Chủ Nhật, 13 tháng 2, 2022

VÀO CẢ RỪNG VĂN.

 

                                          Nhà thơ NGUYỄN THÀNH PHONG

Ông Văn Công Hùng gửi tập bản thảo "Nhặt chuyện văn nhân", bảo tôi đọc chơi xem sao. Ban đầu tôi nghĩ, ông này đặt tên thế ý là chỉ dạo qua giới văn nhân rồi nhặt lấy một vài bóng lá, một vài nhành hoa, để khoe chơi. Đến khi đọc vào, tôi không dứt ra được...

Có cảm giác như mình đang đi giữa một rừng văn rất phong nhiêu mà ông là người dẫn tôi đi, rồi kể về những cội cây mà chúng tôi gặp trên đường. Mỗi cội cây ông kể một kiểu để cho mình biết với những thích thú khám phá riêng. Không thể kể hết mọi cái cây trong rừng văn, nhưng cũng đã được đi cùng ông qua các tầng rừng, gặp đủ các sắc lá, sắc hoa. Thấy cả cổ thụ, thấy cả những non tơ, có khi còn nhìn sang bên, cạnh rừng văn là rừng nghệ, rừng hoạ, rừng ca… để mà liên hệ, liên tưởng, xoắn xuýt mà hiểu biết hơn.

Bản thảo này in ra sẽ rất dày dặn, với gần năm mươi tên tuổi văn nghệ sỹ. Hình như chưa có cuốn sách nào có tập hợp nhiều bài phóng bút với số lượng văn nghệ sỹ như thế này được xuất bản ở ta thì phải?

Tôi đọc, chưa sắp xếp ra hệ thống, cứ ngẫu nhiên liệt kê một danh sách các nhà văn, nhà thơ có mặt như sau: Tố Hữu, Kim Lân, Thu Bồn, Giang Nam, Nguyễn Chí Trung, Y Điêng, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Khắc Trường, Đỗ Chu, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Hướng, Du Tử Lê, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Hoàng Thu, Đỗ Kim Cuông, Thanh Quế, Bảo Ninh, Đinh Thị Thu Vân, Song Hảo, Lê Khánh Mai, Lê Huy Mậu, Hương Đình, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Đức Thọ, Sương Nguyệt Minh, Phan Đình Minh, Di Li, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Hiệp, Mai Thìn, Trần Mai Hường, Chử Anh Đào, Lê Quang Sinh, Đỗ Tiến Thụy, Phạm Đức Long, Nguyễn Bá Thâm, Đoàn Minh Phụng, Trần Hồng Giang, Đặng Bá Tiến, Nguyễn Văn Chương...

Những tên tuổi tôi liệt kê ra trên kia, mỗi người là một bài viết dày dặn, tới vài ngàn chữ thể hiện, có đủ các thế hệ, giới tính, cũ mới, già trẻ, trong Nam ngoài Bắc, trên núi dưới biển, có cả nhà thơ Du Tử Lê ở ngoài nước. Đấy là chưa kể còn có bao nhiêu người nữa được kể đến, được nhắc đến trong câu chuyện về nhân vật chính.

Văn Công Hùng viết về những bạn văn không phải như làm một công trình nghiên cứu hay thống nhất một cách dựng chân dung văn học, mà ông tung tẩy, cực kỳ tung tẩy, thoải mái... Lúc thì ông bình văn, khi thì ông kể chuyện đời, có dịp thì hồi tưởng những ấn tượng, gợi ra những ký ức về bạn văn mà mình đã gặp, đã chơi, đã chia sẻ… Vì thế, đọc ông rất cuốn hút, không có cảm giác đứng ngoài quan sát mà như nhập vào đời sống của những văn nhân. Trong số những người được viết tới ở đây, có những người đã hoặc mới khuất bóng, nhưng tổng thể lại là câu chuyện đang chuyển động của đời sống văn nghệ, đọc ở đây là như đã nhập vào cùng với những chuyển động ấy.

Trong ứng xử với bạn bè văn nhân, Văn Công Hùng là một hào hiệp, tròn đầy. Với chữ nghĩa, với nghề viết, ông là người cẩn trọng và thanh thoát. Tôi khâm phục sức chơi và khả năng giao lưu, giao đãi với bạn bè văn nghệ của Văn Công Hùng. Và còn khâm phục hơn, là trong cái sự chơi và giao lưu bền bỉ, nhiệt thành ấy, ông cũng rất nhanh lắng nghe và thu nhận được từ bạn bè nhiều điều, nhiều chuyện, nhiều suy ngẫm, rồi trân trọng kể được nó ra một cách ân tình, ý vị và rất có duyên.

Văn Công Hùng là nhà thơ, nhưng còn là một nhà báo rất cập nhật. Khả năng tác nghiệp báo chí của ông rất nhanh và linh hoạt. Một người có cái tâm sâu sắc với đời, với người, với bạn bè văn nghệ như thế, lại cộng thêm cái tài thu nhận và thể hiện của một nhà báo cập nhật, nên những trang viết về văn nhân của ông là cái món cộng tác được các trang văn nghệ trên báo chí chờ đợi. Ông đã dùng thế mạnh này để lan tỏa ảnh hưởng của những văn nhân mà ông chơi được đến với công chúng qua báo chí.

Những người mà Văn Công Hùng đã viết tới ở đây, không kể những người đã khuất bóng, có nhiều người tôi chưa gặp mặt bao giờ, tôi mới chỉ biết văn tài của họ. Nhưng đọc Văn Công Hùng xong, tôi thấy như mình đã thân thiết với họ, hiểu và quý trọng họ. Như thế thì Văn Công Hùng đã thành một cái gạch nối mềm giữa tôi với bạn bè đồng nghiệp ở các vùng đất khác nhau. Chắc chắn trong lần gặp họ đầu tiên, tôi sẽ “à” lên vui tươi để bắt đầu một tin cậy và chia sẻ.

Và bạn đọc, nhất là những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy văn chương, qua những trang viết như thế này của Văn Công Hùng, sẽ có thêm một cách tiếp cận để biết về đời sống, cách thức làm việc và sáng tạo văn nghệ, từ đó mà thêm hiểu, thêm yêu nhằm phục vụ cho thú vui hay công việc của mình.

Sách vẫn đang được phát hành từ nhà sách Liên Việt, Tiki, một số nhà sách trên toàn quốc và tác giả.

 

Thùy Linh trên báo Thanh Niên ở đây. 




 

   

 


 

 

Không có nhận xét nào: