Giới báo chí nước ta đang hân hoan bước vào tháng 6, tháng được coi là của những người làm báo (dù tháng này còn mấy ngày nữa, trong đó có ngày... 1/6). Năm nay lại còn kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, dù tôi vẫn thủ cựu cho rằng, nên lấy mốc báo chí Việt Nam từ trước đó, từ hồi tờ Gia Định Báo ra đời vào tháng 4 năm 1865, thấy các liên chi hội đang tổ chức các hoạt động rất náo nhiệt, như gần 200 nhà báo các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung về thành phố Pleiku thi đấu thể thao “lập thành tích chào mừng” vân vân...
Thì cũng đồng thời, công an Thái Bình công bố kết luận điều tra truy tố ông Đồng Xuân Thụ, tổng biên tập tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam cùng các đồng phạm, là cấp dưới, nhân viên, phóng viên của báo trong vụ cưỡng đoạt tài sản trải dài trên một số tỉnh.
Điều đau đớn là, trong vụ này, ông Đồng Xuân Thụ đã biến nguyên cả cái tòa soạn báo của mình thành một ổ tội phạm.
Thực ra thì, nghĩ cho cùng, nhà báo trước hết cũng là những con người, nên họ cũng có người này người kia, mà dân mạng giờ hay nói nhà báo this nhà báo that, dù họ có hội Nhà báo để chủ yếu làm 2 việc: Bồi dưỡng nghiệp vụ (có xét duyệt đầu tư cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao) và tu dưỡng, rèn luyện để “bút sắc lòng trong” như vẫn đăng rất nhiều để dặn nhau trong các dịp lễ lạt. Lâu nay chúng ta vẫn nghe chỗ này chỗ kia nhà báo này nhà báo nọ bị kỷ luật, bị tố cáo, thậm chí bị bắt vì vi phạm pháp luật, chủ yếu là đi dọa nạt, tống tiền, nhưng là cá nhân hoặc nhóm vài ba người.
Và nó có một thực tế thế này nữa, một số báo, tạp chí nhỏ ấy, phải tự nuôi nhau ấy, họ “nới lỏng” quy định hơn, giao cho các văn phòng hoặc phóng viên thường trú phải tự lo kinh phí mà hoạt động, thậm chí có tờ còn yêu cầu nộp ngược về tòa soạn. Các báo lớn, bề thế, giàu rồi, họ chỉ chuyên tâm vào chuyên môn, làm sao để có bài hay bài tốt để người đọc yêu báo hơn, và rồi quảng cáo và các nguồn kinh phí theo đấy mà về, chứ không phải “giật gấu vá vai”, “tay không bắt giặc” như kiểu tạp chí “Môi trường và đô thị” này.
Thế là ông Đồng Xuân Thụ và ê kíp nghĩ ra cái mẹo mà không phải ai cũng có thể nghĩ, một cái mẹo đầy chất nhân văn, hết sức tốt đẹp và hợp lý, hợp tình, đầy ý nghĩa cao cả. Ấy là ông Thụ chỉ đạo phát động chương trình “Cây chổi vàng” (dưới danh nghĩa do tạp chí phát động) với mục đích tôn vinh, trao quà cho những công nhân vệ sinh môi trường toàn quốc. Trời ơi tốt đẹp đến thế kia mà, nhân văn đến thế kia mà, ý nghĩa đến thế kia mà. Chúng ta ai mà chẳng biết, chẳng tường, chẳng sẻ chia thông cảm với đời sống và công việc của các công nhân môi trường. Vất vả khổ cực đêm hôm sớm mai, chịu nắng chịu mưa chịu rét. Thế nên cái việc của ông Thụ và tạp chí Môi trường và đô thị ban đầu được hoan nghênh nhiệt liệt.
Nhưng té ra, phía sau, nó là một ổ tội phạm.
Từ tổng biên tập, phó tổng, kế toán, tới các văn phòng và phóng viên thường trú biến thành phóng viên... đếm tầng, cách dân gọi những nhà báo chuyên đi trấn lột, đếm tầng (vượt thiết kế xây dựng) để dọa nạt thu tiền.
Tôi có biết tới 4 người là phóng viên của tạp chí này thường trú ở một tỉnh Tây Nguyên. Trước đó đã phong thanh biết những việc làm của họ, và cũng từng cảnh báo xa xa, nhưng họ bất chấp, thậm chí càng lún sâu hơn. Và kết quả là cả bốn đều cùng bị bắt và di lý ra Thái Bình. Và đều có tên trong kết luận của cơ quan điều tra công an Thái Bình vừa ban hành, trong đó tới hai người bị truy tố ở khung từ 12 tới 20 năm tù.
Cũng là một người làm nghề, thú thật tôi hết sức xấu hổ và cảm thấy mình bị tổn thương dù... chả liên quan gì.
Và nữa là, viết về đồng nghiệp, về nghề của mình cũng day dứt lắm, đau đớn lắm, nhưng quả là, tới cái vụ này thì không thể đừng được. Vì nó trắng trợn quá, thô bỉ quá, xúc phạm nghề và đồng nghiệp tử tế quá.
Thời gian gần đây, các ngành chức năng liên tục triệt phá các vụ làm thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả làm nhân dân rất hả hê, tán thưởng. Và với vụ báo chí cũng giả này, chính xác là mượn danh báo chí để trấn lột, làm tiền, cũng được nhân dân rất đồng tình, hoan nghênh.
Nhóm báo chí này được cho là đã 82 lần cưỡng đoạt tài sản số tiền trên 5 tỉ đồng. Và số tiền này đa phần là được chia đôi, tòa soạn hưởng một nửa, nửa còn lại của người “thi hành công vụ”. Để “hoàn thành công vụ”, nhóm phóng viên tạp chí này đi tìm sai phạm, sơ hở của các doanh nghiệp, viết bài đăng lên website rồi tới đặt vấn đề... gỡ, bằng cách ký hợp đồng quảng cáo, tài trợ ủng hộ chương trình "Cây chổi vàng", "Vẽ tranh cho thiếu nhi" hoặc hợp đồng truyền thông với số tiền cụ thể để được gỡ bài, ẩn bài, xóa bài...
Vấn đề là, sau đây, làm sao để có một cơ chế để báo chí hoạt động thuận lợi nhưng lại cũng ngăn ngừa được tiêu cực kiểu như vụ chúng ta đang kể, chứ lập ra báo mà không có tiền nuôi nhau thì bèn phải làm bậy thôi. Báo chí cần tự chủ, nhưng tự chủ có điều kiện, chứ không phải “bằng mọi giá” như tờ này để rồi đi làm bậy.
Theo cáo trạng được một tờ báo dẫn lại thì Công an tỉnh Thái Bình đang áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can: Đồng Xuân Thụ, Nguyễn Thị Ánh Hồng, Bùi Văn Toàn, Nguyễn Ngọc Tuyên, Đặng Văn Phục, Vũ Đức Lâm, Lê Hồng Kế, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Văn Dương, Vũ Đình Năm, Đinh Văn Nga, Nguyễn Thanh Tâm, Phạm Hồng Dương, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Đức Anh, Phạm Ngọc Hoàng, Cao Thị Thu Hường, Nguyễn Giác, Trần Quang Huy, Bùi Công Lực, Nguyễn Văn Thưởng, Nguyễn Văn Hiền, Lê Công Thanh, Nguyễn Việt Phương, Cao Anh Tuấn, Nguyễn Đức Huấn, Tào Xuân Thủy, Nguyễn Văn Thụy, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Thị Tuyết, Trần Tuấn Hải, Nguyễn Sỹ Hùng, Ngô Thị Hường, Trần Văn Tuấn.
Các bị can được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú: Hoàng Thị Minh Thanh, Tạ Phương Thảo, Trần Thị Thúy.
Các bị can được áp dụng biện pháp bảo lãnh: Nguyễn Tất Triển, Đặng Văn Nam, Nguyễn Tiến Dũng, Huỳnh Thị Kim Chi, Trần Văn Tuấn (sinh năm 1977).
Tức ba mươi tư người bị bắt giam, bốn bị cấm đi khỏi nơi cư trú, năm được bảo lãnh. Theo thuật ngữ quân sự thì vừa một tòa soạn đủ.
Trước ngày nhà báo, phải viết chuyện này, rõ ràng rất buồn. Nhưng cũng là một cách “tự phê bình” để cho “bút sắc lòng trong”.
Cuộc rải tro nhà báo Pháp Georges Boudarel, một nhà báo yêu VN cho đến khi chết vẫn đề nghị được mang tro cốt về rải ở VN. Và nhà cháu được tham gia cuộc rải trên sông Bé. Sau đấy còn mang về Đà Nẵng và Hà Nội rải. Trong ảnh là các nhà văn Nguyễn Ngọc Giao (Pháp), Bích Ngân, Trầm Hương và nhà cháu.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai, tình yêu một thời của nhà báo Georges Boudarel và di ảnh của ông trên cầu sông Bé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét