Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

VINH, CÓ CHI MÔ NƠ?

Như thế là tôi để con i10 số sàn một chấm của tôi lại quê, đi cái xe của chú em cũng i10 nhưng số tự động môt chấm hai. Đơn giản là vì tôi rủ em trai tôi, vừa về hưu. Thực ra thì chú ấy chưa tới tuổi hưu, nhưng hết tuổi cơ cấu, thế là thay vì ngồi ì như người khác xách cặp đi về, chú ấy xin về hưu trước tuổi. Tôi hỏi, về hưu sướng không? Sướng. Thế thì chú thuộc loại... số ít. Rất nhiều người tới tuổi nhưng không chịu về, chú chưa tới tuổi đã về. Thế biết về hưu sướng nhất là gì không? Là đi chơi, đi chơi, hiểu chửa? Anh em mình nhé, đều sinh ở Thanh Hóa, hồi nhỏ có hồi mẹ đưa về Ninh Bình tránh bom cái đận 63-65 ấy, các bà dì chăm chúng ta, bà ngoại và các cậu chăm chúng ta. Sau 75 về quê, mỗi đứa mỗi phận mỗi việc, một năm thi thoảng gặp nhau vài lần, có năm không (tôi ở Peiku, chú ấy ở quê, làng Thế Chí Tây dù là phó chủ tịch huyện), giờ cả 2 anh em hưu, chúng ta làm một chuyến nhé, anh về Huế, rồi cùng chú ra Bắc...

Và thế là 2 anh em tôi thay nhau lái tiếp, dự định là tới Ninh Bình thì quay lại.

Đoạn đầu tiên sẽ là Huế Vinh.

Đây là đoạn đường rất đẹp dù rất nhiều trạm thu phí. Đẹp nhất là đoạn đường tập đoàn Sơn Hải làm. Đây là tập đoàn duy nhất trên cả nước làm xong đường dám dựng cái biển rất to: Tập đoàn Sơn Hải bảo hành 5 năm. Nghe nói tập đoàn này đấu thầu trúng được 2 đoạn đường là ở Quảng Bình và Đăk Nông, sau đấy thì... toàn trượt, dù ai đi trên đường do Sơn Hải làm đều công nhận: Tốt nhất nước và duy nhất dám công khai dựng biển nhận trách nhiệm bảo hành 5 năm. Biết làm sao được?

Định là sẽ qua cây cầu Hiền Lương lịch sử dừng xe chụp ảnh.  Nhớ lần đầu tiên tôi qua cây cầu này là năm 1976, ba tôi sau chuyến đầu tiên vào thám thính, phải đi nhờ xe bộ đội, mặc đồ bộ đội, trên đường có ai hỏi thì lính khai đấy là thủ trưởng, thì quay ra dẫn tôi vào, xin giấy tờ đi đàng hoàng, đâu khoảng... 4 ngày thì tới quê. Nghe nói có ông chú họ còn... vượt biên vào, nhảy xe từng chặng, tới sông Bến Hải thì chọn khúc hẹp nhất bơi qua. Hồi ấy vừa hết cấp 3, chưa khôn như giờ, nhưng qua cầu cũng đã rất bồi hồi. Vào Đông Hà khoảng 9 giờ tối, thấy lạ, sao phụ nữ toàn mặc quần áo hoa. Thôi thì áo hoa được rồi, quần lại cũng hoa nữa. Thời ấy, phụ nữ phía Bắc toàn quần đen cứng qoèo, cán bộ như mẹ tôi thì có phiếu vải được mua phíp hoặc ta tăng lụa, cũng đen sì sì, hoàn toàn không có ai mặc quần hoa khác màu đen cả.

Một năm sau thì tôi một mình ra đón em tôi vào. Kể ba mẹ tôi cũng liều, giao ông anh mới tốt nghiệp cấp 3 hệ 10, một mình ra Thanh Hóa đón ông em vừa học xong lớp 8. Đi mấy chặng xe, ngủ bến xe bờ bãi chứ đâu như giờ, thế mà tôi... hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi vào chúng tôi ngồi trên một cái xe Ba Đình từ Vinh, trước đấy thì đi tàu. Xe xóc tưng tưng vì đường rất xấu và xe thì giảm xóc rất tồi chứ không như giờ. Qua cầu Hiền Lương lúc nửa đêm nên chả có cảm xúc gì, em tôi thì hình như ngoẹo đầu ngủ kỹ. Sau đấy thì hàng trăm lần anh em tôi qua đây, nhưng chưa bao giờ cùng nhau, vậy nên tôi định sẽ dừng xe chụp cái ảnh 2 anh em. Thế mà càng lái càng thấy cầu Hiền Lương mất hút. Trời ạ, chúng tôi đã đi vào con đường tránh cầu Hiền Lương. Thôi đành. Và khi về, điều này mới tiếc, chúng tôi cũng đi đúng lại con đường cù, tức là cũng không qua cầu Hiền Lương một thuở?

Anh em chúng tôi, cũng như nhiều người Việt khác, có lý lịch quê quán khá đa dạng. Ba người Huế tập kết ra Bắc. Mẹ người Ninh Bình, năm 1945 tham gia bộ đội quân giới, cứ đi dần vào phía Nam theo đơn vị (việc chính là sáng sáng đi quét cứt dơi về làm thuốc súng), tới Thanh Hóa thì gặp ba tôi, ông làm ở Ty Lương thực, bà làm ở liên hiệp công đoàn tỉnh, sau về làm phó giám đốc nhà máy Diêm. Anh em tôi đều sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, có đâu 2 năm về Ninh Bình sống tránh bom thì lại bị đúng vụ máy bay ném bom động Thiên Tôn cũng suýt chết.

Thì lý lịch cứ khai: Quê nội Huế, quê ngoại Ninh Bình, sinh ở Thanh Hóa. Đùng cái, cách đây gần chục năm, giáo sư Văn Như Cương điện tôi: Hùng ơi gốc chúng ta là Nghệ An đấy, 600 năm trước ông tổ của chúng ta "khởi nghiệp" từ làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An, giờ mộ tổ ở Mai Hùng, thị xã Hoàng Mai.

Nói thật là, lâu nay tôi hoàn toàn không nghĩ mình là dân gốc Nghệ. Chơi với một số anh em Nghệ, ấn tượng của tôi về họ là nói rất to, cãi nhau rất hăng, cấy chi choa cũng nhất, chỉ bầy choa là đúng, nhiều anh rất bủn xỉn, vào quán thì hay ngồi... co cả chân lên ghé và khi ra khỏi quán thì không quên nhặt cái tăm vừa đi vừa xỉa, hihi. Té ra giờ gốc mình ở đấy. Khỏi nói tôi đã thú vị thế nào. Trước đấy, tôi toàn "qua" Nghệ An, hoặc đường bộ, hoặc đường không, nhưng từ khi biết tổ của mình ở đấy, tôi đã ít nhất 2 lần ngủ lại Vinh, ngủ lại Hoàng Mai.

Lần này, tất nhiên, Vinh rồi Hoàng Mai là một trong những cái đích không thể không ghé của anh em tôi.

Thì đã bảo, mấy khi 2 anh em ruột có thể tổ chức được chuyến đi như thế.

Anh em nó lạ lắm, ở gần thì có khi suốt ngày cãi nhau, coi thường nhau, xa quá thì lạnh nhạt, khách khí. Anh em tôi may mắn, vẫn là... anh em, dẫu cả 2 đứa đều là ông nội ông ngoại rồi. Cách nhau 2 tuổi, hồi nhỏ cũng hay chành chọe nhau, nhưng từ hồi lớn, rất quý nhau, tôn trọng nhau. Hai nhà gần như một dù ở cách nhau bốn năm trăm cây số...

Bạn bè ở Vinh đặt giúp khách sạn Mường Thanh. Dùng Google maps mới biết Vinh có tới mấy khách sạn Mường Thanh. Huyện cũng có. Lần trước tôi ra ngủ ở Mường Thanh Hoàng Mai.

Tôi vẫn nhớ ấn tượng lần đầu tiên ngủ ở Vinh năm 1976 để đợi xe chuyển tiếp vào Huế. Đấy là một Vinh hoang tàn, nhếch nhác, rừng rực gió Lào và cái bến xe Vinh nó khủng khiếp, nó như một cái nhà vệ sinh lộ thiên, lúc nào cũng huỳnh huỵch người đuổi đánh kẻ cắp hoặc kẻ cắp đánh người lơ ngơ.

Giờ, một Vinh hoàn toàn khác hiện ra.

Đặc sản Vinh nói riêng, xứ Nghệ nói chung thì nhiều. Đây là xứ của dân ca. Trên xe tôi, trong cái USB nhạc gần ngàn bài thì tới một nửa có âm hưởng Nghệ. Con sông Lam cũng có thể coi là đặc sản. Nó có mặt ở hầu hết các bài dân ca, bài hát, câu thơ, ở hoài niệm, ở nhớ nhung, kỷ niệm của hầu hết con dân xứ Nghệ. "Mảnh đất nghèo mùng tơi không kịp rớt", câu thơ của nhà thơ xứ Nghệ tài hoa Hoàng Trần Cương với cái ý là quả/ trái mùng tơi màu tím, gắn với tuổi thơ từng người ấy, chưa kịp rớt xuống thì đã khô. Nhưng có một cách lý giải khác mà tới đây tôi nghe giải thích, rằng cái mùng tơi chính là cái cổ của áo tơi, món "cổ truyền" Nghệ Tĩnh. Mùng tơi chính là cái mùng của áo tơi, nghèo rớt mùng tơi là nghèo tới cái mùng tơi cũng không còn, nó như cái câu nổi tiếng mà phàm học sinh một thời phải nhớ: "Còn cái lai quần cũng đánh".

Tất nhiên nữa, chè xeng, cháo lươn, cà muối. Rồi gió Lào, rồi con người, những con người Nghệ bạn tôi hào phóng, xởi lởi, tận tình với bạn, yêu và tự hào với quê hương... mà tôi sẽ kể tiếp trong kỳ sau.

Vẫn nhớ khi rời khỏi Vinh, xe tôi chật cốp với mắm moi Nghệ, cà muối, mực, cá thu một nắng và... một thùng lươn...

(Còn tiếp)

-----

Bài trên Tạp chí Giáo dục Sài Gòn, Link gốc Ở ĐÂY. 

Ảnh: Gặp gỡ ở Vinh.




                                                                        

3 nhận xét:

Lắp đặt hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin theo thông tư 39/2020/TT-BTTTT nói...

Về hưu đầu óc thanh thản, có nhiều thời gian thư giãn; nên thoải mái hơn trước nhiều

Chọn mua cục đẩy công suất nói...

Bạn nói rất đúng, tôi cũng nghĩ như bạn

Dây cáp truyền thanh nói...

Đầu óc thanh thản thanh thản, vô tư không vướng bụi trần là sướng nhất