Thứ Ba, 18 tháng 3, 2025

ANH KHA, NHÀ THƠ NHẠC SĨ NGUYỄN THỤY KHA

 

TBT báo Nghệ An NK gọi, anh ơi anh à, viết cho em bài chia tay nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha với. Nói thật là không định viết gì, vì sẽ biết rất nhiều người viết, nhưng với NK thì nhà cháu rất nể, nó đối xử với nhà cháu như một CTV hết sức thân thiết dù có khi cả năm nhõn bài, thế nên nó đã gọi thì... không thể từ chối.
Bèn viết. Rồi mail ngay cho nó, nó nhắn lại: em gọi anh là bắt đầu rời HN, giờ chưa tới Vinh anh đã viết xong. He he ý là nó khen mình nhưng mình thì giật mình, khéo mà viết vội, ẩu, ông anh mắng bỏ mẹ.

Và nửa đêm hôm ấy thì báo Nghệ An đăng online. Và, may là, rất nhiều người đọc. Và khen là viết chân tình, xúc động.

Hôm qua mọi người tiễn anh Kha đi, một đám tang rất nhiều VNS tới đưa, và cũng rất nhiều báo viết và đưa tin.

Vĩnh biệt anh Nguyễn Thụy Kha.

--------------------------


Hôm nay, 13/3/2025, hầu như các báo đều đưa tin nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha từ trần. Facebook các nhà văn nhà báo cũng đều “kể chuyện” về ông và chia buồn về sự ông ra đi.

Tôi may mắn được quen ông từ khá lâu, hồi khoảng năm 85-86 thế kỷ trước, ông vào Pleiku và tôi là người ra sân bay đón. Và của đáng tội, nhờ đi đón ông mà lần đầu tiên tôi biết cái sân bay Cù Hanh này, dù trước đó đã nghe tên.

Tất nhiên là tôi rón rén trước ông.

Ông hỏi tôi làm gì, tôi bảo dạ em làm... cán bộ. Ông hỏi có làm thơ không? Dạ có, đọc một bài anh nghe. Tôi lập cập đọc, ông nghiêng mặt nghe, xong bảo, cố lên em.

Rồi ông kể cái máy bay AN 24 nó xoay như thế nào trước khi hạ cánh, gió Pleiku to như thế nào, cảm giác nôn nao ra sao. Thời ấy AN 24 là máy bay Liên Xô thì phải, và ghế thì dọc thân máy bay như ghế... xe lam. Và ông kể về đời lính thông tin của ông, từng đi rải dây ở đâu ở đâu, có Tây Nguyên.

Rồi chiều, ông lại lên phòng tôi (ông ở nhà khách của Ty Văn hóa, phòng làm việc của tôi sát đấy) bảo em nghe bài hát của anh nhé, mới viết xong. Và ông hát, gân cổ nổi chằng chằng, mặt đỏ gay dù da ông rất trắng, bài hát “Những chuyến bay hòa bình”. Tôi hết sức phục ông ở cái ý tưởng, cái tứ bài thơ, rằng lâu nay sân bay Cù Hanh là sân bay chiến tranh, toàn phục vụ những chuyến bay mang bom, giờ nó không mang bom, nó chở khách, chở thi nhân, những chuyến bay hòa bình: “Những chuyến bay lên Cao Nguyên, những chuyến bay hòa bình/ Những chuyến bay lên Pleiku, những chuyến bay không mang bom”...

Sau tôi được thân với ông. Cái nhóm ông có 3 người là ông, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo và nhà thơ Nguyễn Hoa. Có lần tôi ngồi với cả 3 ông ở nhà anh Nguyễn Trọng Tạo, tầng 6 khu Phương Mai, nơi ông Tạo làm bài thơ “Cỏ may trên sân thượng” thì phải, xong phải kêu lên: em không hiểu sao anh Nguyễn Hoa lại thân được với ông Kha ông Tạo. Bởi, 2 ông kia uống như thần trùng, nói như bão giông, đọc thơ và hát như thác, nhưng bác Nguyễn Hoa không uống, không nói, cả không đọc thơ, chỉ ngồi nghe. Mà nếu có bị hai bác kia ép đọc thơ thì bác Nguyễn Hoa cũng đọc những bài thơ rất ngắn, ngắn nhưng khiến cả mâm nhậu lặng đi, như có lần tôi nghe nhà thơ Nguyễn Hoa đọc: “Em là muối/ ướp nỗi đau/ tươi mãi”. Cả bác Kha bác Tạo đều suýt xoa: hay quá.

Có rất nhiều giai thoại về tình bạn của mấy ông cùng tài hoa này, nhất là anh Kha anh Tạo, trong đó vui và nhộn nhất là câu: Anh Hai nói với anh Ba/ Văn nghệ không có Tạo Kha thì buồn”, thực ra khi đọc thì tùy tình hình cụ thể mà thay tên anh Hai vào.

Với xứ Nghệ, ngoài rất thân với nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo thì anh Kha cũng rất thân với nhà thơ Hoàng Trần Cương. Tôi nhớ một lần anh Kha gọi điện thoại khoe với tôi mới phổ nhạc trường ca “trầm tích” của anh Cương. Tôi nói thật là rất thích, rất mê cái trường ca ấy của anh Hoàng Trần Cương, nhưng để phổ nó thành ca khúc, hay giao hưởng, hợp xướng hay gì gì nữa thì tôi không tin lắm. Thế là anh Kha hát, tôi càng thất vọng vì thứ nhất là bác này hát không hay, nhưng được cái... đúng nhạc, thứ hai là lại hát chay, hát qua điện thoại, cái thời điện thoại bàn dây nhợ lằng nhằng nghe rõ cả tiếng lạo xạo của gió. Nhưng sau đấy, thì anh Kha, chả nhớ bằng cách gì đấy, chuyển cho tôi cái đĩa CD thu hợp xướng của anh, do dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam dựng. Tôi mê luôn, rất hay. Và cái máy tính bàn của tôi ở cơ quan mỗi khi tôi khởi động thì tự nó phát ngay bài ấy. Nó là bài “Miền trung”. Những câu thơ thần nhất của anh Hoàng Trần Cương ở chương “Miền Trung” đều được nhạc sĩ giữ lại, mà vẫn mềm mại, và nhuyễn.

Lần cuối gặp anh Kha là khoảng tháng 4 năm 2024 tại thành phố Hồ Chí Minh ở một cuộc hội thảo. Nhớ anh nhắn: bỏ cuộc tiệc mời, đi với anh. Té ra bác này thuộc Sài Gòn chả khác gì Hà Nội. Ở Hà Nội, Nguyễn Thụy Kha có những “góc quán” của mình. Cũng đầu năm ngoái, ra Vinh dự cái hội nghị CTV báo Nghệ An xong tôi ra Hà Nội để bay về Pleiku. Khuya khuya rồi, điện thoại reo, máy hiện tên Nguyễn Thụy Kha, tôi nghe, anh bảo: biết em vừa tới Hà Nội, phi tắc xi ra đây uống với anh mấy li, rồi tao tặng sách cho mày, sách mới tinh. Nói thật là rất mệt, nhưng vẫn phải phi tắc xi tới, ông đang ngồi đấy, cái quán có cái ô rượu Nguyễn Thụy Kha, uống xong gửi lại đấy, hôm sau ra uống...

Nếu cần kể chục người ở Việt Nam làm việc thực sự có hiệu quả trong lĩnh vực báo chí, văn chương và cả âm nhạc, thì chắc chắn sẽ có Nguyễn Thụy Kha. Ông toàn viết tay, và gặp ông lúc nào cũng như đang... la đà say, nhưng sau đấy thì ông viết. Và không chỉ viết, ông xuất bản mồm cũng rất kinh. Tuổi ấy nhưng trí nhớ vẫn rất tuyệt vời, ông nhớ vanh vách từng sự kiện từng nhân vật, cả những chi tiết khó nhớ nhất như ngày tháng xảy ra, như những sự kiện liên quan...

Ông cũng thương đàn em. Lâu rồi, biết tôi đang Hà Nội, ông gọi bảo, trưa nay tới 1B Chân Cầm ăn rươi với anh, đương mùa đấy. Tôi đến, tất nhiên có Nguyễn Trọng Tạo và mấy người nữa, và tôi, quả là lần đầu tiên được ăn bữa rươi ngon thế. Thi thoảng lại có một vài đàn  em ông xuất hiện, họ kêu một vài món, trả tiền rồi đi trước, tôi và ông Tạo ông Kha ngồi tới chiều.

Nhà báo nhà thơ Trần Nhật Minh, trưởng ban VOV6, một trong những đàn em của ông, cùng nhà thơ Thái Chí Thanh, cũng đàn em ông, người luôn chiều ông trong mọi điều kiện, cách đây hơn tháng nhắn tôi: anh Kha mệt nhiều, tranh thủ ra thăm cụ, nếu cụ đỡ uống với cụ vài li.

Nhưng rồi tôi chưa ra được, thì anh Nguyễn Thụy Kha đã ra đi.

Rất nhiều người thương và tiếc anh, dẫu 77 cũng không phải là trẻ nữa, nhưng vẫn tiếc.

Là nhà thơ, thơ Nguyễn Thụy Kha có nhiều nhạc sĩ phổ, trong đó tôi rất thích bài “Chiều không em” của anh do nhạc sĩ Phú Quang phổ. Là nhạc sĩ, anh cũng phổ rất nhiều thơ người khác. Và anh còn là người viết sách về âm nhạc, cả nghiên cứu và phê bình như các cuốn sách: Văn Cao - người đi dọc biển, Nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam, Những gương mặt nhạc thế kỷ, Nguyễn Thiện Đạo – nhạc sĩ bị giời đày, Huy Du - đời và nhạc…

Ông viết cả truyện ngắn, nhưng có lẽ các lĩnh vực khác của ông nổi hơn nên ít người biết.

Nhưng trên hết, ông là một người... chơi. Việt Nam có mấy ông nhà văn nhà thơ được mệnh danh là người... chơi, như Hoàng Phủ Ngọc Tường, như Nguyễn Trọng Tạo, và Nguyễn Thụy Kha. Họ chơi tận cùng, nhưng cũng lao động tận cùng. Thì cứ nhìn số lượng tác phẩm, công trình của họ thì biết.

Chiều nay, tôi ngồi cà phê với mấy người bạn, một bạn nữ tự nhiên đọc: “Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Thấy hồn mình tách thành hai nửa/Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa”...

Vĩnh biệt anh Kha, nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Dưới kia, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo, bạn rất thân của ông, đã bày mâm đợi ông, tôi đoán thế.

Link gốc Ở ĐÂY Ạ.


 


 

Không có nhận xét nào: