Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

“CÓ MỘT BÀI CA KHÔNG BAO GIỜ QUÊN”

 


Hôm kia, chúng tôi, một nhóm văn nhân thi sĩ báo chí xuống huyện Chư Sê, Gia Lai chơi. Chủ nhà là 2 ông bà về hưu trước tuổi giờ mở trường mẫu giáo tư thục. Bà chủ nhà rộng bụng làm một bàn toàn đặc sản Tây Nguyên tiếp khách: Lá mì (sắn), cà đắng, măng rừng, cá suối... Qua năm lượt rượu ông chủ nhà, nguyên trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện đứng dậy ôm đàn. Ôi giời là hay. Điêu luyện như chuyên nghiệp. Cô vợ trẻ hơn chục tuổi, xinh thôi rồi, ngồi bên tủm tỉm, ngày xưa em chết vì tiếng đàn của ổng đấy.

Nhưng anh này lại hát rất phô, nên intro một lúc vẫn ngắc ngứ. Đột nhiên một tiếng hát vút lên: Có một bài ca không bao giờ quên...

Cô giáo quê Yên Thành, hiệu phó một trường phổ thông vùng 3 của huyện Chư Sê, giọng trong, cao vút, và rất hay. Cả bàn lịm đi. Giọng Nghệ, ưu điểm lớn nhất là hát rất dễ hay, mà đã hay thì thường được nhân đôi.

Thế rồi cả buổi, chúng tôi chỉ hát nhạc Phạm Minh Tuấn.

Vụt nhớ một chiều Hồ Tây.

Cũng không hiểu ai mời mà hôm ấy trong một cuộc bia ngay bên bờ hồ Tây, tôi được gặp nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Và điều khiến tôi sướng lịm là, ông bảo cũng có biết và đọc tôi.

Tôi nhớ hôm ấy có người nhắc việc nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chưa được giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông chỉ cười hiền, bảo giải thưởng lớn nhất là trong lòng bạn đọc. Và đâu như năm sau thì ông được giải thưởng này.

Thì cái tối chúng tôi hát toàn nhạc ông ấy, sau tôi gửi cho ông một đoạn clip, ông cũng nhắn lại: “Tặng Giải thưởng lòng dân”. Chữ “giải thưởng lòng dân” ông viết in hoa.

Nghe hát và hát, mồn một cái cảnh trong bộ phim mà bài hát này là ca khúc chính với giọng hát da diết ma mị của ca sĩ Cẩm Vân. Những đoàn quân áo mưa trong đêm, những người lính lặng lẽ đi, những người lính lặng lẽ nhắm mắt, lặng lẽ hy sinh (Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cũng nhiều đêm hành quân trong đêm như thế, và trong một lần lọt vào ổ phục kích, để tránh bị lộ, vợ nhạc sĩ đã phải ôm chặt đứa con 4 tháng tuổi để cháu không khóc. Và sau khi thoát nạn, cả đoàn an toàn thì cháu đã mất. Nỗi đau ấy nó hiển hiện trở lại trong bài hát). Lại nhớ một người anh kể, anh trong đoàn quân từ Bắc vào, toàn tân binh là sinh viên đại học xây dựng Hà Nội. Tới Đồng bằng sông Cửu Long, gặp cả một vùng Tháp mười mênh mông. Cứ thế lội đồng, rồi bơi sông. Nhiều người cả đời chưa biết sông, chưa biết đồng miền Tây. Rồi bị lộ, máy bay ào tới ném bom. Những người lính sinh viên chấp chới trong bùn, trong nước... 200 liệt sĩ tìm được 40 thi thể, còn lại thân xác các anh hòa vào bùn đất và nước Đồng Tháp mười. Sau này nơi ấy có tấm bia lớn, có đền thờ các liệt sĩ sinh viên ấy. Nhưng phải bốn mươi năm sau mới tìm ra và lập.

Trường Sơn, tôi có những người bạn đi thanh niên xung phong khi đang học cấp 3. Sau này tôi tới nơi ấy chỉ sau một chuyến xe, nhưng các bạn tôi đã đi bằng cả đời con gái của mình. Tôi tới và đã viết: “Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái. Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc. Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi... Em lẫn vào cây vào đất vào rừng, vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt. Anh xin thay em chắp tay dõi về phương bắc, một dáng chiều tựa cửa phơ phơ...”.

Tôi cũng mới lên Hà Giang, leo lên tận mấy điểm cao ở Vị Xuyên, gặp những cựu chiến binh từng chiến đấu nơi này, họ lên thăm lại đồng đội vẫn còn đâu đó phía những ngọn núi đá nhọn hoắt, trong xanh rì cây và cả mây trắng vẩn vơ quấn đỉnh đá tai mèo cheo leo hiểm trở. Nơi này, tùy người, người gọi là cối xay thịt, người gọi lò vôi thế kỷ... đủ thấy mức độ khốc liệt của nó.

Chúng ta đã không quên, không thể quên những ngày tháng ấy.

Nên tự nhiên bài hát của ông nhạc sĩ già (già nhưng vẫn rất thanh niên) vang lên trong đêm ấy nó mới xúc động làm sao.

Mà nhạc Phạm Minh Tuấn, cũng là chiến tranh cách mạng đấy, nhưng nó trầm hùng tới thăm thẳm, nó da diết, nỗi đau lặn vào trong, khắc khoải và yêu thương, xúc cảm lặn vào hình tượng hình ảnh, vào giai điệu và ca từ... Nó không lạc quan tếu, không lên gân, không phơi phới, vun vút. Nó thấm và đau, nỗi đau vượt qua sự thường tình, vượt qua cô đơn, nó lan tỏa và tăng cảm hứng. Nó khiến ta tự tin hơn, mạnh mẽ hơn.

Thì ra, nó đụng đến một điều rất thiêng liêng trong mỗi người: Tổ quốc.

Tất nhiên Tổ quốc là một khái niệm mở, nó vừa cụ thể vừa trừu tượng, vừa lý tính vừa cảm tính, vừa vĩ đại vừa giản dị... Hồi nhỏ tôi cứ nghĩ Tổ quốc là cái gì rất lớn, ở bên ngoài ta, thiêng liêng tới kính nhi viễn chi.

Giờ thì té ra Tổ quốc là những gì gần gũi nhất, thân thương nhất. Là quê hương cụ thể, là những người thân của ta. Là ánh trăng là làn gió...

Tổ quốc chính là chúng ta, là tôi là bạn, nhưng nó gắn với cảm xúc trong trẻo, cao thượng, gắn với lý tưởng, với tình yêu...

Với người cầm bút, Tổ quốc luôn là nguồn cảm hứng vô tận để sáng tác. Vừa thiêng liêng vừa gần gũi, vừa rộng lớn vừa thân thương, vừa kỳ vĩ vừa thân quen, vừa trừu tượng vừa rất cụ thể, vừa muôn thuở vừa hàng ngày...

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã chạm tới chiều sâu của tình yêu Tổ quốc trong mỗi con người, mỗi cá thể công dân Việt. Từ “Bài ca không quên” tới “Khát vọng”, từ “Cháu lên ba” tới “Dấu chân phía trước” vân vân.

Còn tôi, là nhà thơ, Tổ quốc nó như thế này: “Trường Sa/ phía sau nỗi nhớ là tình yêu Tổ quốc/ những mũi tàu vươn khơi/ những nấm mộ chiêu hồn trắng phau cát biển/ đất sét, thân dâu phơ phất phận người…

Tổ quốc/ những đôi mắt đợi chồng/ dài như dấu hỏi/ chớp như dấu than/ cứa vào đêm nhịt nhằng hy vọng/ nén hương thắp vội/ vẫn tin chồng gõ cửa giữa khuya

Tổ quốc/ chiều chiều mẹ vun lá tre/ đốt khói vào thời gian/ mà thời gian thì dâu bể/ lưng mẹ còng khắc khoải vì con/ lá tre cháy tro trắng như tóc mẹ/ tung vào chiều chiều trắng thành đêm”…

Những ngày này, Tổ quốc trong chúng ta hiện hình rõ nhất.

Báo Nghệ An số đặc biệt 2/9. Podcast ở đây



 

 

 

 

Không có nhận xét nào: