Chủ Nhật, 16 tháng 5, 2021

VINH 2, CŨNG... CÓ CHI MÔ NƠ?

 

Trước khi rời Vinh, anh bạn đồng nghiệp báo Nghệ An dùng xe của mình chở tôi một vòng đi ngắm... phố.

Nhớ, ấn tượng đầu tiên với Vinh là cái năm 1976, về quê, phải nằm lại bến xe Vinh để chờ xe khách chuyển tiếp vào Huế. Trước đấy ba con tôi đi tàu từ Thanh Hóa vào Vinh. Hồi ấy đường sắt tới Vinh là hết, nên học cấp 3, nghỉ hè, các bạn tôi ở Hậu Lộc, Thanh Hóa thường theo cha anh vào Quảng Bình làm thợ, nhiều nhất là thợ xẻ. Khi về hay kể vào tán gái Quảng Bình toàn nói phét anh làm công nhân bơm bánh tàu, thế mà các cô gái Quảng Bình tin sái cổ. Thực hư chưa biết, nhưng có điều chắc chắn, hồi ấy vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh chưa có tàu lửa chạy qua, đồng nghĩa sẽ không biết tàu chạy bằng bánh hơi hay bánh sắt.

Trong sổ tay của tôi ghi lại lần đầu gặp Vinh thuở lộc ngộc ấy như thế này: "Vinh cũng... hiện đại dẫu cái ga và cả bến xe Vinh thời ấy thì nó là một sự hỗn độn khổng lồ với nghìn nghịt người suốt 24/24 giờ, mùi mồ hôi, nước cống và chất thải từ con người, tiếng la hét mất cắp, đuổi nhau, đánh nhau, tiếng loa, tiếng còi công an liên tục khiến con người trong trạng thái căng thẳng, cảnh giác và tạm bợ. Thì biết đâu, trước đấy vừa nghe nó là nơi tận cùng tàu hỏa, rồi lại bị bom Mỹ hủy diệt chẳng còn gì, thì cứ nghĩ nó như nơi... thâm sơn cùng cốc. Nhưng té ra nó cũng như... thị xã Thanh Hóa nơi tôi sống. Chưa hết, con gái Vinh rất đẹp. Cái trí tưởng tượng của gã trai đang trổ giò giúp tôi có vẻ phóng khoáng hơn trong cái nhìn về những cô gái cùng trang lứa mà tôi gặp ở ga Vinh. Một buổi chiều, ba tôi bảo, ăn bậy vừa xót ruột vừa tốn tiền, con vào nhà ai đấy nấu nhờ cơm rồi mang ra đây ba con ta ăn.

          Tôi cầm 2 bò gạo gói trong cái khăn mùi xoa, cứ men theo đường tàu mà đi, một đoạn thì gặp một ngôi nhà, đèn dầu lờ mờ. Vào, chào rất to thì cô chủ nhà xuất hiện. Tôi trình bày lý do, hoàn cảnh, mục đích ý nghĩa... sau mấy phút dò xét thì cô bảo: vào bếp mà nấu.

          Nhà chỉ 2 anh em trai nên việc nấu cơm của tôi chỉ là dễ như... rửa tay. Rất nhanh thì nồi cơm đã chín, đang loay hoay giữa việc lại gói cơm vào khăn mang về hay xin giấy báo thì... cô con gái chủ nhà xuất hiện.

          Không hoạt bát nhanh nhảu như con gái bây giờ đâu. Bạn này e lệ ấp úng mặt đỏ tưng bừng rồi nói, nắm lại mà mang về. Ừ nhỉ. Tôi giặt khăn mùi xoa định dùng nó để nắm thì cô này lại bảo: Có mo cau đấy. Thú thật là, thi thoảng tôi có nắm cơm nhưng bằng khăn mặt, chứ mo cau thì chưa từng. Tất nhiên là lóng lóng, từ cái cách rửa mo cau cho nó mềm và sạch, thế là cô bé... xắn tay.

          Đấy là cái thứ tiếng Nghệ mà tôi nghe ngọt nhất cho tới lúc này, dù nói thật có nhiều câu tôi... không hiểu. Mà cái hơi thở cũng nhẹ, cái sợi tóc mai hơi bết mồ hôi cũng như run lên. Cái chiều sâm sẫm Vinh ấy, đến giờ tôi cũng vẫn... ước được trở lại. Giờ vẫn nhớ, cô ấy học sau tôi một lớp...".

Hồi ấy tôi còn chưa biết, Vinh có một khu nhà cao tầng rất hiện đại do cộng hòa dân chủ Đức xây tặng. Nghe nói sau Hà Nội thì chỉ Vinh có loại nhà như thế.

Thì anh bạn chở đi một vòng, giới thiệu một cách tỉ mỉ các địa danh mà tôi từng nghe nhưng chưa tới. Những là Trường Thi, Bến Thủy, núi Dũng Quyết, những là các cửa thành... Ơ kìa, Vinh từng là Phượng Hoàng Trung đô kia mà, đừng đùa nhé.

Thú vị nhất là phóng xe trên đê sông Lam.

Tối hôm trước, các bạn đãi tôi trên du thuyền sông Lam, nhìn sang bên kia là quê Nguyễn Du, Nghi Xuân ấy. Cái đất lạ, sinh ra toàn người tài. Giờ phóng xe trên đê, con đê sừng sững đúng là đê... miền Bắc. Nói thế là bởi, từ sau 1975, về Huế rồi đi tiếp vào miền trong sống, hầu như không có đê. Con sông Hương chảy qua thành phố Huế, nếu nói đê thì chính là 2 cái con đường rất đẹp của Huế là Lê Lợi và Trần Hưng Đạo. Tức là nó không có đê. Sông Hàn Đà Nẵng cũng thế. Thành phố và sông quyện lấy nhau như một chỉnh thể hết sức trữ tình. Có nước lên nước xuống nhưng là rất chậm và rất nhỏ, chứ không cuồn cuộn ào ạt như các con sông phía Bắc, nên như sông Lam đây, cái đê rất đồ sộ, giờ là con đường nhựa sừng sững lồng lộng gió, nhìn xuống con sông nước xanh như ngọc bích...

Anh bạn nhà văn Phạm Ngọc Tiến khoe trên phây: Đến Vinh mà chưa ăn món... má lợn thì coi như chưa tới Vinh. Là một phát hiện mới của nhà văn này, khi anh vào đây "chém vè" viết một kịch bản phim truyện mới, nghe đâu lấy tứ từ vụ những người con xứ Nghệ xuất cảnh lao động chui sang Anh và chết trong vụ 39 người trên công te nơ ấy. Nói phát hiện mới là bởi, lâu nay nói tới Vinh hoặc Nghệ An thì phải nhắc tới chè xanh. Nổi tiếng tới mức cái bài hát "Giận thì giận thương thì thương" có câu: Phải ngăn anh không đi chuyến ngược Lường" thì chính cái anh chồng ngược Lường ấy là đi... buôn chè xanh, mà thời ấy, tất cả mọi chuyện buôn bán đều bị coi là gian thương, bị cấm... Rồi là nhắc tới lươn. Cháo lươn vinh thuộc loại danh bất hư truyền, tới mức để cạnh tranh, có thời người ta đồn lươn Vinh được nuôi bằng... thuốc tránh thai, nên nó ngon. Tất nhiên lời đồn này nhanh chóng bị những "đệ tử chân truyền" của lươn Vinh đập tan, để rồi cháo lươn Vinh vẫn là thương hiệu, không chỉ ở Vinh mà bất cứ tỉnh thành nào có người nói giọng Nghệ, tức là khắp hang cùng ngõ hẻm, bởi có nơi đâu mà không có "ngài Nghệ". Rồi cà, cà Nghệ ấy. Nó mới đúng là cà, nó mới làm nên những câu chuyện lừng danh xứ Nghệ, như cái câu "mo cơm quả cà". Trong chuyến đi này, khi trở về, trong cốp xe của tôi cũng có một hũ cà muối. Lần trước, cũng một chuyến như thế này, trên xe của tôi cũng có cà. Trước nữa, ngồi ở Hà Nội, trong một nhà hàng sang trọng, tôi buột miệng nói thèm cà Nghệ. Một anh bạn trong bàn rút điện thoại gọi vào Nghệ An, và 7h sáng hôm sau, 2 cân cà đã có mặt ở lễ tân khách sạn tôi ở, để 10 giờ, trong hành lý ký gửi máy bay về Pleiku có 2 cân cà ấy...

Tôi có anh bạn là nhà văn, người Nghệ ở Pleiku, lâu lâu anh lại mang sang cho một mớ đặc sản Nghệ, ấy là nhà vợ anh gửi vào. Có cái xe khách ngay cạnh nhà chạy tuyến Nghệ An Đắc Lắc, thế là họ gửi vào Pleiku, từ rau vặt (đầu tiên cứ tưởng là tên một loại rau, té ra nó là rau tập tàng), tới lá lằng, cà kiu, cá trích, mắm moi... Nói gì thì nói, mở cửa các loại, đường xá thông thương, nhà có điều kiện sắm cái xe khách chạy đường dài, giúp quê hương gần lại, có miếng ngon, đặc sản gửi cho nhau, chỉ một ngày là tới, chả như ngày xưa, từ Pleiku về Nghệ An, có khi bạn tôi đi tới 3 ngày, người còn rũ ra như cải muối dưa nói gì hàng hóa...

Cũng sáng sớm dậy đi bộ quanh cái khách sạn tôi ở, đường rất to và thoáng. Thấy các cụ ông cụ bà dậy sớm quét đường, quét vỉa hè... không khí hệt như ở nông thôn, ở làng độ nào. Phấn đấu mãi, lên phố cho nó sang, giờ ở phố, thấy cái gì liên quan tới quê tới làng lại rưng rưng nhớ.

Sau một chầu cháo lươn huyền thoại ở một quán nghe nói là Vinh nhất Vinh, tôi lên đường ra Thanh Hóa, nơi hơn sáu mươi năm trước, anh em chúng tôi được sinh ra, lớn lên và học phổ thông trước khi về quê sau 1975.

Vừa lái xe vừa hồi hộp, bởi như đã nói, lần đầu tiên 2 anh em đi cùng nhau một chuyến như thế này. Phía Thanh Hóa, bạn bè của cả 2 anh em tới tấp gọi...

Bài trên Tạp chí Du Lịch HCM, Link gốc ở đây




                                                                                  

 

2 nhận xét:

Thiết kế âm thanh phòng họp nói...

Câu chuyện rất hay và cuốn hút, cảm ơn tác giả

Âm thanh trường học nói...

Được du ngoạn mọi miền Tổ quốc như anh Hùng thế này thì còn gì bằng