Thứ Năm, 10 tháng 2, 2022

CHỢT - CÓ LẼ PHẦN NHIỀU LÀ DỊCH CHUYỂN

 

“Thẩm định cho mình tập CHỢT này, PĐM nhé”.

Một ngày Thu còn ngái. Nóng quá. Ông gửi cho tôi tập thơ trong E-mail với câu nhắn thế. Để cho một nhà văn thẩm một tập thơ, mà thơ của tác giả lừng lững đã, rồi, thì quả có điều gì đó bất thường. Rồi tôi cũng “Vâng anh”, rồi tôi cũng cứ mở ra mà đọc. Đọc hào hứng giống như một độc giả yêu lắm, yêu từ hồi lâu ấy tiếng, thơ - Văn Công Hùng, vậy. Thì ra thấy rồi, tìm được rồi, cái cớ ông mượn tôi đọc, lẽ chính là như khoe, ý tứ, là bởi trong tập có mấy bài của tôi trên Blog, facebook… ông từng căn cớ để làm thơ đối lại. Thực ra là nối dài cảm xúc của một vài “nôm na tự sự chiêm mùa” của tôi - gọi là thơ, gọi là vần vèo, cũng được. Cũng bởi lẽ có thể ông thấy ý chưa căng, chưa tới, chưa hoàn chỉnh nên chạm nghề mà họa, mà nối thêm cho nó bớt vụng đi. Cho nó thăng hoa, cất cánh. Có nhẽ.

CHỢT, đọc dễ chịu và ấn tượng. Ấn tượng ngay từ bài đầu (TƯỞNG - Cứ đi cứ đi tới đâu thì tới - Ngơ ngác Tây Nguyên) bởi không khí, tính chất dịch chuyển của CHỢT, của thơ. Cái hàm lượng dịch chuyển hầu như là biên khán toàn bộ bề nổi và phần chìm trong bảy chuyên mục (hay là chuyên đề. Tôi mạo muội gọi là như thế) với 81 bài thơ. Tập thơ dầy dặn. Cầm chắc tay, đáng đồng tiền bát gạo. Có lẽ là vốn liếng đến dăm năm đi, cảm, viết... của ông, vừa rồi. Chất dịch chuyển luôn được hiện diện trong từng bài thơ một. Nó tựa như con người ông vậy. Những cuộc đi, đi viết, đi làm việc, đi chơi, đi đàn đúm để… ra chữ, ở ông. Cũng bởi ông đã từng đảm nhận nhiều chuyên mục đến mươi đầu báo trung ương lẫn địa phương cả nước. Tính chất, con người ông là vậy. Cả lối nghĩ và cách đặt vấn đề cho những cảm xúc thơ trong ông tôi cũng cảm thấy đầy miền xúc động nội hàm của xum xuê “dịch chuyển”.

Các chương mục gồm: Tưởng, mùa, tình, sự, địa, thời, khắc. Nó như các mục dẫn đề của tập tiểu thuyết hay một trường ca dày dặn. Mỗi một chương mục, đều có một câu thơ ý giải  gây hứng thú, dẫn dụ sự tò mò và khu biệt suy tưởng cảm xúc thơ, ý độc giả muốn đồng hành cùng tác giả.

Tôi đã có trong tay nhiều tập thơ của nhà thơ phố núi nổi tiếng Văn Công Hùng trước đó, nhưng có lẽ CHỢT này là tập thơ dày và công phu nhất. Nó tuyến tính một quãng thời gian không dài nhưng liên tục mấy năm ông xê dịch. Sự dịch chuyển viết, có tính đậm đặc nhất trong nhiều năm vừa rồi khi đánh dấu hậu những ngày tháng làm Tổng biên tập một tờ văn nghệ có tiếng của Tây Nguyên. Dịch chuyển, cái đoạn thời gian ông bắt đầu được nghỉ hưu, ở thời điểm vốn tư duy và tinh thần thèm bung phát nhất. Trì nén trong những năm cắm chốt ít được tung tẩy đâu đâu, cả tháng, trên các cung đường dặm dài khắp miền đất nước. Cái sự đi, bứt phát nó luôn bồi bổ gia tăng biên độ chữ nghĩa ở ông. Những bài thơ trong CHỢT dường như phóng khoáng hơn, cởi mở, tầng sâu hơn, dầu có khi nó chỉ đề cập đến những chủ đề suy tưởng… tôi đã đọc, dừng lại và ngẫm ngợi ra như thế: Những quả bưởi cuối cùng đã chua/ Nỗi nhớ vòng qua đầu mùa hạ/ Tháng tám râm ran mùi hương rất lạ/ Bóng đổ đầy những dẻ quạt bâng khuâng… (Bâng quơ tháng Tám); Nâu non nõn trắng ngần em ảo giác/ Quệt qua chiều một vệt cô đơn/ Giông bão lắm tháng 10 lành như cỏ/ Ta với mình nhấm nhẳn với trong veo… (Bất chợt tháng Mười); Chiều như con rùa bò qua bể cạn/ Nào thể mùa thu cứ chậm bên đường/ Mà búp cỏ gà vẫn thì đương gió/ Vịn ngang tuổi dọc theo đời… (Ngẫu chuyện mùa thu)...

Nghĩ là dịch chuyển nhưng thực ra cái gốc, điểm phát xuất, cái chốt để neo vào vẫn là mảnh đất Tây Nguyên gắn bó buồn thương của ông suốt mấy chục năm lập thân và lập hiệu - Cái tên « Hùng Tây Nguyên» cũng có từ đây. Cái tên gắn với nhiều sáng tác, bài viết chữ nghĩa và cả nghĩa tình. Lên Pleiku mà chưa gặp, chưa nhậu và sau là chưa ngồi bên ông với con xe i10 thần thánh do ông lái, dạo, đi chơi thăm thú thì anh em bạn bè chưa gọi là đã đến Tây Nguyên. Nghe không có lý lắm, nhưng là cảm giác thật của tất tật từ trẻ đến người lớn tuổi hay tên tuổi những sừng sững như bác Nguyên Ngọc, như cố nhạc sỹ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, cố nhà văn Nguyễn Chí Trung, cố nhạc sĩ Trần Hoàn… đến nhiều, nhiều lắm các chú, các em, các chị, các bạn… ở xa xôi dù chỉ gắn bó, biên biết với nhau qua facebook cũng đều đèo bòng, phải lòng ông. Cái dáng người bậm bạp, đi nhanh, nói nhiều, hát và đọc trường ca liên tục trong các cuộc tứ hải giai huynh đệ nhiều như nhau, ồn ã và mặn như nhau và rồi dù một lần gặp, một lần nghe ông diễn thơ thì sẽ là chừng ấy nhớ mãi, khó quên lắm. Nhớ ông đồng thời gắn với nhớ Tây Nguyên hùng vĩ, Tây Nguyên bao la. CHỢT cũng mang tinh thần đó theo ông dù lúc nằm khan trên căn hộ treo lơ  lửng tầng trời ở Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh hay những bước lẻ rong ruổi dặm dài xứ Sin, xứ Ấn, xứ Đài, xứ Thái... Hoặc trong những cuộc say mèm thông ngày sang đêm bên các đồng niên học cấp 2 miền quê Thanh Hóa, nơi ông ra đời, học phổ thông. Rồi lớn lên tiếp, học đại học ở xứ Huế quê hương và rồi lập nghiệp thành tên thành tuổi trên mảnh đất Tây Nguyên. Ông đã chắt chiu đến đồng tiền ky cóp cuối cùng cả đời để xây căn nhà nhỏ xinh xẻo. Căn nhà cơ man là cái tình góp nhời, góp lời mừng, góp các buổi ngủ đêm trông vật liệu… của mấy ông bạn cùng hoạn lợn, cùng thời ở khắp nơi hàn vi tụ về Tây Nguyên lập nghiệp. Giờ, đã đến tuổi nên một chỗ, thế mà ông vẫn đi, để biết nữa, để mà ra chữ nữa.

 

ơ này gió

bờ đê con chuồn chuồn kim

bông cỏ may dấm dứt

mây sền sệt

nước cuộn ngầu sông mắt người mang mang

(Nhớ Rét)

 

Và:

          nhặt được một buổi chiều

          rơi bên ngoài cửa sổ

          nơi con chim sẻ

          tha một cọng rơm

          buổi chiều thơm

          sè sẹ

(Không đề mùa cúc)

 

Ngoài dịch chuyển, CHỢT bao biện đầy đủ một sự tham lam trong ông. Tham lam yêu cây cỏ, mùa màng - Yêu thiên nhiên và hiện tượng thiên nhiên mỗi khi thấy đẹp đến nao lòng ở ông với các miền quê ông đã nhảo qua. Ghi, rồi neo những lúc dừng chân.

Để giới thiệu về một tập thơ dầy thế, đầy thế, hay thế thì tôi không dám. Mà chỉ muốn cởi lòng ở vài cảm xúc về tác giả, về thi pháp của CHỢT. Tôi tin CHỢT chắc chắn sẽ được nhiều bạn đọc xa gần thân thuộc hoặc từng chưa đọc Nhà thơ, sẽ yêu quý nâng niu nó.

Khi viết những dòng cảm xúc này về tác giả, tôi đã ước một ngày được cầm trên tay tập thơ mà nhâm nhi, và đọc, mà hồi tưởng để trân trọng những chắt ra, về một con người, yêu, sống, và dịch chuyển. Xin được gửi đến ông lời ngưỡng mộ cùng mọi nhẽ cảm ơn ./.

                                                                

                                                                                     Gelexia - mùa Thu 2021

                                                        Nhà văn Phan Đình Minh

Quý vị mua sách giúp tác giả có thể liên hệ với nhà sách Liên Việt, địa chỉ ở đây ạ. Hoặc trực tiếp tác giả, hoặc trên Tiki, hoặc các nhà sách, có thể mua combo 3 cuốn "Chợt"- thơ, "Nhặt chuyện Văn nhân"- chân dung văn học, "Từ Tây Nguyên"- tản văn và ghi chép, hoặc chọn từng cuốn mình thích. Nhà cháu xin đa tạ.


 

Hộp cho combo 3 cuốn.
 




Không có nhận xét nào: