Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

SEN THÁNG 5

 

          Một cô bạn nhắc, tháng 5 rồi đấy, mùa sen.

          Tôi ngơ ngác, ơ nhỉ, có mùa sen à?

          Quả là lâu nay người ta hay nhắc tới các mùa hoa, có hẳn bài hát mà mỗi tháng gắn với một loài hoa. Nhưng sen có vẻ như ít được nhắc tới khi gắn với mùa, dẫu ai cũng biết nó chỉ nở vào mùa hè, như cái bài hát tôi nhắc trên kia thì hoa sen nở vào tháng sáu, thấy cũng có gì đấy hơi ngắc ngứ khi liền đấy hoa xoan được gắn vào tháng tám. Hay bởi, nó không/ chưa rực rỡ xao xuyến như các loại hoa khác, những là cúc, là mai là đào, là hồng là huệ...

          Nói là nói thế, chứ nhắc tới sen thì chả ai là con dân Việt mà không biết. Cũng có thể nước ta nhiều người theo Phật Giáo. Mà cũng chả hẳn thế, bởi ở cả ba miền Việt Nam vùng nào cũng có sen, mà sen đẹp, sen nổi tiếng, như sen Tây Hồ, sen Kim Liên, sen Tịnh Tâm, sen Đồng Tháp... Nói tới sen Đồng Tháp, lại nhớ câu thơ của nhà thơ Bảo Định Giang “Tháp Mười đẹp nhất bông sen...” mà nhiều người tưởng là ca dao. Ông nhà thơ này làm thơ thì khiến người đời nghĩ ca dao, và bút danh thì ai cũng nghĩ tên thật. Bảo Định Giang thì tức là sông Bảo Định, còn tên thật của ông là Nguyễn Thanh Danh.

          Tôi quê ở Huế, xứ có sen Tịnh Tâm nổi tiếng. Giờ quê tôi sen không chỉ bó gọn trong cái hồ Tịnh Tâm ấy nữa, mà nó được trồng ở rất nhiều nơi, tất cả các ao ruộng, bởi nó, ngoài chuyện làm đẹp, còn là nguồn thu đáng kể với người nông dân, có người tính ra, còn thu nhập cao hơn trồng lúa.

          Giờ sống ở Pleiku, tới mùa tôi vẫn hay mua sen của bà con dân tộc thiểu số gùi vào phố bán. Sen ở đây lạ, nhỏ và nhanh tàn, cắm một ngày là tàn, màu thâm chứ không hồng, không tươi. Nhưng vẫn là sen, nó vẫn gợi lên một cái gì đấy rất Việt, nên vẫn rất nhiều người mua, bằng chứng là nhiều người đi bán.

          Thế mới có người rành rọt ra sen và quỳ. Họ bảo cái loại sen Pleiku mà tôi vừa kể là quỳ chứ không phải sen. Và sen, còn một loại thân gỗ nữa, để có thể “Để quên chiếc áo trên cành hoa sen”... hình như cái gì càng nhiều giai thoại, nhiều giải thích, mịt mù một tí, mờ ảo một tí, nó càng hấp dẫn.

          Lại nhớ hồi tỉnh Gia Lai làm cái quảng trường khá lớn, có cái hồ sen. Người ta mang giống sen Hồ Tây và Kim Liên vào trồng. Một hôm tôi “ngứa mồm” góp ý: Trồng sen là phải đồng bộ, đất nước gió không khí vân vân. Đây mang mỗi giống vào, chả mấy chốc mà nó lại thành... quỳ, dẫu quỳ cũng là sen, cũng đẹp. Nhưng các ông muốn nó là sen hồ Tây, sen Kim Liên, thì phải có bùn xứ ấy. Thôi thì không khí đành chịu, nước gió đành chịu, nhưng bùn thì có thể khắc phục được. Thế là người ta phải “khắc phục” bằng cách ép bùn khô chở vào, tôi bị ông chủ thầu “mắng vốn” làm tốn thêm của ông cả trăm triệu.

          Lại nhớ khi tôi vào Đồng Tháp, được anh bạn nhà văn Hữu Nhân lấy xe máy chở đi thăm cái cánh đồng sen miên man Đồng Tháp Mười, mà rợn ngợp mà thấy sen không mỏng manh yếu đuối, mà là một... thế lực. Về tôi viết “và về đây thì mới thấy, sen xứng đáng để... ngợp. Bạt ngàn sen chen giữa rừng tràm, sen tinh khiết mưng mở giữa bùn, sen ngạo nghễ khoe giữa năn lác, mà không chen, chúng chiếm những không gian rộng lớn, chỉ mình sen. Tràm dày đặc tíu tít xung quanh như những người lính gác cần mẫn và trung thành. Sen vươn lên giữa nắng, giữa gió phương Nam, kiêu hãnh và tự tin khoe sắc hồng đặc trưng của mình khiến con người đang hung hăng nóng nực thế chợt chùng lại, bâng khuâng và ngơ ngác giữa thế giới sen vừa rợn ngợp vừa cô độc giữa mênh mông Đồng Tháp Mười.”...

          Cũng như thế, tháng năm năm nào đấy, chúng tôi ra làng Sen. Tràn ngập sen, sen từ ruộng vào nhà, từ cửa hàng tới bàn thờ. Bàn thờ nhà lưu niệm Hồ Chủ tịch tầng tầng lớp lớp sen, rất xứng với tên làng, tên đất. Và tôi làm bài thơ “Một thoáng làng Sen” có những câu: Con đường dâm bụt ngày mưa/ Mảnh sân đất thịt như vừa trơn xong/ Hoa sen bung cánh quay vòng/ Mái tranh vẫn thuở má hồng răng đen.../... Con đường dâm bụt hôm nào/ Bây giờ vẫn cứ một màu chân quê/ Làng Sen một thoáng tôi về/ Nghe mình tự vấn mỏi mê con đường...

          Mà chơi sen cũng công phu nữa. Sen ở đầm, ở hồ, ở ruộng, đương nhiên rồi. Giờ người ta trồng sen trong bể cạn, trong chum. Hết sức công phu chăm chút từ giống từ bùn từ nước. Cái bình để cắm sen cũng là một kỳ công. Có người kỹ lưỡng chọn tới mấy loại bình để ứng với từng màu sen, dáng sen. Cái ghè/ ché rượu cần Tây Nguyên cũng là một loại bình cắm sen rất đẹp, tất nhiên nó tốn sen, phải từ dăm chục bông trở lên chứ chục bông thì nó lại lẻ loi ngơ ngác.

          Trà sen cũng là một cách chơi. Giờ rất nhiều người làm trà sen để bán. Có hai loại chính. Một là gói trà trong nguyên cả búp sen, và hai, lấy gạo sen trộn với trà. Tất nhiên là tôi chỉ nói đại khái thế, chứ để cho nó ra trà sen thì còn rất nhiều tỉ mỉ công phu. Tôi có nhiều bạn nghiện loại trà gói nguyên trong búp sen, và thi thoảng tiện chuyến, lại gửi cho tôi mấy búp, vào lại nâng niu bỏ ngăn đá tủ lạnh, khi nào “đụng” khách quý và hợp mới nâng niu pha. Nhớ năm nào đấy, vào thăm một tòa báo ở Sài Gòn, Tổng biên tập hớn hở: Vừa có bông sen gửi từ Hà Nội vào, tiện có anh, pha luôn. Tất nhiên là cả toàn soạn thơm lừng mùi trà Thái Nguyên sen Hồ Tây.

          Cụ Nguyễn Du cũng có một câu về sen cực hay (dẫu có vài ý kiến bảo đây không phải câu nguyên bản của cụ): “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, thì là, rằng là, cái ngó sen ấy, khi bẻ ra, dẫu đã đứt, đã rời, nhưng cái sợi tơ mảnh mai trong cái ngó ấy, càng kéo càng dài ra ấy, mãi nó chả chịu đứt, cứ bâng khuâng như cái tình yêu dẫu vì này nọ phải xa nhưng nó vẫn cứ vấn vít vẫn cứ như vết thương dẫu lành nhưng gặp ngày trái gió nó lại rưng rưng nhớ. Là nhớ hồi nhỏ khi nhà tôi sơ tán về cái làng ven đường số 1 có cái đền Bà Triệu ở Thanh Hóa, trong đền có cái hồ sen, tôi hay theo bọn trẻ con trong làng đi lặn lấy ngó sen. Giờ vào các nhà hàng có món gỏi ngó sen, hồi ấy chúng tôi lặn lấy cả ngó và củ, rồi lên bờ ngồi ăn sống rau ráu. Sau lớn lên học Kiều, thấy cô giảng về cái ngó sen và sự lưu luyến của tình yêu, nhất là mối tình đầu, cứ thấy mình như kẻ thô bạo, lỗ mãng, làm rau ráu cái ngó ý và tơ lòng vừa đau đớn vừa lãng mạn đẹp đến bâng khuâng nhiều thế hệ kia.

          Mấy năm gần đây, có phong trào mặc yếm chụp ảnh với sen. Tất nhiên là các bà các cô thôi. Nhiều ảnh đẹp đến nhức mắt, nhưng nhiều ảnh cũng buồn cười. Sen tưởng thế chứ té ra cũng... kén. Để chụp được bộ ảnh sen đẹp, có nghệ sĩ nhiếp ảnh đã bỏ ra cả chục năm, dầm mình dưới bùn đến nhợt cả người, thuộc từng cánh sen, thế nên cái việc sắm bộ yếm rồi đến hồ, bung lụa rồi seo phi, bức đẹp lẫn bức xấu cũng là chuyện thường.

          Nhưng sen thì muôn đời đẹp.

          Và nó cũng còn gây nhiều tranh cãi, như thế nào sen thế nào quỳ? Sen vắt áo và sen hứng sương khác nhau ra làm sao? Chưa kể, cái câu hầu như người Việt ai cũng thuộc, ai cũng hiểu: Trong đầm gì đẹp bằng sen... ấy, lại cũng vẫn đang... cãi nhau, đâu là bùn đâu là sen, bùn là ai và sen là ai? Tôi thì, sen cứ sen thôi, một cái đẹp nền nã, không gây choáng ngợp nhưng đủ để choáng ngợp nếu ta gặp cả một vùng sen tháng 5...



 


Không có nhận xét nào: