Bài đăng tạp chí Đầu tư Tài chính số xuân Giáp Thìn 2024.
Dân Việt Nam ta từ xưa có quan niệm “đói cho sạch rách cho thơm”. Nghe nói quan niệm này được “thấu triệt” từ các nhà nho rồi lan tỏa trong dân chúng, những dân chúng một thời luôn luôn đói nhưng luôn lấy các nhà nho làm gương, theo các nhà nho mà hành xử trong đời sống. Và chính bản thân các nhà nho, chủ yếu là các ông thầy ấy, cũng rất đói. Nhưng đói gì thì đói, ra đường là phải nho nhã, nghiêm ngắn. Nên từng có chuyện ăn khoai luộc trừ bữa nhưng cũng... ngậm tăm xỉa răng như ăn thịt.
Quan niệm “sạch”, sống an yên tự tại với những gì mình có tới giờ vẫn tồn tại, tất nhiên nó khác ngày xưa, bởi đa phần bây giờ dẫu chưa giàu, chưa vàng muôn bạc đụn nhưng không còn phải ăn bữa tối lo bữa mai nữa.
Tôi mới đọc trên facebook một nhà văn trích ý ông Lý Quang Diệu nói về cái đói, cái tham lam vơ vét, cái tư hữu, đại ý khi cuộc cách mạng không còn đem đến những điều không tưởng và nền kinh tế chuyển sang thị trường tự do, thì cán bộ có quyền "ban phát giấy phép" hoặc được tiếp cận với hàng hóa và dịch vụ theo giá cả chính thức, lại là những người đầu tiên dễ dính vào tham nhũng và bóc lột nhân dân.
Dân ta cũng có cách chiết tự rất hay, tất nhiên là nó có vẻ khiên cưỡng, nhưng không phải không có lý, tiền đi với bạc, có tiền rất dễ bạc.
Tôi từ nhỏ đã sống trong một gia đình cán bộ bậc trung, bố mẹ đều “không có điều kiện tham nhũng” như sau này tôi hay nói đùa với các cụ. Mẹ tôi hay dạy anh em tôi: Nhà mình nhìn lên tuy không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng nhiều người chưa bằng mình. Ba mẹ cố gắng cho các con học có cái chữ rồi ra đời mà sống cho lương thiện. Và cái thời bao cấp khó khăn ấy, ba mẹ tôi, hai cán bộ về hưu, đã tằn tiện để nuôi hai anh em chúng tôi học xong đại học. Ra trường tôi xung phong lên Tây Nguyên làm việc, suốt mấy chục năm giờ về hưu cũng... thanh thản không giàu.
Rất nhiều bạn bè tôi thời bao cấp ấy, đã tích lũy từ những việc rất nhỏ, như đặt báo, đặt rất nhiều báo, sau tôi phát hiện họ... không đọc mà để bán. Hồi ấy đặt báo phải có giấy giới thiệu vì báo bao cấp rất rẻ. Bán báo mua cám nuôi lợn. Bán lợn mua vàng, bán vàng mua đất. Từ những miếng đất nhỏ, họ trao qua đổi lại lên những miếng lớn hơn... cứ thế họ thành... cò đất tự khi nào, giờ gọi là kinh doanh bất động sản. Có hồi tôi còn thương một chị bạn cùng phòng, vì thấy chị ấy cứ lâu lâu lại chuyển nhà, mà con nhỏ nhếch nhác. Cánh thanh niên độc thân chúng tôi hay tới giúp chị chuyển nhà, mấy chuyến xe đạp là hết. Tôi cứ rên lên, sao chị khổ thế, hai con rồi mà vẫn chưa yên ổn định cư. Gần đây gặp chị, giờ là một đại gia ở Sài Gòn, chị kể, hồi ấy chị... buôn nhà. Mua bán thế rồi có vốn mà làm ăn lớn như giờ.
Tôi có vợ và hai con rồi vẫn chung thủy với căn phòng tập thể cơ quan cấp tạm, tới lúc bị đòi mới hoảng lên chạy đi kiếm đất làm nhà. Lúc này đã hết chế độ nhà nước cấp đất cho cán bộ, mà phải mua. Trước đấy còn có chính sách hóa giá các căn hộ tập thể, có người tới xui tôi... chạy, tôi còn trợn mắt lên quát lại. Nghe nói căn phòng tôi nếu được hóa giá sẽ lời khoảng năm trăm triệu thời cách đây hơn hai mươi năm.
Nhưng giờ tôi thanh thản.
Thì cứ nhìn các quan chức từ to tới vừa vừa tới nhỏ ở hai vụ “chuyến bay giải cứu” và kit test vừa rồi thì biết.
Mà cũng kinh thật, trong ấy có những người tôi không nghĩ họ có thể xấu được. Như các giáo sư tiến sĩ ngành y quân đội. Như các nhà ngoại giao lừng danh. Và ngay cả bộ trưởng bộ Y, ai nghĩ ông đầu ngành, từng lăn lộn trong dịch như thế, lại dính chàm kinh thế. Rồi một số bí thư, chủ tịch vài tỉnh thành...
Mới thấy, tiền nó sai khiến con người kinh thật.
Chả thế mà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nói: họ ăn không từ thứ gì?
Giờ đang có nhiều người từ giàu tới rất giàu mà thon thót.
Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì cơ quan điều tra công an Gia Lai vừa bắt một nhân viên hợp đồng của văn phòng đăng ký đất đai Gia Lai. Tay này chức nhỏ, rất nhỏ. Thực ra là chả có chức gì, chỉ là nhân viên hợp đồng, nhưng dân cần gì phân biệt, họ gọi tất đấy là cán bộ. Và số tiền ăn cũng rất nhỏ. Đâu như mỗi hồ sơ mà có điều kiện hoạnh họe y nhận vài trăm ngàn đến hơn triệu bạc.
Nhưng phàm đã tham, đụng đến tiền, nó như nhau cả.
Nên một thời cái câu “tớ cảm ơn” hay được nhiều người nhắc. Cái câu nhẹ hều ấy để thông báo sự đồng ý nhận cái va li tới gần 5 tỉ đồng. Loại làm thơ ẩm ương như tôi, thường xuyên lẫn lộn giữa tờ 500 ngàn với 20 đồng, tờ 50 ngàn với 200 đồng, hoặc cứ ngẩn ra khi đưa tờ 500 để trả bát phở cả quẩy 43 ngàn không biết sẽ nhận lại bao nhiêu tiền thối thì có dí súng vào tai cũng chả biết 5 tỉ nó như thế nào?
Nên xưa, cha ông ta cũng có câu “nén bạc đâm toạc tờ giấy” vừa răn nhau và vừa chỉ một hiện tượng xã hội, giờ gọi là hối lộ và nhận hối lộ.
Nói thật nên nhiều lúc tôi hoang mang tự hỏi, rằng là, thế người ta giàu để làm gì?
Tôi biết và chứng kiến những người giàu lắm, rất giàu, nhưng vẫn rất tham. Tôi chịu không hiểu, nói chuyện với đám bạn hay cà phê sáng với nhau họ cũng chịu. Các vụ án tham nhũng vừa rồi đa phần là những người rất giàu rồi bị dính đấy chứ. Tất nhiên có những người giàu để họ giúp người nghèo. Tôi hay đứng ra làm cầu nối giúp các trường hợp khó khăn, trong đó hai chỗ thường xuyên là cái “trại điên Phước Hạt”, là tôi gọi cái nơi vợ chồng nhà Phước Hạt nuôi thường xuyên hơn một trăm người điên từ khắp nơi đổ về, và “mái ấm Chư Sê” là cách tôi gọi “mái ấm Giu Se” của ông cha tên Đinh Minh Nhật cũng thường xuyên nuôi hơn một trăm đứa trẻ mồ cô. Mỗi khi tôi kêu gọi lại có khá nhiều người từ trung bình tới... có điều kiện, tới giàu sẵn sàng mở hầu bao giúp. Có người đều như vắt tranh, mỗi tháng gửi sáu tạ gạo, người gửi chục triệu... giúp mái ấm, giúp người điên. Họ đều lẳng lặng, không nêu tên, và đề nghị không nêu tên.
Dân ta có câu ngạn ngữ “Xấu đều hơn tốt lỏi” để nói về trồng cây, nhất là lúa. Nó là kinh nghiệm lâu đời của bà con ta hàng ngàn năm làm nông nghiệp. Nhưng sau này ta áp dụng câu ấy vào quản lý... làm giàu, nghèo đều hơn... giàu lỏi. Dân ghét người giàu từ ngàn xưa, cứ giàu là bị đả kích, mà văn nghệ dân gian thể hiện rất rõ, từ văn học tới chèo tuồng đến cách đây vài chục năm vẫn thế. Và pháp luật cũng không ủng hộ nếu không muốn nói là trừng trị, mà vụ ông Chẩn vua lốp ở Hà Nội là ví dụ chấn động. Trước đấy là cải cách ruộng đất, là cải tạo công thương nghiệp...
Năm nào đó, bắt đầu đổi mới, một lãnh đạo chúc tết bà con, có câu chúc mong bà con làm ăn phát đạt, phát tài, giàu có... dân vỡ òa sung sướng, nói như Văn Cao trong bài hát “Mùa xuân đầu tiên”: Từ đây người biết thương người... Cũng nhân đây nói thêm, rằng là, tới giờ cũng chả hiểu sao bài hát ấy lại bị bặt đi một thời gian dài đến thế, dù đấy là một bài hát rất hay, rất nhân bản và cả rất cách mạng theo nghĩa tốt đẹp nhất của từ này.
Nhưng làm giàu nhanh quá, nóng quá, bằng mọi giá quá thành ra hỗn loạn.
Thì cũng từng xảy ra những là Nguyễn Văn Mười Hai, Tăng Minh Phụng, Liên Khui Thìn...
Rồi giờ là những cú lừa hàng ngàn tỉ. Những là dự án sâm Ngọc Linh gọi vốn tới một ngàn hai trăm tỉ đồng theo kiểu lấy tiền người sau trả cho người trước. Rồi hai nữ giám đốc vẽ hàng loạt dự án ma lừa đảo chiếm đoạt tám trăm hai tám tỉ đồng. Rồi vụ Alibaba vẽ đất trên giấy thu tiền vân vân và vân vân, không thể kể hết ở đây được.
Ai cũng nhoai ra làm giàu, làm giàu bất chấp, làm giàu bằng mọi giá. Nó khiến giá trị vật chất và cả giá trị tinh thần bị hỗn loạn, đạo đức con người bị tha hóa, cán bộ đảng viên, những người có “điều kiện” và “khả năng” tham nhũng, hối lộ, liên tục thành củi, thành lò viên và lò viên dự bị...
Hồi sinh viên tôi học văn học phương Tây, thấy các nhà văn, nhà tư tưởng, triết học châu Âu nói về tiền, những là con đĩ, những là ma lực, những là lăn lóc, những là treo cổ... nói thật là chả hiểu gì, bởi khi ấy bụng luôn lép kẹp, ví luôn rỗng mà sổ nợ ở hàng kem chuối, bánh mì cổng trường luôn dày đặc. Đến khi đi học lý luận chính trị cao cấp thì lại là đang ở nhà tập thể và nuôi con nhỏ, hết giờ là lo đi xếp sổ mua gạo và thực phẩm nên cũng chưa nghĩ nhiều về tiền đến thế dù luôn luôn thiếu tiền. Tới giờ mới biết, người ta càng giàu càng... thèm tiền, và mới hiểu ma lực của tiền.
Thế nhưng nói thế, vẫn có những đồng tiền thanh tao từ những người tử tế. Sáng nay tôi lại nhận được từ một nhà báo giấu tên 1 triệu đồng chuyển vào tài khoản, để tôi chuyển tiếp cho một cháu sinh viên quê ở huyện Krông Pa, rất nghèo, nghèo lắm, nhưng cháu đang học đại học ở Sài Gòn. Là nhờ một cơ duyên, tôi được nhờ chọn 3 cháu sinh viên nghèo quê Gia Lai để nhận mỗi cháu một suất quà của nhà tài trợ. Có người giới thiệu cho tôi về cháu. Cháu khổ quá, tôi kể câu chuyện ấy lên facebook, và thế là ngoài giúp ngay lúc ấy, nhóm bạn này hứa sẽ tặng cháu mỗi tháng 1 triệu đồng đến khi cháu tốt nghiệp.
Cũng Gia Lai, một thầy giáo ở một huyện nghèo phát hiện lý do học sinh hay bỏ học là do các cháu... đói quá. Thế là bỏ tiền túi làm xe bánh mì không đồng. Các cháu học sinh đến lớp sẽ được ăn bánh mì miễn phí. Thầy vùng sâu, chỉ có mỗi lương mà còn bao việc. Nhưng cái nghĩa cử ấy làm xúc động nhiều người, thế là họ gửi nhờ thầy mua giúp bánh mì để duy trì cái xe bánh mì ấy.
Còn rất nhiều những câu chuyện như thế.
Và mới té ra, những đồng tiền đặt đúng chỗ, tiêu đúng việc luôn làm chúng ta xúc động.
Ai đó nó, đồng tiền luôn có hai mặt. Thì triết học cũng nói đời sống có tới mấy mặt đối lập kia mà.
Nhưng khi lòng tốt lên ngôi, hay nói như các nhà kinh điển phục hưng là chủ nghĩa nhân văn thắng thế thì phía mặt tử tế cũng sẽ trồi lên.
Sẽ đến một ngày, dân ta ai cũng giàu, và quan trọng là, không... ghét người giàu nữa. Muốn thế sự tử tế phải đến từ hai phía. Hiện nay đang có hiện tượng, một số người giàu không tử tế, đa phần là do nguồn gốc giàu của họ không minh bạch, còn những người giàu minh bạch, đa phần là rất tử tế, và phía kia, một số người nghèo cũng chưa... lương thiện. Họ mơ tiền nhưng không chịu lao động, nên bèn... ghét người giàu, nói xấu người giàu.
Nhiều câu thành ngữ của các cụ xưa cũng phải xem lại một phần, kiểu an phận như này: “ăn cơm mắm cáy nằm ngáy o o, ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”. Sự ngáy o o ấy nó thanh thản cho mình, nhưng còn xã hội, còn đất nước, rất cần những người xắn tay áo vào, dùng tài kiếm tiền của mình xây dựng đất nước, kiếm tiền cho đất nước, và khi đất nước giàu, thì tất nhiên mọi công dân cùng được hưởng.
Nên thi thoảng xem trên bảng xếp hạng tỉ phú thế giới, thấy có tên người Việt Nam là tôi rất tự hào, thấy giống như mình cũng sắp là... tỉ phú.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét