Cách đây chừng nửa năm, em trai tôi dậy đi làm. Lên xe nổ máy xong thì tự nhiên xụi lơ trên xe. May mà chưa đi, chứ đã chạy trên đường rồi thì không biết thế nào? Tức tốc đưa vào bệnh viện Trung ương Huế, sau rất nhiều hội chẩn chụp chiếu các loại các kiểu thì phát hiện trong sọ não có dị vật, bằng kim loại.
Chịu, không ai biết tại sao trong sọ lại có món ấy, nó vào bằng cách nào. Căng óc ra nhớ, nghĩ cũng không thể biết tại sao?
Lại sau rất nhiều hội chẩn tiếp, theo dõi tiếp thì mổ.
Một miếng kim loại nhỏ hơn đầu đũa được lấy ra. Bác sĩ bảo
nó nằm im ở đấy lâu lắm rồi, gỉ rồi, giờ chả hiểu sao lại cựa quậy, nên nó chèn
vào đâu đấy, khiến bệnh nhân bất tỉnh. Giờ lấy rồi, ổn rồi, chúc mừng, mang cái
miếng kim loại ấy về mà kỷ niệm.
Vụt nhớ lại hơn năm mươi năm trước, ở tại làng Phú Điền,
xã Triệu Lộc, Hậu Lộc này. Một trận bom trút xuống, làng có mấy người chết. Cả
nhà tôi chen chúc với hàng ngàn người khác, chạy vào núi, chính là cái núi Tùng
có phần mộ bà Triệu trên ấy. Mạnh ai nấy chạy. Nhà tôi 4 người, 3 người đã tới
núi, nhưng còn em tôi. Nó đang đi bắt cua với lũ bạn lứa nó. Cả nhà điên lên, mẹ
tôi khóc ồ ồ. Một lát thì nó chạy về, mỗi cái quần đùi, mồi hôi nhễ nhại, tóc dựng
ngược. Thì ra nó cứ giữa bãi bom bi mà chạy, băng băng chạy. Ở cánh đồng mà nó
vừa chạy qua, tới mấy người chết. Khi chạy vào núi tôi thấy có cái hang nhỏ người
ta làm nơi cấp cứu dã chiến. Có mấy người chết và bị thương. Tôi thấy Lợi, học
lớp tôi, khi ấy chừng 10 tuổi, đang được nhân viên y tế kéo quần xuống để băng
vết thương ở mông. Lần đầu tiên tôi thấy mông con gái là đận ấy, vì nhà tôi chỉ
có 2 anh em trai. Lợi bị một viên bi găm vào mông. Sau này người ta chở Lợi xuống
bệnh viện huyện mổ lấy viên bi ra. Mẹ tôi vồ lấy em tôi, sờ nắn từ đầu tới
chân, không thấy dấu vết suy suyển gì, bà mới yên tâm, thôi khóc.
Nhưng giờ, sau vụ mảnh kim loại trong sọ não, anh em tôi khẳng
định, đấy là mảnh bom em tôi bị găm vào từ cách đây 50 năm trước, trong cái vụ
mà tôi vừa kể. Nó nằm ở đấy, tới giờ mới... ngọ nguậy, và may, nhiều nhẽ may,
em tôi được mổ an toàn.
Thế nên, nhớ tới trận bom ấy, nhớ tới Lợi, chuyến đi này,
tôi quyết tìm vào thăm.
Té ra em trai của Lợi học với em trai tôi, Lợi học với tôi.
Lớp 7 tôi lên cấp 3 thì Lợi nghỉ thì phải. Hồi ấy có bị gán ghép, gặp nhau là
chúng tôi mặt cứ đỏ tưng bừng rồi lý nhí chào nhau, vì mẹ tôi là sếp của bố Lợi.
Ông cụ là trưởng phòng hành chính của nhà máy.
Cuộc gặp khá ấn tượng và vui, dù việc đầu tiên là tôi thắp
nhang cho chồng Lợi, mới mất vì ung thư. Tôi nói với bạn ấy rằng, cái mông phụ
nữ đầu tiên mà tôi được chiêm ngưỡng là của bạn. Già rồi mà nghe kể vẫn bẽn lẽn
lắm, mặt vẫn đỏ tưng bừng.
Hậu Lộc là huyện có cả núi và biển. Hồi ấy phía biển phát
triển hơn, dân biển giàu hơn dân núi, và cũng nổi tiếng hơn, những là Ngư Lộc,
Hoa Lộc, Hòa Lộc, Minh Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc... Đa Lộc thì nổi tiếng có Mẹ Tơm
trong lịch sử và trong thơ Tố Hữu. Hoa Lộc có đại đội dân quân nữ bắn rơi máy
bay. Ngư Lộc thì nổi tiếng vì... tấc đất tấc vàng. Xã biển mà mật độ dân số
đông hơn phố cổ Hà Nội, người chết phải mang sang xã khác chôn...
Hồi tôi đi học cấp 3, cả huyện Hậu Lộc có một trường, gọi là
cấp 3 Hậu Lộc, vừa học vừa chạy sơ tán, nên 3 năm học của tôi theo trường đi tới
mấy nơi: Văn Lộc, Hoa Lộc, Lộc Tân... Tự làm trường làm lớp để học. Tôi nhớ có
lần học sinh được điều đi chở gạch làm trường, ai có xe đạp thì thồ bằng xe, ai
không có thì gánh. Cái cầu De tự nhiên gãy đôi, mấy đứa rơi xuống sông. Mà nó
là cầu treo, khá cao so với mặt nước.
Không biết là có ai chết không vì thông tin hồi ấy không như giờ, sự việc
xảy ra xong thì mạnh ai nấy chạy, hôm sau các lớp lại đi học, chở luồng về làm
lán. Có một trường nên cái sự đỗ vào cấp 3 (hồi ấy học hệ 10) có khi nó còn vang rền hơn tiến sĩ
bây giờ. Cả 2 xã Châu Lộc và Triệu Lộc có chung cái trường cấp 2, gọi là cấp 2 Triệu Châu, và đâu lứa
tôi có 4 đứa được vào cấp 3. Tốt nghiệp cấp 3 xong, tôi về Huế, 3 đứa kia đi bộ
đội, ơn giời về đủ cả, dẫu có 1 thằng là thương binh hạng nặng nhất, 1/4, vợ được
hưởng lương nuôi chồng.
Lan man chuyện học để nói chuyện mới rợi, rằng giờ cái cấp 3
Hậu Lộc ngày xưa ấy chia thành 3 trường, và cô hoa hậu năm vừa rồi ấy, Đỗ Thị
Hà, là học sinh của Hậu Lộc, nhà ở Hậu Lộc, bố mẹ là nông dân Hậu Lộc, ngay cái
chữ lót Thị cũng đã rất... nông dân Hậu Lộc rồi.
Và may thay, sau khi đăng quang, những "dư âm" về
cháu khá ít, không như một số trường hợp khác, sau đấy là quá khứ bị lục tung
lên...
Cũng là nhấn nhá để nhắc thêm là, đương kim thủ tướng, ông
Phạm Minh Chính ấy, quê gốc là ở Hoa Lộc. Nơi ấy, tôi đã từng trọ để học cấp 3.
Tất nhiên hình như khi tôi trọ học ở đấy thì gia đình ông đã chuyển đi một huyện
khác.
Nhẽ là phải gần cuối năm thì cái khóa chúng tôi ra trường ấy,
mới tổ chức 45 năm ngày ra trường, nhưng vì có tôi ra nên anh chị em trong lớp
tổ chức trước. Cả lớp có 3 đứa ở xa, một Hải Phòng, một Sài Gòn và tôi Pleiku.
Có một đứa về thế là các bạn tổ chức luôn.
Không xúc động đến nghẹn ngào như cái lần đầu tiên chúng tôi
gặp nhau cách đây 5 năm nữa. Trước đấy, tới ba chục năm, chúng tôi không liên hệ
được với nhau. Cái chính là do tôi, đi qua đi lại mà ít khi có dịp ghé, chứ các
bạn ở đấy vẫn thi thoảng gặp nhau.
Em tôi cũng tranh thủ làm một cú gặp lại các bạn thuở nhi đồng
thối tai của nó...
Giờ làng thành phố hết rồi. Cái nhà xưa gia đình tôi ở đã
qua mấy chủ, và nó đã được thay thế bằng ngôi nhà tầng hiện đại và đẹp. Vào
thăm giới thiệu, chủ nhà cứ ngớ ra, không biết ông chủ cũ đang trước mặt mình.
Ngày xưa để làm cái nhà này, ba tôi đã đổ máu dạ dày, còn chúng tôi cũng bạc mặt.
Tôi nhớ hồi ấy muốn có vôi thì phải đi mua đá vôi về, thuê xe đạp thồ chở. Đào
hố rất sâu, gánh nước đổ vào, rồi vất đá xuống, sôi lục sục. Có trường hợp có
người ngã xuống đấy, kéo lên chỉ còn bộ xương, thịt chín tuốt ra hết. Sôi xong
phải đậy bảo vệ mấy ngày cho nguội vân vân, nó hết sức thủ công và nhiêu khê,
không như giờ, kêu phát ô tô đổ xuống cả tấn xi măng.
Đặc sản của các chợ Hậu Lộc xưa là bánh tráng với cùi dừa.
Đi chợ về lủng lẳng cái bánh tráng xâu lạt với mấy miếng cùi dừa. Chả hiểu sao
dân ở đây lại có cách kết hợp ẩm thực độc đáo thế. Các bà các chị hay chuyền
nhau câu: chồng đánh không chán vẫn bánh tráng cùi dừa, chồng đánh không chừa vẫn
cùi dừa bánh tráng. Đi chợ mà chén hay mua quà như thế là sang lắm, là
"vén tay áo xô đốt nhà táng giấy" lắm, là "phá gia chi tử"
lắm. Chợ lớn nhất của huyện thời ấy là chợ Dầu, ở xã Thịnh Lộc, họp dưới một rừng
toàn dừa.
Thời tôi ở Hậu Lộc thì thị trấn huyện ở Văn Lộc, còn gọi là
chợ Phủ vì có cái chợ Phủ. Giờ thì thị trấn là Thịnh Lộc. Bạn hẹn tới đấy tới đấy
của thị trấn, cứ tưởng ở Văn Lộc, chạy tới té ra không phải, Thịnh Lộc kia. Và
té ra nó rất gần. Ngày xưa đi bộ hoặc xe đạp, xa lắc, giờ một là đi ô tô, hai
là đường mới mở ra, rất gần chứ không phải đi vòng...
Kể ngủ lại được vài đêm với Hậu Lộc mới hết chuyện, nhưng
Ninh Bình lại đang đợi chúng tôi rồi, biết làm sao được?
Khi chia tay bạn khều ra một góc: Chả có chi, biếu mi ít lạc.
Tau đặt á, mười hạt như chục.
Biết rồi, lạc xứ Thanh cũng thuộc loại hàng thửa mà?
Bài trên Tạp chí Du lịch HCM link đây ạ
Lợi.
Mảnh kim loại trong sọ cu em
2 nhận xét:
Câu chuyện rất hay và chan chứa tình thương
Hậu quả chiến tranh còn để lại cho tới bây giờ
Đăng nhận xét