-----------
Một
dạo trên facebook của một người Huế có câu chuyện vui, là đứa con anh, mới 10
tháng tuổi, về nhà bà ngoại ở Cần Thơ mấy ngày mà cương quyết không chịu ăn bột,
chỉ khóc. Khóc ngằn ngặt suốt ngày khiến cả nhà mất ngủ phờ phạc. Cô con dâu mới
điện cho mệ nội ở Huế méc chuyện. Mệ xót cháu cứ sồn sồn hơ hải đòi gửi cháu ra
cho mệ. Nhưng mà nào có thể ngay lập tức mà gửi ra, đứa con nít chứ có phải cái
xô cái chậu, cái phích cái ly đâu, trong khi cháu nhịn ăn đã mấy ngày. Thế là
bà mới ngọn ngành hỏi từng ly từng tí chế độ chăm cháu. Rồi bỗng à lên rất to:
con có cho… ớt vào trong bột cho cháu không, ngoài này mỗi khi quấy bột mệ đều
cho nửa muỗng. Thế là rối rít mang ớt bột nguấy vào bột và… đứa bé ăn ngon lành,
ngủ ngon lành.
Một chuyện nữa
tôi chứng kiến là mấy sinh viên người Huế lên Pleiku thực tập, tôi dẫn đi ăn
sáng. Gần như tất cả ớt của quán chúng trút hết vào mấy tô phở, cả quán, từ chủ
tới khách đang ăn đều mắt tròn mắt dẹt nhìn chúng trong khi chúng tỉnh bơ nhai ớt
như nhai… rau. May mà có tôi quen nên chủ quán không… lấy thêm tiền ớt.
Ba tôi rồi chú
tôi thời tập kết ra Bắc, mỗi lần sơ tán, đến nơi ở mới, việc đầu tiên là… đào hố
trồng ớt, còn trong túi thì bao giờ cũng có hàng nắm… ớt khô. Ớt khô vừa để lấy
hạt trồng cây mới, vừa là để ăn đỡ khi không có ớt tươi…
Đến khi về Huế
mới biết người Huế biết muối ớt để dành ăn dần. Cũng không hiểu sao mà ba tôi
và chú tôi không biết muối ớt, mà chỉ cùng lắm là ngâm ớt với nước mắm, hàng lọ,
và trồng lấy để ăn, kiểu “của nhà giồng được”, chứ nếu biết muối thì không phải
khốn khổ với nỗi thèm ớt đến như thế ở cái thời đói kém, thức ăn chỉ có ớt với
muối, sang ra thì có nước mắm làm từ gạo rang, thế nên ớt trở thành chủ đạo
trong mâm cơm.
Tôi
vừa ra bưu điện nhận bưu phẩm. Thấy đề ngoài là hàng dễ vỡ, xin nhẹ tay. Thì ra
là cô em dâu ở quê gửi cho tôi một hũ… ớt muối. Cô này thấy tôi hôm về quê, mắt
sáng lên khi nhìn thấy đĩa ớt muối nguyên quả, tăm tắp bày trên mâm giữa cơn
mưa lạnh, nên đã gửi chuyển phát nhanh theo lên cho tôi món quà “nhìn thấy là
rưng rưng” này.
Ớt,
cái quả nhỏ nhoi cay nồng ấy gắn với Huế như một mặc định dù khắp nơi trên thế
giới này đều có ớt. Ngay dải đất miền Trung ấy thì ớt Quảng cũng rất nổi tiếng
và người Quảng ăn ớt cũng thần sầu. Ngược ra ngoài tí thì dân Quảng Trị Quảng
Bình nào có kém cạnh gì?
Có
lẽ cái khéo tay chế biến thức ăn và biết sử dụng gia vị ớt đã khiến người Huế gắn
với ớt, đến nỗi rất nhiều người vùng khác đồn nhau là người Huế nấu chè cũng
cho… ớt.
Có
vẻ như ớt hợp với đất cằn cỗi. Cái dải Miền Trung vì thế mà nhiều ớt, và Thừa
Thiên Huế vì thế là thủ phủ của ớt. Quê tôi, những vồng ớt cao ngang ngực, để
chống nước lụt, và ớt rực trên ấy như thắp ước mơ cho bao phận người nghèo khó.
Và có lẽ vì khắc nghiệt thế nên ớt ở đây cay mà thanh chứ nó không bồm bộp giòn
mà không cay, hoặc cay mà không thơm, hoặc thơm mà không ngọt, hoặc ngọt mà
không đậm… như ớt ở các vùng khác.
Thực
ra thì ớt gắn với người nghèo. Rất nhiều người Huế đã mưu sinh từ ớt. Hồi mới
giải phóng, quê tôi tuyền trồng ớt, đỏ rực ớt mỗi khi hè về. Ớt hái về phơi khô
rồi cho vào cối giã (hồi ấy chưa có máy xay như bây giờ) rồi giần sàng cho đến
khi thành bột ớt mịn tơi đỏ lừ. Người lạ mà về làng dịp này là chịu không nổi.
Từ trong nhà ra ngoài đường rừng rực ớt, cay nồng ớt, xé lòng ớt, nhòe nhoẹt ớt…
Vất
vả thế nhưng bán chả được bao nhiêu. Có hồi đồn là xuất khẩu được nhưng rồi
cũng chẳng thấy đâu. Các bà nội trợ thường dùng ớt bột thay màu mà ớt Huế thì…
cay quá nên cũng bán không chạy bằng các loại phẩm màu trộn ớt. Bán ớt tươi
ngoài chợ cũng là những người nghèo, túm ớt ngàn bạc, thường người đi chợ mua
vào lúc trước khi về, khi chỉ còn vài đồng tiền lẻ, hết thì… thôi, về sang hàng
xóm xin.
Ớt
gắn với người nghèo còn ở chính cách… ăn ớt. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rất tinh
tế khi viết “Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi”. Thì ra ăn ớt còn là để đánh lừa
vị giác. Cơm chỉ có mắm, đố ăn nếu không có ớt, thật nhiều ớt để quên đi sự đạm
bạc. Đồng bào dân tộc Tây Nguyên thời đói kém nhất cũng chỉ có muối giã với ớt.
Không có ớt phi thành mắm và muối, phi thành bữa ăn đạm bạc.
Nhưng
không phải lúc nào cũng có ớt tươi mà ăn, nhất là ở xứ Huế có những tháng mưa
ròng, mà ớt là cây không chịu được nước. Bữa ăn Huế mà không có ớt như một câu
chuyện nhạt, một người bạn tôi lý giải như thế về Huế và ớt. Và bạn ấy khẳng định
rằng, bạn ấy là người Huế gốc… ớt. Đi công tác ra ngoài tỉnh thì bao giờ trong
hành lý cũng có… ớt.
Không
có ớt tươi thì làm thế nào? Bởi ớt đúng ớt
thì chỉ có mùa, còn loại ớt mà ra quanh năm ấy, nó chỉ còn là… nửa ớt, ăn ớt
như ăn cà chua, như dưa chuột, nhạt phèo, người Huế bảo thế.
Thì
muối.
Món
muối lại cũng là món của con nhà nghèo từ xa xưa, để dành thức ăn, giữ lại loại
rau xanh khi không thể giữ nó tươi. Thế mà rồi cũng thành đặc sản.
Ớt
cũng thế. Không phải ai cũng biết muối nhé. Muối không khéo thì ớt chỉ còn… vỏ,
và mùi rất khó chịu.
Người
Huế đã chứng minh sự khéo tay của mình bằng những hũ ớt muối “gần như tươi”, ít
nhất là đối với người xa quê như tôi.
Thường
là ớt xanh, quả cỡ ngón tay, muối sao mà quả ớt còn nguyên như tươi, mặn vừa phải,
có thể vẫn dằm với mắm, vẫn cắn ăn được…
Nhưng
đặc biệt là kho với cá. Cá biển càng tuyệt.
Cái
bùi cái béo cái ngon cái ngọt cái bổ cái tươi cái nhân nhụy cái nồng nã của con
cá như lặn hết vào quả ớt, quả ớt căng ra, viên mãn và phủ phê, ngập ngụa cái
tinh túy của nồi cá kho, nghiêng răng cắn một miếng, và một đũa cơm, thôi thì
khổ sở bực bội ở đâu không biết, đến đây thì dừng lại cho cái hít hà giãn nở của
khuôn mặt của ánh mắt, của cái ánh hồng trên má và cả lấm tấm những giọt mồ
hôi, vì cay, vì khoái…
Người
nơi khác, nhất là người Bắc, đến Huế, vào hàng ăn, thường thì câu đầu tiên là:
cho không cay. Nhưng mà nào có được. Dẫu đã cố gắng hớt hết váng và không bỏ ớt
trực tiếp nữa, nhưng các món Huế đều phải được ướp bằng ớt. Và thêm nữa, như một
sự tự hào pha chút kiêu ngạo ngầm, đến đây mà không ăn cay thì còn chi Huế. Và
món Huế mà không có ớt còn chi là món Huế, còn chi bún bò, còn chi cơm hến…Vậy
nên phần lớn là thấy các vị khách ấy, mặt môi đỏ kè, mắt mũi sụt sịt, khăn giấy
liên tục lau nhưng vẫn xì xụp gắp. Và, họ đã không quên Huế từ cái vị cay nhớ đời
ấy để rồi lần sau lại… sụt sịt…
Hình
như tôi có đọc ở đâu đó, hay nghe ai đó nói, rằng người Huế có cả một triết lý
về… ớt. Mà có lẽ có thật, bởi, ẩm thực Huế có triết lý của nó, mà ớt thì làm nền
cho ẩm thực Huế, dẫu là ẩm thực bình dân, vậy thì theo thuyết tam đoạn luận, hà
cớ gì ớt Huế không có triết lý. Câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm tôi đã dẫn có thể
là một gợi ý chăng: biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi. Ớt đã cùng người qua cơn
khốn khó để hôm nay ớt vẫn ngạo nghễ có mặt cùng sơn hào hải vị. Khác chăng là
từ vai trò chủ đạo nó trở thành điểm xuyết. Cứ nhìn bát nước chấm ngày xưa bình
dân với bây giờ trong nhà hàng bốn năm sao là thấy.
Quà
xứ Huế có mấy thứ thường được người Huế tự hào gửi cho bạn bè bà con ở xa là Mè
xửng, mắm tôm chua, nón, và… ớt, cả ớt bột và ớt muối. Chao ơi kể làm sao hết
cái nghĩa cái tình người Huế…
Ớt
muối đấy. Cái hũ đang được đặt một cách trang trọng trên bàn ăn nhà tôi đấy. Mà
nó không chỉ là ớt với muối, nó là cả một vùng ký ức phập phồng, là mồ hội rụn
rịn của những thân phận, đời này sang đời khác, khiến quả ớt nhỏ nhoi vô danh
đâu đó trên ruộng, trong vườn… hiện diện một cách sang trọng mỹ miều trong các
nhà hàng hoành tráng, hoặc trong nồi cá kho, trên đĩa thức ăn của một gia đình
nghèo nào đó, như nhà tôi, chiều cuối năm mưa lạnh này...
Và
tự nhiên lẩn mẩn nghĩ: Nếu một ngày nào đó, Huế không còn ớt???
V.C.H
Nhà tớ trưa nay:
5 nhận xét:
Chúc anh và gia đình năm Quý Tỵ mọi sự như ý, tỷ sự như mơ, văn thơ cất cánh, sóng sánh niềm vui nha.
Năm mới chúc VCH và gia đình sức khỏe và may mắn, phúc lộc đầy nhà!
Hehe Đỗ Xuân Thu, giá mà cuộc đời suôn sẻ thế, nhưng vẫn cám ơn bạn...
Nguyễn Quang Lập:
-----
Mãi mãi như... Nguyễn Quang Lập nhé, niềm tự hào của tớ...
Ớt cay, gái ghen, gen bố...VCH
Đăng nhận xét