Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2022

NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG: GIỮ TÂY NGUYÊN GIỮA CÁI "DÙNG DẰNG"

 Văn Công Hùng không tự nhận mình là nhà nghiên cứu văn hóa, dù những gì anh đóng góp cho văn hóa Tây Nguyên trên văn đàn là không hề nhỏ. Anh bảo, bản thân viết về văn hóa Tây Nguyên là từ cảm nhận của một nhà thơ, và trên hết là của một người đã coi Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình. Hơn 40 năm sống ở Tây Nguyên, phần lớn các sáng tác văn học của Văn Công Hùng đều mang âm hưởng Tây Nguyên…

Gặp nhà thơ Văn Công Hùng tại TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi có cuộc trò chuyện thân mật với anh.

Bọt bèo trôi đi, tinh túy neo lại…

          -PV: Anh chị em trong giới cầm bút thường nói với nhau rằng, muốn có bài về Tây Nguyên thì phải gõ cửa Văn Công Hùng. Nghe nói “đơn” đặt hàng anh viết bài của các báo nhiều lắm? Năng lượng ở đâu giúp anh viết về Tây Nguyên khỏe thế?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Năm 1981 tôi lên Gia Lai - Kon Tum nhận công tác sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Tổng hợp Huế. Chàng thanh niên ngu ngơ là tôi khi ấy bập ngay vào một thế giới hoàn toàn khác với những gì mình sống và chứng kiến trước đó. Một thế giới Tây nguyên vừa lạ lẫm vừa dẫn dụ, vừa bí ẩn vừa như sơ khai, khiến mình từ những nghi ngại lo âu ban đầu tới đầy háo hức khám phá. May mắn là, từ những ngày đầu ấy, tôi đã gặp những người thầy thực thụ, như các giáo sư: Tô Ngọc Thanh, Từ Chi... Tôi được đi cùng họ những chuyến công tác xuống làng (chuyến xuống làng đầu tiên của tôi là về quê Anh hùng Núp cùng Giáo sư Tô Ngọc Thanh, tôi đi với tư cách người... chạy máy nổ cho đoàn), và học họ từ những quan sát ghi nhận của riêng mình. Và rồi tôi thành người làm thơ, viết báo, và rồi, văn hóa Tây Nguyên cứ tự nhiên đi vào những trang viết của tôi như là nhân duyên…

          PV: Sau bốn thập kỷ, chàng thanh niên Văn Công Hùng ngày ấy đã hói đầu, rậm râu, được anh chị em đồng nghiệp gọi vui là “ông già Tây Nguyên”! Thế còn Tây Nguyên, văn hóa Tây Nguyên thì sao? Cảm xúc sơ khai buổi ấy trong anh vẫn còn “nguyên” chứ?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Bốn mươi năm trước, Tây nguyên vẫn còn… “nguyên”. Mối quan hệ làng- rừng Tây Nguyên vẫn rất bền chặt. Văn hóa làng Tây Nguyên gắn chặt với rừng, tạo thành một sự khăng khít để cùng tồn tại, một cách ôn hòa và mang ơn nhau. Văn hóa Tây nguyên là thứ văn hóa nguyên sơ chân chất, văn hóa nhường nhịn biết ơn, văn hóa sẻ chia công bằng, văn hóa tự giác chan hòa, văn hóa cộng đồng hòa thuận... Làng là nơi gắn kết và nâng đỡ, bảo vệ các mối quan hệ ấy, nó quần tụ kết dính, nó bảo thủ vững bền, nó cô độc nhưng tự tin và lạc quan. Rồi Tây Nguyên phát triển, như một tất yếu. Và làng Tây Nguyên thay đổi nên nhiều thứ phải thay đổi, cả ở hướng tích cực và tiêu cực…

Giữ tinh hoa giữa cái “dùng dằng” ấy chính là cách làm văn hóa. Quy luật giao thoa, tiếp biến cùng với chiến lược phát triển, bảo tồn đúng hướng sẽ giữ lại những gì giá trị nhất, vững bền nhất. Bèo bọt sẽ trôi đi, phần tinh túy nhất của văn hóa, của con người sẽ neo lại.

          Những thách thức của văn hóa truyền thống

          -PV: Ta thường nói, văn hóa không biên giới, nhưng cách làm văn hóa thì lại có những khu biệt tương đối. Là người am hiểu Tây Nguyên, anh trăn trở, lo lắng điều gì cho văn hóa truyền thống ở các buôn làng trong “cơn lốc” công nghệ hiện nay?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Hiện nay ở các buôn làng Tây Nguyên đang có những chuyển dịch văn hoá rất dữ dội. Đời sống buôn làng có nhiều thay đổi, kéo theo nhiều thay đổi về tinh thần, về những giá trị tưởng như rất bền chặt, nhưng khi đối diện với cơn lốc thị trường, nó lại vô cùng mong manh, dễ vỡ. Đưa văn minh hiện đại đến với đồng bào là mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Nhưng mặt trái của nó, sự văn minh ấy lại thách thức các giá trị văn hoá truyền thống. Điện về mang theo bao điều tốt đẹp và tiện dụng, nhưng nó làm biến mất các đêm kể Khan, Hơamon, H’ri… truyền thống. Các bộ chiêng không thể tiện dụng bằng nhạc cụ điện tử. Ngồi kỳ cạch dệt cả tháng trời được một tấm thổ cẩm trong khi các cửa hàng cửa hiệu bán đầy đồ may sẵn mà giá lại rẻ. Rõ ràng, các giá trị văn hoá truyền thống đang bị tấn công rất dữ dội.

          Đấy là những thách thức mang tính khách quan mà bản thân nền văn hoá nào cũng phải trải qua. Bên cạnh đấy còn có những thách thức mang yếu tố chủ quan của những người làm văn hóa. Ví dụ như việc chúng ta ồ ạt xây dựng các nhà rông văn hoá, mỗi cái hàng mấy trăm triệu là một sự lãng phí rất lớn, và nó khiến cho các nhà rông truyền thống hết... đất sống. Nhà rông chỉ gắn với từng làng cụ thể, nó là linh hồn của làng, là niềm tự hào, là sức mạnh của làng, là đời sống tâm linh của cộng đồng ấy, là ước mơ, khát vọng của nhân dân, là nơi cả làng quây quần tụ hội... Trong khi đó, các nhà rông văn hoá thường làm ở trung tâm xã, rất to và hiện đại, nhưng… không ai lên đó cả. Rất nhiều nhà rông văn hóa, sau khi long trọng làm lễ khánh thành, bàn giao xong là… để đấy, nhiều cái xuống cấp hư hỏng, nhiều cái khóa chặt như… nhà kho…

Lo ngại nhất là nhiều nơi bây giờ, lễ hội đang biến thành chỗ… kinh doanh. Ngày xưa lễ hội là do nhân dân tự làm, giờ lễ hội ở nhiều nơi nếu không phải cơ quan Nhà nước làm thì cũng do một tổ hợp nào đó kinh doanh, và người ta làm lễ hội bằng ý chí, bằng sự hiểu biết thực dụng. Ví dụ lễ hội cồng chiêng hay lễ hội đâm trâu? Cồng chiêng, đâm trâu… chỉ là một thành tố của lễ hội thôi, nhưng giờ người ta bóc tách nó ra thành “lễ hội” riêng, rồi vác lên phố tổ chức, cũng xanh đỏ tím vàng, rồi sân khấu, rồi giám khảo, rồi diễn viên, rồi khán giả… Lễ hội khi bị bóc ra khỏi môi trường của nó, nó chỉ còn là văn nghệ quần chúng mà thôi.  Trong lễ hội truyền thống, không có diễn viên, không có khán giả, mà ai cũng là một phần của lễ hội…

          -PV: Đó là cách ứng xử với văn hóa. Với nền văn hóa đặc trưng, đặc biệt như Tây Nguyên, việc bảo tồn bản sắc truyền thống phải vừa là một khoa học, vừa là một nghệ thuật mà ở đó, mỗi hành vi ứng xử với văn hóa truyền thống đều phải rất thận trọng?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Đúng vậy! Chỉ một ứng xử không đúng có thể làm lệch hướng cả một phong tục đẹp. Không ít buôn làng ở Tây Nguyên khi được định canh định cư, người ta làm theo thiết kế ô vuông như ở thành phố. Kết quả là được cái văn minh sạch đẹp nhưng hình như cái hồn, cái cốt của làng nó rơi vãi ở đâu hết, cái ấm cúng gần gũi của dân làng với nhau cũng bay đi đâu...

          Tất cả các lễ hội dân gian đều xuất phát từ chính đời sống của cư dân ở cộng đồng ấy, nó gắn với cộng đồng, và những gì còn lại đến hôm nay là thứ tinh túy nhất, hữu ích nhất, dù có thể dưới con mắt đương đại nó lạc hậu, nhưng nó phải có một thứ gì đấy để dẫu người bây giờ “thiên kinh vạn quyển” vẫn phải tuân phục nó. Giờ, nhiều khi cơ quan văn hóa tổ chức các lễ hội dân gian theo hướng sân khấu hóa, hiện đại hóa, có ban bệ, có kính thưa kính gửi, có dự trù kinh phí và có kịch bản được duyệt. Nhiều kịch bản được viết ra bởi những người không hiểu biết vùng đất ấy, phong tục ấy, và cũng như thế với các đạo diễn chuyên nghiệp. Cuối cùng, các lễ hội dân gian biến thành những thứ rất khó gọi tên, bởi, cái cốt lõi của nó, cái làm nên hồn cốt của lễ hội, nó ở lại làng rồi. Các nghệ nhân được đưa lên phố, họ trở thành những diễn viên bất đắc dĩ, họ diễn chính họ trong sự lạ lẫm. Cái thế giới tâm linh mà họ tôn thờ trong tâm tưởng lại cứ bệch bạc ra dưới ánh đèn sân khấu. Thế là họ đang diễn cho người khác chứ không phải đang thành tâm hành lễ cho mình và dân làng…

Giữ hồn của buôn làng

-PV: Nói thế, có bi quan không? Tôi thấy chiến lược bảo tồn bản sắc văn hóa Tây Nguyên như một bức tranh đang sáng lên, không gian văn hóa truyền thống đang được sắp xếp lại sau những “dùng dằng”?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Không bi quan mà đó là một thực tế chúng ta phải đối diện, phải nghiêm túc nhìn nhận để có cách bảo tồn đúng hướng. Cái gì lạc hậu sẽ bị đào thải, cái gì tốt đẹp sẽ vững bền, và cái vững bền ấy chính là văn hóa. Hiện, nhiều trí thức, chuyên gia, nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn… am hiểu văn hóa Tây Nguyên đang chung tay góp sức giữ gìn nó. Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, là dấu ấn mới cho văn hóa Việt, là cơ sở để bảo tồn văn hóa bản địa Tây Nguyên, vững bền phát triển theo đúng quy luật của nó. Vai trò của văn hóa bây giờ rất quan trọng, nó làm nhiệm vụ níu giữ, nó bảo tồn, nó nâng niu giá trị, nó neo con người lại ở phần tinh hoa, phần tốt đẹp…

          -PV: Sự chuyển biến của văn hóa rất khó lượng hóa, nhưng có thể cụ thể hóa bằng những mô hình, cách làm hiệu quả, thưa anh?

          -Nhà thơ Văn Công Hùng: Cụ thể, tôi lấy ví dụ, ở huyện Chư Păh tỉnh Gia Lai có xã Ia Mơ Nông. Như mọi xã/ làng Tây Nguyên khác, xã cũng phát triển về mọi mặt. Nhưng những người dân trong làng ấy, họ biết cách để giữ lại cái phần hồn, cái cốt của làng. Nông thôn mới là sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhưng nếu không khéo thì sẽ diễn ra hiện tượng là các làng giống nhau chằn chặn. Mà nông thôn Việt Nam còn lại gì nếu tất cả đều giống như phố? Những là đường ô vuông xe chạy tận cổng, nhà xây mái ngói; những là hội trường, quán xá... mà làng, nó có ký ức làng, có những đặc điểm riêng để mỗi làng là một thế giới, để dẫu đi xa mấy, trở về làng chính là trở về nhà, chỉ làng mình mới có. Giải quyết những mâu thuẫn, những nghịch lý này, chỉ có thể là văn hóa. Những người dân Ia Mơ Nông đã giữ lại hồn làng bằng nhiều cách, từ cái giọt nước, tới khu nhà mồ, từ cái nhà rông tới cái nhà ở, dẫu hiện đại nhưng vẫn ra những nếp nhà sàn, những nghệ nhân được lập thành từng nhóm để vẫn cặm cụi làm ra những sản phẩm truyền thống, nhưng bán được. Và ngay những món ăn dân dã của làng cũng trở thành đặc sản…

Tôi từng mời những nghệ nhân ở làng Choét (Plei Choet), thành phố Pleiku xuống khu du lịch “Một thoáng Việt Nam” ở Củ Chi làm chủ nhân của cái làng Tây Nguyên trong khu ấy. Rất thú vị là khá đông bạn trẻ rất am hiểu văn hóa dân tộc mình, họ chơi nhạc cụ, họ hát, họ sống đúng cuộc đời họ ở không gian ấy.

          -PV: Xin trân trọng cảm ơn anh!

PHAN TÙNG SƠN (thực hiện).

Báo Quân Đội Nhân dân cuối tuần số 1379 ngày 5/6/2022


 



 

 

 

 

Không có nhận xét nào: