Báo Nông Nghiệp Việt Nam và báo Tài Nguyên môi trường... cưới nhau. Để kỷ niệm ngày về một nhà, đêm tân hôn ấy, họ ra một số đặc biệt. Ê kíp làm báo NNVN cũ ấy, làm số đặc biệt thì thôi rồi, nó xứng danh giai phẩm, mà như trend bây giờ hay nói, số 2 thì ít ai dám nhận số 1. Những dịp này, được họ gọi điện mời viết bài thì dẫu có đang trời long đất lở cũng vất đấy mà cun cút viết cho họ.
Nhà cháu cũng, và bèn. Bài này được đặt và in trong số ấy.
----------
1. Tháng 11 năm 1981, tốt nghiệp đại học tôi lên Gia Lai Kon Tum nhận công tác. Khi ấy còn chung 2 tỉnh và thủ phủ tỉnh ở Pleiku.
Phải ba ngày xe đò tôi mới từ Huế tới Pleiku.
Ấn tượng nhất là cái buổi chiều thứ 3, xe bò lên đèo An Khê. Trước đó, ở dưới đường một nhìn lên, thấy thăm thẳm những ngọn núi có mây viền quanh, hình dung nó như ở một thế giới khác, thế giới không có... người, chỉ có mây trắng và rừng xanh. May ra có chim kêu vượn hót. Ông cử nhân văn chương mới tốt nghiệp là tôi vừa lo vừa hồi hộp. Tôi là người xung phong lên Tây Nguyên chứ không phải “bị” phân, hoặc phải chạy xin việc như bây giờ. Xung phong thì hiên ngang lên cho nó xứng danh chứ.
Xe bò tới đâu rừng tõe ra tới đấy, trời cũng tõe ra. Những người phụ nữ dân tộc (sau này tôi mới biết là người Bahnar) cởi trần đeo gùi hoặc địu con, mồm ngậm tẩu thản nhiên đi bộ. Những tán rừng với những gốc cây hàng vòng tay ôm xùm xòa, những khúc ngoặt có những đàn khỉ cãi nhau chí chóe. Một cảnh rừng không thể rừng hơn, không thể thanh bình hơn.
Tới bến xe Pleiku. Bến xe cũng nằm dưới một tán rừng, toàn thông cổ thụ. Nó là bến xe chung của cả xe khách liên tỉnh và xe lam nội thị, xe lam sẽ trung chuyển khách xuống bến xe nội tỉnh. Tôi ngước lên vòm thông, đầy sóc. Những con sóc thảnh thơi chuyền cành. Đẹp không thể tả, nhưng phải thú thực, cũng buồn không thể tả, bởi thông nhiều quá, trời âm u quá. Ngày mai, mà không phải ngày mai, ngay bây giờ, mình đã là cư dân ở đây, dù mai mới vào nhiệm sở trình quyết định.
Hồi ấy, Pleiku thông dày đặc phố. Mà phố thì nhấp nhô dốc.
Cả đô thị Pleiku khi ấy được xây dựng trên mấy quả đồi, nguyên là những miệng núi lửa hàng triệu năm trước. Nó cứ bung biêng thế. Thông rờm rợp, dốc bung biêng, và sương mù, và bướm... cả thành phố ẩn hiện trong dốc, trong sương. Tôi thả những bước chân đầu tiên sau khi cho phép mình hào phóng thuê một phòng khách sạn, cất đồ để đi thăm dò chứ chưa vào cơ quan vội. Và tôi mê Pleiku từ đấy.
Và điều ấy cắt nghĩa vì sao sau này tôi nhiều lần phản ứng ra mặt cái cách người ta xây mà như phá Pleiku, chặt hết cây, bê tông hóa, chỗ thấp thì đắp cho cao chỗ cao thì bạt cho thấp. Có lần, làm hẳn bài thơ “Gửi những cây thông thời quá khứ”, “lừa” được báo tỉnh đăng, báo ra, bị lãnh đạo tỉnh thời ấy... réo tên.
Rồi chuyến công tác đầu tiên của tôi xuống làng Tây Nguyên khoảng hơn một tháng sau đấy, cách tết âm lịch 1 tháng, lên huyện Đăk Glei. Một chuyến đi nhớ đời.
Từ Pleiku đi xe đò lên Kon Tum. Ngủ lại bến xe mua vé lên Đăk Tô, và tới Đăk Tô thì phải ở lại tới 2 ngày mới đón được xe zin ba cầu lên Đăk Glei.
Và tôi vào tận đồn biên phòng, một ngày đi bộ giữa rừng để tối nhọ nhẹ thì tới đồn biên phòng. Tất nhiên là tôi đi cùng một anh nguyên là lính biên phòng, ở chính cái đồn ấy. Rừng miên man, hầu như không thấy mặt trời. Tới một đỉnh núi, một khoảng trống hiện ra, dưới ấy có một cái nhà. Anh bạn đi cũng bụm tay lên miệng hú, 2 bóng áo trắng lao ra sân, cũng hú ầm ĩ.
Phải gần 2 tiếng sau chúng tôi mới tới đấy. Té ra nó là một ngôi trường.
Ngôi trường của 2 làng, nhưng làng, mà chả cứ làng Tây Nguyên, “trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, nên không làng nào chịu tới làng nào học, cuối cùng, làm cái trường, thực ra là một lớp và cái chái để các cô ở, khoảng cách giữa hai làng.
Về, tôi có viết một bài về ngôi trường kỳ lạ ấy (kỳ lạ với tôi, lần đầu tiên tới và biết rừng Tây Nguyên), nhiều người đọc, rồi bẵng đi. Sau có một tờ báo nghe tôi kể, quyết định tìm lại hai cô giáo mà tôi đã kể trong bài báo ấy, để tri ân các cô ấy, và tôi đã nhờ rất nhiều đồng nghiệp, nhiều thầy cô giáo ở Kon Tum, đặc biệt là Đăk Glei thời năm 1981-1982-83 ấy tìm lại, nhưng mà không được.
Cái lớp giữa rừng ấy vẫn cứ ám ảnh tôi tới tận giờ? Hàng tháng các cô thay nhau ra huyện nhận lương và mua gạo, thực phẩm (theo phiếu) rồi gánh về. Họ đã sống cả tuổi xuân của mình ở đấy. Giờ các cô đang ở đâu?
Hồi ấy, rừng còn thăm thẳm. Rừng còn mênh mông. Đặc quánh là rừng, hoang vu là rừng...
Bây giờ, tôi vẫn hay lái xe qua cung đường ngày xưa ấy, trên đường Hồ Chí Minh về Huế, có lần đi với đoàn phim làm phim về “Rừng xà nu”, vào cả đồn biên phòng ngày xưa. Nắng chói chang. Có hôm buồn ngủ quá, tính tìm một gốc cây có tán đậu xe chợp mắt một chút, mà đi mãi đi mãi chả có. À mà nói thêm, chúng tôi còn tìm được cả cái làng Xô Man của ông Mết ấy, giờ nó là một ngôi làng chang chang nắng, cây xà nu (thông) chỉ còn trong cổ tích, à trong truyện của Nguyễn Trung Thành, tức Nguyên Ngọc, chứ cả làng không một bóng cây.
2. Hồi ấy đang còn chung tỉnh Gia Lai và Kon Tum, có 2 thị xã là Pleiku và Kon Tum. Thủ phủ đóng ở Pleiku, tôi sống ở đấy, nhưng quả là, thích Kon Tum hơn.
Cách nhau 48 cây số, nhưng cứ có điều kiện là tôi nhảy lên Kon Tum, dù chả dễ dàng gì để lên dẫu chỉ chưa đầy 50 kilomet ở cái thời bao cấp, xe còn chạy bằng... than ấy.
Là những cái xe thời cổ lỗ sĩ, như bây giờ thì đã bị quẳng vào xó từ lâu rồi, thế nhưng hồi ấy cứ tung tăng chạy trên đường, tới đâu khói mù mịt, và nằm đường là thường xuyên, cái câu “ăn cơm khỉ” rất thông dụng để chỉ việc xe chết máy nằm dọc đường, có khi giữa rừng, chả quán xá gì. Rồi cấm vận, không còn xăng để chạy xe, ai đó sáng chế ra cách... đốt than để chạy xe. Mỗi cái xe cõng một cái lò tổ bố phía sau, trong ấy đốt than. Và trên nóc là chất toàn than. Xe chạy thi thoảng lại dừng để lơ xe leo lên vác bao than đổ vào lò rồi lấy cây sắt ngoáy cho than cháy. Ngồi xe ấy xong xuống, một là quần áo đầu tóc đầy than đã đành, mà người cũng chả còn giọt mồ hôi nào nếu mùa hè, còn mùa đông thì, ơn giời, khá ấm.
Thế mà vẫn hăm hở lên Kon Tum.
Vì trên ấy có bạn thơ là một. Và thành phố rất xanh và đẹp là hai.
Hồi ấy đói lắm, mọi tấc đất vỉa hè ở Pleiku đều được cuốc lên trồng khoai lang hoặc môn, để... nuôi lợn. Tất cả chỗ nào có thể làm giàn đều được dựng lên để trồng su su, cũng để ăn và nuôi lợn. Lợn là thứ quý nhất trong nhà. Cán bộ công nhân viên ai cũng nuôi lợn. Sau giờ làm việc, thú vui sung sướng và hạnh phúc nhất là cho lợn ăn, tắm lợn rồi đứng... ngắm chúng. Thậm chí còn truyền nhau câu châm ngôn: con có thể đói nhưng không được để lợn đói, con có thể ốm nhưng không được để lợn ốm..., đơn giản bởi vì lợn đói hay ốm là sụt cân ngay, là mất tiền ngay, thấy trước mắt ngay, con đói một bữa không sao, ốm một vài hôm rồi khỏi, chứ lợn thì không thể...
Thế mà ở Kon Tum ấy, người dân vẫn trồng hoa hồng.
Rất nhiều vườn hồng đẹp ở trong các ngôi nhà vườn kiểu Pháp, khiến ta có cảm giác nhẹ nhõm và sang trọng, dù đói triền miên.
Tôi nhớ có một quán cà phê trên tầng 2 của một ngôi nhà, chính xác nó là ở cái mái bằng của ngôi nhà ấy, và ngôi nhà ấy thì được một gốc đa rất lớn ôm lấy.
Tôi đã có những cuộc ngồi đấy đọc thơ.
Những việc vừa hão huyền, vừa sang trọng, vừa trái khoáy, vừa văn hóa trong thời buổi bấy giờ.
Nếu Pleiku là đô thị được xây dựng để phục vụ chiến tranh, với những khu gia binh và hàng rào kẽm gai, thì Kon Tum là đô thị do người Pháp, cụ thể là các cha cố, đã lên đây từ khoảng giữa thế kỷ 19 để truyền giáo và đặt nền móng. Nó gồm những ngôi nhà lợp ngói ẩn hiện giữa những khu vườn, những rặng nhãn.
Và những cô gái rất xinh, có những đôi mắt đẹp và buồn.
Họ là những giáo dân, con chiên của chúa. Tôi quen vài cô như thế.
Hát hay đã đành (trong ca đoàn), họ chơi piano nữa, món lúc bấy giờ là của cực hiếm, là cực xa hoa, quý tộc.
Thì ngay cái tòa giám mục, chủng viện thừa sai, cái nhà thờ gỗ... ở trung tâm thành phố ấy, đã đậm chất cổ kính với kiến trúc đẹp đã đành, lại rợp cây xanh, có những cây cổ thụ đã trăm năm, môi trường cực kỳ trong lành, giờ là những địa chỉ du lịch nổi tiếng, ai đã tới Kon Tum đều phải ghé dù họ không chủ trương làm du lịch.
Và gần đây, Kon Tum phát hiện ra Măng Đen, như là cô công chúa ngủ trong rừng được đánh thức.
Còn nhiều điều để nói về khu du lịch đang nổi tiếng này, nhưng rõ ràng, nó đang là một địa điểm khiến nhiều người háo hức khi nghe tới. Có người gọi đây là “ngôi sao du lịch mới”. Nơi đây nằm trên hành lang kinh tế đông tây và là phần không thể thiếu của con đường xanh Tây Nguyên. Măng Đen là cách người Kinh gọi chệch từ tên T'mang deeng, tiếng Mnâm có nghĩa là vùng đất bằng phẳng rộng lớn, là nơi phân thủy Đông- Tây Trường Sơn. Cách đây khoảng trên ba chục năm, tỉnh Gia Lai- Kon Tum cũ đã có một chiến lược trồng thông phủ kín rừng Măng Đen, và bây giờ thông ấy đã thành rừng cổ thụ đặc trưng lẫn với rừng nguyên sinh. Với độ cao 1.200 mét so với mực nước biển và với diện tích hơn 9000 ha đất bằng phẳng ấy, Măng Đen luôn có sương mù và mát quanh năm với nhiệt độ bình quân chưa bao giờ quá 20oC. Nếu phát triển đúng hướng, trong tương lai không xa nữa, một thành phố du lịch hiện đại và tiện nghi sẽ xuất hiện nơi đây, nơi được mệnh danh là chiếc tủ lạnh khổng lồ giữa lưng chừng trời. Sau tết vừa rồi, có một tin vừa vui vừa buồn về Măng Đen: Khu du lịch Măng Đen “vỡ trận” dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Vui là vì khách đã biết và đổ về, và buồn là, Măng Đen đã chưa kịp chuẩn bị để bước vào “làm ăn lớn”, mà với những gì mình có, nó hoàn toàn xứng đáng để trở thành một trung tâm du lịch chả thua gì Đà Lạt, Sa Pa...
Tôi có may mắn đến Măng Đen từ hồi còn rất hoang vu, ăn cơm với các cô công nhân lâm trường đang trồng thông thuở ấy. Nhạc sĩ Ngọc Tường, bạn tôi khi ấy làm ở đoàn Nghệ thuật Đam San, đã có bài hát để đời về Măng Đen “Tình ca Măng Đen” giờ được rất nhiều người thích và hát, trở thành “địa phương ca”, y như về Huế sẽ nghe nhạc Trịnh vậy, lên đây thấy chỗ nào cũng hát. Nó chưa hẳn là mối tình, nhưng đã có sự quyến luyến “không hề nhẹ” giữa anh nhạc sĩ với một cô công nhân lâm trường quê Nghệ An, nên bài hát về Tây Nguyên mà lại mang âm hưởng Nghệ là thế. Và té ra tôi đều có duyên với hai bài hát nổi tiếng về Măng Đen. Ngoài bài “Tình ca Măng Đen” thì còn bài “Ngẫu hứng Măng Đen”, khi lần ấy tôi đi cùng anh Đặng Ngọc Khoa, phóng viên báo TN lên Măng Đen mang quà cho các cháu học sinh ở đây, về anh viết bài thơ tặng Măng Đen và được nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa phổ nhạc. Đặng Ngọc Khoa mất rồi, nhưng giờ lên Măng Đen, chỗ nào cũng nghe hát: “Đã yêu thì về, đã say thì đến, yêu nhau thì về, say nhau thì về... cùng về Măng Đen, cùng về Măng Đen...”. Mới đây lên Măng Đen, một đêm đốt lửa và hát, tất nhiên có hai bài hát “tủ” kia... tôi tranh thủ “hồi ký” với các bạn Kon Tum và ngay cả Măng Đen về những ngày đầu Măng Đen và cả về 2 ông tác giả, một nhà thơ một nhạc sĩ tôi quen...
Trong quy hoạch, Măng Đen sẽ có một sân bay. Sân bay này cách sân bay Pleiku hơn một trăm kilomet.
Và lại nhớ cái thời xe than bò lên Kon Tum.
Măng Đen ngày ấy, trong ảnh có nhà văn Nguyên Ngọc (Thứ 2 phải qua, bên cạnh nhà cháu), ông Trịnh Kim Sung, nguyên trưởng ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum (Thứ 3 trái qua), một nhà văn hóa thứ thiệt. Nhà cháu áo ca rô ngoài cùng bên phải ảnh.
1 nhận xét:
Đọc tin của Cụ ngoài nhừng điều cần biết cái yêu thích nhất là lời văn ,... và thi thoảng được đọc thơ
Mong được mọi sự bình an
Đăng nhận xét