Mình rất phục ông Đặng Vương Hưng khi ông gầy dựng cái nhóm lucbat.com từ ngày đầu. Đầu tiên cũng cứ nghĩ bố này mấy bữa là nản, là bỏ bê thôi. Ai ngờ càng ngày càng phát. Cũng phục tiếp mấy bạn trẻ rất trẻ làm ở đấy nữa, đam mê và thông thạo. Năm ngoái mình ra ngày thơ ở Văn Miếu thấy quầy thơ lục bát là oách nhất, đông nhất. Ông Hưng huy động ở đâu ra mấy chục cháu đẹp ơi là đẹp, áo dài tha thướt sặc sỡ làm cái quầy ấy sáng trưng lên, tao nhân mặc khách dập dìu. Năm nay lại có hẳn một lễ hội lục bát nghe nói sẽ rất hoành tráng.
Họp báo công bố chương trình Lễ Hội Lục Bát Tân Mão (29/08/2011)
Vào hồi 15h ngày 29/08/2011, tại Tầng 2, Trung tâm Triển lãm Vân Hồ, số 2 Hoa Lư – Hà Nội, Ban Tổ chức Lễ hội Lục Bát Tân Mão - 2011 đã Họp báo công bố chương trình Lễ hội Lục Bát Tân Mão – 2011. Lễ hội sẽ chính thức diễn ra vào ngày 6 tháng 8 năm Tân Mão (tức thứ bảy, ngày mồng 3 tháng 9 năm 2011) tại Trung tâm Triển lãm Vân Hồ - Hà Nội. Đông đảo đại diện cơ quan, phóng viên báo chí: Đài PT-TH Hà Nội, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo điện tử VTC News, Báo Nhân đạo và đời sống, Báo Giáo dục & Thời đại, Báo Người Cao tuổi, Tạp chí Hữu Nghị, Báo Thể thao Văn hóa, Nxb Công an nhân dân, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Báo Pháp luật, Báo Đại Đoàn kết, CLB Bất động sản Hà Nội, CLB Thơ Việt Nam, Quỹ Văn chương & Cuộc sống, Website Hội Nhà văn, website Lucbat.com... đã có mặt tham dự.
Ban Tổ chức trao đổi trước khi họp báo
Đồng tổ chức Lễ hội Lục bát Tân Mão gồm có 8 cơ quan, đơn vị:
- Báo Người cao tuổi – Hội Người cao tuổi Việt Nam;
- Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội;
- Nhà xuất bản Công an Nhân dân - Bộ Công an;
- Báo Giáo dục & Thời đại - Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Tạp chí Hữu Nghị - Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam;
- Website: www.Lucbat.com;
- Câu Lạc Bộ Thơ Việt Nam;
- Trung Tâm Triển Lãm Văn Hóa Nghệ Thuật Việt Nam.
Chương trình và nội dung cơ bản vẫn thực hiện theo bản quyền ý tưởng của lucbat.com, với một số nghi thức đã trở thành truyền thống như: Tiếp nhận sách ủng hộ Trường Sa; vận động chữ ký ủng hộ việc tôn vinh Thơ Lục Bát là “Quốc thi” và Thơ Lục Bát là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại; trình bày sắp đặt Lục Bát Quán; triển lãm thư pháp thơ và sách; Lễ Dâng hương, Rước thơ và Phát Lộc (tập Lộc Phát Tân Mão); đọc Chúc văn; biểu diễn các tiết mục văn nghệ truyền thống có lời Thơ Lục Bát, ngâm Thơ Lục Bát, thi sáng tác Thơ Lục Bát tại chỗ, thi trang phục dân tộc; họp mặt Ban Biên tập, Đại diện các vùng miền và cộng tác viên tích cực của Website lucbat.com…
Ban tổ chức cho biết Lễ hội lục bát “Ngàn năm hồn Việt” vừa có tính thời sự nhân kỷ niệm Ngày Quốc khánh, ngày giải phóng thủ đô, vừa cố gắng vận động tổ chức Lễ hội lục bát như một cách xây dựng thương hiệu. Một thương hiệu thơ và văn hóa rất xứng đáng được tôn vinh, được thường xuyên duy trì, bảo tồn xây dựng và phát triển mãi mãi, khẳng định tầm quan trọng không thể thiếu, không thể mai một, không thể mất của thể thơ lục bát vốn được coi là hồn thiêng, là tinh tuý của dân tộc.
Dự kiến một số phần việc cụ thể của Lễ hội Lục Bát sẽ được thực hiện như sau:
1- Tiếp nhận sách để ủng hộ và hướng về Trường Sa thân yêu:
Trong giấy mời đại biểu tham dự Lễ hội Lục Bát Tân Mão sẽ ghi rõ “Mỗi người khi đi dự Lễ hội hãy mang theo ít nhất một cuốn sách để ủng hộ Trường Sa”. Dự kiến, việc tiếp nhận sẽ do một số sĩ quan trẻ của Nhà xuất bản Công an Nhân dân thực hiện, Sau Lễ hội, Đại diện Ban tổ chức sẽ công bố kết quả quyên góp sách và tiến hành trao tặng sách cho Trường Sa thông qua Đại diện Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, trước sự chứng kiến của báo giới.
2- Tiếp tục Cuộc Vận động lấy chữ ký tôn vinh Thơ Lục Bát:
Ban Tổ chức sẽ chuẩn bị sẵn các bandroll và với sự hướng dẫn của các thiếu nữ mặc áo tứ thân rất duyên dáng mời quan khách, các tác giả, người yêu thơ lưu lại chữ ký, họ tên, địa chỉ, số điện thoại... để ủng hộ thơ Lục Bát trở thành “Quốc thi” và là Thơ Lục Bát là “Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. Đây là một hoạt động mang tính cộng đồng, ai cũng có thể tham gia, cũng được trân trọng; hành động đơn giản, nhưng lại có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện sự tôn vinh với thể thơ truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc.
3- Sắp đặt Lục Bát Quán:
Một nét đặc sắc của Lễ hội Lục Bát là các Lục Bát Quán đậm chất hồn quê Việt. Với những vật dụng thân thiết bằng tre nứa, với bát nước chè xanh, nước vối; những món quà dân dã đậm đà hương vị quê hương như: ngô luộc, khoai nướng, bánh đa, bánh đúc, kẹo lạc, kẹo vừng và rượu quê… Nơi đó sẽ mang lại cho ta cảm giác như về với cội nguồn. Lục Bát Quán còn là nơi để các tác giả và Người yêu thơ phối hợp với trưng bày thư pháp và triển lãm sách. Lục Bát quán được trình bày sắp đặt bởi các “nghệ nhân” của Ban vận động thành lập CLB Lục Bát Việt Nam và các CLB Lục Bát Hải Phòng, CLB Lục Bát Đoàn Thị Điểm (Hưng Yên), CLB thơ Xứ Đoài (Đan Phượng – Hà Nội)... với sự cộng tác giúp đỡ của các Tình nguyện viên yêu Thơ Lục Bát và trân trọng di sản văn hóa dân tộc.
4- Biểu diễn thơ, thi thơ và trang phục truyền thống:
Thơ Lục Bát vốn là hồn cốt của dân tộc, nên một Lễ hội Lục Bát không thể thiếu phần ngâm thơ Lục Bát, thi thơ Lục Bát gắn với việc trình diễn những bộ trang phục truyền thống (áo dài, áo tứ thân). Ở lễ hội, quý vị và các bạn sẽ đựơc nghe các nghệ sĩ ngâm những tác phẩm thơ Lục Bát của nhiều thế hệ các nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn. Thi thơ Lục Bát sáng tác tại chỗ và thi trình diễn trang phục truyền thống sẽ rất sôi nổi, thú vị, mỗi tác giả sẽ có dịp trổ tài, trình diễn những câu thơ uyển chuyển, mượt mà, trữ tình và tâm đắc nhất của mình. Những bộ trang phục truyền thống với những tà áo hồng, cam, xanh, đỏ, tím, vàng… thể hiện sự e ấp, duyên dáng tươi thắm và điệu đàng quyến rũ, được trình diễn bởi Hội viên các CLB Thơ, CLB Lục Bát… sẽ góp phần cho lễ hội mang màu sắc rực rỡ và đầy tính hấp dẫn thú vị.
5- Phát lộc thơ
Lễ Dâng hương, Rước Thơ, Đọc Chúc văn và Phát Lộc… là những nghi thức tôn vinh Thơ Lục Bát, góp phần tôn vinh Văn hóa truyền thống mang tính tâm linh, độc đáo của riêng Lễ hội Lục Bát. Nghi Lễ này do các Cao tăng Đại đức chủ trì, với sự cộng tác của Đội Nữ Tế - Nam Tế và Phường Bát âm Thủ đô. Chính vì vậy, trong qua trình diễn ra nghi lễ luôn được sự quan tâm đặc biệt của các phóng viên báo chí, truyền hình, các nghệ sĩ nhiếp ảnh và Người yêu thơ. Đó là cũng là phần tâm điểm của Lễ hội Lục Bát nói chung.
6- Họp mặt Website: lucbat.com:
Không khí tưng bừng của Lễ hội Lục Bát không chỉ diễn ra tại sân khấu chính và các Lục Bát quán, lúc 10 giờ tại hội trường Tầng 3 của Lễ hội sẽ diễn ra cuộc họp mặt giữa Ban Biên tập, các Đại diện vùng miền, cộng tác viên tích cực của lucbat.com nhân kỷ niệm tròn 3 năm sinh nhật trang website. Tại đây, quý vị và các bạn sẽ được gặp gỡ, trao đổi với các bạn thơ từng quen biết nhau trên mạng. Đây cũng là dịp để các bạn thơ tặng nhau những “đứa con tinh thần” của mình, nghe bạn thơ đọc thơ, cùng trao đổi, đóng góp ý kiến với BBT, đại diện vùng miền để xây dựng Website Lụcbat ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Nhà báo Kim Quốc Hoa phát biểu
TS Nguyễn Danh Bình giới thiệu nội dung Lễ hội Lục bát Tân Mão
Nhà thơ Đặng Vương Hưng công bố tuyển thơ Lộc phát Tân Mão 2011
Toàn cảnh buổi họp báo tại Triển lãm Vân Hồ
Tin, ảnh LÃNG MA
(Lucbat.com, ĐT: 0945 222 578;
Email: yeulucbat@gmail.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét