Nhà thơ nhà báo Văn Công Hùng đang có chuyến lái xe xuyên Việt, được biết
ông có thói quen hàng đêm đều ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trên đường,
chúng tôi đề nghị ông, trước khi đăng phây, hãy chuyển cho chúng tôi sử dụng
trước...
--------------
(Hì, bài viết cho tạp chí Du Lịch HCM, tạp chí mới toanh mới toe, sáp nhập từ mấy tờ của Sài Gòn trước đó. Bản này là bản đủ, chứ trước đó, khi đăng đã bị cắt bớt...
Về
hưu với ai chả biết, chứ với tôi nó sung sướng như cuộc... đổi đời. Có nhiều lý
do để người này sung sướng người kia đau khổ khi về hưu. Tôi thuộc hàng... sung
sướng. Thế rồi lại có một việc làm part time sau hưu, cũng rất sung sướng, phù
hợp với khả năng của mình, và tuyệt vời hơn nữa, có nhiều việc mà khi còn làm
việc, mình không thể triển khai được, thì giờ có chỗ để áp dụng.
Rất
thú vị, nhưng lại vẫn cứ thấy bị bó buộc.
Té
ra là, dù part time, dù được coi là khách khi làm việc sau hưu, nhưng vẫn có gì
đấy bó buộc, ít nhất là về thời gian. Mình vẫn phải băn khoăn áy náy khi mà, có
việc gì đấy chưa ổn, có ngày nào đấy mình bỏ đi chơi mà vẫn hưởng lương...
Thế,
nó lại vẫn chưa là hưu.
Sau
tết, nghỉ thêm thời gian dịch thì tôi quyết định, nghỉ hoàn toàn để đi phượt.
Mình tự do hoàn toàn, muốn làm gì thì làm, muốn chơi thì chơi muốn ngủ thì ngủ
muốn ăn thì ăn muốn nhậu thì nhậu... chỉ còn mỗi phải xin phép... vợ. Mà vợ thì
ai mà chả phải xin phép, kể cả hôm nào đi ngủ mà lười... tắm, cũng phải xin
phép để mai tắm bù.
Dài
dòng nguồn cơn để tôi kể chuyến phượt chính thức sau 3 năm nghỉ hưu của mình.
Tôi
có con i10 mà bạn bè hay gọi là i10 thần thánh, vì nó gắn với tôi năm năm nay.
Ngay sau khi mua được nó, việc đầu tiên tôi làm là biếu ngay cho bà chị con xe
máy cũng thần thánh Suzuki 2 thắng đĩa biển số 7777 oai hùng gắn bó với tôi gần
chục năm, để, chỉ đi mua cây đinh cách nhà 300 mét tôi cũng... lùi ô tô ra đi.
5 năm tôi chạy gần 4 vạn cây số thì không nhiều nhưng cũng không ít. Các lần
trước tôi chạy là đều đi làm việc, lần này đúng nghĩa đi chơi.
Nói
thêm tí, mấy năm trước hàng tháng tôi đều một mình một xe chạy Pleiku- Vinpearl
Nam Hội An. Trước khi chạy tôi đều lên fb rao: Mời người đi cùng, khổ chủ bao hết.
Và, chưa lần nào có bạn đồng hành, vẫn cứ lái một mình. Thế tức là, nhu cầu đi
ké xe của dân ta giờ không còn, dù là sự đi ké sang trọng. Chả bù cho ngày xưa,
xe đạp cũng có người xin đi nhờ, còn ô tô tải thì rất khó để xin, và phải dùng
phanh nón, phanh... quần phíp.
Lần
này tôi cũng lên rao, rủ bạn đồng hành đi cùng về Đà Nẵng. Ngày cuối, khi chả
ai thèm ỏ ê gì thì có ông bạn vào còm, bảo lùi lại một tuần được không, tuần
sau ông ấy đi cùng. Ông này ở cách nhà tôi 2 cây số ở Huế, cùng học đại học Tổng
Hợp Huế khóa 1 cùng tôi, chỉ khác tôi học văn, ông ấy học lý. Và, cùng lên Gia
Lai một đợt, vào năm 1981, lại khác chút, là ông ấy sau đấy về huyện, còn tôi ở
Pleiku. Chức vụ trước khi ông ấy về hưu là chánh văn phòng ủy ban nhân dân huyện
Ia Pa, Gia Lai. Ông ấy về làm giỗ 100 ngày mẹ. Tôi vặn lại: Sao ông không đôn
lên trước 1 tuần, ông tưởng dễ được ngồi xe tôi lái à? Mà về quê sớm một tuần
thì chỉ có từ sướng trở lên chứ?
Xin
ý kiến vợ, tất nhiên, thế là ông ấy về sớm 1 tuần, thành bạn đồng hành với tôi.
Buồn nhất là ông này không biết lái xe. Có chi mô nơ, 500 cây số là muỗi...
6h30
phút sáng, tôi đề pa từ thành phố Pleiku, đi đường Hồ Chí Minh. Dự kiến là tới
Ngọc Hồi sẽ ăn sáng. Tôi mấy lần ăn ở đây và phát hiện quán bún khá ngon, vả,
giờ ấy tới đấy mới ăn sáng thì có... chưa ngon lắm cũng thành ngon. Ngọc Hồi là
thị trấn ngã ba biên giới, như có người ví von một tiếng gà gáy 3 nước cùng
nghe, là Việt Nam, Lào, Campuchia, dù thực ra, từ cái cột mốc ngã ba này tới chỗ
có thể nghe gà gáy phải... mười lăm cái quăng dao.
Thế
nhưng tới thành phố Kon Tum lại thấy đoi đói, rồi lại hiện lên cái tên quán phở
số 10. Số này đẹp đây, tròn đầy viên mãn, lại thấy có 2 cái ô tô đậu, lại thấy
bên cạnh là tòa nhà Vincom đầy kỷ niệm một thời với nhà cháu, và cái quầy cà
phê nó chìa ra mời gọi thách thức. Khổ, đã nghiện món cà phê ép, và nhớ cái
quán cà phê cạnh quán bún Ngọc Hồi ăn mấy lần là cà phê phin. Thế là không chần
chừ, dứt khoát tấp xe vào...
Đường
Hồ Chí Minh mùa này rất đẹp. Lau bạt ngàn. Những cánh rừng về cơ bản đã... trụi
nhưng thi thoảng thình lình một cây lá đỏ rừng rực hiện ra. Chạy hơn 100 cây số
thì không còn cảm giác mình lái xe nữa, mà là cuộc đi dạo, thảnh thơi và thú vị
dù có lúc một ông xe bồn chở xăng chạy ẩu lấn đường gần như đâm thẳng vào xe
tôi. Tôi phanh cháy đường và thả chân côn để xe chết máy đứng khựng luôn. Tay
lái xe bồn trẻ măng cười khẩy lừ qua khi tôi hạ kính và quả là, có run rẩy nhìn
hắn...
Đến
một đoạn đẹp không chịu nổi thì dừng xe chụp ảnh. Đây là đoạn cuối đèo Lò Xo,
con đèo nhiều người nghe tới đã sởn gai ốc, nhưng tôi, với tư cách người đã ôm
vô lăng qua lại con đèo này mấy chục lượt, thì kết luận tai nạn xảy ra là do chạy
ẩu. Chứ cứ đúng tốc độ và kỹ thuật lái, thì xe nó lướt như... mây bay như những
ngọn lau phơ phất kia thôi. Lại thêm ngành giao thông có sáng kiến dùng lốp ô
tô làm hộ lan đường, vừa vui vui vừa nghe nói rất tốt...
Đi đường Hồ Chí Minh, nhiều người sợ
nhất là đèo Lò Xo.
Nhớ năm nào, nhân dân cả nước rúng động
cái tin xe chở các bác cựu chiến binh bị tai nạn ở đây. Rồi sau đấy, lai rai, vẫn
năm vài vụ hoặc vài năm một vụ. Search trên mạng thì thông tin tai nạn dày đặc.
Rất nhiều bạn bè trước khi đi đường Hồ Chí Minh thường hỏi tôi về con đường
này, và thực hư những vụ tai nạn. Khi tôi giải thích thì họ hăm hở đi, và sau đấy
là những cuộc điện thoại: Tới nơi rồi.
Thì ra tai nạn là do con người.
Đấy là con đèo dài chừng hơn
hai chục kilomet, nằm giữa ranh giới tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Chân đèo phía
Kon Tum là cái quán ăn nổi tiếng mà tôi căn giờ để ghé mỗi khi đi đường này,
phía Quảng Nam được đánh dấu bởi bức tượng đức mẹ một nhà hảo tâm nào đó cung
tiến dựng lên sau vụ các cụ cựu chiến binh tử nạn.
So với các con đèo khác thì
nó không quanh co khúc khuỷu bằng, không dốc bằng, không có các ngoặt tay áo,
không khuất tầm nhìn, không có gì nguy hiểm, nhất là những ai đã từng qua các
đèo An Khê, Mang Yang, Ngoạn Mục, Violac vân vân, thế tại sao nó lại nguy hiểm?
Là bởi người lái chủ quan. Dốc
là là, cứ thế ngọt vô lăng, mà nhẽ phải cẩn thận hạ tốc độ, về bằng số. Tôi
không rành kỹ thuật, nhưng các bạn kỹ thuật bảo, xuống đèo hạn chế nhất là
dùng... phanh. Lên số nào về số nấy là an toàn nhất (tôi lái xe số, và
kinh nghiệm này dành cho xe số), chỉ khi
nào cần mới phanh. Đằng này các cụ cứ thoải mái dùng phanh để điều chỉnh tốc độ
xuống đèo, tới lúc cần phanh thật thì phanh nóng quá, ảnh hưởng thế nào đấy, nó
không ăn nữa, thế là cứ thế xe lao. Mà dốc dài, càng lao gia tốc càng tăng, lao
nhanh tới đoạn cua không điều khiển được nữa thì... dừng lại.
Nên giờ ngành giao thông làm
mấy việc ở con đường này, chả cứ đèo lò xo, mà ở tất cả chỗ nào có dốc: một là
dùng lốp ô tô cũ làm cọc hộ lan như đã nói, khi xe va vào sẽ bị bật ra, và theo
luật gia tốc gì gì đó, thì lực va chạm sẽ rất nhỏ, xe không lao xuống vực. Mà lốp
ô tô sơn rồi dựng lên trông cũng vui mắt. Thì ở một số quán cà phê do các bạn
trẻ làm chủ bây giờ, chả có khối lốp ô tô cũ được tận dụng thiết kế rất đẹp đấy
thôi. Vả nữa, nó sẽ giải quyết việc xử lý sau khi hết thời gian sử dụng của loại
vật liệu gây ô nhiễm môi trường rất dữ dội này. Và rất nhiều các con đường cứu
nạn. Xe lỡ mất phanh thì cứ bình tĩnh điều khiển, chỉ vài chục mét sẽ có con đường
cáu nạn hiện ra. Đấy là một con đường cụt, dốc ngược lên, đổ cát. Đến xe tăng mất
phanh chui vào đấy cũng phải dừng. Hình như từ hồi có các con đường cứu nạn
này, số lượng vụ tai nạn ít hẳn. Chỉ chả hiểu tại sao có mấy cái đường cứu nạn
như thế, cơ quan chức năng lại gọi là "hốc cứu nạn". Ngành giao thông
hay sáng tạo ra các kiểu tiếng Việt mà rất ít người Việt sành tiếng Việt hiểu,
như "Trạm thu giá", và giờ là "Hốc cứu nạn"?
Còn lại, phải công nhận rằng,
mà chả công nhận thì nó cũng là chân lý rồi, xưa nay, đi trên những đường đèo
là đẹp nhất, thú vị nhất, ngoạn mục nhất, đã đời nhất. Ngồi trên xe đã sướng,
ôm vô lăng càng sướng. Cứ đi, tôn trọng xe mình, tôn trọng đèo, tôn trọng xe
ngược chiều... đi cả ngàn năm vẫn yên bình.
Nó cũng như hồi lần đầu tiên
tôi đi qua dốc Cun, rồi khe Thung. Trước đấy nghe về nó rất khủng khiếp, nghe
đâu còn có người gọi đấy là nghĩa địa xe, bởi các xe bị tai nạn quá nhiều. Qua
rồi thì thấy nó cũng... thường thôi, nếu mình chạy cẩn thận, đúng tiêu chuẩn
cho phép. Và khi ấy thì thống khoái vô cùng. Tới một khúc cua, có một khoảng đất
trống và một tảng đá lớn, dừng xe vào chỗ được phép, đứng đấy ngắm toàn bộ đồng
bằng phía dưới, chụp một bức ảnh, rồi khoan khoái đi tiếp. Tới Thung Khe, dừng
lại ăn bắp ngô nướng hoặc luộc, nhìn mây là đà, ngắm cô gái Thái thoăn thoắt xẻ
thịt lợn bán, những cái lưng gùi đặc sản những là mật ong, rau rừng, măng... đi
bấp bênh trong sương... thì đời du lịch, nghĩ cho cùng, cũng chỉ tới thế là
cùng...
Nghĩ tới việc, tới một lúc
nào đấy, con đèo Lò Xo trở nên đèo thân thiện với tất cả mọi khách du lịch, tới
đấy khoan khoái xuống trạm dừng nghỉ, có chỗ check in, ngắm thác, ngắm rừng, ngắm
mây bay, ngắm lại con đường mình vừa qua, nhất là, nếu đúng mùa lau, bạt ngàn
lau trắng, dù nó không phải là đặc trưng Tây Nguyên mà chả hiểu sao, lần này chạy
qua, tôi thấy nhiều lau trắng thế, bồng bềnh bồng bềnh, lại nhớ tới cái ví von
cây sậy biết tư duy của triết gia pascal. Vâng, con người chỉ là một cây sậy, yếu
nhất trong tự nhiên, nhưng là cây sậy biết tư duy...
Khi làm đường Hồ Chí
Minh người ta chưa nghĩ tới sẽ có ngày facebook nói riêng, mạng xã hội nói chung,
phát triển, trở thành cơm ăn nước uống của con người. Tức là như nhiều người
nói đùa, vào quán ăn việc đầu tiên là cho phây ăn đã, rồi mới tới người. Thế
nên, con đường cứ trơn tuột, không có các điểm nhấn, điểm nghỉ. Thậm chí có chỗ
có cái thác be bé, vì sự an toàn của người tham gia giao thông, người ta đã cắm
cái biển cấm dừng đỗ.
Nó
là thế này, rất may là, trên mấy trăm cây số đường Hồ Chí Minh ấy, vẫn còn dăm
ba chỗ có rừng nguyên sinh. Và giữa những tán rừng xanh ngắn ngặt ấy, xanh sậm ấy,
đột ngột hiện ra một cái cây đỏ lừ từ ngọn xuống gốc. Nó đẹp man dại, đẹp sửng
sốt, như một đốm lửa vụt lên giữa thăm thẳm rừng già. Tất nhiên chả ai biết đấy
là loại cây gì, nó sinh trưởng ra làm sao, thậm chí là, lá nó đỏ thể hay nó chết
mà đỏ. Nhưng tôi tin đấy là một loại cây lá đỏ, bởi lần nào đi qua cũng thấy,
và không chỉ một cây. Nhớ câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi dạo nào "Rừng
lạ, ào ào lá đỏ". Chả nhẽ thời ấy bác Thi thấy những cái cây như thế này để
rồi ông viết lân mấy câu thơ rừng rực như thế, và để giờ, khiến tôi, kẻ hậu
sinh, đành lẩm nhẩm mà cả đọc và hát cái câu ấy khi ngoặt vào một cua thấy một
đột ngột đỏ như thế hiện hình bên kính xe. Để rồi lại hắm hở chạy, thấp thỏm đợi
một cái cây tiếp theo, ở một khúc rừng ngẫu nhiên trước mặt.
Có
lần tôi viết, nếu tôi làm du lịch Quảng Nam, nếu tôi là cán bộ huyện Nam Giang,
thậm chí là cán bộ xã Cà Dy, tôi sẽ cho dựng một cái biển lớn bên đường, đoạn
qua làng Rô mà con đường Hồ Chí Minh chạy qua ấy: Đây là làng Rô. Chỉ thế thôi
thì tôi tin, tất cả mọi chuyện sẽ khác. Giờ nó im lìm lặng lẽ, không để ý sẽ
không biết, thậm chí để ya cũng... chạy qua mất. Là có lần trên xe tôi nói với
con gái tôi, chúng ta sắp qua làng Rô đấy, lát tới ba sẽ dừng xe để các con vào
thăm. Và rồi cuối cùng dò dẫm chạy mãi, cho tới lúc biết chắc chắn là mình đã
chạy qua cả trăm cây số thì đành thở dài. Làng Rô, ký ức một thời, ngôi làng có
tên trong thơ Tố Hữu: "Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi cái nôi đại
bàng...". Được biết làng Rô hiện rất nghèo, bằng cách làm du lịch từ câu
thơ ấy, từ câu chuyện ông Tố Hữu vượt ngục đi bộ trên rừng Trường Sơn từ Đăk
Glây tới ngôi làng này và được dân chở che để ông đi tiếp an toàn, có thể sẽ có
một hướng mới để bà con có thêm thu nhập. Và quan trọng nữa, nó giúp lịch sử
không nhanh bị lãng quên. Giờ, làng Rô bị lẫn vào các ngôi làng khác ven đường
Hồ Chi Minh, người ta lơ đãng chạy qua, như chưa từng có một làng Rô ngay bên
đường. Chính tôi, lần đầu tiên phát hiện ra làng Rô đã reo lên rồi dừng xe vào
làng rảo một vòng.
Vùng
rừng Khâm Đức mà đường Hồ Chí Minh chạy qua, có mấy món "Đặc sản rừng"
rất ngon. Là rau, gồm các loại rau dớn, rau tàu bay, môn thục, và đặc biệt là
rau lủi, mà giờ người ta gọi là rau rừng, mặc nhiên coi những dớn, tàu bay, môn
thục... kia không phải là rau rừng. Sở dĩ gọi rau lủi vì nó cứ lủi vào các hốc
đá mà lên. Màu hơi tím. Giờ các nhà hàng, ban đầu là khu vực Trường Sơn Tây
Nguyên, giờ thì thấy khắp miền trung, trong thực đơn có món rau rừng (lủi) này.
Ở Tây Nguyên người ta chấm với mắm cua, hôm tôi ăn ở Đà Nẵng thì chấm với kho
quẹt, về Huế thì chấm với... quẹt kho, vì nó khô hơn, không chấm mà gắp kho quẹt
kẹp vào rau. Ăn nó có mùi ngai ngái đậm chất rừng. Giờ không chỉ luộc, người ta
xào tỏi, nấu canh... Nó đang chiếm thế thượng phong trong các nhà hàng lớn, chứ
đừng nói quán ăn nhỏ. Có lẽ một phần là do nó lạ, dù giờ đã đủ thời gian để hết
lạ rồi, bởi mang về vườn trồng nó lên nhanh hơn cỏ, duy có cái vị rừng thì
không còn, và 2, người ta tin nó là rau sạch. Món nữa là cá, cá suối, đặc biệt
là cá niên thì đúng là thời trân của núi rừng. Là loại cá nhỏ, dẹt, chỉ ăn rêu
và bơi ngược nước. Xưa không biết thế nào, nhưng giờ để được ăn nó là điều
không phải dễ. Tất cả các quán cơm trên đường Hồ Chí Minh đoạn từ Đăk Glây tới
Thạnh Mỹ đều có món cá này, như một thương hiệu để khách không thể quên nhà
hàng. Nó, đơn giản chỉ là nấu canh cà chua, rán hoặc kho đều ngon, à không
ngon, mà là rất ngon, đặc biệt là bộ lòng...
Hết Quảng Nam,
đến ngã ba Thạnh Mỹ, thay vì đi thẳng để tiếp tục tới A Lưới rồi ra Bắc tiếp,
tôi thường rẽ ngoặt xuống Hòa Cầm, xuống quốc lộ 1, hoặc là vào Đà Nẵng, hoặc
chui hầm Hải Vân ra thẳng Huế.
Lần
này tôi ghé Đà Nẵng. Đã bảo, đi chơi mà, việc gì mà vội.
Đà
Nẵng, cũng như Huế, thay đổi tới ngỡ ngàng, theo hướng để phục vụ du lịch, vừa
hiện đại vừa dịu dàng bản sắc...
Cuộc
đi vẫn đang tiếp tục.
1 nhận xét:
Những chuyến đi xuyên Việt thế này rất thú vị nhé
Đăng nhận xét