Thứ Ba, 8 tháng 2, 2022

BỮA TRÀ CHIỀU CỦA NHÀ THƠ

 Nhà cháu khởi đầu "công cuộc bán sách" bằng bài viết của nhà văn Di Li về cuốn "Từ Tây Nguyên" của nhà cháu. 3 cuốn sách in thành combo đợt này đều có 3 nhà văn viết giới thiệu. Cuốn "Chợt" là nhà văn Phan Đình Minh, cuốn "Nhặt chuyện văn nhân" là nhà văn Nguyễn Thành Phong. Sách đã được mở bán bởi công ty Liên Việt theo thông tin cuối bài ạ. Nhà cháu hết sức đa tạ CCCM đã đọc bài này và... nhắn tin mua sách ạ...

----------

BỮA TRÀ CHIỀU CỦA NHÀ THƠ

Bấy lâu nay, trong văn giới, người ta xếp tản văn vào nhóm việc “dễ làm”. Dễ bởi thích viết gì cũng được, ngắn cũng xong mà dài cũng ổn. Hoa cỏ, chim chóc, cá nước, mây trời đều có thể thành tản văn. Nó không cần tính tư tưởng gì cao xa, không phải là “công nghiệp nặng” như tiểu thuyết, không phải “công nghiệp nhẹ” như truyện ngắn, không phải đau đầu nhức óc mà hình dung, tưởng tượng vì nó là hiện thực, thấy thế nào viết thế. Tây gọi nó là “non-fiction” (phi hư cấu), dành cho những người mới bắt đầu viết. Tản văn ví như bữa trà chiều của giới quý tộc Anh hay suất quà chiều của trẻ nhỏ, nghĩa là có thì thêm vui mà bỏ bữa thì cũng được, hoàn toàn không phải bữa chính. Đấy là người ta nói vậy và tôi cũng đã từng tưởng thế. Sau càng viết, càng thấy phàm là viết về những chuyện tưởng chừng “vớ vẩn”, không có gì để viết mà vẫn có thể hấp dẫn được, vẫn níu chân người đọc đến phút cuối cùng, ấy là anh mới leo lên “dãy ghế” dành cho những người chuyên nghiệp. Và rằng tận cùng của nghệ thuật chính là sự giản dị. Giống như khi đi một vòng xuyên sa mạc, anh chàng chăn cừu của Paolo Coelho mới nhận ra rằng thứ mình cần tìm hóa ra được cất giấu ở ngay điểm xuất phát.

Bữa trà chiều của nhà thơ Văn Công Hùng đã bứng người đọc từ chiếc ghế bành lười biếng trong căn phòng hẹp mà chu du khắp thiên hạ. Và có thể trong bữa trà ấy, thực khách cứ kể chuyện hàn lâm đông tây kim cổ, có một người im lặng lắng nghe, và mãi sau mới cất lời, chuyện của anh chẳng phải thiên hà vũ trụ, súng ống đạn dược hay thiên tình đẫm lệ mà chỉ bắt đầu từ những cơn gió mùa khô phủ bụi bazan lên những cánh dã quỳ ngập nắng, loanh quanh chuyện nước mắm (mà quý như nước hoa), luẩn quẩn chuyện nuôi heo (mà kỹ hơn nuôi trẻ), nồng nàn mùi oi khói của những chiếc ấm nhôm xưa cũ (mà thơm như rượu Macallan) và lách cách tiếng kéo cắt tóc vang lên từ thời thanh niên còn mặc quần ống tuýp (mà hóa ra không cắt được sợi tóc nào). Thế mà người nghe cứ ngả nghiêng cười, ngẩn ngơ kinh ngạc và cả không thiếu những rưng rưng. Tôi cũng ngồi một góc bữa trà chiều ấy, và đi hết gần 400 trang sách mới chợt nhận ra rằng bấy lâu nay hóa ra mình cũng sống theo kiểu một “người trần tai thịt” (theo cách nói của Văn Công Hùng), là đã đi rất nhiều, đọc, nghe rất lắm mà vẫn có những có những điều hiển nhiên chưa biết. Thì lại chả gần nửa đời người rồi mới hóa ra xà nu chính là cây thông, hoa pơ lang chính là hoa gạo, cây K'nia chính là cây cầy.

“Từ Tây Nguyên”, người kể chuyện dìu người đọc vượt không gian đi khắp đất Thanh, xứ Huế rồi vượt đèo lên cao nguyên, len lỏi qua những cánh rừng ma còn nguyên dãy nhà mồ âm u dưới hoàng hôn gần tắt nắng, vượt thời gian ngược về triền đê giá lạnh, ở đó có những cô gái nhỏ chân trần đến trường, tay cầm ống bơ đựng hạt nhãn cháy cho đỡ rét, những bà mẹ thảng thốt rang ngô trong bóng tối cận kề lúc đê gần vỡ, cả những đứa trẻ đói lả háo hức bên nồi cháo rau má và các khái niệm ngồ ngộ của một thời đã qua như “phanh nón”, “máy lửa », «nùn rơm giữ lửa»…

Phần nhiều những câu chuyện, Văn Công Hùng kể về Tây Nguyên, nơi anh đã sống hầu hết đời người. Dù đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi nơi nào ngấm vào máu thịt anh nhiều nhất, khi mà anh sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, học đại học ở Huế (quê cha), rồi sinh sống Pleiku, chưa kể sau nghỉ công tác, thấy anh vẫn… công tác ở khu du lịch mãi tận Củ Chi. Nhưng “Từ Tây Nguyên”, thì tất phải đậm đà núi rừng. Ở đó, những trang sách thơm mùi giấy mới ngõ hầu luôn phảng phất hương nhựa xà nu, ầm ào tiếng gió đại ngàn, u u tiếng cồng chiêng và lấp loáng màu tím thẫm của đỉnh Chư Đăng Ya dưới vằng vặc trăng ngà. Âm hưởng của rừng hiện lên nguyên sơ lộng lẫy như thuở hồng hoang dù không khỏi khắc khoải đau đớn, nỗi đau của một người yêu rừng và hiểu biết mà phải đứng im chứng kiến từng mảnh rừng đang bị rứt dần khỏi vỏ Trái đất, để lại trần trụi những công trình bê tông, nhựa đường, thủy điện và cây cao su công nghiệp. Nỗi xót xa ấy cũng không ít lần được cất lên thành câu chữ khi người viết nhìn thấy những con voi lần hồi biến mất khỏi rừng vì người ta nuôi chúng để phục vụ kinh doanh khiến loài vật khổng lồ vài năm mới giao phối một lần không còn sinh đẻ được nữa, và cả không gian văn hóa cồng chiêng, nhà rông, nhà dài đang bị đô thị hóa mỗi ngày. Cũng là lần đầu tiên, tôi được biết đến khái niệm “Văn hóa rừng”: “Tầng ngoài cùng là rừng già, là thế giới của thần linh, của Yang, con người không được vào. Đấy là một thế giới hết sức u minh bí ẩn... Già làng là người quyết định tất cả mọi chuyện của làng, mà chuyện quan trọng nhất của làng chính là quan hệ với rừng. Có những điều luật hết sức chặt chẽ để con người và rừng không phạm vào nhau như không chặt cây non, không bắt thú chửa, không đốt ong mà chỉ xua chúng đi để lấy mật. Hàng ngàn năm tồn tại, sống dựa vào nhau, con người và rừng tạo thành một mối quan hệ tương hỗ bền chặt, vị tha và nhân bản. Và từ cuộc sống nương tựa vào rừng ấy, người ta hình thành một nền văn minh và văn hóa rừng”.

“Từ Tây Nguyên” không chỉ mang đến cảm giác u linh, liêu trai của những lễ cúng tế do vua lửa đăng đàn, của những bức tượng mồ nơi cửa rừng sống động dưới chiều nắng quái mà còn khiến người đọc cồn dạ vì những món biết bao giờ mới được thưởng. Tác giả từ bấy bỗng làm tôi tò mò, khi nhắc đi nhắc lại món nộm lá sắn trứ danh với “Nước mắm chanh ớt tỏi đường lạc rang, thêm ít bì heo luộc thái chỉ, phi hành mỡ thật thơm... tất cả cho vào trộn kỹ». Cả món nai phơi qua nắng, mà phải nhất định là nắng Krong Pa, thứ nắng giòn và tươi… như nắng. «Thịt xẻ ra phơi trên đá, rồi gác gác bếp, khi ăn mang ra nướng lại trên than, xé chấm muối kiến». Còn khoai Lệ Cần nữa, « ruột vàng như nghệ, và ngọt như có mật lặn vào trong». Ngay cả đến cái thức vốn rất xa lạ với tôi là rượu mà chữ nghĩa của tác giả cũng khiến dậy cơn thèm, bởi rượu cần nó cũng có cả vị như cocktail cơ, mà đã thế là còn là một thứ cocktail kỳ bí và ngộ nghĩnh của rừng, bởi «Muốn ngọt thì cho thêm chuối chín, cay thì cho ớt”.

Dọc xứ Việt này, nơi nào người thi sĩ cũng đau đáu cả, nhưng trên hết, anh vẫn khắc khoải yêu cái nắng mỏng như tơ mà nhẹ như tơ, yêu những con dốc hun hút gió, trắng xóa sương mù, yêu hương cà phê sánh giọt của mảnh đất Pleiku.

Mà nhân tiện thì, trong một bản thảo mới nhất của tôi có một chương viết về Pleiku, tôi đã thắc mắc về một cái tên rất lạ, nhớ mãi không thôi, là đường Wừu, một con phố nức vị cà phê, thì trong cuốn này, Văn Công Hùng viết về ông Wừu, người anh hùng với cái chết đau thương trong chiến tranh. Có thể nói trong “bữa trà chiều”, Văn Công Hùng là một người kể chuyện tuyệt vời. Và nhẽ rằng, khó ai có thể đứng lên mà bỏ cuộc nghe về những câu chuyện như lời rì rầm của rừng già, và thảng hoặc đây đó, đô thị rực sáng lại nhẩn nha những chuyện vặt khó dứt trên những vỉa hè dù đã vãn đi muôn phần ấm áp, vì đã bị thay thế bằng những tiệm thời trang, trà sữa và hằng hà dây đèn kết hoa sặc sỡ.

                                                                        Nhà văn Di Li.

Thông tin từ nhà sách Liên Việt ạ:

THÔNG BÁO PHÁT HÀNH ĐẦU XUÂN: Bộ sách của nhà thơ, nhà báo VĂN CÔNG HÙNG
Tác giả Văn Công Hùng, sinh năm 1958 tại Thanh Hóa, quê ở Thừa Thiên-Huế, hiện sống tại thành phố Pleiku, Gia Lai; đã xuất bản 16 đầu sách; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai.
Trân trọng giới thiệu đến Quý độc giả bộ 3 cuốn: CHỢT (Thơ), TỪ TÂY NGUYÊN (Tản văn và ghi chép), Nhặt chuyện văn nhân (Chân dung văn học) của Nhà thơ, nhà báo Văn Công Hùng do Liên Việt và NXB Văn Học liên kết xuất bản phát hành.
“Tôi đã có trong tay nhiều tập thơ của nhà thơ phố núi nổi tiếng Văn Công Hùng trước đó, nhưng có lẽ CHỢT này là tập thơ dày và công phu nhất. Nó tuyến tính một quãng thời gian không dài nhưng liên tục mấy năm ông xê dịch. Sự dịch chuyển viết, có tính đậm đặc nhất trong nhiều năm vừa rồi khi đánh dấu hậu những ngày tháng làm Tổng biên tập một tờ văn nghệ có tiếng của Tây Nguyên. Dịch chuyển, cái đoạn thời gian ông bắt đầu được nghỉ hưu, ở thời điểm vốn tư duy và tinh thần thèm bung phát nhất. Trì nén trong những năm cắm chốt ít được tung tẩy đâu đâu, cả tháng, trên các cung đường dặm dài khắp miền đất nước. Cái sự đi, bứt phát nó luôn bồi bổ gia tăng biên độ chữ nghĩa ở ông. Những bài thơ trong CHỢT dường như phóng khoáng hơn, cởi mở, tầng sâu hơn, dầu có khi nó chỉ đề cập đến những chủ đề suy tưởng… tôi đã đọc, dừng lại và ngẫm ngợi ra như thế”. (Nhà văn Phan Đình Minh)
“Từ Tây Nguyên”, người kể chuyện dìu người đọc vượt không gian đi khắp đất Thanh, xứ Huế rồi vượt đèo lên cao nguyên, len lỏi qua những cánh rừng ma còn nguyên dãy nhà mồ âm u dưới hoàng hôn gần tắt nắng, vượt thời gian ngược về triền đê giá lạnh, ở đó có những cô gái nhỏ chân trần đến trường, tay cầm ống bơ đựng hạt nhãn cháy cho đỡ rét, những bà mẹ thảng thốt rang ngô trong bóng tối cận kề lúc đê gần vỡ, cả những đứa trẻ đói lả háo hức bên nồi cháo rau má và các khái niệm ngồ ngộ của một thời đã qua như “phanh nón”, “máy lửa », «nùn rơm giữ lửa»… Phần nhiều những câu chuyện, Văn Công Hùng kể về Tây Nguyên, nơi anh đã sống hầu hết đời người. Dù đến bây giờ tôi vẫn băn khoăn tự hỏi nơi nào ngấm vào máu thịt anh nhiều nhất, khi mà anh sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, học đại học ở Huế (quê cha), rồi sinh sống Pleiku, chưa kể sau nghỉ công tác, thấy anh vẫn… công tác ở khu du lịch mãi tận Củ Chi. Nhưng “Từ Tây Nguyên”, thì tất phải đậm đà núi rừng. Ở đó, những trang sách thơm mùi giấy mới ngõ hầu luôn phảng phất hương nhựa xà nu, ầm ào tiếng gió đại ngàn, u u tiếng cồng chiêng và lấp loáng màu tím thẫm của đỉnh Chư Đăng Ya dưới vằng vặc trăng ngà. Âm hưởng của rừng hiện lên nguyên sơ lộng lẫy như thuở hồng hoang dù không khỏi khắc khoải đau đớn.” (Nhà văn Di Li)
“Ông Văn Công Hùng gửi tập bản thảo "Nhặt chuyện văn nhân", bảo tôi đọc chơi xem sao. Ban đầu tôi nghĩ, ông này đặt tên thế ý là chỉ dạo qua giới văn nhân rồi nhặt lấy một vài bóng lá, một vài nhành hoa, để khoe chơi. Đến khi đọc vào, tôi không dứt ra được... Có cảm giác như mình đang đi giữa một rừng văn rất phong nhiêu mà ông là người dẫn tôi đi, rồi kể về những cội cây mà chúng tôi gặp trên đường. Mỗi cội cây ông kể một kiểu để cho mình biết với những thích thú khám phá riêng. Không thể kể hết mọi cái cây trong rừng văn, nhưng cũng đã được đi cùng ông qua các tầng rừng, gặp đủ các sắc lá, sắc hoa. Thấy cả cổ thụ, thấy cả những non tơ, có khi còn nhìn sang bên, cạnh rừng văn là rừng nghệ, rừng hoạ, rừng ca… để mà liên hệ, liên tưởng, xoắn xuýt mà hiểu biết hơn. Văn Công Hùng là nhà thơ, nhưng còn là một nhà báo rất cập nhật. Khả năng tác nghiệp báo chí của ông rất nhanh và linh hoạt. Một người có cái tâm sâu sắc với đời, với người, với bạn bè văn nghệ như thế, lại cộng thêm cái tài thu nhận và thể hiện của một nhà báo cập nhật, nên những trang viết về văn nhân của ông là cái món cộng tác được các trang văn nghệ trên báo chí chờ đợi. Ông đã dùng thế mạnh này để lan tỏa ảnh hưởng của những văn nhân mà ông chơi được đến với công chúng qua báo chí.” (Nhà thơ Nguyễn Thành Phong)
🌸 Bộ 3 cuốn kèm boxset: Giá bìa Chợt 100.000, Từ Tây Nguyên 165.000, Nhặt chuyện văn nhân 145.000 - Cả bộ: 410.000
🌸 ĐĂNG KÝ MUA SÁCH TẠI:
- Đăng ký mua sách ngay tại bài viết theo link này https://www.facebook.com/lienvietbook
- Inbox trực tiếp cho Liên Việt. Liên hệ Hotline: 024.39728316 – 0396.705.075
- Mua sách online tại website: Tiki.vn
- Hoặc mua sách tại các hệ thống nhà sách trên toàn quốc: Nhà sách Thăng Long Vinabook, Công ty CP Sách Việt Nam (44 Tràng Tiền, HK, HN), Nhà sách Vạn Trí (319 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku, Gia Lai).



 

 

 

 

Không có nhận xét nào: