Nhà cháu góp ý cho cô BTV tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên mới (tức là từ khi nó nhập về Báo Thái Nguyên, trước đó nó của hội VHNT Thái Nguyên. Trong quá trình “sắp xếp lại giang sơn” nó cũng rời hội VHNT sang báo với 1 ê kíp mới), là em mở mục 1001 chuyện trà đi, nó sẽ đủ nuôi tạp chí em 5000 số, tới khi em... về hưu (Tạp chí ra 1 tháng 2 số, ngày 10 và 25 hằng tháng), thế là em ấy... rú lên: anh mở hàng cho em đi. Nhà cháu hoảng quá: Anh biết gì về trà đâu, anh giới thiệu cho em những ông thần trà này, vừa viết hay, vừa nghiện trà như... bò nghiện cỏ, như trẻ con nghiện... vú, mà lại uống rất hào hoa, đúng nhẽ, vừa uống vừa vận khí trời đất vào để trà thăng hoa và người... nhập địa, tức ngồi yên trên đất vận trà trên núi vưn vưn, em nghe (chắc là ghi chép tên mấy ông ấy) nhưng rồi vẫn chắc nịch, anh viết cho em, mở hàng. Anh viết dở, hâm, nhạt, nhưng được cái mở hàng thì hay may mắn. Nhà cháu từ chối tiếp, cô ấy gằn tiếng: có viết không thì bảo? Ôi giời ơi, giống hệt giọng mấy em ở Tạp chí Sông Lam, Nhật Lệ, cả Thái Nguyên cũ. Đời nhé, tổ chức đã giao việc cho cái bọn vừa xinh vừa tài lại vừa biết sử dụng quyền uy thì... đố đứa nào qua ải mỹ nhân, nhà cháu thặc.
Ý văn học là giờ ngồi viết cái bài ấy, dù chưa biết viết gì, thì đăng cái bài nhà cháu viết cho Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên số 1, bộ mới, ủng hộ cuộc thi “Trăm năm Đệ nhất danh trà”...
--------------
Nói “thêm một lần” bởi, trước đó, tôi cũng từng có vài bài về chè Thái đăng trên đặc san Trà Việt và Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên, hai tạp chí từng đình đám. “Trà Việt” đình đám bởi chắc cả nước mới mỗi mình Thái Nguyên ra một tạp chí riêng về đặc sản quê mình. Các nơi khác cũng nhiều đặc sản như Cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk), trái cây miền tây, Cu Đơ xứ Nghệ, cá ngừ đại dương (Bình Định, Phú Yên cũ)..., có nơi nào có Tạp chí riêng đâu. Còn Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên từng trong top những tạp chí Văn nghệ cả nước thời chưa sáp nhập ở tính chuyên nghiệp, sang trọng và hay.
Và quả là, cái ấn tượng về Thái Nguyên vẫn nguyên trong tôi khi lần này, tôi lại được đi trong đội hình toàn người... sành chè. Chủ thì tất nhiên sành chè rồi, nhưng chục vị khách đồng hành cùng tôi cũng nói vanh vách về chè khi ngồi trên xe di chuyển từ Hà Nội lên Thái Nguyên.
Trong đó, nể nhất là nhà báo Vĩnh Quyên. Chị nhà báo nguyên là phó tổng giám đốc truyền hình quốc hội này nổi tiếng là người chế biến (chính xác là phục dựng) các món ăn Hà Nội ngon, cả ăn và uống. Uống thì đỉnh của chị là chè sen. Có lần một người bạn đặt chị gửi cho tôi hẳn gần trăm bông sen chè, khiến suýt nữa tôi phải đi mua thêm... tủ lạnh để trữ. Sau nghĩ cách dù rất xót: cho bớt bạn bè.
À, cái đoạn cho, biếu bạn bè nó cũng đầy éo le. Tôi ở Pleiku, xứ cà phê. Các bạn tôi ở đấy, đa phần là, khi có bạn nơi khác tới, muốn biếu, tặng họ chút quà, thì đơn giản nhất là... cà phê. Gửi quà về quê cũng thế. Và ngược lại, ai từ Bắc vào thăm, hoặc gửi quà vào, chủ yếu là chè (trà).
Tôi thì không thế, bởi tôi biết, không phải ai cũng uống được, hoặc thích uống trà hoặc cà phê. Phải hỏi họ, thì thân mật thôi mà, rằng có uống cà phê không, thì biếu, không thì thay thứ khác. Bởi tôi cũng chứng kiến nhà ông bạn, đầy chè... mốc. Ông ấy không uống nhưng lại hay được biếu. Mà chè để lâu thì mốc, ít nhất là hết hương. Nên phải biết tập quán thưởng thức từng vùng, miền. Phía Bắc là chè (trà), tất nhiên, phía Nam là cà phê, rất đơn giản, trừ trường hợp... cá biệt, tất nhiên giờ cá biệt đang giảm rất nhiều, cá biệt đang hóa đại trà...
Thì chị Vĩnh Quyên ấy, ngay sáng đầu tiên “lạc” vào thế giới trà, suýt xoa thú nhận: lâu nay làm rất nhiều trà ướp sen nhưng giờ mới chứng kiến chè/ trà nó nhiều, đẹp và miên man như thế. Và cũng là lần đầu tiên mới tỏ, mới tường cái tên “tứ đại danh trà Thái Nguyên” với những là Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương).
Lại phải nhẩn nha tí trà và chè. Phía Bắc có phân biệt nhưng không kỹ bằng phía Nam dù “độ” trà phía Nam thua hẳn phía bắc. Tôi sinh ra và sống ở Thanh Hóa suốt thời chiến tranh phá hoại, lếch thếch theo cơ quan của ba mẹ đi sơ tán, và đa phần ở nhờ nhà dân các làng dọc mấy con sông lớn Mã, Chu..., rất nhiều chè xanh. Mẹ tôi có tiêu chuẩn chè gói để tiếp khách, loại ba hào một gói, đa phần khi tới tay người uống là đã mốc thếch. Các cô chú trong cơ quan mẹ tôi toàn gọi là loại chè chín hào ba, mới nghe tưởng chín hào ba một gói, nhưng thực nó là chín hào ba gói. Mẹ tôi không uống, cũng chả có khách mà tiếp, khách nào mà chịu đạp xe cả trăm cây số tới cái nơi sơ tán của cơ quan nay đây mai đó, mà cũng chả có phương tiện liên lạc như bây giờ, nên chè ấy mẹ tôi cho các chú cơ quan, các chú quý lắm, thi thoảng mới pha, còn lại là uống chè tươi. Kể để nhớ, họ toàn gọi là chè, cả chè xanh lẫn chè khô, tức chè đã chế biến.
Phía Nam phân biệt rõ: chè và trà. Và cái món mà tôi vừa sống giữa nó, được nó ướp hương ấy, người lúc nào cũng lừng hương cốm ấy, là trà. Còn những đồi xanh rờn rờn kia, dẫu nhấp nhô thung lũng kia, nhưng vẫn ngút mắt ấy, là chè.
Và té ra nó lại phải về đây mới tỏ tường, ấy là cái món trà Thái Nguyên ấy, nó được di thực từ Phú Thọ về. Nhớ, năm trước, tôi được bộ trưởng Lê Minh Hoan, giờ ông là phó chủ tịch Quốc hội rồi, mời cùng một số nhà văn đi thăm Thái Bình (lúa) và Bắc Giang (vải). Lên mới tường tận hơn cái sự cây vải giờ là đặc sản lừng danh của Lục Ngạn, Bắc Giang ấy nó lại là sản phẩm đưa từ Hải Dương về, từ cái vùng cũng lừng danh Thanh Hà ấy. Nhưng bây giờ, nhắc tới vải là người ta nhắc tới Bắc Giang. Thì cái món Trà Thái này cũng thế. Nó từ Phú Thọ về đây và lừng danh ở đất này, thành cái câu truyền miệng và giờ là truyền trên mọi phương tiện: Trà Thái gái Tuyên. Gái Tuyên thì ông nhà văn viết bút ký tài hoa vào loại nhất nhì Việt Nam đã có cái tuyệt bút “Miền gái đẹp”, tới mức giờ ai nhắc tới Tuyên Quang thì đều kèm “miền gái đẹp” dù Tuyên Quang chỉ có 2 chữ còn thêm “miền gái đẹp” nó hẳn 5 chữ, còn nếu bỏ Tuyên Quang chỉ “miền gái đẹp” thì ai cũng vẫn biết là nói Tuyên Quang thì nó vẫn ba chữ, mà trong thời buổi tiết kiệm, thậm chí suýt thì các địa danh nước ta đều được đặt theo số, thì đấy là sự lạ, sự tôn vinh... đặc sản.
Trà Thái, giờ nó là một thương hiệu, không chỉ trong nước. Năm kia sang Đài Loan, mấy nhà văn đàn anh (sống ở Hà Nội, tức nghiện trà) chỉ đạo từ xa, tức từ nhà: uống thử trà Ô Long Đài Loan, rồi mua về mà uống. Tôi nhắn lại, các bác có uống không? Không, bọn tao uống trà Thái quen rồi. Ơ thế thì em cũng vậy.
Là tôi cũng đang sống ở xứ trà. Khi đất nước còn chia cắt ấy, miền Nam có 2 vùng trà nổi tiếng, một là Bảo Lộc (Lâm Đồng) là trà B’lao, và 2 là vùng trà Gia Lai với 2 thương hiệu là trà Bàu Cạn, trà Biển Hồ. Trà B’lao cực kỳ nổi tiếng. Tôi nhớ, ngay sau ngày thống nhất, đầu năm 1976, tôi về quê ở Huế, các nhà bà con đều thửa trà B’lao đón ba con tôi, khi ấy chả ai uống trà. Nhưng nhất nhất cứ phải trà B’lao đón ông cậu từ Bắc vào.
Các vùng trà này đều do người Pháp phát hiện và lập đồn điền. Năm 1981, tôi tốt nghiệp đại học và lên nhận công tác ở Gia Lai thì trà Bàu Cạn vẫn được phân phối theo phiếu thực phẩm. Cũng có tới mấy loại, 1,2,3 chi chi đó.
Nhưng sau đó, khi đã thông thương, tức sau cái thời mà mang theo mấy lạng trà Thái cũng phải xin giấy, cũng bị kiểm tra, thì hàng hóa được lưu thông tự do, trà Thái Nguyên tràn ngập phía Nam, thì các thương hiệu trà B’lao, Bàu Cạn, Biển Hồ... dần mất hút.
Tôi vẫn nhớ mãi cái buổi trưa cách đây gần hai chục năm ở Sài Gòn. Một nhà văn đàn anh từ Hà Nội vào, câu đầu tiên khi nhận phòng là ông thốt lên: thôi chết rồi. Tôi ngạc nhiên: chuyện gì ạ? Tao quên mang... trà. Trong phòng có trà túi lọc đấy, và em cũng có mang trà Bàu Cạn đây ạ. Không, tao chỉ Thái Nguyên, và chỉ đúng loại ấy. Giờ tao mày đi mua. Tao có địa chỉ đại lý trong này.
Lại nhớ chi tiết này nữa, rằng là rất nhiều nơi trưng biển bán “trà Thái” nhưng nó có Thái không thì lại chuyện khác. Gần đây nhất, ngay khi chúng tôi đang ở Thái Nguyên thì công an Thái Nguyên đã phá vụ án trà Thái Nguyên giả. Hai vợ chồng làm giả tới 9,2 tấn trà Thái nhưng chưa chắc đã... nguyên.
Giờ đa phần các tỉnh đều có những đại lý trà Thái Nguyên lớn phục vụ dân nghiện, nhưng quả là, uống trà Thái ở đây nó không... nguyên như trà bạn bè gửi trực tiếp vào.
Nói trà được gửi, ai cũng bảo nó ngon vì... không phải trả tiền. Cũng có thể, nhưng đấy là của mấy anh keo kiệt, có thì uống không có thì uống nước lọc, nước vối. Chứ mấy anh biết trà, nghiện trà, chưa tới mức như câu chuyện của cụ Nguyễn viết, đại loại có ông ăn mày đi xin ăn nhưng khi gặp 2 cụ đồ nổi tiếng sành trà đang đối ẩm thì y xin… trà. Các cụ cho 1 ly (chén), y không uống mà xin để y pha riêng. Rồi y tỉ mẩn lôi trong cái bị cói ăn mày ra một cái ấm, mới nhìn 2 cụ đã thất kinh vì nó rất cũ và đầy cao, loại ấm của “bọn” siêu chè. Rồi y tỉ mẩn pha, tỉ mẩn uống, tỉ mẩn khề khà… đến lúc xong, trước khi đi y vái 2 cụ đồ, cảm ơn rồi bảo: Trà của 2 cụ rất ngon, nhưng tiếc là có lẫn trong ấy cái vỏ trấu. 2 cụ tự ái đùng đùng chửi thằng ăn mày là ăn cháo đá bát, là bọn “thực bất tri kỳ vị”. Hôm sau lúc lại pha trà đối ẩm đọc thơ, một cụ lỡ tay làm đổ lọ trà, và trong lúc suýt xoa lụm cụm nhặt từng hạt trà cho vào lọ thì các cụ bỗng… thấy một miếng vỏ trấu…, thì cũng biết phân biệt trà tôm nõn nó khác trà đinh, móc câu nó khác búp như nào vân vân.
Lại nhớ chuyện phân biệt trà. Lần ấy, cũng khoảng gần hai chục năm trước, tôi vào tòa soạn Tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên thăm đồng nghiệp. Cái Tạp chí này ngoài việc nội dung khá hay, hiếu khách lại còn... toàn người xinh, từ TBT Nguyễn Thúy Quỳnh (hồi này chị chưa làm chủ tịch hội), tới thư ký tòa soạn Nguyễn Thị Thu Huyền... đều tương đương hoa hậu. Quỳnh pha trà mời tôi rồi gọi các bạn sang phòng mình cùng tiếp khách (là tôi). Nguyễn Thị Thu Huyền sang uống ngụm trà đầu tiên rồi nói: Trà này của chị từ tuần trước hả? Quỳnh bảo, mười ngày rồi đấy. Để em sang phòng lấy trà, trà của em mới... ba ngày. Tôi trợn tròn mắt và, thực hiện ngay một nghi lễ rất trịnh trọng: quỳ xuống lạy hai cô em vì họ quá sành trà.
Cũng phân biệt trà, có hai bạn văn hiện nay thường xuyên cung cấp trà Thái cho tôi là nhà thơ Hữu Việt ở Hà Nội. Ông này trong phòng có bộ đồ trà nhìn phát ngốt, mỗi sáng ông pha trà như một nghi lễ, dù chỉ uống một mình. Ông này chỉ chuyên uống trà đinh, và ông rất hay gửi trà đinh cho tôi, vì sợ tôi uống trà khác... hỏng miệng. Ông có một cửa hàng riêng ở phố Hàng Điếu thì phải, chuyên cấp trà đinh để ông uống và... gửi cho tôi. Ông nữa là một người đa tài ở xứ trà, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh. Ông này gần đây từ phê bình lý luận, đốc chứng sang làm thơ viết truyện, đều rất thành công, rất hay. Ông cũng có cái... thú là gửi trà cho tôi, cũng bởi sợ tôi hỏng... ruột. Ông khoe trà của ông là trà vườn nhà học trò, rất sạch và ngon.
Và đấy, từ các cô đồng nghiệp ở tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên, rồi tới các ông nhà thơ nhà văn Hữu Việt, Nguyễn Đức Hạnh, tôi trở thành “nô lệ” của trà Thái.
Thế nên có thể hiểu cái tâm trạng hân hoan của tôi khi được trở lại xứ chè, thêm một lần chè...
Biên tập viên mới của báo Thái Nguyên phụ trách Văn Nghệ Thái Nguyên, nguyên là thư ký tòa soạn báo Bắc Kạn) nửa đêm ở nhà in. Tức cũng rất yêu tờ báo mình làm, trực ở nhà in để đón tờ đầu tiên của số đầu tiên. Cô này vừa rồi liên tục có thơ đăng trên các tạp chí Văn nghệ lớn, thơ rất hay. Thái Nguyên đã chọn mặt gửi... Tạp chí đúng.
2 nhận xét:
Viết duyên thế. Chỉ là trà mà thêm hết lần này đến lần khác
Khà khà, bèn ạ
Đăng nhận xét