Bắc Tây Nguyên, anh bảo thời chiến tranh từng đi rải dây thông tin ở đấy, đồng đội anh nằm lại đấy rất nhiều. Tới sân bay Đăk Tô, thấy dân phơi lúa trên ấy, anh làm bài thơ rất hay: “Những đứa trẻ chạy trên thóc”, cái hình ảnh rất gợi với người từng sống ở nông thôn, mà anh lại dân Hải Phòng.

Nhà văn Bảo Ninh, trong một chuyến du khảo xuyên Việt cũng đã đột ngột rời đoàn, một mình ngược ra lại hướng Đăk Tô dù đêm trước anh ngồi ở nhà tôi ở Pleiku, đã cách Đăk Tô gần 200 km, dù những là Nguyễn Trọng Tạo, Văn Như Cương, Trung Trung Đỉnh... đều bảo thôi theo đoàn đi, nhưng anh vẫn quyết quay trở lại, chỉ để thắp hương cho đồng đội, những người từng chiến đấu với anh, và thấp thoáng hình bóng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh”.

Cũng một đêm, tôi chuẩn bị ngủ thì điện thoại reo. Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Luân gọi, hỏi nhà ở đâu để mang quà tới. Quà là một lọ rêu đá khô, thứ nhún đá Ninh Bình mà tôi hay khen ngon vì nhớ cái thời tuổi thơ ở quê ngoại hay được ăn, và ông bạn nhà văn Sương Nguyệt Minh chiều tôi mà đi “tầm” bằng được và gửi. Và té ra ông Nguyễn Trọng Luân này cũng từng là lính quân đoàn 3, cũng từng tham gia trận đường 7 nổi tiếng ngày nào, giờ quay lại thăm chiến trường xưa. Giờ anh Nguyễn Trọng Luân cũng trở thành nhà văn, và cũng vừa tham gia bộ phim tài liệu rất hay vừa chiếu trên truyền hình: Thạnh Hội, tìm về những ngày tháng 3 năm 1975 ấy. Phim có những tiếc nấc, có những trường đoạn ưu tư với nước mắt...

Trở lại đường 7, hồi ấy ngoài cuốn “Trong cơn gió lốc” của anh Khuất Quang Thụy thì bên đối phương có cuốn cũng rất hay của viên tình báo CIA Fran Sneep, cuốn “Cuộc tháo chạy tán loạn”.

Và tàn dư của “cuộc tháo chạy” ấy đến giờ vẫn âm ủ. Ấy là những cuộc đoàn tụ nhưng chưa đoàn viên, và vẫn còn những thất lạc, dẫu đã 50 năm.

Như chuyện vợ chồng ông Lục Văn Tiên bà Nguyễn Thị Khiêm, năm 1975, trong cơn hoảng loạn chung, cả nhà  theo đường 7 chạy xuống Tuy Hòa. Nhưng chỉ đến chân đèo Tô Na thì lạc mất đứa con gái tên là Lục Thị Hoa, khi ấy vừa 7 tuổi. Bỏ dở cuộc di tản, họ ở lại tìm con. Tìm trong đau đớn, tuyệt vọng, trong xa xót, ân hận. Và... không thấy. Té ra Hoa chạy lạc trong đêm và đã được một gia đình người Jrai ở xã Ia Rsươm huyện Krông Pa “nhặt” được và nuôi nấng. Cô bé vẫn nhớ tên mình là Hoa nhưng đã là một người Jrai thứ thiệt. Bố mẹ Hoa nhận ra con nhờ cái bớt trên má. Lúc này Hoa đã lấy chồng, một thanh niên Jrai. Lại biết bao nhiêu là nước mắt, bao nhiêu lần lên xuống thăm hỏi... bố mẹ nuôi mới đồng ý cho bố mẹ đẻ nhận con.

Mấy năm sau đấy người đàn bà Jrai gốc Kinh này mới đưa chồng con về thăm bố mẹ đẻ ở thành phố Pleiku. Ông bà Tiên đã mua cho vợ chồng Hoa một căn nhà cạnh nhà mình. Ngày tôi đến tìm, Hoa đã có ba đứa con là Rlan Lục Ma Chinh, Rlan Lục Mỹ Hạnh và Rlan Lục Lai Đức. Con lớn đã học đại học, đứa thứ hai học 11 và đứa thứ 3 học lớp 9.

Và, Hoa vẫn thích về làng sống hơn, không thích ở thành phố...

Còn nhiều lắm, những câu chuyện một thời, hôm nay vẫn đầy ám ảnh...

Ảnh by nhà cháu: 

Làng người Jrai bên đường 7, tức đường 25 cách đây gần 20 năm.

 

Trẻ em đường 7 (Plei Ơi) cách đây gần 20 năm


 

Không có nhận xét nào: