Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2023

CHUYỆN NHỎ HẬU “NỖI BUỒN CHIẾN TRANH”

 


Viết bài này để ủng hộ báo Nghệ An đang đọc tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh”, đúng là “Nỗi buồn chiến tranh” chứ không phải “Thân phận của tình yêu” như một thời nó phải ngụy trang, trên chương trình Podcast của bổn báo.

---------

Hôm ấy tại nhà tôi có một cuộc nhậu toàn các “tên tuổi”: Nguyễn Trọng Tạo, Trung Trung Đỉnh, Dương Trung Quốc, và Bảo Ninh... Khi ấy nhà văn Đỗ Tiến Thụy nổi tiếng bây giờ là trưởng ban Văn Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội đang còn là cậu lính trẻ viết văn của sư 10 từ Kon Tum về khép nép một góc, cứ loay hoay tìm cách thu cặp chân rất dài của mình lại. Nhà chật, ngồi trên chiếu. Tôi cũng khép nép dù là... chủ nhà.

Mọi người nói ồn ào, chỉ riêng Bảo Ninh là ngồi im, cứ lúc lắc cái đầu đầy tóc và rối tung. Thi thoảng anh gừ gừ như nói, nhưng chả ai hiểu anh nói gì?

Tôi thì nể Bảo Ninh tới không thể tả được. Văn học Việt Nam tự nhiên xuất hiện một tác phẩm chói lòa như thế. Tôi đọc tới mấy lần và vẫn... ngơ ngác. Nên kéo được Bảo Ninh với các nhà văn nổi tiếng tới nhà, dù là đã khá khuya, là một vinh dự tự hào của mình.

Nó là một tiểu thuyết về chiến tranh với tất cả sự trần trụi và khắc nghiệt của nó. Người lính- thân phận con người- Những huyền thoại ảo mộng và dữ dội của tình yêu là những điều mà Bảo Ninh đề cấp tới và giới thiệu với người đọc qua cuốn tiểu thuyết đầu tay xuất bản năm 1990 của mình. Khi xuất bản lần đầu nó phải đội một cái tên rất “sến”: Thân phận của tỉnh yêu.

Ở đây, bằng sự xác thực đến nghẹt thở của ngòi bút, Bảo Ninh đã dựng lại khung cảnh thấm đẫm chất bi hùng của mặt trận Tây Nguyên (B3) thời chống Mỹ. Bản thân tác giả đã trực tiếp 10 năm là lính của chiến trường này. Và với tư cách binh nhì ấy, tác giả đã, bằng tất cả sự chiêm nghiệm và từng trải đau đớn của mình, kể lại những gì mình đã trải qua, đã sống, đã suy nghĩ, dưới sự thôi thúc của một quan điểm thấm đẫm chất nhân văn. Vì thế cuộc chiến đã diễn ra Như – Nó – Vốn – Có, không thể khác.

Trên chuyến tàu hành – trình – tuổi – trẻ - đời - lính ấy, một tình yêu huyền ảo và dữ dội, có phần hơi tàn nhẫn cùng song song tồn tại, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong cuộc đời nhân vật chính Kiên. Phương, tên cô gái – vẻ đẹp lạc loài – đã đánh đổi sự trong trắng, cao cả của mình bằng chính khát vọng nhân bản của mình.

Có thể nói đây là một cuốn tiểu thuyết “lạ” trên văn đàn Việt Nam mấy chục năm qua. Lạ về tư duy tiểu thuyết, cách nhìn, cách hiểu, lạ cả về văn phong, bố  cục, lạ ở chính hơi văn như có “ma thuật”, lôi người đọc vào một thế giới hư ảo, nhưng vẫn đầy tính chân xác của logich cuộc đời. Tác giả không hóa thân vào tiểu thuyết, mà trên từng trang văn, từng câu, từng chữ, người đọc nhận thấy sự lột xác đớn đau của tác giả để trở về với những trận chiến đấu, mà ở nơi đó, bao nhiêu người con ưu tú của Tổ Quốc đã mãi mãi không trở về. Và vì thế, Bảo Ninh phải trở lại với họ, sống tiếp với họ những tháng ngày hào hùng nhưng cũng đầy đau thương, những năm tháng chống Mỹ trên mảnh đất bắc Kon Tum- Sa Thầy.

Chiến tranh dưới mắt Bảo Ninh chính là thân phận của những con người, cả người lính trực tiếp cầm lê xung trận và cả những người ở hậu phương, những mối tình, những cái hôn trộm, những thao thức trăn trở, những thèm khát vừa bung mở vừa cố nén, những giấc mơ, ước mơ và những bóng đen, hoa hồng và họng súng, lưỡi lê và vòng ôm… nó làm nên một thực thể chiến tranh vừa chân thực lại vừa xa ngái, bởi nó muốn cảnh báo con người, rằng chiến tranh là hy sinh, là mất mát, là đau khổ chia ly… chứ không phải chỉ là bài ca ra trận…

Đây là một cuốn sách hay đích thực, đã nổi tiếng từ khi Tạp chí Tác phẩm mới của Hội Nhà Văn Việt Nam giới thiệu những trang đầu tiên. Tất nhiên, vì thế nó không dễ đọc như một số sách khác. Đọc nó, người đọc, cùng với tác giả, phải trả giá bằng sự hóa thân của chính mình vào cuộc sống. Ở đó con người không thể tự trốn tránh mình, mà phải nhìn thẳng vào lương tâm mình bằng con mắt nghiêm khắc và trong trẻo nhất. Và chính vì thế, ý nghĩa cuộc sống của chúng ta trở nên trong sáng hơn, đầy đủ hơn, thi vị hơn, và cũng chính vì thế, nó là một trong ba tiểu thuyết được trao giải thưởng Hội Nhà Văn năm 1991, một giải thưởng danh giá cho tới bây giờ.

Hôm ấy, khoảng mười hai giờ đêm, có ai đấy tắc lưỡi: Giá mà giờ có bát cháo. Vợ tôi từ buồng ngủ xông ra: Mời các bác cháo lươn nhé. Té ra lúc chiều, vô tình thôi, vợ tôi mua mớ lươn đang nhốt trong xô. Thế là chừng 30 phút sau, mỗi người đã một tô cháo lươn nóng hổi rồi mới... líu ríu về khách sạn Ia Ly, tôi cũng đi theo. Sáng hôm sau, Bảo Ninh bỏ hành trình tham quan Pleiku, một mình ngược lên Sa Thầy, vào nghĩa trang viếng đồng đội.

Sau này, nhiều lần nữa “ngồi” với Bảo Ninh, đa phần là ở Hà Nội, tôi vẫn nhận thấy những đau đáu của ông với những người lính, với những gì ông đã trải qua, dẫu vẫn như một “cố định”, những cuộc ấy, ai nói gì thì nói, ông chỉ ngồi cúi đầu và “gừ gừ” trong cổ, mái tóc bù xù như càng quăn hơn, khói thuốc mù mịt. Như là ông đang ở một cõi khác, một thế giới khác, tất cả hiện hữu phía trước như một cõi mơ, như nhạt nhòa.

Cũng sau này, khi đọc cái truyện ngắn “Mây trắng còn bay” của ông thì sự hiểu thêm của tôi về ông với chiến tranh càng đậm. Chiến tranh chuyển sang một trạng huống khác, người mẹ và... máy bay. Người mẹ lên máy bay để mong được đến nơi con trai bà, một phi công đã hy sinh. Nơi ấy thăm thẳm và vô định, nhưng mẹ đâu cần, mẹ vẫn là một bà mẹ nông dân Việt. Mẹ ôm di ảnh, hương hoa lên máy bay trong con mắt khó chịu của những người xung quanh, để rồi tất cả vỡ òa ra khi biết nguyên nhân. Có người chỉ ra sự vô lý của những chi tiết như thắp hương trên máy bay. Tôi thì cho là, đấy là dụng ý của tác giả. Vượt qua tất cả những gì hiện hữu, Bảo Ninh cũng như bà mẹ liệt sĩ kia vươn tới những điều thiêng liêng ở cõi khác. Cõi của những linh hồn liệt sĩ, cõi của hy sinh, của cao thượng và cả nỗi đau, cõi mà những vụn vặt, những xấu xa bỉ ổi, ti tiện nhỏ nhen... không thể có. Nỗi đau vì thế nó như nhân đôi, và cái cao cả, trác tuyệt cũng như nhân đôi...

Những người lính khi đã trải qua chiến tranh, họ cực kỳ trân quý kỷ niệm, yêu thương đồng đội, kể cả  những người đã phải nằm lại ở chiến trường, nên hễ có dịp, có điều kiện, là họ lại thăm nhau. Tôi từng nhiều lần đi cùng họ, tháp tùng họ, những bó hương nhòa nước mắt, những buổi chiều thăm thẳm khói hương cứ ám ảnh tôi.

Những người lính sau này trở thành nhà văn, nỗi ám ảnh nó càng khốc liệt. Bảo Ninh là người như thế...






Không có nhận xét nào: