Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

NHỮNG GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN

 

Nước ta vừa kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ nhạc sĩ họa sĩ thiên tài Văn Cao. Thực ra tôi cố tránh cái từ thiên tài, nhưng quả là với người nước Nam ta, gọi Văn Cao là thiên tài chắc không có gì sái, huống gì trước tôi, và trong dịp kỷ niệm một trăm năm sinh Văn Cao vừa qua, nhiều người đã dùng.

Tất nhiên tôi biết, cũng nhiều người chê ca từ của “Tiến quân ca” nó... hiếu chiến quá, nó máu xương quá vân vân. Nhưng rõ ràng nó có nguyên do của nó, rằng lúc ấy người ta yêu cầu ông sáng tác như thế, lúc ấy yêu cầu cụ thể là thế, và như thế nó phù hợp hoàn cảnh. Sau này khi được chọn nó lại khác. Chả thế mà có hẳn cuộc vận động sáng tác quốc ca mới, rộn ràng các kiểu, tốn kém cả kinh phí và thời gian, chất xám và cả quan hệ nghĩa tình vân vân, cuối cùng vẫn là... “tiến quân ca”.

Như nhiều người Việt Nam khác, mỗi khi quốc ca Việt Nam cất lên là tôi rất xúc động. Có lần trong một quán ăn chiều, tivi trong quán phát trực tiếp bóng đá, đội tuyển bóng đá Việt Nam ra sân, quốc ca nổi lên, tôi và hàng chục thực khách đã đứng lên, chào cờ trong... tivi và hát quốc ca cùng hàng ngàn người trên khán đài.

Là cái lòng tự hào về Tổ quốc mình nó thường trực trong mỗi người.

Và quốc ca nó gắn với dân tộc là thế.

Tôi vừa cộng tác với một công ty nghe nhìn giáo dục, chỉ là đọc bài thơ “Thần” của Lý Thường Kiệt, bài “Hịch tướng sĩ” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh để ghi âm. Té ra đọc nó không dễ, phải làm lại tới mấy lần, bởi khi đọc tôi cứ bất ngờ bị xúc động, bị ngắt lại, bị ríu tiếng... thế là làm lại, chứ bình thường tôi vẫn đọc trong các dịp cần, ví dụ như các ngày thơ hồi trước mà tôi tham gia.

Và té ra, văn học nghệ thuật nó gắn với dân tộc, nó hun đúc, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc trong mỗi người chúng ta đến như thế nào.

Nhớ hồi nào đấy, tôi đang là học  sinh ở Thanh Hóa, nghe đọc trên Đài tiếng nói Việt Nam cái tuyệt bút của Nguyễn Trung Thành “Đường chúng ta đi” mà thấy máu sôi trong huyết quản. Cả một thế hệ ra trận từ những lời kêu gọi mềm mại mong manh mà hào hùng như thế. Và rồi thế hệ chúng tôi làm bài tập làm văn thời ấy rất hay bắt chước sử dụng hình ảnh thanh gươm đẫm máu của dân tộc tự bảo vệ mình trong phần mở bài.

Tết này tôi có bài báo trên một tờ báo tết về chuyện gặp Nguyên Ngọc ở... Hà Giang. Rằng lên Hà Giang tôi gặp cháu nội bà Thào Mỷ, đang là bí thư huyện đoàn Mèo Vạc, bạn này kể cho tôi bà nội mình, Thào Mỷ ấy, về già vẫn yêu vẫn quý Nguyên Ngọc như thế nào, và câu chuyện chỉ nghe đã mê khi người đàn bà vô cùng lận đận khổ sở khi mười bốn mười lăm tuổi bị bán cho thằng chồng bảy tuổi, về nhà nó mới biết bố nó chính là người đã giết bố mình để cướp thuốc phiện, chỗ thuốc phiện ông bố định mang bán để cho con gái... thoát nghèo, để con gái được “gặp con người”. Bà Mỷ, người viết vào sổ tay mình hàng chữ “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi” đọc nao hết cả lòng ấy, sau này là cán bộ lãnh đạo huyện, là người ngồi xử án bọn phỉ, bọn phản động nổi dậy ở Hà Giang để bộ đội Nguyên Ngọc, quê Quảng Nam, được điều lên Hà Giang tiễu phỉ và ra thiên tuyệt bút “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” ấy.

Sau này ở Tây Nguyên, Nguyên Ngọc có “Rừng Xà nu”, “Đất nước đứng lên” tràn ngập lòng yêu nước, hừng hực tinh thần tự hào dân tộc và cũng vẫn là những tiếng kèn xung trận.

Cũng nhớ năm nào đó, đang học đại học Tổng hợp Huế, cái lớp Văn khóa đầu tiên sau hòa bình của Huế, lớp có sinh viên từ cả hai miền, hai hệ, hệ 10/10 và hệ 12/12 cùng học, đúng ngày mùng tám tháng ba, một bạn trong lớp, bộ đội về học, xin phép giáo sư bộ môn cho mình đọc tặng các bạn nữ trong lớp bài thơ. Và bạn ấy đọc “Bài thơ về hạnh phúc” của nhà thơ Dương Hương Ly. Cả lớp đã lặng đi. “Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ trên mồ em có mùa xuân nở mãi/ trời chiến trường chưa một phút bình yên/ trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên.../ ... Em lớn lên bên họ can trường/ Giữa bom gào đạn réo/ Em đã thấy những tâm hồn tuyệt vời trong trẻo/ Những con người như ánh sáng lung linh/ Mỗi đêm ra đi giản dị hiến mình/ Để làm nên buổi mai đầy nắng/ Em bối rối em sững sờ đứng lặng/ Vẻ đẹp này em chưa biết đặt tên/ Thức dậy bao điều mới mẻ trong em/ Thức dậy bao điều cao quý trong em/ Nơi ngọn bút nghe cuộc đời thôi thúc.../Và em gọi đó là hạnh phúc…”. Tôi thấy mắt ai cũng rưng rưng, một số bạn khóc thực sự.

Lại cũng năm nào đó, hoàng thành vừa mở cửa, tôi được bạn dắt vào xem. Và tôi đã hết sức kinh ngạc trước những con rồng thời Lý khổng lồ. Trời ơi sao mà nó lại hùng vĩ và kỳ vĩ tới thế. Nó là biểu hiện vương quyền, là uy lễ, là sức mạnh, là sự tự tin... nhưng nó còn là nghệ thuật. Hay như những khối đá khổng lồ của thành nhà Hồ, nó không chỉ là sức mạnh, là vững chắc, là vĩnh viễn... nó chính là nghệ thuật, một nghệ thuật sử dụng đá diệu kỳ để bây giờ chúng ta chỉ biết thán phục rằng tại sao trong hoàn cảnh ấy mà lại làm được như thế, và có những câu hỏi cho tới bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp.

Cũng chưa có lời giải là bí ẩn những ngôi tháp Chăm đồ sộ ở miền Trung và cả Tây Nguyên.

Những ngôi tháp sừng sững giữa trời xanh mà nhà thơ Văn Cao lần đầu tiên được mời vào Quy Nhơn sau ngày hòa bình 1975, đã sửng sốt mà làm chùm thơ, có những câu thảng thốt: “Từ trời xanh/ rơi/ vài giọt tháp Chàm”. Tức theo ông, những ngôi tháp ấy là do giời làm chứ không phải và không thể là con người.

Thì giờ, người ta biết nó được làm bằng gạch. Nhưng gạch gì mà chồng lên nhau khít lịt không thấy có vữa. Gạch gì mà hàng ngàn năm không vỡ, mục, không rêu phong vân vân. Và các nhà khoa học cứ hội thảo, từ hội thảo trong hội trường tới những cuộc hội thảo... điền dã, là các nhà khoa học lên xe, hội thảo trên xe từ Hà Nội vào Phan Thiết. Vẫn chưa ngã ngũ.

Mới đây nhất, nhà Chăm học Trần Kỳ Phương vừa lên Gia Lai giúp bảo tàng Gia Lai khai quật một di chỉ Chăm ngay tại một ngôi làng ngoại ô Pleiku. Tức là, theo ông, có một “con đường Chăm” nối từ xứ Phù Nam ven biển miền Trung, qua Tây Nguyên, sang các Ăng Ko của đất Campuchia?

Các di tích Chăm ấy, bây giờ người ta cũng coi chúng chính là các tác phẩm nghệ thuật.

Tài hoa của con người đã biến những thứ để mưu sinh, để sử dụng hàng ngày... thành nghệ thuật.

Thì nhà rông, chiêng cồng, tượng nhà mồ, nhà mồ, cho tới các nghi lễ trước thần linh của người Tây Nguyên là thế.

Tôi đang sống ở xứ ấy. Xứ mà ông nhà văn Nguyên Ngọc từng sống, ông nhà thơ Dương Hương Ly Bùi Minh Quốc đang sống. Họ đã từng có những áng văn chương nhỏ máu, khiến nhiều thế hệ thanh niên Việt thao thức.

Trong hoàng thành Huế có những cái cửu đỉnh, trên ấy khắc những họa tiết như thu gọn hết sông núi nước Nam ta vào đấy. Xem xong đọc những giải thích của các nhà Huế học về những họa tiết khắc trên cửu đỉnh mới thấy cha ông ta tài đến như thế nào?

Không phải ngẫu hứng, mà có chọn lọc, có lý lẽ, có thuận thiên (thuận ý trời) và cả kho kinh nghiệm trăm năm trước đấy của cha ông. Kỳ công, rất kỳ công tinh tế tinh vi trong nghệ thuật chế tác.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, “Tháng 5 năm Bính Thân (tháng 6.1836), đã “Đúc xong chín cái đỉnh”. Chính xác hơn là người ta mới đúc xong phần thô của chín cái đỉnh đồng đồ sộ, và còn phải cần làm cho hình thù của nó nhẵn nhụi đẹp hơn, mà thuật ngữ kỹ thuật đúc gọi là làm nguội để đẩy lộ rõ các đường nét mỹ thuật theo từng chủ đề của họa tiết. Bởi vậy, nên vua Minh Mạng mới sai Nội các tuyển chọn nghệ nhân, tập trung sức lực, trí tuệ của cả nước về Kinh đô để khắc những hình tượng đã được đúc nổi phần thô theo chủ đề lên từng đỉnh trước đó. Và phải mất hơn tám tháng sau, bằng những dụng cụ (đồ nghề) tự chế để sử dụng được thích hợp hơn trong việc trau chuốt, tạo nên các đường nét trên khuôn hình, và bằng phương pháp thủ công như: tỉa, gọt, đục đẽo, chạm trổ… thì người ta mới khắc xong 162 họa tiết hình tượng; tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn”.

Trong Cửu đỉnh, hình ảnh con rồng được khắc trên Cao đỉnh. Rồng và tiên là một cặp đôi chỉ cội nguồn tổ tiên của người Việt. Rồng, theo truyền thuyết, được hình thành từ cá sấu và rắn, sinh ra dưới nước rồi bay thẳng lên trời. Còn chim thì trên mặt trống đồng có hình tượng chim Lạc.

Đất nước ta có cả Thăng Long và Hạ Long. Lại nhớ có lần tôi hỏi nhà thơ Trần Nhuận Minh, một người rất sành về Hạ Long vì ông sống gần như cả đời ở Quảng Ninh và có nhiều nghiên cứu về vùng đất này, rằng bái trong Bái Tử Long là gì, ông giải thích, bái có nghĩa là lạy, vái, có thể do người xưa căn cứ theo hình dáng, và cũng là cách con người thể hiện thái độ kính trọng cái tuyệt tác của tự nhiên ấy.

Và miền Tây, vùng Nam bộ ấy, chúng ta có chín rồng, chín dòng sông như chín con rồng nên người ta hay gọi là vùng đất Chín rồng.

Tất cả, nó tạo, ban cho chúng ta một tự hào Việt, một tâm thế Việt và một vinh quang Việt. Nó là những giá trị trường tồn của dân tộc.

Tạp chí Nhà đầu tư tết 2024.




 

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Bài hay. Lại còn báo cho doanh nhân đọc. Cứ hát quốc ca là một nửa người có mặt rưng rưng (người thường)

Văn Công Hùng nói...

Vầng hihi ạ

Nặc danh nói...

Đọc bài viết của Anh thấy thêm được năng lượng, chứ ngày mô cũng thấy bắt, lòng dạ rối bời; nhiều tư liệu hay, quý .

Nặc danh nói...

Thật tuyệt vời !