Hôm rồi ăn cơm, tôi kể với con gái chuyện ngày xưa mình nuôi lợn. Thời bao cấp hầu như nhà ai cũng nuôi lợn, người người nuôi lợn nhà nhà nuôi lợn, nhà càng khá thì càng nuôi nhiều lợn, vì có điều kiện làm chuồng to, có đất trồng rau và tiền mua cám dự trữ. So với các nhà khác trong khu tập thể của ngành Văn hóa Gia Lai mà tôi ở khi ấy, thì nhà tôi cũng có "điều kiện" hơn, nên mọi người chỉ đủ tiền mua loại lợn con 5,7 kí về nuôi thì tôi vác hẳn ông lợn nhỡ 3 - 4 chục ký về thấng cho nhanh. Thiên hạ nuôi cho ăn nó chén ầm ầm, đây tôi đổ cám vào, nó cúi xuống phát rồi lại ngẩng lên nhìn chủ đầy trìu mến. Múc nước bã mắm rưới vào (thứ giống như mì chính cho vào bột dỗ trẻ con thời khó. Tôi nhớ có đứa trẻ con có hôm cứ ngằn ngặt khóc không ăn bột, mẹ nó sang nhà tôi: Bác cho em vay tí mì chính, nhà hết, sáng quấy bột không với nước mắm thằng cu nó không chịu ăn), con lợn cúi xuống hít mấy nhát rồi lại ngẩng lên. Tức, bỏ vào nhà thì nó nghiêng đầu uỵch phát, thế là cả cái máng lật nghiêng, xong phim. Gầm lên đét nó vài roi thì... vợ lao ra gầm to hơn. Nguyên tắc hồi ấy là con có thể đói nhưng lợn không được đói. Con có thể ốm nhưng lợn không được ốm. Con có thể mất ngủ nhưng lợn không được mất ngủ. Tất cả vì lợn thân yêu. Như đã nói, nhà tôi thường mua lợn 3-4 chục cân, nuôi 5 đến 6 tháng, cân để bán thì được... 50 cân, thế mà vẫn hể hả, mua lại bộ lòng của người mua lợn nhà mình, kêu bạn bè tới liên hoan... mừng bán lợn. Tôi nhớ có lần làm bài thơ về... lợn, có những câu thế này "“Có những giọt nước cơm thừa được đổ vào xô/ Có chiếc xe tòng tọc cột xô nước ấy sau foocbaga/ Có một người chiều nào cũng đi chiếc xe đạp ấy/...Những giọt thơ tích tụ trên đường được nhuộm màu nước gạo/ nghiêng nghiêng nụ cười- ơi vợ- nửa vầng trăng”, ghi chú ở dưới bài thơ là "Kỷ niệm ngày vợ... bán lợn" để thấy cái ngày xuất chuồng lợn ấy nó trọng đại đến thế nào?
Khi đẻ con gái
thứ hai, tôi làm hai việc động trời ở Pleiku. Hồi ấy đẻ ra mới biết gái hay
trai chứ chưa có siêu âm giới tính như giờ, mà đứa đầu đã gái rồi. Khi biết cái
đứa vừa đẻ cũng là gái, tôi phóng ra chợ, mua một bó hoa ôm vào trong sự sững sờ
của rất đông cán bộ và bệnh nhân khoa sản. Hồi ấy khoa sản bẩn ơi là bẩn, hai,
ba người một giường trải nilon tránh rệp lũng sũng nước, ăn còn chả có, lấy đâu
hoa. Mà hoa cũng rất hiếm vì có tí đất nào người ta trồng rau lang và su su
nuôi lợn rồi. Thế mà có một gã ôm hoa vào khoa sản khi vợ đẻ con gái thứ 2 thì
quả là sét nổ giữa trời quang chứ gì. Và thứ 2, là hôm đầy tháng đứa con gái thứ
2 ấy, tôi hạ con lợn đang nuôi trong chuồng. Nhắc lại, lợn hồi ấy là thượng đế
trong nhà... Bạn bè được mời đến ăn con lợn nuôi gần năm được 5 chục ký giờ vẫn
còn khá đông, và đứa con gái sinh ngày ấy giờ đã là mẹ 2 con rồi...
Hồi ấy, phàm
là chồng thì việc đầu tiên là phải biết... làm chuồng lợn. Đa phần là nhờ bạn tới
làm phụ. Dùng ván quây xung quanh, nền xi măng hoặc ván luôn. Làm không cẩn thận,
lợn trượt chân hoặc kẹt chân, đều nguy, vì như đã nói, con bỏ ăn không sao chứ
lợn bỏ ăn là sút cân ngay. Mà bị què thì ngay lập tức lợn sút cân...
Thế nên mới có
giai thoại, nhà giáo Văn Như Cương bị phường phạt hành chính vì "nuôi lợn
trong nhà tắm". Khi đã thân, lúc uống rượu với nhau tôi hỏi ông chi tiết
này, ông cười khà khà không công nhận cũng không phủ nhận, là cái việc ông yêu
cầu sửa lại quyết định phạt là "Lợn nuôi Văn Như Cương trong nhà tắm",
nhưng chuyện nuôi lợn trong toilet là có thật. Ông bảo, cả nước nuôi chả lẽ
mình không nuôi. Mà đa phần nuôi là lỗ, nhưng nó được cái việc là, như một cách
tiết kiệm, khi bán được một cục tiền, xử lý các việc lớn của nhà trong năm nhờ
cả vào con lợn.
Bây giờ, người
ta đang... nhem thèm nhau trên phây các món ăn từ... tóp mỡ. Chả biết từ bao giờ,
tóp mỡ trở thành của hiếm. Nó chính là phần quan trọng của con lợn, mỡ ấy, rán
lên lấy mỡ để dành, mỗi lần xào rau thò đũa vào, nhúng qua lọ mỡ, tráng vào
rau. Còn tóp, kho dưa, nấu canh cà chua, xào rau muống... thả mấy lát vào rồi
bày lên trên, cứ gọi là đại tiệc. Bí nữa thì rưới nước mắm vào, xong cơm. Thế
nhưng cái giống lợn Việt ấy, những là Móng Cái, Mường Khương, ỉ lang... lại...
nhiều mỡ quá, ăn thế thì chết, thì vén tay áo xô đốt nhà táng giấy, là vung tay
quá trán... thế là các nhà khoa học vào cuộc, đưa những giống lợn lai vào. Con
lợn thuần Việt chỉ năm sáu mươi cân là kịch, giờ có các giống lợn lai nặng hơn
tạ, nhanh lớn lại siêu nạc... thế là tới tấp nhân đàn, để tới giờ, kiếm được miếng
mỡ lợn Móng Cái, lợn Mường Khương ngày xưa như là trúng số Vietlot. Hơn nữa, vì
sau những rạo rực ban đầu, giờ Vietlot ít thấy người nhắc nữa, nhưng ai được rủ
đụng lợn Móng Cái là reo ầm lên như thời đang mất điện triền miên bỗng... sáng
lòa.
Cũng đang có mốt
nuôi lợn rừng lai lợn Tây Nguyên bản địa. Vào các làng Tây Nguyên ta hay gặp những
con lợn đeo gông đi lang thang, mõm dài như mõm chuột chù, da mốc thếch, gầy
giơ xương. Gầy bởi đa phần chúng phải tự kiếm ăn, cuối ngày chủ cho ăn một ít gọi
là. Cứ thế chúng lang thang và lớn lên. Và nó ngon ở chính cái tự lang thang tự
lớn ấy. Thịt nó chắc, mỡ giòn, không bị tăng trọng, kháng sinh... chi phối.
Cũng các ông lợn
Tây Nguyên này, một thời là nỗi khiếp đảm của cánh cán bộ hay xuống làng công
tác chúng tôi. Mỗi buổi sáng cần xử lý... đầu ra, chúng tôi đều phải cầm theo
cây gậy. Thế mà nào có yên với các ông ấy. Các ông ấy giành nhau với cả... chó.
Các cô gái mới khổ, bao giờ cũng phải nhờ đồng nghiệp nam đi cùng để canh... lợn.
Mà phải ngồi sát nhau mới bảo vệ nhau được. Có hôm hết đợt công tác, cả đoàn
chung tiền mua con lợn liên hoan. Loay hoay thế nào, lúc bà con trói ông lợn
khiêng đến thì đúng ông mà sáng nay chúng tôi vừa phải... ngồi xoay lưng lại
nhau, mỗi đứa một cây gậy để đuổi. Nhớ nó là bởi, cái đuôi nó bị cụt một khúc.
Khi phát hiện ra "lợn quen" cô bạn cùng đoàn rú lên. Nhưng lúc làm
xong dọn ra, cô cứ khen, anh Hùng làm dồi ngon quá, nhưng hình như thiếu tí...
hành lá. Trời ạ, làng giữa rừng, hành là món
của người Kinh, bà con Tây Nguyên có hệ thống gia vị riêng, đừng đòi hỏi
quá...
Nhưng cô này
dân xứ Bắc, nên đã lợn là phải hành. như cái câu cô ấy thuộc lòng từ bé: Con lợn
ủn ỉn mua hành cho tôi. Vấn đề là, hôm ấy món dồi tiết tôi làm hết thứ nhì, sau
món... tiết canh. Có một thời, đã mổ lợn là phải tiết canh, không thể khác, có
chi mô nơ?
Bài trên Reatimes thứ 2 hàng tuần, có chi mô nơ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét