Thứ Sáu, 18 tháng 2, 2022

CHÚ SANH

 

          Đây là một nhân vật rất thú vị, nhà cháu định để dành lúc nào làm một cái chân dung hoành tráng vài ngàn chữ. Nhưng hôm kia, TKTS báo GL kêu cần bài quá, thế là bèn xẻo ra một ít để kịp hôm nay báo ra. Thế mà rồi cũng bị gác lại mấy trăm chữ vì “khuôn khổ có hạn” hihi. Đây là bản full khi gửi đi. Sẽ làm lại thành một chân dung hoàn chỉnh về một con người có thể nói là rất hiếm ở thời buổi ngày nay...

Nếu không có/ gặp chú Sanh những ngày đầu mới lên Tây Nguyên chắc nhà cháu chuồn sớm rồi.

----------

          Dư luận đang trao đổi tưng bừng về việc xưng hô trong trường học giữa giáo viên và học sinh, rồi rộng ra là cách xưng hô trong công sở của người Việt. Quả là tiếng Việt cũng phức tạp. Hồi mới ra trường tôi cũng xưng hô với ông sếp mà tôi rất yêu quý, tới tận giờ, dù ông mất đã lâu, ấy là tôi (và rất nhiều người đồng lứa tôi) gọi ông bằng chú và gọi vợ ông bằng... chị.

          Ông là Trịnh Kim Sung, nguyên trưởng Ty Giáo dục Gia Lai Kon Kum, Đài phát thanh Kon Tum, Ty (sau là sở) Văn hóa Gia Lai Kon Tum và chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai Kon Tum.

          Tên hồ sơ là Sung, nhưng khi hoạt động trong vùng bà con Tây nguyên, ông được gọi chệch là Sanh, bởi Sung là từ chỉ hành động... tiểu tiện.


 

          Đấy là con người rất kỳ lạ. Học hành không nhiều, nhưng sự hiểu biết về đời sống, về văn hóa của ông, tới giờ vẫn rất nhiều người, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ phải nể.

          Khi tôi lên nhận công tác thì ông đương là trưởng ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum. Tìm hiểu sơ thì thấy 2/3 cán bộ cơ quan là chưa qua đào tạo. Một số là bộ đội tăng cường (toàn cấp úy, không ai cấp tá như sau này) sang làm lãnh đạo cấp phòng, một số lớn được tuyển cấp tốc từ miền Bắc vào, tiêu chuẩn là học hết cấp 3, nên lúc này văn hóa được mặc định là leo trèo kẻ vẽ, là cờ đèn kèn trống, là loa kèn máy nổ...

          Nhưng ông thì nghĩ khác. Ông luôn nghĩ văn hóa chính là toàn bộ đời sống xã hội. Nó vừa là phương tiện lại chính là mục đích sống, mục đích để con người vươn tới. Mà Gia Lai Kon Tum lại là một đặc sắc nữa của văn hóa Việt. Rất dễ để những người Kinh coi đấy là lạc hậu, là  cản trở sự phát triển, thậm chí là phản động (theo đúng nghĩa đen của từ này). Và sau đó, chính những cán bộ văn hóa của ông sẽ áp đặt cái văn hóa người Kinh, văn hóa mà cán bộ văn hóa cảm nhận tự bản thân họ, từ truyền thống làng xã của họ, vào văn hóa Tây nguyên (việc này sau đấy đã xảy ra). Và ông đau đáu về việc ấy. Và giữa dàn cán bộ như thế, ông luôn bị cô đơn, hết sức cô đơn. Cô đơn nhưng ông vẫn quyết làm.

          Ông ra Hà Nội bàn việc phối hợp với viện Văn hóa mời các nhà khoa học vào khảo sát về văn hóa dân gian Gia Lai Kon Tum, mở đầu bằng Bahnar. Và kết quả của cuộc hợp tác mấy năm ấy là cuốn “Folclore Bahnar” mà giờ ai muốn nghiên cứu về Bahnar, về Tây Nguyên đều phải có. Và mối tình của ông với một chị trong đoàn để sau này là vợ ông, người sưu tầm và phối hợp dịch cuốn H’amon Đăm Noi trong đợt công tác ấy, chị Phạm Thị Hà. Rồi ông đăng cai tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa dân gian Gia Lai Kon Tum, cũng có một cuốn kỷ yếu rất chất lượng về văn hóa Tây Nguyên. Ông mời các nhà khoa học như Tô Ngọc Thanh, Từ Chi, Ngô Văn Doanh, Nguyễn Tấn Đắc... các văn nghệ sĩ như các nhà văn Kim Lân, Mạc Phi, Hữu Thỉnh, Trung Trung Đỉnh,... các nhạc sĩ Văn Thắng, Xuân Giao, Nguyễn Cường, Vũ Thanh... vào Gia Lai Kon Tum “nằm vùng” nghiên cứu và sáng tác. Hồi ấy hết sức khó khăn, việc làm của ông bị phản đối từ thuộc cấp tới cấp trên. Nhưng ông thuyết phục, thuyết phục và thuyết phục, lấy công việc là trên hết. Ông biết cách sử dụng và tận dụng trí thức.

          Một hôm ông gọi tôi lên, nói chú định tách phòng Văn Nghệ ra, giao cháu phụ trách phòng Tạp chí Văn nghệ và xuất bản. Phòng này sẽ làm Tạp chí định kỳ, quản lý xuất bản và trực tiếp xuất bản sách cho tỉnh, và sẽ là nơi chuẩn bị cho việc thành lập hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Nhưng sẽ không có quyết định nhé, cháu hay nói chỉ cần được làm việc, không cần chức, thì đây là lúc cháu làm đi.

          Sau tôi mới biết, ý kiến ông cần có quyết định chính thức đề bạt tôi bị bác thẳng cánh trong đảng ủy vì mấy lý do, một là không phải đảng viên, và quan trọng là, bị đánh giá ngông nghênh, thiếu khiêm tốn. Khi mọi người trong cơ quan trồng rau nuôi lợn thì tôi... đọc sách. Khi mọi người cứ nhăm nhăm chờ hết giờ buổi chiều để về cho lợn ăn thì tôi vẫn trên phòng làm việc (phòng làm việc và khu tập thể chung, thậm chí có người ở trong phòng làm việc luôn). Thêm nữa khi mọi người “đồng phục” đồ bộ đội dép lê thì tôi quần loe áo chẽn tóc dài chân sapo hoặc giày, bị ghét là phải, chưa kể phải va nhau chan chát về chuyên môn, vì thật ra, một số cán bộ có chuyên môn gì đâu? Thế nên tôi có mấy năm làm phụ trách cái phòng khá nhiều việc ấy (vừa quản lý nhà nước về xuất bản, vừa làm chức năng tòa soạn tạp chí văn nghệ, thêm chức năng nhà xuất bản) nhưng chỉ quyết định bằng... vỗ vai thân tình như thế, giờ tìm trong lịch sử ngành Văn hóa GL đố thấy dòng nào về ông VCH từng làm... lãnh đạo cấp phòng hihi. Thời đầu Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai Kon Tum được cấp giấy phép xuất bản nhất thời, quy trình như sau: Cái giấy phép xuất bản do Ty văn hóa thông tin Gia Lai Kon Tum cấp, tôi thay mặt phòng ký bên tay trái, trưởng ty Trịnh Kim Sung ký bên tay phải, cho phép xuất bản Tạp chí Văn Nghệ GLKT số, tháng, khuôn khổ, số trang... do ông Văn Công Hùng là thư ký tòa soạn, ông Trịnh Kim Sung chịu trách nhiệm xuất bản, hihi. Không có quyết định nhưng trong Tạp chí thời ấy ghi rõ ràng chức vụ và tên tuổi. Và ông điều cho tôi một số anh chị em trẻ tốt nghiệp đại học mới ra trường, một số có bằng cấp ở các phòng khác về cùng làm. Có hẳn một cô đánh máy. Hồi ấy ở cơ quan nhà nước 2 vị trí có quyền nhất là lái xe và đánh máy. Từ bản thảo, phải có ký nháy của thủ trưởng trực tiếp, rồi trưởng phòng hành chính, nhiều trường hợp phải trưởng hoặc phó ty nữa. Bản thảo xếp hàng đống ở bàn nhân viên “đả tự”, ai gặp ông/ bà này cũng phải khúm núm. Thế mà phòng tôi có riêng một máy chữ và một nhân viên, đủ thấy tầm quan trọng.

          Cho tới giờ, thời gian mà chú Sanh làm trưởng ty Văn hóa là một trong những thời kỳ ngành văn hóa Gia Lai làm được nhiều việc “để lại cho đời sau” nhất. Nó vượt qua cái cách nghĩ thông thường về công việc của ngành văn hóa, là ngành gần như luôn bị đứng sau rốt. Cứ nhìn khách đến các hội nghị tổng kết của ngành văn hóa và các ngành khác thì biết, nhìn phương tiện của ngành thì biết. Ông có tình yêu và sự hiểu biết về Tây Nguyên rất đáng kinh ngạc, hết sức minh triết và nhân văn, khoa học. Từ hồi ấy, bằng suy luận và cảm nhận thực tế ông đã nhiều lần trao đổi với chúng tôi về tương lai văn hóa Tây nguyên, và giờ ngẫm lại, nó gần trùng với những gì ông tiên đoán. Ông và vợ cùng 2 con cũng ở một phòng trong khu tập thể. Nhờ bà vợ Hà Nội khéo tay mà mấy lạng thịt bụng bèo nhèo cũng thành bữa bún chả tưng bừng. Những lúc ấy ông lại đi tìm chúng tôi, mấy đứa trí thức độc thân cũng ở khu tập thể, rủ tới ăn dù chúng tôi toàn bọn vừa đói vừa sĩ. Và cũng là cái cớ để một vài bác phó ty, cả trưởng phòng của ông, dè bỉu. Thấy chúng tôi cứ về nhà lên là buồn thỉu tới cả tháng vì đời sống ở thành phố đồng bằng nó cách biệt quá xa với ở đây, ông nói: Mấy năm nữa là tôi đóng cửa đèo, không nhận người lên nữa, cứ chờ đấy, chả mấy nữa mà Pleiku vượt Huế nhé.


 

          Một trong những thành công của ngành tổ chức thời ấy, và cho cả tới bây giờ, theo tôi, là đã chọn ra chú Sanh để giao ngành văn hóa cho ông. Và cả sau này sang hội Văn học Nghệ thuật. Cái phòng ông tách ra ở ty Văn hóa ấy, sau này là nòng cốt của bộ máy hội VHNT lâm thời. Tôi cứ nhớ mãi những ngày mấy chú cháu mỗi người một xe đạp đi tìm trụ sở hội. Cuối cùng quyết chọn nhà 68 Phan Bội Châu. Giống như hồi bên ngành văn hóa, không phải tất cả đều ủng hộ ông, vẫn có những dèm pha, như hồi bên Văn hóa thì ông... ăn mặc quý phái quá, dù hồi ấy chỉ là dép tông Lào, mũ bere, áo luôn bỏ trong quần, và quần áo luôn luôn được là rất phẳng, nhưng vì thuộc cấp, cả cấp trên của ông, toàn mặc quần lò xo mang dép lê đi làm, tóc tai rối bù, đốt thuốc quấn như tàu diezen nên họ ghét, có người ghét ra mặt, công khai oang oang trên hội trường rằng ông tiểu tư sản, cắm hoa trong nhà (là vợ ông cắm, bà này cắm hoa rất đẹp và thích hoa. Giỗ chú Sanh bà mang hoa từ Hà Nội vào, tự tay cắm trên mộ, và tặng/ cho một số bạn bè cũ, toàn hoa rất đẹp). Sang hội VHNT thì vài người hỏi ông sáng tác thể loại gì. Tôi, cho tới giờ, vẫn kiên định quan niệm đã làm hội phải là người sáng tác, và phải vượt lên, phải biết đọc, biết xem biết đánh giá, biết nhận xét, có thành tựu. Nhưng với chú Sanh, tôi, và rất nhiều người ủng hộ ông hết mình, bởi nhận thấy ở ông sự hiểu biết, sự tử tế, sự hết mình với văn hóa, văn học nghệ thuật.

Trước khi chú sang Hội VHNT thì Ty Văn hoá đã đổi thành Sở Văn hoá, nên người ta mới nói chú là giám đốc Sở lâu năm nhất của tỉnh thời đó. Quãng 1985-1986 chú đã có viết tham luận cấp Bộ về “phát triển văn hoá vùng Bắc Tây nguyên đến năm 2000” (như giờ gọi là tầm nhìn tới năm 2000),  in roneo mà giờ lạc đâu mất, tiếc quá…

          Tiếc là sang làm chủ tịch hội được mấy năm thì ông phát ung thư gan, ảnh hưởng những ngày ở rừng sống dưới những đợt Dioxin. Và thời gian phát bệnh cũng nhanh. Rất nhiều văn nghệ sĩ hồi ấy đã lấy ông làm nhân vật để sáng tác với âm hưởng tiếc thương.

          Tới giờ những người nhớ ông, tiếc thương ông vẫn rất đông. Giỗ ông, cả ở Hà Nội và Pleiku vẫn rất đông anh chị em bạn bè cũ có mặt...

          Mỗi người có cách phụng sự cuộc đời riêng của mình, ông chọn sự tận tâm, sự cống hiến, sự khát khao học hỏi và thầm lặng đeo đuổi tới tận cuối đời. Vẫn nhớ, trước khi mất 1 tuần, nhân 1 vị lãnh đạo tỉnh vào thăm, ông nói: Tôi sẽ đi, các anh nhớ giúp anh em ở hội. Chúng rất tốt đấy, rất biết làm việc đấy, rất cần sự chia sẻ thông cảm và tin tưởng của các anh...

                                                                        VĂN CÔNG HÙNG

Ảnh gia đình cung cấp.



 

Không có nhận xét nào: