Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

KRÔNG PA NGÀY TRỞ LẠI

Khổ thân, mà nào có nhu cầu thưởng thức vài lát thịt bò  dai ngoách xào với cả cân rau cải rồi tính tiền cả đĩa thịt bò kia đâu, nhu cầu ấy để dành cho vợ ốm con đau ở nhà, chúng tôi chỉ muốn được uống một hai chai bia không kèm gì cả. Thế mà nào có được. Ở Hà Nội thì bia luôn cưỡng chế bán kèm lạc, dù anh đã có cả rổ lạc trên bàn rồi thì một chai bia vẫn phải tiếp tục kèm một bò lạc...

----------------------------------

DSC01966[1].jpg

          Cái sự trở lại Krông Pa lần này của tôi nó không còn háo hức như cái đận cách đây mươi năm trước nữa. Cũng chả phải bởi tôi đã quen lì đất này, cũng chả phải bởi đường xá bây giờ thông hanh, 5 rưỡi sáng đề pa, bảy rưỡi sáng đã ngồi bên ly cà phê ngút khói trong khuôn viên nhà khách huyện với rất nhiều cây lộc vừng búp non mưng mởn. Cũng chả phải tại cái tiếng réo gọi hạ nguồn sông Pa nó không còn mơn man róc rách thôi thúc và cả mơn trớn mời chào dụ khị đầy hấp dẫn nữa... Nó là bởi trong đoàn tôi có tới ba cô gái, đúng hơn là ba người đàn bà đều đã có đến hơn nửa cuộc đời gắn bó với Gia Lai, trao thân gửi phận với Gia Lai, lấy chồng sinh con ở Gia Lai, làm nhà ở Gia Lai, viết văn làm báo ở Gia Lai... thế mà bây giờ, lần đầu họ đến Krông Pa. Vậy nên, cái háo hức đã dồn sang cho họ, còn tôi lại vô tình trở thành người dẫn đường và dẫn chuyện cho họ.
          Chuyện rằng, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, có lần ghé qua Ayun Pa, khi ấy cũng đang là một thị trấn bé tí chứ chưa phải là thị xã bề thế như bây giờ, thấy cái bến xe thị trấn ban đêm rất nhộn nhịp người, dẫu vẫn là cái sự lèo tèo phố thị nghèo. Hỏi ra mới biết, cái sự nhộn nhịp người ban đêm ở bến xe thị trấn Ayun Pa kia là do khách "quá cảnh" ngủ lại chờ xe đi tiếp. Đi đâu: Xuống Krông Pa. Ôi chao ơi là cái thời bao cấp. Từ Pleiku xuống Krông Pa phải đi hai chặng xe. Pleiku- Ayun Pa là mất nguyên một ngày. Phải ngủ lại bến xe, gọi đúng là vạ vật ở đấy, trong cái nhà tuềnh toàng bốn phía ván nền xi măng mái tôn nóng hầm hập. Vạ vật để chen nhau mua một cái vé để rồi sáng hôm sau chỉ còn năm chục cây số nữa, nhưng gập ghềnh hơn cả đường trên mặt trăng, đèo đẽo thêm gần ngày nữa mới tới cái thị trấn còn buồn hơn cả thị trấn phố huyện thời Thạch Lam. Mà không buồn không được, cả thị trấn một con đường đất dỏ quạch bụi mù, điện đường là thứ xa xỉ, dân cư thưa thớt, đa phần là bà con đồng bào Jrai, đời sống văn hóa tinh thần chả có gì ngoài... nhậu. Hồi ấy ở Pleiku, những tay bợm bia, dẫu khó khăn vất vả thế nhưng có dịp là lại tò tò xuống Krông Pa. Lý do: Đây là nơi duy nhất cả nước (nói cho chính xác là cả tỉnh) bán bia không phải kèm gì cả. Thời ấy nghèo, ở Pleiku (và cả Hà Nội), lâu lâu chúng tôi dành dụm được ít tiền, kéo nhau đi uống bia, thì cứ hai chai bia phải kèm một đĩa thịt bò xào. Khổ thân, mà nào có nhu cầu thưởng thức vài lát thịt bò  dai ngoách xào với cả cân rau cải rồi tính tiền cả đĩa thịt bò kia đâu, nhu cầu ấy để dành cho vợ ốm con đau ở nhà, chúng tôi chỉ muốn được uống một hai chai bia không kèm gì cả. Thế mà nào có được. Ở Hà Nội thì bia luôn cưỡng chế bán kèm lạc, dù anh đã có cả rổ lạc trên bàn rồi thì một chai bia vẫn phải tiếp tục kèm một bò lạc. Sau này tôi có in một tập thơ, nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long có biếu tôi một ít ảnh in kèm, chúng tôi nói đùa: Thơ kèm ảnh giống như bia kèm lạc ngày xưa. Thế mà ở Krông Pa thời ấy, bia được bán không kèm gì cả, trừ... tiền, tất nhiên. Sướng thế thì tức thị một là nơi đây đã sắp đến thiên đường chủ nghĩa xã hội, và hai là mầm mống của chủ nghĩa tư bản trỗi dậy. Nhưng sự thực thì đơn giản dễ hiểu hơn nhiều. Krông Pa hồi ấy là thủ phủ của mè (vừng), và trong cái chính sách kinh tế đơn giản thời bao cấp ấy, có một khái niệm là hàng đối lưu. Anh mang mè đi thì sẽ đối lưu một thứ gì đấy về theo kế hoạch tập trung của nhà nước. Chả hiểu các bác kế hoạch lên kế hoạch thế nào mà cho Krông Pa mang mè đi đối lưu... bia. Mà người thì ít mà dân thì nghèo, thế là cuối cùng Krông Pa bán đổ bán tháo bia bằng cách... không bán kèm đồ mồi như cả nước. Chỉ béo các bác lái xe công vụ thời ấy, mỗi lần chở sếp đi công tác Krông Pa đều chuẩn bị hàng trăm vỏ chai bia để... đối lưu. Uống no bụng tại chỗ lại còn lặc lè nhét khắp các ngách trên xe để về Pleiku... đối lưu lần nữa. Bây giờ ở Krông Pa ít thấy mè nữa, hỏi thì được biết, mè không hợp đất quen nên năng suất thấp dần, rồi thì chả thấy ai trồng nữa. Tôi thì đồ chừng, sau cái thời hoàng kim ấy (thời mà bỏ năm cân mè trong cặp là bị thuế vụ hoặc quản lý thị trường hỏi thăm liền), đến bây giờ, như một số nông sản khác, mè bí đầu ra. Chứ nếu nó vẫn có giá như ngày xưa, chưa cần đến các nhà khoa học, chỉ nông dân thôi, họ cũng đã nghĩ ra cách bắt mè tăng năng suất ngay. Sau này người Krông Pa phát hiện ra đất mình phù hợp với thuốc lá, thế là Krông Pa trở thành vùng nguyên liệu thuốc lá tốt nhất nước.
          Chuyện rằng, ông bí thư huyện Phạm Ngọc Xuân bây giờ, đầu những năm tám mươi ấy là một anh sinh viên văn khoa trẻ măng mới ra trường. Nhận công tác ở ban tuyên giáo tỉnh đâu chừng nửa năm thì tỉnh có kế hoạch đưa cán bộ đi tăng cường cơ sở. Anh làm một cú đằng đẵng đến tận bây giờ, thành người Krông Pa kỳ cựu. Gần ba mươi năm, giờ anh vẫn máu me văn chương lắm lắm. Ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh vẫn như nguyên cái tâm trạng sôi nổi háo hức thuở nào Tây Nguyên ba lô tiến. Tôi học cùng trường với anh, trước anh bốn khóa. Và chúng tôi vẫn luôn coi nhau là anh em như truyền thống tôn ti của các cựu sinh viên Tổng hợp Huế xưa nay. Thi thoảng có dịp hội trường, hội lớp, chúng tôi vẫn thường nhắc đến Phạm Ngọc Xuân với một tâm trạng vừa nể phục vừa ái ngại. Nể phục thì rõ rồi, khoa văn chúng tôi hiện nay đã trên ba mươi khóa, nhà văn nhà báo cả trăm, giám đốc tổng biên tập báo đài, chủ tịch phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật vài chục... nhưng tham gia vào các chức vụ đảng và chính quyền thì chưa hết hai bàn tay. Một ông phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị, một ông phó chủ tịch thành phố Đông Hà, một ông chủ tịch thành phố Nha Trang, và ông này bí thư huyện Krông Pa. Ái ngại là bởi, gặp Xuân rất khó. Mỗi lần lên Pleiku họp cứ như chuồn chuồn đạp nước, xong là về ngay, chả la cà gì, chả thăm thú được ai, kể cả việc ơn nghĩa đãi đằng, đơn giản là mỗi lần bí thư đi thì thường là anh chị em hay tranh thủ đi cùng (nhớ cái thời bao cấp, mỗi lần cái xe u oat của các huyện lên thị xã họp bao giờ cũng lặc lè người đi nhờ), mà đã đi cùng thì mỗi người mỗi việc, xong đều lấy thời gian họp của bí thư làm chuẩn, nên đã tập trung là lại về luôn, chả muốn bắt anh em đợi. Có người đã tổng kết, ít thấy cán bộ huyện Krông Pa lai vãng ở các quán nhậu nhà hàng Pleiku nhất... Cũng nhân đây nói thêm, Xuân là một trong số ít quan chức tôi quen mà bỏ tiền túi ra đặt báo Văn Nghệ, Văn Nghệ trẻ và Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai...
          Chuyện rằng, khi đứng trên mặt đập của cái hồ Ia Mlá bây giờ thì hãy chịu khó tưởng tượng về cái hồi mà cả Krông Pa chưa có một cái vũng nước nào được gọ là hồ. Đất bạc, cây bạc, mặt người cũng bạc. Tôi đi cũng nhiều, nhưng chưa thấy ở đâu có khí hậu lạ như ở đây và cũng đã có đôi lần viết nó lên báo. Nóng thì đã đành nhẽ. Nhưng đây nó cứ hầm như một cái nồi rang. Cứ như trên đời này có bao nhiêu oi bức, bao nhiêu tức tưởi, bao nhiêu âm ủ, bao nhiêu tích tụ không tan, bao nhiêu cái thứ khó chịu nhất cứ nhè nơi này mà chiếu xuống, mà hắt xuống. Nóng mấy thì nóng, nhưng nếu có chút gió, chỉ cần phe phẩy thôi cũng được, thì nó cũng sẽ dịu bớt đi bởi nó sẽ được luân chuyển. Đằng này nó cứ như xoáy như cuộn, như ủ như hầm, quyện cứng lại trong một cái đít chảo có tên là Krông Pa. Thì bây giờ đấy, nắng nóng vẫn thế, nhưng khí hậu đã dễ chịu vô cùng, ấy là bởi có sự tham gia điều tiết của mấy cái hồ thủy lợi lớn, mà hồ Ia Mlá là một ví dụ. Đây là công trình thủy lợi lớn thứ hai ở Gia Lai sau Ayun hạ. Sau Ayun Pa, đến Krông Pa hưởng lợi từ sự điều tiết khí hậu của các hồ thủy lợi. Thôi thì giá trị kinh tế tính sau, nguyên việc nhờ nó mà cả một vùng sinh thái được thay đổi theo chiều hướng tốt lên là đã quá quý rồi. Cũng như Ayun Pa, Krông Pa cũng có những câu chuyện cổ tích chứa đầy khát vọng của nhân dân về nước. Truyện cổ tích và thần thoại luôn gắn với những khát vọng của nhân dân. Những khát vọng ấy đa phần là đương thời chỉ dừng ở... khát vọng. Ở Ia Mlá, khát vọng ấy bây giờ đang biếc xanh trước mắt chúng tôi. Công trình thủy lợi Ia Mlá lớn thứ hai ở Gia Lai sau Ayun hạ. Nơi đây có hồ Dang Dok, đọc theo tiếng Kinh là Tang Túc. Huyền thoại về cái hồ nước này hay lắm, chúng tôi được ông Kpăh Dao, tức Ma Hương, chủ tịch mặt trận xã Ia Mlá say sưa kể câu chuyện cổ tích về Dang Dok. Nhưng điều quan trong là, nó có vẻ liên quan đến những chiếc ché Tang, ché Túc mà tôi đã từng nghe trong những trường ca cổ. Người Tây Nguyên có những thứ gắn với cuộc sống của họ, song hành với họ trong suốt hành trình lịch sử, đến nỗi trở thành bản sắc của họ, thành một phần đời sống của họ, tưởng như là một trong cuộc sống của họ, thế mà lại té ra, không phải của họ làm ra, mà ché và chiêng là hai ví dụ cụ thể. Đây là hai vật dụng gắn bó hữu cơ mật thiết với con người Tây Nguyên. Nó từ yếu tố vật chất (là những vật dụng thông thường thiết yếu trong đời sống) trở thành yếu tố văn hóa, một loại văn hóa đặc biệt, trở thành bản sắc, thành những yếu tố gắn với đời sống tinh thần để nhân loại phải nghiêng mình thán phục. Chưa hết, từ đấy nó trở thành yếu tố tâm linh. Ché có thần và chiêng cũng có thần. Tôi đã từng chứng kiến những chiếc chiêng, bộ chiêng được cho là chiêng thần, và cũng được chứng kiến những chiếc ché được coi là có thần linh trú ngụ. Nó thiêng liêng thành kính đến mức mà để được xem nó, người ta phải cúng, phải làm lễ rất công phu, cẩn thận. Thế nên tôi đã rất hào hứng khi được giới thiệu ở nhà Amí Đanh ngay trung tâm xã Ia Mlá có hai chiếc ché cổ, một cái trị giá ba mươi con bò, tức bằng nửa con voi, tức khoảng một trăm năm mươi triệu, và một chiếc trị giá hai mươi con bò, khoảng một trăm triệu. Cái ché trị giá ba mươi bò tên là Prung và cái hai mươi bò tên Chanr. Ché này không biết có thiêng không nhưng rõ ràng là nó rất giá trị. Hỏi mấy đồng chí lãnh đạo xã người Jrai rằng tại sao nó đắt tiền, bảo tại nó là ché Tuk (Dok), hỏi tại sao ché Tuk lại quý lại đắt thế thì... không biết. Như đã nói, ché và chiêng đều không phải do người Tây Nguyên bản xứ làm ra. Nó là do người Kinh, người Lào... làm. Chiêng Lào cũng là một loại chiêng quý, nhiều khi được sánh ngang voi trắng, và nó cũng là nơi thần linh trú ngụ. Ngoài ra nó chính là tiếng nói của con người gửi đến Giàng, đến thần linh. Ché cũng thế, tôi đã nghe đồn có những cái ché rất thiêng, có thể dự báo được những điều sắp xảy ra với gia đình, với làng, trẻ con khóc đêm nhiều quá, mang đến cúng nó sẽ hết khóc... thì là lời đồn thôi, những lời đồn bí ẩn trong đời sống dân gian. Lời đồn mặt nào đó nó là mê tín, làm rối loạn xã hội, nhưng về mặt nào đó, nó tăng thêm cho đời sống một bức màn bí ẩn, nó tăng thêm dư vị, với văn hóa, đặc biệt văn hóa truyền thống, nó như một lực hút khiến sự kiện, nhân vật thêm huyền bí, củng cố niềm tin, tất nhiên là những niềm tin hướng thiện, hướng mỹ, thì cũng nên cho nó có đất tồn tại để cuộc sống thêm thi vị. Nó như hàng ngàn năm nay chúng ta nghe bài thơ Thần: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư với biết bao huyền thoại về nó, và chính huyền thoại ấy làm chúng ta tự hào với Tổ quốc, với cha ông hơn, chúng ta thấy nó vẫn luôn luôn mới cho đến hôm nay...
          Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, khi lên Gia Lai nhận công tác, có một cái tên khiến tôi phải chú ý: Phan Duy Đồng. Ông này khi ấy là huyện ủy viên, trưởng phòng Giáo dục huyện, nhưng điều làm tôi nhớ là vì ông... làm thơ. Không chỉ in ở Gia Lai, thơ ông in rất nhiều ở báo Phụ Nữ thời ấy. Sau này mới biết, ông là trưởng phòng giáo dục đầu tiên của huyện Krông Pa. Cái thời mà Pleiku- Krông Pa phải hai ngày xe IFa ấy, thậm chí phải đi vòng xuống Tuy Hòa thì chưa biết mấy ngày, người đàn ông Hà Tĩnh này đã "cắm bản" ở đấy, dù là "cắm bản" để làm quan. Sau khi đủ tuổi, ông cầm sổ hưu và  về quê Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ở, nhưng vẫn đau đáu nhớ Krông Pa, vẫn ước mong có ngày được trở lại Krông Pa, trở lại cái nơi ông đã cống hiến suốt thời sinh lực tràn trề của mình ở đấy. Khi thực hiện số chuyên đề này, tôi có viết thư cho ông trước khi đi một chuyến công tác Hà Nội. Thời gian rất gấp mà nhà ông không có điện thoại hoặc các bạn tôi ở Hà Tĩnh không biết điện thoại nhà ông. Để thư đến ông nhanh nhất, tôi đã phải tranh thủ ngồi ôm laptop viết tại phòng chờ sân bay Pleiku, rồi vì sân bay Pleiku không có Wireless nên ngay khi đến sân bay Nội Bài, trong lúc chờ lấy hành lý, tôi chui vào cà phê wifi mail về tòa soạn. Tại tòa soạn các bạn biên tập viên tạp chí check mail in ra rồi gửi chuyển phát nhanh cho ông. Đúng bảy ngày sau tôi nhận được thư chuyển phát nhanh của ông. Đại loại thư tôi nói, tôi đang thực hiện một số Tạp chí chuyên đề Krông Pa nhân ba mươi năm thành lập huyện, nhờ ông với tư cách một trí thức đã có mặt từ những ngày đầu tiên khó khăn ấy, viết cho một đoạn hồi ký, đồng thời xin ông một chùm thơ về Krông Pa. Ông gửi cho tôi một chùm thơ nhưng hồi ký thì... xin khất và chỉ cho tôi mấy người có thể đến để lấy tư liệu. Như người khác thì đây là dịp để... kể công, nhưng ông đã khiêm tốn từ chối với lý do: già rồi, chẳng nhớ gì nữa. Ông và những người thế hệ ông là những chứng nhân quan trọng của một vùng đất. Tôi biết nơi đây còn cả một lớp người như thế, những là Nay Đer, Ksor Ni, Ama Quang, Rchăm Briu, Nay Phin, Siu Deo, Rchăm But, Ama Hlơ, A ma Cao... rồi bao nhiêu người thầm lặng gắn bó với đất này, hy sinh những tháng ngày đẹp nhất đời mình với đất này...
 
DSC01970.jpg
          ...Tất nhiên là chưa thể đẹp như đường cao tốc, nhưng so với ngày xưa đã là một trời một vực. Hai bên đường 25, tức con đường 7 lịch sử ngày nào, đẹp mê mải. Rẫy xen lẫn ruộng. Những thửa ruộng đẹp như tranh vẽ, thấp thoáng đồng bằng, thấp thoáng Sa Pa, những uốn lượn thảo nguyên tạo nên những nét kỷ hà vui mắt khi ngồi trên xe. Rừng nguyên sinh không còn, tất nhiên, nhưng hút tầm mắt, ta vẫn nhận ra những khu rừng trầm mặc bí ẩn.  Lãng đãng mây, vi vu gió, khoáng đạt tầm mắt và cái chân thì cứ muốn nhao ra cỏ, muốn lang thang trên cái mênh mang của thảo nguyên ngằn ngặt xanh mà hít mà thở mà vươn vai mà lững thững với gió với nắng với ngút ngát thảo nguyên. Tháng ba, thích nhất là bên đường, thi thoảng gặp một cây pơ lang cô lẻ, bừng bừng đỏ trong nắng, từng bông hoa như những giọt lửa bung lên trời xanh nỗi khao khát của những dồn nén hội hè. Tháng này là mùa hội, người Tây Nguyên gọi là Ning Nơng, ăn chơi quên ngày tháng, bao nhiêu sinh lực của cải của cả năm đổ ra cho lúc này, người ta đắm đuối với nhau, với trời với đất, với thiên nhiên cây cỏ, người ta trao nhau tất cả những gì dành dụm trong năm trong cuộc đời, trao vô tư, không toan tính, không vụ lợi... Tôi đã từng được dự những lễ hội như thế ở tại đất Krông Pa này, đắm say và tình tứ, hòa nhập và si mê, những con người phóng khoáng và hiền minh đã cho tôi hiểu thế nào là tự do, thế nào là ý nghĩa đích thực của cuộc sống, thế nào là niềm vui bất tận khi mình được sống hết mình, thở hết mình, đắm đuối hết mình với những gì mình thích, mình yêu và mình thấy thoải mái. Krông Pa đã từng cho tôi những ngày tuyệt vời như thế và sẽ còn nhiều ngày như thế...
                                                                                      V.C.H

2 nhận xét:

Xuân Thu nói...

Đọc bài ký của anh hiểu thêm về xử sở này, nhất là cái khoản ngày xưa uống bia không phải kèm. Ông bí thư huyện ủy Xuân, người yêu văn nghệ, đặt báo văn nghệ bằng tiền túi thật hiếm. Đúng là dân tổng hợp văn chương các anh.

Nặc danh nói...

Chuyến đi cùng với 8 mỹ nữ chả thấy - nhà cháu - nhắc đến. Sung sướng là thế mà dấu nhẹm là sao ? Nhưng công nhận rằng bài kí của - nhà cháu - giúp bá tánh chúng con mở mắt..