Mình có một nguyên tắc ở tạp chí mà mình làm là cương quyết không in thơ mình ở đấy, và cũng không in những bài viết về mình- tất nhiên nếu chê thì in ngay, hì hì, còn khen thì xin kiếu. Nhưng đây là blog cá nhân, thứ nhất là để lưu lại, và thứ hai là để cám ơn bạn bè. Cu Tuấn này "nịnh" khá rõ, nhưng không phô lắm...
-------------------
ÁNH NHÌN TỪ "MẮT CAO NGUYÊN"
Anh là người mà tôi đã từ lâu ngưỡng mộ. Hình như anh sinh ra là để cho Tây Nguyên bởi văn hóa Tây Nguyên đã thấm đẫm trong anh. Tới thăm anh một chiều thu gió nhẹ. Cái ngõ nhỏ nằm khiêm tốn dưới tán long não cổ thụ vương vất nắng thu đã khiến tôi không thể không viết khi trở về.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về anh là cái đầu húi cua mang đậm cái nét phong trần, dày dạn của anh. Ngồi với anh và chợt nhận ra cái tính cách điềm đạm nhưng không kém phần sôi nổi, phóng khoáng, sự hiểu biết phong phú là kết quả của sự đi nhiều, xem nhiều, nghe nhiều và nhìn nhiều.
Tôi đã đọc khá nhiều những bài viết ở nhiều thể loại của anh. Văn có, thơ có, ghi chép, tản văn có...và tựu chung lại là sự cẩn thận chau chuốt từng con chữ ở anh nhiều khi đến mức cầu kỳ nhưng khoáng đạt. Anh là người may mắn khi được mang một lý lịch thật thú vị với hai miền quê cha, mẹ là hai cố đô đất Việt xưa là Ninh Bình quê mẹ và Thừa Thiên- Huế quê cha, rồi lại được điệu dô ta dô tà miền quê sông Mã ru thuở lọt lòng. Hình như thế mà đến giờ khi đã trở thành một nhà thơ làm báo bằng văn (chữ của nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng) thành danh trên mảnh đất cao nguyên tràn nắng và ngập gió này, anh vẫn không khuây nỗi niềm đau đáu mỗi khi có dịp trở lại ba vùng đất trên. Đọc tản văn và phóng sự của anh, sẽ thấy đậm chất nhân văn qua từng câu chữ mà ở đó ta sẽ cảm phục cái vốn hiểu biết mênh mang của anh về vùng đất Gia Lai đã chắp bút cho anh trên con đường văn chương như đã là nghiệp vận vào anh rồi. Bạn bè thân thiết của anh đã ví anh là đặc công phố núi cũng đúng thôi vì dấu chân anh đã có ở hầu khắp các thôn làng người Jrai, Bahnar; xuyên qua bao mùa lễ hội với âm vang chiêng cồng và rộn ràng xoang trong những đêm trăng đại ngàn hùng vĩ; say ngất ngây với men rượu cần chìm trong ánh mắt lúng liếng của người con gái Tây Nguyên đẹp hoang sơ mà bình dị. Cứ thử đọc mà xem: "Và những cánh tay trần đang đảo. Như múa. Những đôi mắt nâu. Những hàng mi cong rợp. Những dáng con gái thon thả nồng nàn bên bếp lửa. Mùi lúa non gặp hơi nóng ngất ngây. Cốm đấy. Các cô gái đang rang cốm làm lễ cơm mới. Con gái Jrai Krông Pa có nét đẹp rất lạ, cứ như hút hồn người. Mắt thì sâu thăm thẳm. Mặt đầy đặn như thần vệ nữ. Da ngăm chân dài lẳn chắc. Và cái duyên thầm con gái cứ lúc thì lặng lẽ, lúc lại hừng hực, vây vít lan tỏa, ngất ngây lắm, đắm đuối lắm người ơi..." (Tây Nguyên, mùa lễ hội- Mắt cao nguyên). Đấy thấy chưa, chỉ đơn giản gọn nhẹ thế thôi mà cũng khiến người ta phải tưởng tượng như hiện ra ngay trước mắt vậy. Nữa nhé: "Gọi chung là chiêng Tây Nguyên, nhưng thực ra thì từng dân tộc có cách đánh cách chơi riêng, có sự khác nhau rất rõ giữa các làn điệu cũng như cách diễn tấu. Chiêng Bahnar trầm hùng mà trữ tình như làn gió thổi qua rừng già, nghe thảnh thơi như đang đi dạo trên những con đường đầy nắng và lá rụng. Chiêng Jrai náo nức hội hè, nghe lâng lâng như vừa uống xong một thứ mật được pha được chắt từ ánh mắt, từ hương rựou của các cô gái ngày vào hội, nghe men tình yêu bốc lên từ mỗi tiết tấu dồn dập kia, khiến chúng ta không thể đứng yên mà tự ta phải nhập vào vòng xoang lúc nào không biết. Chiêng Sơđăng uy dũng, thượng võ nghe ngun ngút như núi cao dốc thẳm. Chiêng Mạ, Lạch, Mơnông buồn thổn thức như đêm là đà trên đỉnh Lang Bian, rủ rỉ tâm tình những câu chuyện dài không dứt, những câu chuyện buồn đến tê lòng về một chàng trai và một cô gái..." (Đi tìm hồn chiêng- Mắt cao nguyên). Thử hỏi, nếu không phải là chịu đi, chịu nghe, chịu nhìn thì có mấy ai viết được những dòng tinh tế đến như vậy?
Văn xuôi của anh là vậy. Còn về thơ anh thì tôi xin nói về cái nhìn, một cách nhìn rất riêng về miền cao nguyên này. Nhanh mà đầy đủ, Thẳng nhưng trữ tình, sâu đến hút mắt. Có thể nói đấy là những gì được dồn nén, được ấp ủ chất chứa bấy lâu nay rồi chợt bung ra, tỏa hương và tràn đầy màu sắc. Riêng tôi, rất thích hai màu mà ta hay bắt gặp trong thơ anh. Đó là cái màu "rừng rực da diết vàng, vàng như điên như dại, vàng như chỉ lần này là lần chót, mà lại không gắt, không sượng, không chói chang..." của Dã quỳ vào xuân và cũng rất khiêm tốn mà nói rằng: anh là người viết về Dã quỳ hay nhất xứ sở này. Màu thứ hai mà theo anh "nó chả ngạo nghễ như màu đỏ của phượng, cũng không mướt mát xanh như liễu, cũng bất cần cái nâu sẫm sần sùi của thông, cả cái hoa hòe hoa sói của đám lan ngoại treo đầy các ban công nhà như một cái mốt thời thượng...nó là tím, cái màu dân dã lập lòe trong ký ức ta tưởng mãi mãi nằm khuất đâu đó trong bon chen mệt mỏi, trong sang trọng thời thượng, trong hiện đại tốc độ, trong tóc nâu môi trầm...". Ấy là tím của bằng lăng và của hoa xoan đấy. Chỉ có người thực thà với thơ và thực thà bằng cái nhìn sâu sắc như anh mới có được những câu thơ mướt mát đến vô cùng về cái đẹp miền cao nguyên hoang sơ hùng vĩ này. Này nhé: "Vẫn là gió của ngàn xưa/ Mà giờ nhân đôi nỗi nhớ/ Dã quỳ miên man tỏa nắng/ Cao nguyên chiều trôi như mây" (Và mơ...) rồi: "Bằng điềm tĩnh những buổi chiều nắng rụng/ Cây xoan già thơ thẩn tím ngang sông" đến: "Mơ thảo nguyên thắc thỏm quỳ vàng" (Độc ca tháng tư) và còn nhiều nhiều nữa...Cái nhìn của anh còn bao trùm lên cả nhân tình thế thái. Một niềm đau đáu về những thân phận người, về một miền quê anh mới đến, về những người đã ngã xuống của một thời máu lửa, về gia đình, bạn bè... và tất nhiên, không thể thiếu tình yêu. Để có được những câu thơ hay đọng lại trong lòng người đọc, anh đã phải lao động cật lực, ở mọi nơi mọi lúc bằng cả niềm say mê và sáng tạo của nhà thơ chân chính. Ấy nhưng mà thế cũng không ngăn được những bước chân đi của anh. Hình như cái sự đi đã khiến đôi chân anh không có khái niệm dừng. Thoắt cái là Hà Nội, thoắt cái lại Thanh Hóa. Mới thấy sáng nay anh đang ngồi cà phê vỉa hè ở cái ghế quen thuộc gần trụ sở Hội văn học nghệ thuật cơ quan anh, thế mà chiều đã nghe anh đang chuẩn bị một cuộc lặn lội đi tìm cái hương sắc vùng cao với trùng điệp ruộng bậc thang nơi Mường Lò- Yên Bái. Rồi những chuyến đi mà với anh là những cuộc “giang hồ” ra Bắc vào Nam. Kết hợp với công việc hay chỉ là ngẫu hững sau một cú “phôn” của bạn bè cũng có, mà thường là như thế. Một ba lô với hai vật bất ly thân là Laptop kèm 3G và máy ảnh, thế là lên đường. Đồng bằng hay miền núi, phố thị hay biển đảo, anh đều không ngại. Đi và viết. Sau mỗi cuộc dong duổi là những khái niệm, những thiền định, những hoài cảm, những ký ức... cứ trào ra dưới ngòi bút của anh. Anh thong dong đấy mà là thong dong trong hành trình lao tâm khổ tứ và để rồi lại lao tâm khổ tứ trong hành trình thong dong như lời nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng từng nói. Những nơi anh đến đều có bạn bè và anh được sống, được thong dong, được thả mình vào không khí văn chương để rồi bạn bè anh nói vui ví anh như liều thuốc giải cảm trong chốn hội nghị cũng như chốn văn chương. Anh là thế, hết mình vì bạn bè, vì công việc và vì thơ. Phải chăng với anh, chơi là thơ và thơ cũng là chơi? "Ta ngồi chơi cuộc tình cờ/ Nhặt lên một trĩu nặng bờ nhân gian". Đối tượng đọc thơ anh cũng thật nhiều. Từ bạn bè thơ văn đến những nhà giáo, công chức, rồi cả những em thiếu niên đang còn cắp sách đến trường, những chiến sĩ...Họ yêu thơ anh để rồi như bắt buộc anh không thể dừng bước trong những cuộc chơi như thế. Còn nhiều lắm những câu thơ hay mà tôi không thể đưa hết ra đây được. Ta sẽ tìm thấy trong Bến đợi, Hát rong, Hoa tường vi trong mưa, Gõ chiều vào bàn phím, Ngựa trắng bay về, Lời vĩnh cửu, Đêm không màu hay gần đây nhất là tập lục bát anh vừa mới trình làng tháng 10/2010.
Để nói về anh qua trang viết này e không đủ nhưng bằng tình cảm chân thành nhất với những gì biết về anh, tôi vẫn thấy mình như đã làm được một cái gì đấy thật lòng mình và thật với anh. Cũng giống như con hẻm nhỏ vào nhà anh dưới tán cây long não cổ thụ trong một chiều thu gió nhẹ. Cũng giống như cái tủ nhà anh được dùng như để trưng bày những trang viết mà anh đã phải lao tâm khổ tứ mới có được. Cũng giống như anh đã phải trải qua gần nửa đời người trên mảnh đất cao nguyên thân thương này để bây giờ có một chỗ đứng vững chãi trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Vâng, anh là Uỷ viên ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khóa VIII, Phó chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai, Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, nhà thơ Văn Công Hùng.
Nguyễn Minh Tuấn
Anh và tôi trong ngày Thơ thị giác tại Pleiku
5 nhận xét:
Phô quá! Cứ để nguyên trên Blog của người viết và dẫn đường link sang, còn đỡ phô hơn. Thiếu gì cái viết mà đưa lên vậy, bác ui!..
@ Mai Thanh Hải:
-----------------
ÔI xấu hổ quá. Nhưng chả lẽ giờ lại... hạ xuống, huhu...
Doc duong 20ta thay,Nhung doan xe Bau xit noi duoi nhau.Viet the moi thay SUONG.
Em thấy các nhà văn bây giờ tự khen lẫn nhau thì cũng bình thường thôi, có sao đâu bác? Thiên hạ họ làm ầm ầm ra đấy...
mềnh nhất chí với í ciến của nhà cái bác Mai Thanh Hải đới!
Đăng nhận xét