Lần đầu tiên tôi tự lái xe từ Vinh ra Thanh Hóa.
Lần trước, cũng một cú phượt, tôi lái xe chở 2 ông bạn từ
Pleiku ra tới Hoàng Mai thì quay lại. Đứa em con ông chú ruột ở thành phố Thanh
Hóa nhắn, còn mấy chục cây nữa, bon luôn ra đi anh. Nhưng tôi đã không thể, vì
có việc ở Đà Nẵng, nên phải quay đầu.
Thế nên khỏi nói lần này tôi hồi hộp thế nào.
Hàng trăm, thậm chí mấy trăm lần đi qua hoặc trở lại xứ
Thanh, toàn đi máy bay (ra Hà Nội quay vào) hoặc xe khách, hoặc tàu lửa, độ rộn
ràng nó khác.
Nơi đây, sáu chục năm trước, anh em tôi tôi sinh ra và lớn
lên.
Đói khổ, chiến tranh, sơ tán, học dưới hầm, bom đạn, bắt cua
mò ốc kiếm củi... dù là con cán bộ, chúng tôi từng trải qua hết.
Hết Hoàng Mai là tới Nghi Sơn, đã là Thanh Hóa. Cái cổng
chào rất lớn, tôi dừng lại chụp bức ảnh và... nghe điện thoại. Bạn bè gọi, bà
con anh em gọi. Sau 75 gia đình tôi về Huế, ở Thanh Hóa vẫn còn gia đình một
ông chú ruột và bà dì cũng ruột ở lại. Rồi bạn bè biết tôi đang ra, bạn bè em
tôi, cứ thế nhộn nhịp.
Nhớ hồi nào đấy, tôi đùa với ông Xuân Ba, một nhà báo trứ
danh xứ Thanh: Thanh Hóa có mấy đặc sản, rau má thì đương nhiên rồi, mấy ông
vua, chúa lại càng tất nhiên, sau này phát sinh thêm mấy cụ già bắn máy bay,
trường Lam Sơn và cầu Hàm Rồng...
Bây giờ trong những cơn cao hứng khi nhậu đã tê tê tôi hay vụt
đứng dậy vung tay hát: Máy bay đằng đông các cụ bắn đằng... tây, ấy dô trên đất
này có cụ già bắn rơi máy bay hết xăng. Và mới thấy, biết tự trào cũng là một
tính cách xứ Thanh. Thì cái bài truyền thống Thanh Hóa đấy, ai cũng biết, đọc
và cười, và vinh dự tự hào: khu bốn đẩy ra khu ba đầy vào ấy, chả thấy ai đỏ mặt
tía tai đòi oánh nhau như có hồi ở trong ký túc xá đại học mấy ông Quảng Bình
hay nổi khùng đòi đánh mấy anh khu 3 hay kể chuyện bọ. Giờ cũng quen rồi, một
vài bạn dân Quảng Bình đang đòi nâng cấp chuyện bọ lên thành... văn hóa, thành
đặc sản. Trong cái USB nhạc trên xe có tôi có tới mấy bài hát xứ Thanh tôi cop
vào, những là Nguyễn Bá Ngọc, là dô tá dô tà, là chào sông Mã anh hùng...
Quả là tôi đã không thể nào tìm được các địa danh cũ mà tôi
thuộc làu nếu không có cái anh Google maps rất là thông mịnh bổ trợ. Những là cầu
Bố, rừng Thông, ngã ba Bia, Trường Thi, chợ Vườn Hoa. Mà ngay tới được cái ngã
6 có chim lạc to oạch rồi thì google maps cũng chịu khi cô em tôi đứng đón ở
phía bên kia, muốn gặp nhau lại phải chạy thêm tới mấy cây số nữa.
Thời tôi ở, trung tâm chỉ có một con đường, chạy từ ga tới cổng
chợ Vườn Hoa, trên trục đường có 2 "địa chỉ văn hóa" là hiệu sách
nhân dân và đối diện là đồng hồ Việt Đức. Hôm đang ở Nghệ An, nhà thơ Hoàng Nhuận
Cầm mất, báo Nghệ An nhờ tôi viết bài, tôi đã kể chuyện tôi mua tập thơ
"Những câu thơ viết đợi mặt trời" của Hoàng Nhuận Cầm tại hiệu sách
nhân dân này. Giờ tìm mãi chả thấy "di tích" cũ đâu.
Có lẽ thành phố Thanh Hóa là đô thị có nhiều đại lộ nhất.
Nghe nói đâu tới 6, 7 con đường được gọi đại lộ, thế nên những địa chỉ cũ của
tôi chả còn nữa là đúng...
Và vì thế mà tôi đã phải chủ động nhờ cô em con dì tôi dẫn
tôi ra cầu Hàm Rồng.
Đấy là cây cầu mà hầu như phàm đã người Việt Nam hầu như
không ai không biết, hoặc chí ít là nghe.
Chiến tranh, ở Thanh Hóa có mấy cây cầu nổi tiếng: Cầu Đò
Lèn, quê nhà thơ Nguyễn Duy, và nó cũng đã vào thơ của ông. Cầu Tào Xuyên, trước
thuộc huyện Hoằng Hóa, giờ về thành phố Thanh Hóa rồi. Và cầu Hàm Rồng.
Cũng chả hiểu sao nó lại "nổi tiếng" hơn mấy cây cầu
kia dù cây nào cũng là độc đạo, bị máy bay Mỹ săn kỹ hơn, ném bom liên tục, suốt
ngày đêm, thậm chí còn có tin đồn là có hẳn một cái máy bay như Samurai, lao hẳn
xuống cầu thay bom mà vẫn không trúng.
Nó nằm trong thế như một cái đòn gánh gánh 2 bên 2 quả núi.
Trên một quả núi người ta khắc chữ "quyết thắng" rất to, trắng toát. Ở
một ngọn núi khác, cách đấy chục cây số thì có hàng chữ cũng rất to "Quyết
tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", chắc mục đích là để cho người Việt đọc,
nhưng hồi ấy chúng tôi cứ nghĩ để trêu
ngươi phi công Mỹ. Sau này lớn, đi máy bay rồi mới biết, chả thể thấy được mấy
cái chữ ấy, và có thấy thì mấy ông phi công cũng chả đọc được. Hồi ấy còn nhớ,
nón trắng áo trắng đều phải nhuộm, có cô giáo đội nón trắng còn bị dân quân bắt
vì nghi là... gián điệp.
Năm nào đấy, thời ông Lê Khả Phiêu làm tổng bí thư, thì người
ta xây thêm một cây cầu, đặt lên là cầu Hoàng Long, chia sẻ giao thông với cầu
Hàm Rồng.
Và cầu Hàm Rồng từ ấy, chỉ còn làm di tích lịch sử, ai biết
mới qua, chứ không thì nó lặng lẽ ở một nhánh đường, ngày xưa là đường chính,
giờ lặng lẽ lắm.
Và quả là, thế hệ trẻ bây giờ, nếu không chịu học sử, không
đọc sách, có khi không biết cầu Hàm Rồng thật.
Tôi đã chạy qua chạy lại tới 2 lần trên cây cầu này. Và cũng
rưng rưng.
Ngày xưa ấy, nhà tôi sơ tán về làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, Hậu Lộc, cái làng có đền bà Triệu nổi tiếng.
Mỗi lần đạp xe lên thành phố thì đoạn gian nan nhất là cầu Hàm Rồng, bởi con dốc
khá cao. Hồi ấy cầu còn lủng lẳng những thanh sắt bị bom nham nhở.
Cầu Hàm Rồng thời ấy trở thành một tấm gương tiêu biểu của
chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Những ai từng là chiến sĩ bảo vệ cầu đều xứng
đáng anh hùng. Bên cạnh cầu, cách mấy trăm mét, là nhà máy điện, cũng là đơn vị
anh hùng. Có cảm giác mõi lần bom rơi là cái nhà máy ấy, như cái lô cốt, bị
đung đưa.
Và cách một đoạn nữa, là Nam Ngạn, nơi có trận chiến thủy
quân Việt Nam lần đầu "tiu" nhau với máy bay Mỹ. Trong hai ngày 3 và
4 tháng 4 năm 1965 quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ, có 2 cái tàu
chiến của Hải Quân tham chiến. Nơi đây sinh ra 2 chị phụ nữ Thanh Hóa nổi tiếng
là chị Tuyển và chị Hằng. Sau này nhà máy Diêm Thanh Hóa được lấy tên là nhà
máy Diêm 3-4, là lấy ngày chiến thắng này làm tên. Mẹ tôi làm phó giám đốc nhà
máy, sơ tán về Hậu Lộc.
Lại kể đền Bà Triệu.
Ở đây có tới 2 di tích, giờ khách du lịch tới rất đông, vừa
ngắm vừa cúng bà.
Rằng ngày xưa ấy, bà bị địch quân đuổi tới làng này, bà chạy
lên đỉnh núi Tùng, khi quân Đông Ngô đuổi tới đỉnh núi thì chỉ thấy một đống mối
mới đùn. Dân làng sau đấy đã lập mộ bà ở đấy, và xây đền thờ bà ở phía đối diện,
cách một cánh đồng.
Thời chiến tranh, đền Bà Triệu bị ném bom rất nhiều, nhưng lạ,
không quả bom nào trúng đền. Các cụ bảo, thấy có quả đen trũi lao thẳng xuống đền
(kinh nghiệm là thấy đít bon tức là bom rơi thẳng vào mình, thấy thân bom là chệch
sang chỗ khác, thời chiến tranh chúng tôi được phổ biến như thế), gần tới nơi
thì nó lại chệch ra cánh đồng phía trước, là bà đẩy bom đi. Vì thế lũ học sinh
chúng tôi được ba mẹ khuyên lên đền học. Và ở đấy được nghe sự tích... vú bà
dài 3 mét. Là có lần bà bị giặc đuổi, bí quá bà lội xuống ruộng có mấy bà đang
cấy, cùng cấy với họ. Giặc tới không phân biệt đâu là Nhụy Kiều tướng quân, đâu
là nông dân, định bỏ đi thì một cơn gió ập tới làm đứt yếm bà. Cặp vú bà thõng
xuống chấm bùn. Giặc thấy sợ quá, hô lên người 4 tay 2 chân rồi... bỏ chạy.
Cả cầu Hàm Rồng và đền Bà Triệu giờ là nơi tham quan du lịch
nổi tiếng. Và giờ, ngoài ngôi trường Lam Sơn nổi tiếng, niềm tự hào của xứ
Thanh, thì còn thêm ngôi trường cấp 3 Hậu Lộc. Tôi ra Thanh Hóa lần này còn
dự cuộc họp lớp nhân 45 năm chúng tôi ra trường nữa.
Cái ngôi trường cấp 3 Hậu Lộc của tôi, giờ cũng đang nổi tiếng.
Tại sao ư, không phải tại chúng tôi, chúng tôi chả có công trạng gì dù ngày xưa
học cũng giỏi, mà cái chính là, nơi đây có một cô hoa hậu từng học vừa đăng
quang, hoa hậu Đỗ Thị Hà, quê ở Hậu Lộc và học tại cấp 3 Hậu Lộc này.
Vinh dự tự hào quá đi chứ ạ?
Bài đăng trên TCdulichtphcm, bị cắt bớt Ở ĐÂY
Bạn phổ thôngBạn phổ thông và em
Với em trai ở cái ngõ ngày xưa từng ở thời chiến tranh
Với thầy giáo dạy văn cấp 3 Trung Duy Thợi
(Còn tiếp)
2 nhận xét:
Với người lớn tuổi thì những kỷ niệm xưa kia rất tuyệt vời
Những chuyến đi như thế này đầy ắp kỷ niệm đẹp
Đăng nhận xét