Như cái tượng ông Núp rất lớn ở ngã ba Hoa Lư, thành phố Pleiku. Sau khi khánh thành trống rong cờ mở... đã được cẩu vào một góc khuất để nhường cái bệ ấy cho một... cục đá.
-----------------
Pleiku
có một con đường khiến nhiều người lạ, đến đây lần đầu, phải đọc đến... trẹo mồm:
Wừu. Ngay trên máy tính, trong phiên bản word tiếng Việt, muốn gõ chữ này phải
dùng đến 3 thao tác, chữ W riêng, xong cách chữ, rồi đến ừu, sau đấy ghép lại mới
thành Wừu. Muốn gõ theo kiểu tiếng Anh cũng không được, vì nó có dầu huyền và
chữ ư. Đơn giản, nó là tên một người đàn ông dân tộc Bahnar.
Nhớ
có lần, nhà báo nhà văn Trần Chiến từ Hà Nội vào ở một khách sạn trên con đường
này, nửa đêm gọi tôi ồ ồi, chỉ là để yêu cầu tôi bày cho ông cách nhanh nhất để
đọc đúng tên này và có thể gõ nhanh nhất trên máy tính. Ông đương có cuộc liên
lạc về Hà Nội mà đọc không được, gõ cũng không ra chữ.
Hồi
mới lên Pleiku nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, tôi có được giao
tham gia vào cùng nhóm họa sĩ thực hiện xuất bản cuốn truyện tranh mang tên Bok
Wừu. Thực ra tôi chỉ phải đọc lần cuối cùng bản word trước khi in cho văn vẻ nó
đừng sượng quá, chứ toàn bộ công việc về cơ bản đã xong. Và sau đấy cuốn sách
được xuất bản, hoành tráng, tới mười mấy ngàn bản thì phải. Hồi ấy mà in truyện
tranh là thuộc diện “không phải dạng vừa đâu” vì rất tốn kém, phải chi rất bạo
mới dám in. Nhưng Ty văn hóa quyết in, vì đây là một nhân vật hết sức độc đáo,
hết sức đáng được tôn vinh, nhưng so với những nhân vật cùng thời, thậm chí thời
sau, như các ông được phong anh hùng: Núp, Kpa Klơng, Kpă Ó vân vân thì có vẻ ông
ít được biết hơn, dù con đường mang tên ông có trước tên đường anh hùng Núp.
Ông Núp thì hầu như ai cũng biết rồi. Kpa Klơng cũng nổi tiếng với danh hiệu
anh hùng từ khi còn rất trẻ và là nhân vật trong truyện ký "Người dũng sĩ
dưới chân núi Chư Pông" mà tôi đọc hồi còn rất bé, nhớ chi tiết anh này
đeo súng còn quệt đất và bắn xuyên táo rất tài. Chiến tranh, bom đạn, gian khổ
không hề hấn gì, nhưng tháng 8 năm 1975, ông lại bị chết khi đương chức tham
mưu phó tỉnh đội Gia Lai, quân hàm thượng úy, vì bị Fulro bắn ở ngay ngoại ô
thành phố Pleiku. Còn Kpă Ó thì quả là mãi tới khi lên Tây Nguyên làm việc tôi
mới nghe tên ông và nghe kể về bà.
Ông
Wừu tham gia cách mạng từ năm 1939, bị Pháp bắt đến 3 lần, và ở lần thứ 3 thì
ông bị giết một cách hết sức thương tâm, bị chặt hết các ngón tay, móc mắt trước
khi giết. Và ở lần này thì ông đã dẫn cả đội quân của đối phương vào nơi đội du
kích của ông đã cắm chông, khiến mấy lính đối phương bị sát thương, và ông đã
hy sinh anh dũng tại con suối quê hương ông ở Đăk Đoa.
Tôi
cứ ước, ở các bảng tên đường, nhất là tên danh nhân, có mấy dòng giới thiệu về
họ, để chả cứ người lạ, mà ngay những người hàng ngày qua đấy, biết con đường
mình đang đi, mang tên danh nhân ấy, là ai. Bởi quả thật, tôi tin, khá nhiều
người đang sống trên con đường Wừu ấy
cũng không biết ông này là ai, làm gì mà được đặt tên. Mà chuyện này chả cứ là
ông Wừu tôi đang kể đây, ngay cả rất nhiều danh nhân khác cũng thế. Cũng chả phải
lỗi tại người không biết, bởi đời dài rộng thế, thông tin mênh mông thế, sự kiện
dày đặc thế... làm sao một người có thể biết hết, huống gì, quả là, có những
tên đường, lấy tên danh nhân nhưng các danh nhân ấy chưa được phổ biến nhiều.
Ngay Hà Nội rồi Sài Gòn cũng vậy. Tôi viết bài này khi đang ngồi ở một khu du lịch
trên đường Nguyễn Thị Sửa, huyện Củ Chi. Nếu không phải dân Củ Chi ai biết bà
Nguyễn Thị Sửa, và ngay nhiều người đang ở trên con đường này có phải ai cũng
biết bà. Nên việc đặt tên đường phải kèm với giới thiệu. Tất nhiên có thể nó sẽ
làm rối mắt người đi đường, nhưng không phải ngay lập tức phải xem kỹ, có thể
lúc nào thuận tiện thì xem, còn trước mắt thì cứ đọc tên đường đã.
Cuốn
sách về ông Wừu tôi kể trên cũng đã lâu rồi, giờ tìm lại là cả một cuộc “mò kim
đáy bể”. Có năm nào đấy, cũng xa xa rồi, nhà điêu khắc Khúc Quốc Ân có ý định
làm một bức tượng về ông. Nhỏ thôi, không lừng lững hoành tráng gì, không bao
la bát ngát gì, một bức tượng như một số nơi ở nước ngoài hay làm, nhỏ bé thân
thiện, lẫn vào đời sống, vào sinh hoạt thường nhật, gần gũi thân thương và hài
hòa với môi trường, để ông lẫn vào cuộc đời như ông đã từng, để không ai quên
ông, dù ông không cần, để ý nghĩa của câu “uống nước nhớ nguồn” nó được bộc lộ
đúng nghĩa nhất, chân phương nhất, thiết thực nhất.
Sự
yêu kính các anh hùng là có thật, sự tò mò muốn tìm hiểu thân thế sự nghiệp của
các anh hùng là có thật, việc rất nhiều người muốn biết tường tận về các ông
cũng hết sức chính đáng, và việc học sinh không học môn sử, điểm thi môn này thấp
đến mức phải báo động cũng... đang diễn ra. Đời viết của mình, tôi cũng từng viết
về các anh hùng cả Gia Lai và Kon Tum như các ông Núp, A Sanh, Bùi Ngọc Đủ, Mết
vân vân, nhưng chưa bao giờ dựng chân dung ông
Wừu trừ cái lần tham gia tí tẹo làm cuốn truyện tranh về ông kia. Có lẽ
là lỗi tại tôi, nhưng có lẽ cũng còn một điều gì đấy nữa, khiến cho việc tìm hiểu
về ông không rốt ráo như các nhân vật khác, rồi sự lay động của nhân vật cũng
chưa tới, dù, nói thật, về cả chiến công và sự anh dũng, sự hy sinh, ông Wừu bi tráng hơn nhiều, oanh liệt hơn nhiều,
đáng để ngợi ca hơn nhiều, bởi ông đã sống một cuộc đời hết sức đẹp, và sự hy
sinh của ông cũng hết sức oai hùng, dù nó hết sức đau đớn và tàn nhẫn, bi
thương...
Cũng
được biết ở thị trấn Đăk Đoa quê hương ông cũng có một con đường mang tên Wừu. Còn con đường Wừu ở Pleiku càng ngày càng náo nhiệt. Tôi thấy
khá đông khách du lịch khi đến Gia Lai đều muốn tìm đến 2 con đường để chụp ảnh
dưới bảng tên, là đường anh hùng Núp và đường
Wừu. Trên mạng, search trên google, thấy rất nhiều bạn trẻ hỏi nhau Wừu là ai, và họ giải thích cho nhau, đọc rất
cảm động, dù thế phải thấy ngay, nhiều sự giải thích trên ấy chưa chính xác.
Không
ai tử tế mà bị lãng quên và không điều gì đẹp đẽ có thể bị lãng quên, huống gì
đây lại là một người anh hùng, anh hùng thật sự chứ không như một vài anh hùng
khác bị tước danh hiệu, hoặc chưa tước nhưng danh hiệu ấy coi như đã chết. Đã
có một con đường Wừu, đã có sách lịch sử
chính thống, đã có các danh hiệu, đã có nhiều người biết... nhưng có vẻ như,
ông vẫn bị chìm đi trong cuộc sống bề bộn hôm nay.
Tôi
cứ nghĩ, giá có thể làm thêm điều gì đấy về ông
Wừu, về người anh hùng của dân tộc Bahnar này, bởi nó không chỉ là lịch
sử, là sự tri ân, là thái độ của người hôm nay đối với tiền nhân, mà nó còn là
một cách để chứng minh rằng, lịch sử là một sự tiếp nối, và sự biết ơn là cách
hành xử của những con người có văn hóa.
Câu
chuyện về ông, con đường mang tên ông, quê ông, con suối nơi ông bị hành
hình... rất có thể và chắc chắn sẽ là nơi nhiều người muốn về, tìm hiểu. Thì đấy
cũng chính là mục đích của cái mà chúng ta hay gọi là "giáo dục truyền thống",
cách chúng ta vừa tôn vinh vừa lưu giữ, vừa bảo tồn vừa tiếp nối sự âm vang của
lịch sử, của ký ức, của những điều đẹp đẽ vẫn lan tỏa trong cuộc sống hôm
nay...
Nhưng
không có nghĩa là lại phải làm một bức tượng thật to về ông. Cái cách chúng ta
tri ân lâu nay, dễ và đơn giản nhất là... làm tượng. Nơi nơi làm tượng người
người làm tượng, những cái tượng rất to, hoành tráng mọi nhẽ nhưng lại hết sức
xa cách. Có nơi làm tượng xong còn cấm đường không cho dân vào. Và, xung quanh
chuyện làm tượng cũng có rất nhiều vấn đề, như đa phần tượng của chúng ta là...
xấu, như tiền vào tượng rất ít, là đều nêu lý do để làm là "thể theo nguyện
vọng của nhân dân" nhưng nhân dân đâu có được hỏi ý kiến. Nhưng cái chính
là, chúng ta thiên về tượng hoành tráng, to lớn, khổng lồ... đánh giá tượng qua
mức tiền bỏ ra, tượng sau phải to hơn tượng trước. Thấy ở nước ngoài, kể cả tượng
lãnh tụ, cũng hết sức giản dị, đứng trên bãi cỏ, bên đường, hài hòa với cảnh
quan và gần gũi nhân quần, ai đi qua cũng có thể khoác vai vịn cổ chụp ảnh. Và
hình như, cũng không vì thế mà nó mất thiêng liêng đi...
Như
cái tượng ông Núp rất lớn ở ngã ba Hoa Lư, thành phố Pleiku. Sau khi khánh
thành trống rong cờ mở... đã được cẩu vào một góc khuất để nhường cái bệ ấy cho
một... cục đá.
Vẫn là Cảnh sát toàn cầu ạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét