Té
ra là cụ Chử Đồng Tử có đến… 2 vợ. Là người cũng chịu khó sục sạo, ham hố lang
thang, mà mãi đến khi ngồi trên xe qua thị trấn Khoái Châu thì nhà thơ Đỗ Hàn mới
làm tôi sửng sốt khi kể một cách hào hứng về việc trên. Và thì ra là bà Tiên
Dung vĩ đại, đến mấy lần vĩ đại. Chả vĩ đại ư mà mình đường đường công chúa của
Vua Hùng 18, lá ngọc cành vàng, chỉ vì trót thấy cái anh chàng nghèo khổ trên
răng dưới… không khố tênh hênh ngay trong “buồng tắm di động” của mình mà rước
về làm chồng, mặc cho vua cha ghét bỏ cấm cản, quần thần can gián. Chưa hết,
sau đấy trong một lần đi chơi, thấy chàng Chử Đồng Tử thánh nhân kia mắt la mày
lét một thôn nữ khác mà Tiên Dung bèn… cưới luôn về cho chồng thỏa chí. Tài,
tài đến thế là cùng. Hàng nghìn năm sau một nhà thơ tài danh hậu thế thốt lên:
“đàn bà dễ có mấy tay” có khi là… bắt nguồn từ cái tích này???
Gọi
là cụ Chử Đồng Tử với bà Tiên Dung là theo… tuổi tác chứ trong tôi, và chắc là
nhiều người Việt nữa, luôn coi hai vị này là còn rất trẻ. Họ Chử sau khi được
Tiên Dung “bắt” chồng đã một bước lên thánh, trở thành một trong tứ bất tử của
dân Việt. Oai danh của chàng lừng lẫy đến độ, chính dân Hưng Yên lúc trà dư tửu
hậu nói cái đài liệt sĩ của tỉnh ở ngay quảng trường thành phố có dáng dấp của
cụ, một dáng vút cao oai vệ và đầy kiêu hãnh. Và tôi khi đến đầu thành phố đã
phải gọi điện thoại hỏi đường, Nguyễn Thị Hương, chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật
Hưng Yên hướng dẫn tôi: cứ đến cái… hoành tráng ấy thì rẽ trái…
Trong
số mươi tỉnh trên đất nước ta tôi chưa đến được, có Hưng Yên. Tôi có một nỗi ước
ao, là trong cuộc đời mình, thôi thì chả dám mơ ước cao sang là ra nước ngoài
ngoại quốc gì, cứ đi được hết các tỉnh trong nước ta, mỗi nơi thăm thú một vài
điểm, ngồi với một vài bạn, ăn một món gì đó đặc sản, hưởng tí gió tí nắng, nhấm
nháp chút nước giếng cổ của làng, ngắm cái triền đê hoặc cái eo lưng, nghe một
vài câu chuyện, sải vài bước chân ở cái nơi mình chưa từng đến… Và tôi đang cố
tận dụng để thực hiện cái ước ao ấy. Đã từng xe ôm xuống Tiền Giang, xe đò ngược
Mường Lò, nhờ xe vào Thanh Hóa, ghe bầu xuống Năm Căn… lần này thì tôi Hưng
Yên, chưa đầy trăm cây số từ Hà Nội nên gần trưa chúng tôi mới xuất phát.
Chả
còn đâu dấu ấn của biển ở nơi này dù đã từng “Thứ nhất kinh kỳ thứ nhì phố Hiến”.
Nếu Hà Nội có 36 làng nghề thì Phố Hiến đã từng có tới 28. Và cũng Phố Hiến là
một trong sáu nơi có văn miếu. Văn miếu Hưng Yên là văn miếu khá lâu đời, hình
như chỉ sau Hà Nội, được hưng công xây dựng từ năm 1839. Thực ra tôi mới chỉ được
đến Văn miếu Hà Nội, Văn miếu Trấn Biên ở Biên Hòa và giờ là Văn miếu Xích Đằng
Hưng Yên. Các nhân viên trực ở Văn miếu xứng đáng với công việc của mình, khi
tôi bước vào thì bốn cô gái trẻ đều đang ngồi đọc sách, đọc rất chăm chú.
Văn
miếu Hưng Yên còn được gọi là Văn miếu Xích Đằng vì nó được xây trên đất làng
Xích Đằng, chính là văn miếu trấn Sơn Nam. Không biết có phải nó liên
quan đến tứ trấn không? Trong Văn miếu Xích Đằng thờ hai cụ Khổng Tử và Chu Văn
An, hai ông thầy nổi tiếng một của Trung Quốc một của Việt Nam. Khi di cư
vào Nam, đến Biên Hòa, các cụ ta xưa cũng dựng lên ở đấy một văn miếu, gọi là
văn miếu Trấn Biên, đủ thấy các cụ tôn trọng và đề cao sự học, cũng như yêu quý
các thầy dạy như thế nào?...
Hồi nhỏ đọc sách, hình dung Hưng Yên
xanh mướt táo nhãn dâu, những cô gái áo nâu non cổ trái tim da trắng nõn mặt
trái xoan má lúm đồng tiền với tiếng cười lảnh lót bến sông. Những ngần trắng
đôi chân quần lụa đen xắn tròn lên gối. Những triền đê mượt cỏ, những cây gạo
cô lẻ trong sương, những bến đò thổn thức tiếng chèo phiên chợ, những cặp môi
thơm mùi táo chín… Các chị du kích Hoàng Ngân trong cuốn sách “Nhãn đầu mùa”
tôi đọc hồi bé tí mà giờ phải tra gúc gồ mới ra tên tác giả là Đào Xuân Tùng cứ
khiến cho cái tuổi thơ của tôi bồn chồn đến lạ. Các chị vừa dũng cảm vừa xinh
đẹp khiến mỗi hành động của các chị làm
trái tim trẻ thơ của tôi se sắt. Nó như sự tương phản giữa cái đẹp mong manh
với cái ác giữa đàn đàn lũ lũ kẻ thù. Nó đối lập giữa một bên là cái chết cận
kề với tình yêu phơi phới căng tròn như chính những quả nhãn đầu mùa mà lần này
tôi về không đúng vụ nên được bạn bè mời nhãn lồng khô, và, nó cũng rất ngon.
Có
một liên tưởng ngộ ngộ bật ra khi tôi ngồi hình dung lại chuyến về Hưng Yên vừa
rồi. Du kích Hoàng Ngân xưa chiến đấu giữ đất và vừa rồi nông dân Văn Giang
cũng… giữ đất. Tiếc là chuyến này không về được Văn Giang, nơi nhạc phụ của tôi
đã từng công tác ở đấy rồi nuôi mẹ của
các con tôi bây giờ khôn lớn. Ngày ấy tôi nghe kể mấy người con gái của nhạc
phụ tôi thường chở su hào bằng xe đạp sang Hà Nội bán. Của nhà giồng được mà.
Ông cụ người miền Nam tập kết, siêng năng, tham công tiếc việc, lại sống đúng ở
vùng bờ xôi ruộng mật, dẫu dân đông đất ít, nên dù việc chính là cán bộ thì
ngoài giờ ông vẫn quần đùi áo cộc làm vườn, ăn không hết thì bán cải thiện, mà
không bán tại chỗ, chở sang tận Long Biên bán cho được giá. Tôi được nghe kể nhiều về tài làm nông của
dân Văn Giang. Họ yêu mảnh đất của họ, từng vụn đất họ nâng niu thành sản phẩm,
bắt từng cục đất phải biến thành tiền. Tất nhiên trong những đồng tiền ấy quặn
thắt những nỗi đời, những số phận, đẫm mồ hôi và thậm chí cả máu. Nếu chỉ mồ
hôi không thôi thì nó cũng kết thành từng cục như cục đất, và chính nó là một
thứ phân, một thứ chất bón để những gì được chọn vươn lên trên mảnh đất ấy, tốt
tươi mang lộc cho những người nông dân cần cù tài hoa ở đây. Cái tài làm vườn
làm ruộng của họ nghe các đồng nghiệp Hưng Yên kể mà phát thèm. Đành rằng mở ra
đô thị cũng quý, nhưng không phải đất nào cũng là đất. Những tấc đất ở Văn
Giang nó không chỉ là nguồn sống, mà nó là toàn bộ cuộc đời của nhiều thế hệ
những người nông dân ở đây, họ sống và say sưa sáng tạo nên sản phẩm nông
nghiệp từ bàn tay, khối óc và con tim nhiệt huyết của đời này truyền sang đời
khác.
Tôi
leo lên bờ đê, giờ một bên là làng là phố, và một bên là nhãn, xanh mướt nhãn,
bồi hồi nhãn, xum xuê nhãn. Hồi ở Thanh Hóa tôi cũng sống ở vùng có nhiều nhãn
và vải, những cây nhãn cổ thụ rất to. Giờ về Hưng Yên thấy nhãn trồng như… rau.
Chúng thấp và nhỏ và ken đặc trong vườn, có cảm giác nó không phải như là cây
lưu niên nữa, mà như rau màu thời vụ. Là để thấy nhãn bây giờ thực tế hơn, gần
gũi hơn chứ không đơn lẻ từng cây um tùm cổ thụ với những thêu dệt truyền thuyết
thành tinh trong ký ức trẻ thơ. Ngay cây nhãn tổ trong chùa Hiến thì vì nó đã
chết thân chính nên người ta phải cứu lấy cái nhánh mầm còn sống nên trông nó
cũng rất bình dị thân thiện so với tuổi cụ của nó. Có lẽ bình dị thân thuộc là
cảm giác của tôi khi cứ lững thững một mình giữa phố Hiến xưa dù cái quảng trường
thành phố nó khá to và hiện đại.
Đến
phố Hiến thì phải đến thăm đền Mẫu, là người Hưng Yên nói thế. Phía trước đền
có một cái hồ rất lớn gọi là hồ Bán Nguyệt, tương truyền rằng nó nguyên là một
khúc sông Hồng bị đổi dòng hoặc là ngày xưa nơi ấy từng là biển, những điều kiện
để phố Hiến trở thành “thứ nhì” phố thị trong đánh giá người xưa. Nhất cận thị
nhị cận giang, phố Hiến từng có cả hai điều tuyệt vời ấy. Đồn rằng xưa kia bất
cứ ai chết đuối ở đâu cũng đều trôi về đây, và ngày nay ai chết đuối trong hồ
này cũng đều tụ về cái góc trước cửa đền Mẫu. Có lẽ vì thế mà đền Mầu thiêng, bởi
theo giải thích thì tất cả mọi người khi cuối cuộc đời đều về bên mẹ. Tôi thấy
có một cái cột cờ khá lớn và đẹp của một vị lãnh đạo nhà nước thành tâm cung tiến
cho đền, và chứng kiến hàng trăm lượt người lũ lượt vào xin quẻ, vào dâng lễ,
có cả những cặp vợ chồng rất trẻ rất đẹp, có những chuyến xe từ xa đến bụi đất
che kín cả biển số…
Đi
trên phố Hiến xưa cứ như đang đi giữa một làng Việt điển hình. Phố cong và nhà
thấp thoáng, cố tình ẩn mình đi chứ không cương quyết hãnh tiến phô ra như các
thành phố khác. Những con đường vẫn dáng quê rất đậm với xoan, với táo, với những
thứ cây thân thuộc, và sen và súng. Giữa thành phố tôi gặp một cái giếng đá to
gần như ao, hoặc giả nó nửa ao nửa giếng. Có các bậc tam cấp đá đi xuống, có
bèo tổ ong, chỉ thiếu vài cô thôn nữ “rửa lông mày” hoặc nghiêng nghiêng đôi nồi
đất gánh nước trong tha thướt cái áo tứ thân thấp thoáng cái yếm đào ý nhị bó
căng khuôn ngực trong mải miết sương giăng buổi sáng.
Có
một ngôi chùa xây dựng từ thời cuối Lý đầu Trần ở ngay trung tâm thành phố tên
Nôm là chùa Hiến, tên chữ là Thiên Ứng tự. Đại đức trụ trì Thích Thanh Sơn đang
loay hoay tìm cách tiếp cận các cơ quan chức năng để xin giấy phép cải tạo
chùa, bởi nếu chờ lâu quá những người cúng dường công quả sẽ bỏ mất. Ông gọi
cho Nguyễn Thị Hương nhờ giúp. Qua chi tiết ấy thấy thầy cũng khá thạo việc đời
và Hương thì cũng có tâm với chùa, được nhà chùa tin tưởng…
Mới
chỉ đi trên thành phố Hưng Yên đã gặp bao dấu vết xưa. Như ngôi chùa này, ngày
xưa trước mặt nó là thương cảng, tấp nập tàu bè buôn bán của các nước như Nhật
Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ấn Độ, Miến Điện, Trung Quốc… nó gắn với
lịch sử phố Hiến, kéo dài suốt mấy thế kỷ. Có tượng thiên thủ (nghìn tay) tức
phật mẫu chuẩn đề, nghe nói liên quan đến sự che chở, độ trì cho những người đi
biển. Trước sân chùa có cây nhãn tổ, tức nhãn tiến vua, dẫu cây gốc đã chết
nhưng may còn mầm và đã được cứu chữa bảo vệ, tương truyền cụ Lê Quý Đôn đã “thời”
nhãn này và ban lời khen ngợi. Đến cuối thế kỷ 16 thì phố Hiến bắt đầu mai một.
Biển lùi đi và sông thì chuyển dòng do một “thương hải tang điền” nào đó nên
thương cảng mất dần vì tàu bè không thể vào được nữa. Bây giờ phố Hiến vẫn có
đê nhưng từ đê phải mất ba bốn cây số nữa mới đến sông. Lạ là các cây cột, các
bức đại tự, pho tượng trong chùa từ hàng mấy trăm năm trước vẫn còn dẫu thời
chiến tranh chùa được sử dụng làm doanh trại bộ đội, cửa hàng mua bán… may mắn
là cho đến giờ nó vẫn còn lại hình hài để nhà chùa xin sửa chữa và nâng cấp…
Một
ngày, cưỡi… xe thăm phố Hiến, bạn bè Hưng Yên hẹn: hôm nào về ở lâu, về Văn
Giang mới khoái, mới hiểu hết Hưng Yên…
V.C.H
4 nhận xét:
Năm ngoái là Kinh Bắc, năm nay là phố Hiến .
Anh Hùng sống ở Cao nguyên nhưng có những bài viết hay và công phu về những miền quê Bắc Bộ.
Giáp Tết đọc những bài này của anh mà nhớ quê quay quắt .
Nói tới Hưng Yên mình nhớ tới 1 truyện đọc từ hồi nhỏ "Nhãn Đầu Mùa". cuốn sách này hồi ấy bị cấm, Hùng ạ.
Thích cái chi tiết Tiên Dung lấy vợ nữa cho chồng. Mong sao vợ mình cũng thế.
Trần Ngọc Tuấn
Thời Phong kiến ở Việt nam vợ cả đi hỏi vợ hai vợ ba cho chồng là chuyện thường trong văn hóa gia đình, đây mới thực là "đậm đà bản sắc" VH Việt.Đáng tiếc ngày nay phụ nữ VN đã không duy trì được cái Văn hóa vĩ đại này-văn hóa giải phóng vợ chồng.
NGÀY CUỐI NĂM THĂM VĂN CÔNG HÙNG
Mình vừa viết bài mới nói về Văn Công Hùng "nhậu" Nguyễn Ngọc Tư
... Bình phẩm về chất người Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư theo tôi diễn đạt rõ nhất có lẽ là trong bài viết "Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư của Văn Công Hùng. Đọc ""Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư " lại nhớ "Nhậu" với Văn Công Hùng ở phố núi quá! Đúng là tiết xuân. Đúng là Nam Bộ. Mừng Văn Công Hùng. Tôi rất tâm đắc với lời đánh giá của Phạm Đức Long: Văn Công Hùng viết bài này thật hay. Thực tình Nguyễn Ngọc Tư có duyên thầm như sầu riêng Nam Bộ vậy. Đúng là đặc sản! Nguyễn Ngọc Tư là sầu riêng Nam Bộ
Tôi đã tuyển chọn và giới thiệu Nguyễn Ngọc Tư bốn bài. Nay xin chép chung vào đây để bạn đọc tiện theo dõi.
xem tiếp http://hoangkimlong.blogspot.com/2013/02/nguyen-ngoc-tu-sau-rieng-nam-bo.html
Đăng nhận xét