Hồi nhỏ học phổ thông, thầy địa lý của tôi kể: Có những vùng như sa mạc Sahara, người ta phải làm cây giả, bằng tôn hoặc sắt sơn xanh để làm dịu môi trường, để con người có cảm giác cây.
Tôi không ấn tượng lắm, vì đất nước tôi rợp cây, cả trong thực tế và trên... lý thuyết.
Tôi lên Pleiku khi đã qua thời phổ thông, tất nhiên, nhưng cũng chưa cảm nhận được cây xanh nó quý như thế nào, bởi lúc ấy Pleiku cũng đương rợp bóng cây, ra khỏi thành phố là rừng, mênh mông rừng, thăm thẳm xanh, rợn ngợp xanh.
Tôi đã đúc kết trong mấy bài viết, cả thơ và báo từ thời ấy, đặc trưng của Pleiku là thông, dốc và sương mù. Dốc thì: “Con dốc đổ cồn cào nỗi nhớ/ Dáng Huế trong em. Phố núi sau mưa”. Còn đây là dốc của nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Càng xuống đèo anh càng nhớ em hơn/ Nhớ thị xã, ôi nhiều vô chừng dốc”.
Những câu thơ của tôi thời ấy nhoi nhói cây: “Chẳng có cánh cò nào mà mắt nhìn bát ngát/ dải mây hông vương rối tóc thông” tôi viết khi lên Pleiku được 4 năm. “Những gốc thông như những tiếng thở dài/ thả vào trời xanh nỗi buồn thầm lặng”- tôi viết khi những cây thông cổ thụ ở Pleiku bị chết, vì nhiều lý do, và mới nhất, bài thơ tôi viết tết năm nay: “rồi tết cũng ập về/ chiều ba mươi toàn nắng”... vân vân.
Rồi thành phố đã nhiều lần thay cây. Rồi cây cổ thụ vợi hẳn đi. Thì cũng nhiều lý do, trong đấy có cả lý do chủ quan và khách quan. Hôm nọ tôi chở anh bạn đồng nghiệp chạy trên đường Cao Bá Quát, và ngạc nhiên: ôi nhiều cây xanh quá. Rồi con đường Lý Tự Trọng, đường Nguyễn Du... giờ cũng mát rười rượi... Có điều những con đường từng rất nhiều cây thì giờ nắng quá. Xem bộ ảnh sưu tập của anh Nguyễn Quang Hiền mà tiếc. Một thời, thành phố đầy thông
Một làn được tiếp xúc với tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ, được chị chuyển cho một tài liệu về cây xanh Pleiku. Đấy là một dự án có tên “Pleiku xanh” được chị và các đồng nghiệp phác thảo. Là người sống ở Pleiku, đang dạy môn sinh học ở trường chuyên Hùng Vương, chị có nhiều duyên nợ lẫn khả năng hiểu biết về cây xanh Pleiku, vì thế những gì chị chuyển cho khiến tôi, một người cũng quan tâm tới cây xanh, và không chỉ cây xanh, hoa lá nữa, của Pleiku, khá thích thú.
Nhớ, lâu lắm rồi, tôi có viết bài trên báo Gia Lai, đề nghị mỗi người khi làm nhà trên phố nên chừa lại một khoảnh, nhỏ thôi, có thể chỉ là một cái ô nhỏ trên ban công, một cái hõm trên tường, để găm vào đấy một cái cây, một giỏ/ chậu hoa. Tất nhiên đấy chỉ là ý tưởng khi sang Đà Lạt, Singapore thấy họ làm được mà sao ta không làm được, nhưng khi thực hiện thì quả là khó. Bởi nó cần một cái nhìn tổng thể, một quy hoạch vừa kỹ thuật vừa nghệ thuật. Và rồi còn bao nhiêu việc nữa, để thành phố nhiều cây xanh, nhiều màu hoa như Đà Lạt hay Singapore... Ví dụ như cần tìm hiểu kỹ các đặc điểm phát triển, sự phù hợp của mỗi loại cây xanh để người trồng xác định đúng vị trí và loại cây rõ đặc điểm sinh trưởng, biết rõ khả năng chịu sâu bệnh của cây và cả cách khống chế chiều cao, chiều ngang thân cây... để các loại cây trên đường phố mang lại mỹ quan đặc trưng và sự phát triển bền vững cho đô thị. Rồi hoa. Hoa gì, màu sắc như thế nào, khả năng chịu hạn và chịu mưa, từng con đường ứng với mỗi loại hoa. Các bùng binh, các mảng tường vân vân... Hiện tại, mùa mưa, thi thoảng lại một vụ cây đổ khiến nhiều người tái mặt. Lại còn nữa, sau vụ cây đổ trong khuôn viên trường, nhiều trường học, để khỏi bị liên lụy, đã chặt rất nhiều cây bóng mát khiến sân trường trơ trọi. Tôi vừa xin giúp một trường học một cái dù lớn căng ở sân trường sau khi một loạt cây xà cừ rất lớn bị hạ vì sợ... đổ.
Cây xanh và hoa, nó vừa là kỹ thuật, khoa học vừa là nghệ thuật.
Cũng như ánh sáng.
Hiện nay ngành ánh sáng đô thị đang phát triển rất mạnh, nhưng có vẻ như mới mạnh về kỹ thuật. Tức phát sáng là được, lòe loẹt là được... mà chưa có các chuyên gia nghệ thuật ánh sáng. Cả chuyên gia sức khỏe nữa, phải tính được sự ảnh hưởng của ánh sáng đối với thị giác, nhất là người tham gia giao thông vân vân. Treo tranh, dựng tượng đều phải có hội đồng nghệ thuật, mà ánh sáng, ảnh hưởng tới tất cả mọi người lại chả có ai thẩm định nghệ thuật thì rõ ràng là trái khoáy.
Cây xanh thì chúng ta cũng đã có nhiều kinh nghiệm xương máu, như từ bỏ thông và các cây cổ thụ, trồng bàng. Rồi lại phải chặt bàng, trồng cây khác, rồi lại bỏ... cứ thế đèn cù.
Tôi viết bài này khi trên tivi đang truyền hình trực tiếp phiên chất vấn về quy hoạch. Thì rõ ràng, cây xanh và hoa cũng cần quy hoạch, càng cụ thể, chi tiết càng tốt. Ví dụ có những con đường dã quỳ, đường K’nia, đường thông, đường Pơ lang... Và lại cũng chợt nhớ bài thơ rất hay của nhà thơ Thanh Quế: “Đường phố trập trùng bóng thông/ Hàng quỳ bên bờ rào tỏa nắng/ Một ngày xa, rất xa/ Ngôi nhà gỗ ngoại ô/ Lẳng lặng/ Em trao cho tôi chiếc hôn/ Rồi xa nhau mãi mãi”... Ông viết lâu lắm rồi, và giờ, ở ngoại ô Pleiku, những khung cảnh như thế, đang được các bạn trẻ bày lại, ngôn ngữ teen bây giờ là Chill, rất chill...
Với Pleiku, cây có vẻ hợp nhất, nhiều ký ức nhất, gợi cảm nhất, tạo sự khác biệt nhất, đã từng nhiều nhất..., là thông.
Tôi mong, không xa nữa, Pleiku lại sẽ vi vút thông reo. Bởi thông không chỉ là thông, nó là khí phách, là phẩm chất người, và nó hợp với Pleiku, với Cao nguyên để trở thành một tự thân trong tồn hiện nhân sinh...
2 nhận xét:
Mong những nhà quản lý tiếp thu những ý kiến hay của anh Văn Công Hùng cho Pley Ku ngày một thêm xanh thêm đẹp . Nên giải ngân đầu tư bằng cây xanh , hoa và cỏ không nên giải ngân cho thứ hoa nhựa vừa đắt tiền của dân lại làm mất đi nét tự nhiên của phố núi …
Hihi cám ơn ạ.
Đăng nhận xét