Thứ Năm, 13 tháng 5, 2021

NHỮNG LỜI YÊU MUỘN MÀNG…

  

Từ lâu, tiếng thơ Văn Công Hùng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ với “người đồng mình” xứ cao nguyên mà còn đi vào cõi mặn mòi thăm thẳm của những người đọc mọi miền. Đứng trước gia tài quá giàu có của ông, nhiều khi tôi ngạc nhiên: hình như có hai con người: một Văn Công Hùng ngoài đời tưng tửng hài hước, mọi sự đều nhỏ, “có chi mô nơ”, nhưng trong thơ lại là một Văn Công Hùng khác, “buôn buốt” tới quắt queo trong từng ái ố hỉ nộ của mình, của đời, tựa một chiếc hàn thử biểu cực nhạy treo đầu gió, chỉ một chút thoáng thở dài trong vũ trụ cũng khiến hồn thơ ấy cộng hưởng thành bão thành giông, đựng trong những tập hợp ngôn từ đẹp, tuy đôi khi hơi cầu kì…!

Tôi đặc biệt thích những bài thơ ông viết cho cha mẹ - bởi tôi đọc thấy ở đó những lời yêu thương mà nhiều người con trên đời chỉ dành cho cha mẹ khi đã quá muộn màng!

Có một cái gì thiêng liêng và bình dị, bền chắc và mong manh, thân yêu và xa ngái… trong yêu thương của những núm ruột đã rời lòng mẹ, khao khát đi thật xa, bay thật cao, vừa mạnh mẽ, vừa chập choạng giữa đời, để đôi lúc, khi yếu lòng, khi mệt mỏi, khi cô đơn hay vấp ngã, những núm ruột ấy mới chợt nhớ ra và muốn quay về, nhưng sự trở về thường muộn màng, nỗi ân hận cũng muộn màng:“mẹ mất rồi mới thấy mình già/ không còn nơi để dựa”;nơi dựa” cũng là một từ ấm áp trong bài thơ cùng tên của Nguyễn Đình Thi -  những thức nhận thấm thía chất triết học chắt ra từ nước mắt, nhòe lẫn trong khói hương, tiếc là hầu hết chiêm nghiệm xưa nay đều chỉ dành cả cho thiên hạ, còn phần lớn là muộn với chính mình.

Cảm giác “không còn nơi để dựa” làm người ta thấy trống trải, đơn độc vô cùng giữa thăm thẳm nhân gian – khi còn cha mẹ, ngôi nhà của cha mẹ là quê, là nhà, là hang nương náu, là nơi luôn thuộc về ta, nơi ấy có hai con người luôn vui buồn với những vui buồn của ta giữa không ít những người đời buồn khi ta vui và ngược lại, đó cũng là hai con người luôn yêu và thương ta vô điều kiện, bất luận ta giàu nghèo, tốt xấu, hiếu thảo hay tệ bạc, giỏi giang hay kém cỏi…, trong khi đó lại là những tiêu chí quyết định mọi lẽ ghét yêu khinh trọng của tất thảy người đời dành cho ta! Chỉ tới lần trở về quá muộn, những đứa con mới sợ hãi nhận ra cái hoang hút lạnh lẽo sau lưng mình, khi vĩnh viễn không còn ai “vòng vọng những buổi chiều tựa cửa ngóng con”, mới thấy trong phút chốc, đời mình hình như không còn quê, không còn nhà, không còn hang nương náu, không còn người luôn trữ sẵn bông băng cho mọi vết thương sau những vấp ngã, những dại khờ của đứa con mãi chỉ là thơ bé!

Nếu cảm giác trống trải khi nhận ra “không còn nơi để dựa” thực chất vẫn là sự ích kỉ của những đứa con đang nghĩ cho phận mồ côi của mình thì nỗi ân hận thương xót muộn màng mới thực sự là nỗi lòng dành cho cha mẹ. Đây là dáng vẻ một người con mồ côi trong chiều ba mươi heo hút gió đồng, một dáng vẻ làm chạnh lòng bao người con mồ côi khác trên đời:

…nửa đời ngang dọc lắt lay
chiều nay run rẩy cuối ngày đầu năm
bàn tay xoắn nỗi lặng thầm
cúi đầu chớp một xa xăm kiếp người...

Về quá muộn sau “nửa đời ngang dọc”, “gã trai trên năm mươi đầy tội lỗi” lặng lẽ đứng trước mộ cha, hai tay không phải chắp mà xoắn vặn những nỗi ân hận nhớ nhung đau xót, đầu cúi chỉ trong giây khắc khói hương mà chấn động lay thức cả dòng thời gian dằng dặc với bao cay đắng đời cha, lại miên man nối tiếp bao “lắt lay” mê mải đời con…

Vay của cha mẹ, trả cho con cái”, món nợ đồng lần khiến những đứa con luôn mắc nợ cha mẹ, và thường chỉ nhớ ra điều đó khi cha mẹ không còn. Hai câu thơ: “con mắc nợ mẹ không là chủ nợ/ chỉ chú mèo già chứng kiến mẹ buồn thôi” chứa đựng nỗi ân hận, xót thương vĩnh viễn không được hóa giải khi thức nhận quá muộn màng, “nước mắt luôn chỉ chảy xuôi– mẹ chỉ cho mà không bao giờ nghĩ tới sự đền đáp, tuy nhiên, sự vô tâm tới vô tình của con cái không thể không làm đau lòng mẹ, đó là nỗi đau một mình mẹ chịu đựng trong cô đơn, không được chia sẻ - hình ảnh “chú mèo già…  gợi sự cô độc âm thầm đến tận cùng trong lòng mẹ!

         

 Nỗi ân hận càng đắng đót hơn khi cảm nhận được cái chảy xuôi của nước mắt, sự một chiều của yêu thương, khi hình dung bao tháng năm ta “tung tẩy” tới chín phần vô nghĩa giữa đời, trong khi mẹ vẫn đau đáu mỗi ngày với “tấm lưng như dấu hỏi/ mẹ chống thời gian để đợi ta về”; nỗi ân hận càng đau đớn bởi sự đối sánh chua xót: chúng ta đã phung phí (thực ra để đánh đổi cái ta cần) quá nhiều lời yêu cho đời, đã mấy ai nghĩ tới niềm vui, sự mãn nguyện quá dễ dàng của cha mẹ khi nhận được một phần nhỏ những lời ấy từ ta; thậm chí, khi ta dành phần lớn thời gian, tâm huyết cho đời, ta sung sướng phấn chấn khi nhận được từ khoảng trống rỗng mênh mông thờ ơ đố kị ấy chút ghi nhận giống như ngọt ngào, thì nhiều khi, ta lại coi là thường, có khi bức bối trước những chăm sóc, yêu thương luôn vô bờ bến, vô điều kiện của cha mẹ: “ta về/ dăm câu/ có khi còn sẵng…”! Cũng dễ hiểu, bởi người ta thường chỉ coi trọng những giọt nước ngọ ngằn khó khăn có được giữa cát sỏi khô khát, và coi thường khi thỏa thuê giữa dòng sông ăm ắp yêu thương!

Ân hận không chỉ vì sự vô tâm thành tệ bạc, sự ích kỉ thành tàn nhẫn, ân hận còn trở thành nỗi tiếc nuối đau đớn bởi sự trở về quá muộn. Cuộc đời con người không ít những muộn màng, và ta đều có thể làm lại, chỉ trừ sự muộn màng trước bờ sinh tử! Lần nào đọc bài “chuyến bay chở ta về với mẹ”, tôi cũng thấy khó cầm lòng. Liệu người con nào trên đời có thể bình yên khi đọc hai câu thơ: những giấc mơ ngắn dần/mẹ như hơi thở dài cuối nắng”, hình dung chiếc đồng hồ cát của đời mẹ đang rơi những hạt cuối cùng trong chiều tàn bóng xế, kể cả tiếng thở dài cũng nhẹ như những hơi thở cuối cùng, ngắn như những giấc mơ cuối cùng, những giấc mơ chập chờn giữa thực và ảo, vẫn đang chốn trần gian mà như đã chạm chân xuống dòng Acheon âm u lạnh lẽo trong hành trình  đi vào cõi khác! Cảm giác đau đớn không chịu nổi khi hình dung cha/ mẹ đang một mình, cố giữ từng hơi thở ngắn, bám víu sự sống, gắng trì hoãn giờ khắc cuối để chờ con, trong khi ấy, con vẫn đang mê mải cuối đường xa, với lo toan, vui thú, bon chen…, để lần cuối vội về với mẹ trong cảm giác:

chuyến bay chở ta về với mẹ
nặng nề như mang bom
"mẹ đang chờ" em trai gọi thế
"chuối chín rồi" bạn nhắn tận trời xa
 

Tôi không nghĩ đây là một so sánh tinh tế, nhưng không thể phủ nhận đó là so sánh quá chính xác cho cảm giác bồn chồn, sợ hãi trong từng giây khắc trôi qua của đứa con lo lỡ cuộc chia tay cuối cùng với cha, mẹ - cuộc chia tay để sau đó, con thành mồ côi giữa mênh mông lạnh lẽo, còn đấng sinh thành yêu thương sẽ bắt đầu hành trình tuyệt đối đơn độc, tới với cõi chỉ có thăm thẳm hư vô và hoang hút gió, nơi “vô định rợn người cát trắng/ mẹ nằm hun hút gió hàng dương”. Ai cũng nói thấu hiểu lẽ tử sinh, nhưng hầu hết đều không thể hiểu, không thể chấp nhận sự phi lí kì lạ của cái chết khi sau cuộc chia tay khắc nghiệt cuối cùng, cha mẹ lại như chưa từng hiện diện trên đời – mặt trời vẫn mọc, đường vẫn tắc, phim bộ đang dở tập, con sẽ lại bình tâm sau những đau buồn, tiếp tục mê mải đua chen…, chỉ có cha, mẹ là vĩnh viễn tan hòa cát bụi trong cõi rợn ngợp trống không…

Cảm giác về muộn sẽ day dứt lòng người con tới hết đời, bởi biết bao điều cần nói, nên nói, ta đã để lỡ làng, vì ngại ngùng, vì nghĩ không cần lắm, cha mẹ luôn hiểu mình, sao phải nói thành lời những ân hận hay yêu thương… Trong nỗi ân hận khi “mất mẹ rồi mới nhận ra mình ích kỷ”, cái đáng buồn nhất không phải vì không còn yêu thương mà bởi khi đong đếm lại yêu ghét buồn vui của cuộc đời mình, mới giật mình nhận ra từ lâu lắm đã không còn dành chỗ cho cha mẹ, dù chỉ một con chữ với chút xót thương “rơm rớm” giữa trùng điệp những tình ca, trường ca, những đại ngôn tráng ngữ thấm đẫm yêu thương, chứa chan nước mắt phung phí cho đời, đổi lấy một lời khen đời nói xong là quên lãng, đổi lấy những tung hô thờ ơ như mọi giao đãi lạnh lùng:

những cuộc con đi giữa nóng lạnh cuộc đời
mẹ buôn buốt ruột
con tung tẩy chữ
có chữ nào rơm rớm mẹ đâu?

Tôi cũng đã tiếc hận đau đớn vì sự ngại ngùng này, khi cả đời làm nghề đã viết, đã nói ngàn vạn lời văn hoa địa lí, nhưng “có chữ nào rơm rớm mẹ đâu”, dẫu phút cuối cùng, ghé tai mẹ nói ngàn lời, thảy cũng đều vô nghĩa – nên tôi xúc động vì hình ảnh người con “vụng về ôm mẹ” và chung nỗi day dứt của ân hận bởi “những điều không thể nói” , những điều biết đâu cha mẹ từng mong mỏi tới tuyệt vọng trong những chuỗi ngày hiu hắt cuối cùng, lặng lẽ ngồi bên “chú mèo già” im lặng:

con sẽ vụng về ôm mẹ lần cuối
có những điều không thể nói mẹ ơi...

Nhiều nước, người ta khắc hàng chữ: “Hôm nay là bạn, ngày mai là tôi” ở cổng nghĩa trang như muốn nhắc người đang sống về lẽ tử sinh, về ý nghĩa của sự “vô nghĩa”. Nhưng dù không có hàng chữ ấy, dòng thời gian vẫn chảy trôi để tới một lúc nào đó, mọi bạc bẽo lãng quên đều có thể giật mình, tỉnh thức. Muộn nhất, có lẽ cũng là giây phút cuối, sau những ồn ào chia sẻ khóc than, tới lúc từ biệt cha mẹ, ra về, thấy sau lưng mình “mẹ nằm hun hút gió hàng dương”/ “Ba nằm một cõi một mình / hình như cơn gió thình lình vụt qua”…, khi ấy, mọi tủi buồn trong đời cha mẹ vĩnh viễn được hóa giải giữa hư vô, nếu coi sự tan biến là hóa giải – mọi nỗi xót thương và ân hận sẽ day dứt cho tới hết đời con, có điều, tiếc nuối, ân hận luôn là trạng thái tâm lí tới sau lầm lỗi, và lời yêu thương chua xót nhất là lời yêu thương tới muộn!

( Viết nhân Ngày của Mẹ, tháng năm, 2021)

TS Trịnh Thu Tuyết.

-------------------

Bài đăng báo Văn Nghệ số 20 ngày 15/5/2012, quý báo có đổi tít khi đăng.







 

 

 

2 nhận xét:

Thiết kế âm thanh phòng họp nói...

Chỉ có những người rất tâm huyết về vấn đề nào đó thì mới có các tác phẩm độc đáo

Dây cáp truyền thanh nói...

Người đa cảm sẽ có những áng thơ kiệt tác