Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

NHỮNG CHUYỆN LẠ VỀ CHIÊNG TÂY NGUYÊN

 

          1. Chiêng không phải là của người Tây Nguyên làm ra, mà họ đi mua hoặc đổi về. Có các tên gọi chiêng Yoăn, chiêng Lao... chính là chiêng của người Kinh và người Lào (có nhà nghiên cứu lại cho rằng người Lào đi mua của người Mã Lai về bán/ đổi cho người Tây Nguyên). Chả cứ chiêng, ngay cái ché/ ghè đựng rượu người Tây Nguyên cũng không làm được, nhưng họ đi mua về và làm ra món rượu ghè/ rượu cần đặc sản của họ.

          Giờ chiêng trở thành gần như là đặc sản của người Tây Nguyên dù người các dân tộc khác cũng có chiêng và chiêng cũng rất nổi tiếng như cồng Mường chẳng hạn. Có được điều ấy vì chiêng Tây Nguyên ít nhất có 2 yếu tố rất đặc biệt, là người chỉnh chiêng và không gian chiêng.

           Làng đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) và làng đúc Mỹ Thạnh, An Nhơn (Bình Định) là 2 nơi chính cung cấp chiêng cho người Tây Nguyên. Với người Kinh chiêng chỉ có chức năng phèng la, từng chiếc đơn lẻ, có khi đi với trống trong các đám ma hoặc tế lễ. Nhưng khi về Tây Nguyên nó trở thành một dàn nhạc, trong đó mỗi người giữ một nốt. Và trước khi nó trở thành dàn nhạc như thế thì phải qua tay nghệ nhân chỉnh chiêng. Đây là những người có khả năng kỳ lạ, nhiều nhạc sĩ nổi tiếng khi gặp họ đều phải ngả mũ chào. Họ có đôi tai nghe và đôi tay của... Giàng. Tai, họ phân biệt được chiêng nào nốt nào, chênh với chiêng kia ra làm sao, chênh với cả dàn chiêng như thế nào. Tay, họ gõ nhẹ vào những chỗ cần gõ, và nó nhuần nhuyễn thống nhất ngay, hòa hợp ngay, như là sinh ra đã thế ngay. Dụng cụ của họ chỉ có một cái chăn (trước kia là tấm dồ, tức miếng vải đa năng của người Tây Nguyên, ta hay gọi thổ cẩm, có thể làm chăn, làm tấm khoác, làm địu, làm tấm trải, để úp chiêng lên, và một cái búa nhỏ đầu tù đầu nhọn để gõ chỉnh chiêng.

Cái khác của làng nghề chiêng An Nhơn (Bình Định) so với làng chiêng Phước Kiều (Quảng Nam) là họ không đúc mà lại gò. Tổ tỉ vốn từ làng nghề Ðại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nghề gò chiêng này du nhập vào Bình Ðịnh từ thế kỷ 18 do nghệ nhân Dương Bảy truyền nghề từ một đợt triều đình tuyển lính thợ Bắc Ninh vào xây dựng kinh thành Huế. Sau khi hoàn thành công việc, cụ rời Huế vào lập nghiệp tại Ðập Ðá, Bình Ðịnh, đổi sang họ Nguyễn, sau đó dời tiếp về Mỹ Thạnh như hiện nay.

Các nghệ nhân Mỹ Thạnh, An Nhơn cung cấp cho các làng dân tộc Tây Nguyên rất nhiều bộ chiêng độc đáo gò bằng tay mà hiện nay người dân Tây Nguyên rất thích và còn dùng rất nhiều, thậm chí nhiều bộ là chiêng quý. Chiêng Mỹ Thạnh gò bằng tay rất đẹp, giá lại rẻ, âm thanh tốt, độ bền cao. Có thời trước 1975, hàng tuần chiêng của làng chất đầy các xe cam nhông trực chỉ đường 19 ngược Tây Nguyên cung cấp cho các làng. Không chỉ thế, nó còn “tiện đường” sang cả Lào và Cam-pu-chia. Lịch sử làng nghề còn ghi: "Người dân tộc Tây Nguyên rủ nhau có khi đi bộ mấy ngày đường từ các buôn làng ở An Khê, Gia Lai kéo xuống, dắt cả trâu bò đến làng Mỹ Thạnh để đổi lấy cồng chiêng". Nhiều người già ở Pleiku bây giờ xác nhận đã từng đi buôn chiêng Mỹ Thạnh lên Gia Lai bán cho người dân tộc.

