Thứ Ba, 20 tháng 10, 2020

LIỆU CÓ CÒN KỊP...

 


Năm nào cũng thế, cứ dịp này là nước ta bị lụt. Năm nay mới miền Trung bị. Tôi vừa về quê ở Huế giỗ mẹ, cũng biết là sẽ gặp lụt nhưng không nghĩ nó kinh thế. Là hai ngày đầu thì không sao. Sau đấy có một đêm mưa suốt đêm, và hôm sau cứ thế nước lừ lừ lên. Cũng nói luôn là, người Huế đã rất thông minh khi trong mỗi ngôi nhà rường đều có cái rầm thượng, hay gọi là cái rương cũng được, rất đẹp, như một phần của ngôi nhà, cũng chạm trổ tinh vi, con tiện sắc sảo. Và nhiệm vụ của nó chỉ là... chứa đồ khi lũ đến. Đồ người Huế thì hai thứ quý nhất là gạo và sách, sẽ ưu tiên lên đấy đầu tiên.

Thế rồi tôi bay vào Sài Gòn trong cơn mưa trắng trời, tưởng là sẽ không bay được. Hai ngày sau thì liên tục các tin đau lòng xuất hiện. Những là cái tàu Vietship bị sóng đánh khi đang neo ở bờ biển Quảng Trị, bị nạn cách bờ chưa đầy một cây số, ban ngày người trên tàu nhìn thấy bờ và người trên bờ nhìn thấy tàu, thế mà rồi chục con người đúng là "hồn treo cột buồm" mất 3 ngày mới cứu vào được, có một người bị chết. Mà phải tận trực thăng bay mấy chuyến rồi đặc công nước ra tay. Rồi một chị phụ nữ 35 tuổi ở xã Phong An, Phong Điền, ở ngay bên quốc lộ 1, đến ngày sinh chồng đưa đến bệnh viện, gặp chỗ nước sâu, nhờ cái đò đưa qua chỗ ấy, rồi lật đò, trôi ngay xuống... ruộng. Chồng và anh lái đò chỉ biết đứng gào khóc. Và cái tin mới nhất khi tôi ngồi viết bài này là một cái thủy điện ở xã Phong Xuân Phong Điền, cũng chả xa xôi gì, nhưng suốt một đêm một ngày mà vẫn chưa tiếp cận được sau khi nghe một cú điện thoại chập chờn cấp báo nhà điều hành thủy điện bị đất đè. Cả tư lệnh, phó tư lệnh quân khu 4, chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đều lao lên đấy, để rồi được nửa đường phải ngậm ngùi quay lui vì tắc đường.

Tổng cộng người đã bị chết và mất tích cũng nhiều rồi. Tôi nghĩ phải có cách thích ứng thế nào chứ năm nào cũng thế, cứ đến mùa bão lũ là lại thon thót.

Nhưng rõ ràng là cũng không thể chống trời. Chúng ta đã bao nhiêu năm chống trời. Chống lụt chống bão là chống trời chứ gì nữa. Chống thế quái nào được, một là tránh, hai là tìm cách chung sống hòa bình với thiên nhiên. Ví dụ những ngôi nhà của người xưa ở vùng miền Trung mà tôi có dịp tiếp xúc, thậm chí đưa về khu du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi phục dựng. Nhà lá mái Bình Định là một ngôi nhà chứng tỏ sự hết sức thông minh của con người trước tự nhiên. Bà con biết mình ở vùng rốn khắc nghiệt. Mùa hè thì cháy da, mùa mưa thì thối đất, thì lũ lụt nên làm ngôi nhà để đảm bảo có bão lũ vẫn ung dung tự tại, mùa đông thì ấm mùa hè thì mát, và nó là những ngôi nhà cực đẹp chứ không phải tạm bợ như bây giờ một số bà con vùng cát làm như hầm để bao giờ có bão thì chui xuống. Những ngôi nhà lá mái Bình Định ấy tồn tại hàng mấy trăm năm.

Nhưng giờ chúng ta muốn hòa bình với tự nhiên cũng chả được nữa. Rừng đã kịp hết, Thủy điện thành những quả bom nước, và bản thân nó cũng chống tự nhiên kinh khủng? Đã trở thành kẻ thù của nhau rồi.

Nhưng chả lẽ lại năm nào cũng thế.

          Đến bây giờ, sau khi cả nước ta cơ bản đã phủ thủy điện ở chỗ nào có thể ngăn nước làm thủy điện, thì người ta mới phát hiện ra rằng, thủy điện không hay như nhiều người đã từng tưởng. Nó không thân thiện với môi trường mà hủy hoại môi trường rất ghê, nó không an toàn mà gây ra rất nhiều “tiềm năng nguy hiểm”, nó cũng không thân thiện mà đang bị dân kêu rất dữ, thậm chí là quyết liệt phản đối. Chả cứ dân, nhiều hội đồng nhân dân các tỉnh, thậm chí cả trên diễn đàn quốc hội, nhiều lần vấn đề thủy điện đã được mang ra mổ xẻ, và chủ yếu là, kêu về thủy điện, phản đối thủy điện. Và cái vụ thủy điện Rào Trăng 3 ở Phong Điền, Huế mà tôi nhắc ở trên là ví dụ. Cứ hùng hục đào lõm vào núi. Rồi thì nước chảy... núi mòn. Đến một ngày nó sập xuống. Cũng sáng nay, thấy VTV đưa tin, cột điện cao thế Bắc Nam cũng đang bị ảnh hưởng bởi lũ, nó bị xói chân, giờ lấy bạt phủ để nước không ngấm rồi... tính sau.

          Có cảm giác bây giờ ai cũng có thể làm thủy điện, cứ có tiền là làm thủy điện. Cũng có người bảo, không nhất thiết người bỏ tiền làm thủy điện phải phân biệt thế nào là roto thế nào là stato, đâu là cửa nhận nước đâu là đập tràn, mà đã có đội ngũ kỹ thuật lo, mình chỉ việc bỏ tiền là xong. Là xong, nên mới xảy ra những vụ như ở Đăk Mek, Đăk Glei, Kon Tum, người ta đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác thay cho bê tông cốt thép, kết quả là 109 mét tường ở đập thượng lưu bị vỡ, một người chết, đến mấy năm chưa xử lý xong hậu quả. Hay như vụ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, Đức Cơ, Gia Lai) vỡ không chỉ một lần mà đến 2 lần, tàn phá không biết bao nhiêu tài sản của dân. Thủy điện An Khê Ka Nak thì liên tục lên diễn đàn hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai và cả quốc hội, mà một đại biểu quốc hội của Gia Lai là ông Huỳnh Thành đã phải thống thiết mà rằng, đây là “sai lầm thế kỷ”. Nó khiến con sông Ba hùng vĩ vắt ngang Tây Nguyên, sổ xuống sông Đà Rằng giờ cạn khô đáy, lòng sông trở thành nơi bò gặm cỏ và ô nhiễm khủng khiếp, khiến cả vùng hạ lưu, trong đó có thị xã An Khê giờ thành những vùng khô khát. Nhưng không hẳn chỉ khô khát, bởi thi thoảng, “hứng chí” nửa đêm thủy điện lại xả nước phát, cả thị xã lại chìm trong nước... Đã từng vì xả lũ bất ngờ mà năm nào đấy, 2 cô giáo ở huyện K’bang trên đường đi dạy bị lũ cuốn trôi, nhà nước tốn rất nhiều công và của để tìm được xác 2 cô. Cả 2 cô giáo đều còn rất trẻ, dẫu mưa gió nhưng vẫn đi vào trường dạy, và nước xả từ thủy điện An Khê Ka Nak ào ào xả xuống, họ đã không kịp chạy khi đang đi trên đường.

Tỉnh Quảng Nam, nghe nói giờ là địa phương có nhiều thủy điện nhất nước, thì năm nào đến mùa lũ là cả tỉnh lại thon thót vì đến mấy quả bom nước lơ lửng trên đầu, trong đấy “vĩ đại” nhất là 2 quả bom Phú Ninh và Sông Tranh . Năm nào xong mùa lũ lại cũng có những bài báo ca ngợi sự thông minh can đảm của một đồng chí lãnh đạo nào đó đã bình tĩnh khôn khéo, trong những giờ khắc quyết định đưa ra những mệnh lệnh sáng suốt để cứu hàng vạn dân không bị nhấn chìm trong bom nước. Năm nào xong mùa lũ cũng có những tiếng thở hắt ra để reo lên: Thoát rồi...

Và cũng té ra, để làm thủy điện, rừng đã phải “hy sinh” rất nhiều, và theo đấy, môi trường văn hóa của khu vực ấy cũng bị biến đổi theo hướng tiêu cực rất ghê. Chỉ một ví dụ nhỏ thôi: Những ngôi làng tái định cư thủy điện, đố ai nghĩ đấy là làng, và cho các ông bà làm nên những “ngôi làng” ấy vào ở, họ có dám ở không?

Thực ra phải nói một cách cay đắng rằng: về cơ bản, rừng Tây Nguyên không có cửa nữa dù thủ tướng đã ra lệnh, mấy lần rồi thì phải, là đóng cửa rừng, bởi chỗ nào cũng là cửa rồi, và cũng về cơ bản, Tây Nguyên đã hết rừng.  Nhà nước và nhân dân cùng... phá rừng, rừng tan tác, rừng trơ trụi, rừng hoang mang, rừng trọc lếu...

          Rừng không chỉ có gỗ, mà nó gồm cả một hệ thống các loại động thực vật dằng dịt trong ấy, nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, đối nghịch nhau, tranh giành nhau... mà sống và cùng sống.

          Và con người, cũng hàng vạn năm có hơn, cũng hài hòa với rừng như thế. Hàng vạn năm rừng biếc xanh, rừng thăm thẳm, rừng bạt ngàn, rừng tầng tầng lớp lớp... thế mà chỉ mấy chục năm qua, chúng ta đã biến rừng thành những quả đồi trọc lốc, thành những thảm cao su, tiêu, cà phê... mà ta cũng gọi là... rừng, trong đấy, vụ triệt hạ 50 ngàn héc ta rừng để trồng cao su là đau đớn và tàn nhẫn nhất. Và người ta đã làm gần xong. Chủ trương là dùng rừng nghèo để trồng cao su, nhưng khi phá nào ai phân biệt được giàu nghèo, và trồng cao su thì người ta cũng đã trồng trên... giấy. Trong khi các nhà khoa học, những người Tây Nguyên yêu rừng thì cho rằng: Rừng dẫu nghèo thì vẫn là rừng, cao su có bạt ngàn ra đấy, có thẳng tắp ra đấy, có vàng trắng như đang gọi đấy, thì vẫn không thể là rừng...

          Một bác sĩ đã phải thốt lên: “Hàng triệu tấn bom không phá được rừng Tây nguyên. Ấy vậy mà dollar rải xuống rừng không còn một cây”. Khá nhiều người buồn bã: “Giờ rừng chỉ còn cỏ tranh và cúc quỳ chẳng ma nào ngó thì đóng làm gì nữa”...

          Rừng bị phá nó không chỉ là rừng bị phá, mà nó làm đảo lộn toàn bộ đời sống văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Những người coi rừng là một phần cuộc đời mình, gắn bó với mình như con người với ngôi nhà, hôm nay coi rừng như một đối tượng để kiếm tiền, nó khiến cho xã hội chuyển dịch rất lớn, phá tan giềng mối, phá tan kết cấu buôn làng, từ đấy làm hỏng các mối quan hệ tốt đẹp từ ngàn đời...

          Cái vụ năm nay mưa chưa bao nhiêu mà đồng bằng đã lụt nó liên quan rất mật thiết tới rừng Tây Nguyên. Còn rừng, cả Tây Nguyên như cái thùng chứa khổng lồ mà thiên nhiên ban tặng điều tiết nước cho đồng bằng. Hết rừng, nước mưa cứ thế thông thống chảy xuống. Và nó làm nên những điều mà chúng ta đã thấy mấy hôm nay, và nhiều năm trước đó nữa... Và thực ra, giờ, không chỉ còn đồng bằng bị lũ và lụt nữa. Đến hôm nay, Tây Nguyên đã có mấy người chết rồi, ở Gia Lai và Lâm Đồng...

(Không đưa kèm ảnh lũ lụt nữa, đau lòng lắm ạ. Bài trên báo CSTC phát hành hôm nay).






                                                                                 

 

                                                                       

 

 

 

 

6 nhận xét:

Nguyễn Nguyên nói...

Tôi rất tâm đắc với bài này, nhưng hôm nay (21/10/2020), trả lời trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng Cục trưởng Tỏng cục Lâm nghiệp cho rằng "nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng". Hoang mang quá.

Nguyễn Nguyên nói...

Tôi rất tâm đắc với bài này, nhưng hôm nay (21/10/2020), trả lời trên báo Dân Việt, ông Nguyễn Quốc Trị-Tổng Cục trưởng Tỏng cục Lâm nghiệp cho rằng "nói lũ lụt ở miền Trung do phá rừng là không đúng". Hoang mang quá.

Thi công lắp đặt máy lạnh âm trần ống gió daikin nói...

lắp máy lạnh tủ đứng LG
bán giá tốt máy lạnh tủ đứng Funiki
Đau lòng lắm, năm nay mùa xuân dịch bệnh, mùa hạ hạn hán ngập mặn, thu dịch bệnh đợt 2, đông về thiên tai lũ lụt
Cầu mong mưa gió ngừng lại, thủy hạ nhanh

Văn Công Hùng nói...

@Nguyễn Nguyên: Đúng là hoang mang ạ. Là các ông ấy hoang mang ấy ạ.
@Thi công lắp máy... Vâng, cầu mong thôi ạ.

Quế Sơn nói...

+Rường: Phần trên của nhà rường gồm: Xuyên, trính, đòn tay, đòn dông, vì kèo, ron, lách...
+Cột: Phần chịu lực đội nâng phần rường.
Nói gọn: Bộ phận quan trọng nhất của nhà ở là rường và cột. Từ dó từ rường cột xuất hiện với ý nghĩa vừa cụ thể, vừa trừu tượng. "Thanh niên là rường cột nước nhà".
+Rầm giữa của nhà rường chỉ có 2 chức năng: cất giữ những vật dụng quí và cần thiết của gia đình để gìn giữ truyền đời, tránh mất mát, ẩm ướt; trang trí không gian và làm thoáng sạch nơi bày biện mâm cỗ để dâng cúng gia tiên hoặc tiếp khách quí. Nếu trú tránh lũ lớn thì trú ở rầm trái, rầm phải, rầm các chái đông tây.
+Lũ lụt là hiện tượng tất yếu của trời đất. Nó bồi đắp phù sa, thay đổi môi trường, bầu không khí, tiêu diệt và hạn chế thiên địch, mang tôm cá về sông suối ruộng đồng. Đối với nông thôn, nếu năm nào vắng lũ bão, người nông dân lo lắng, không an lòng trong sản xuất, trong đời sống.
+Vì sao mà lũ bão dữ dằn thì đừng qui cho mẹ thiên nhiên. Thậm chí, chỗ nào nơi nào cũng chủ nghĩa gì gì đó bách chiến bách thắng, thậm chí còn huênh hoang "chống" bão lụt. Hậu quả ra sao, thế nào thì mọi người quá rõ.

Văn Công Hùng nói...

Hihi cụ toàn nói chuẩn ạ