2. Chiêng quý là chiêng có pha vàng hoặc đồng đen. Là nghe nói thế, nhưng quả là, loại chiêng ấy nó có tiếng vang khác hẳn, sang và ngọt. Tất nhiên nó được đổi bằng trâu hoặc voi. Có 2 thứ người Tây Nguyên hay đổi bằng trâu và voi là ghè/ ché và chiêng.

Cồng chiêng từ xa xưa có thể nó có chức năng thông tin. Có việc gì, chuyện vui chuyện buồn, thông báo giặc giã hay mùa màng bội thu... họ đều dùng tiếng chiêng. Vì thế họ ví tiếng chiêng dài qua chín núi, và có cả mái nhà sàn dài như tiếng chiêng. Trong trường ca Đăm Săn thì: "Ơ chiêng, hãy vang lên đến chín tầng trời, vọng sâu xuống bảy tầng đất, lan sang phía Tây chỗ người Lào buôn voi, vọng sang đằng Đông chỗ người Kinh buôn muối, rằng hôm nay nhà Đăm Săn có việc lớn". Chuyện chiêng quý, chiêng có thần, có Yang trú ngụ làng nào cũng có. Người ta kể, có những bộ chiêng biết khóc, biết cười, biết báo mộng...

 

          3. Người chơi là một phần của chiêng.

          Ngoài cái hay của âm thanh chiêng, nó còn có cái đẹp của người đánh chiêng, cả tâm hồn và hình thể.

Hãy thử nhìn chàng trai đang chơi chiêng xem. Ngực trần nổi múi, dáng khom về trái, chân di chuyển rất nhịp nhàng và từng nắm tay nện vào núm chiêng vừa thiêng liêng vừa sảng khoái. Lúc này chàng ta chỉ còn một mục tiêu duy nhất là thả hồn vào tiếng chiêng kia, cũng chính là chàng ta đang lơ lửng đâu đó giữa trời cao đất rộng, giữa gió, giữa nắng, giữa trăng, giữa lửa và cả giữa rừng chân nõn nà muôn muốt của đội xoang (toàn nữ). Bao giờ cũng thế, người sử dụng cồng chiêng là người tài hoa nhất của buôn làng. Nhiều bộ chiêng quý phải đổi bằng ba bốn chục trâu, thậm chí bằng voi. Cồng chiêng vì thế, còn là tài sản vật chất quý giá, người Tây nguyên trữ chiêng như người kinh trữ vàng trong nhà. Khi không chơi, nó được lau chùi rất cẩn  thận rồi cho vào những cái rọ đan rất đẹp treo lên vách nhà.

 


          4. Chiêng không phải lúc nào cũng mang ra đánh được.

Chiêng là tự nguyện, tự giác, là nghi lễ, là thiêng liêng, là tài sản là linh hồn...

Thường là khi làng có việc, những bộ chiêng treo trên vách được cúng rồi mới hạ xuống để dùng. Và khi nó tham gia vào các lễ hội thì nó là một thành tố của lễ hội, vì thế nó cũng được xơi những thứ mà lễ hội có, thường thì máu con vật được hiến tế được bôi vào chiêng. Xong lễ, nó lại được cho vào những cái rọ hoặc bao rất đẹp treo lên vách nhà sàn hoặc nhà rông. Cũng có những nhà không có rọ hoặc bao thì treo trần nó trên vách hoặc cất ở đâu đấy trong nhà.

          Sau này chúng ta hay tổ chức các lễ hội cồng chiêng hay Festival cồng chiêng, thực ra đấy là ý chí của những nhà tổ chức, chứ chiêng, nó chỉ là một thành tố của lễ hội thôi, chưa bao giờ tự nó là một lễ hội. Người ta đồ chừng, ban đầu chiêng chỉ làm chức năng thông tin, kiểu như đánh chiêng thông báo “nhà dài như một tiếng chiêng” là cách so sánh như thế. Sau đấy chiêng như một sở hữu tài sản dù người Tây Nguyên chưa có khái niệm rõ rệt về hữu sản như người Kinh, nhưng trong nhà có chiêng quý, có trâu, voi, có ghè... là nhà giàu. Làng mà có nhiều người giàu là làng giàu. Tất nhiên làng giàu còn được đánh giá qua sự hoành tráng của nhà rông nữa. Sau này khi các nhà nghiên cứu âm nhạc xuất hiện, chiêng được giao thêm chức năng âm nhạc. Nó cũng như các nhạc cụ tre nứa khác, T’rưng chẳng hạn, ban đầu nó mang chức năng đuổi chim trong rẫy, mãi sau nghệ sĩ Nay Pha người Jrai ở đoàn văn công Tây Nguyên mang nó ra biểu diễn, cả ra nước ngoài thì nó thành nhạc cụ.

          Bây giờ các chàng trai Tây Nguyên khéo tay rất giỏi âm nhạc còn mày mò rồi dùng dàn chiêng cải tiến, treo chiêng lên, chỉnh nốt lại, chỉ một người chơi cả bài hát như “Ca ngợi anh hùng Núp”, “Đôi mắt Pleiku”... thậm chí cả nhạc nước ngoài. Dân làng rất thích, nó hợp với đời sống hiện đại, nhưng các nhà nghiên cứu phản đối. Giáo sư Tô Ngọc Thanh thì cương quyết phản đối, ông cho đấy là phá chiêng.

          5. Không gian chiêng.

          Đơn giản nhất nó là toàn bộ không gian sống của người Tây Nguyên. Không gian ấy gồm có: Làng và rừng.

          Làng là những ngôi nhà sàn quần tụ quanh ngôi nhà rông. Có những khoảng sân nối nhà này với nhà kia. Có giọt nước, có khu nhà mồ. Xa hơn về phía rừng thưa có nhà rẫy. Và xa nữa là rừng già, rừng nguyên sinh. Nó là làng của ma. Bí ẩn, thăm thẳm và linh thiêng.

          Chiêng được sử dụng trong không gian ấy. Nó, ban đầu là thế giới tâm linh. Nó tham gia vào toàn bộ đời sống của con người từ khi sinh ra (lễ thổi tai) cho tới khi chết đi, hóa thân vào đất vĩnh viễn (lễ Pơ thi- bỏ mả). Nó cũng tham gia vào thế giới vạn vật bởi người Tây Nguyên quan niệm vạn vật hữu linh. Tức là thế giới tự nhiên, thế giới của rừng, trong phần liên quan tới đời sống của họ.

          Thi thoảng chúng ta lại mang chiêng lên phố đánh, thậm chí lên sân khấu, cũng được thôi, nhưng khi ấy ta đã chuyên nghiệp hóa chiêng, ta đã bứng chiêng ra khỏi không gian của nó. Nó lại trở thành những chiếc chiêng nhạc cụ. Và nếu thế, các đoàn nghệ thuật với những nghệ sĩ chuyên nghiệp giỏi hơn rất nhiều, đưa nghệ nhân lên đấy, y như bắt cá từ sông vào chậu, nếu như không muốn nói, đặt cá lên thớt...


Báo Văn hóa Tết Nhâm Dần năm nay trình bày khá đẹp, thoáng và NB thì tự vượt mình rất xa, vươn lên hàng khá của báo phía Bắc, không như một số báo khác, tiếp tục kiên định lập trường không... phá giá, giữ vững ổn định thị trường, cương quyết không lạm phát, thậm chí kéo lùi giá he he.


 

                                                                      

         

 

Không có nhận xét nào: