Thứ Ba, 5 tháng 5, 2020

TỪ CHUYỆN VUA LỬA CẦU MƯA...



          Mấy hôm nay, liên tục trên các phương tiện truyền thông, là tin hạn hán.

          Tất nhiên nơi hạn nhất vẫn là Ninh Thuận. Bài trước, tôi kể chuyện đứa bé chăn cừu, gặp một đám xương rồng đã vun cỏ lại đốt, để cho cừu ăn. Cả người đi chăn và đàn cừu đều mệt lả, đều khô khát. Báo in xong, có bạn nhắn tin: Xương rồng ấy, khi bí, người cũng ăn chứ nói gì cừu.

          Mấy số liên tục, báo Gia Lai đều có những bài về hạn. Những là "Kbang, nguy cơ hạn nặng", "Chư Sê: Gần 500 héc ta lúa đông xuân bị thiệt hại do nắng hạn"- cùng số báo ngày 8 tháng 4/ 2020. Báo Gia Lai cuối tuần ngày 17/4 còn căng nguyên trang bìa tít và ảnh: "Hạn hán trên diện rộng, cây khô, người khát" vân vân...

          Nguyên thủy, Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa khô và mùa mưa, mỗi mùa kéo dài chừng nửa năm. Mùa mưa tức là mùa... nóng, chứ không như các nơi khác mưa kèm lạnh, nhất là xứ Huế, mưa là lạnh tái tê. Và tương ứng thì mùa khô lại là mùa lạnh. Mùa này, nắng và gió, càng nắng càng gió thì lại càng lạnh. Lại cũng lạ nữa, là cái mùa khô này có đến 4 mùa trong một ngày đêm, tức là biên độ nhiệt rất lớn. Từ khuya tới sáng sớm là mùa đông. Rồi tới mùa xuân. Giữa trưa mùa hè. Chiều nhạt là thu và tối lại đông. Nên việc thay đổi trang phục trong ngày khá vất vả. Đi làm thì buổi sáng sùm sụp áo lạnh, trưa lại sơ mi cộc tay, chiều áo khoác mỏng, và tối thì co ro trong nhà, hoặc suýt xoa túm tụm bên những chậu than bán chuối chiên, bắp nướng... bên đường.

          Nhưng giờ thì đã khác, khác đến không biết đằng nào mà lần.

          Lạnh ít, mưa cũng ít. Đa phần chỉ là nắng. Nắng chang chang. Và nóng.

          Ngày xưa dân Pleiku rất ít phải dùng máy lạnh, cùng lắm là cái quạt the thẩy tí buổi trưa. Giờ thì đi trên phố, thấy đít máy lạnh lổm nhổm trong mắt.

          Ở Gia Lai có một ông vua lửa. Chính xác là hậu duệ vua lửa. Vua là cách chúng ta gọi sau này, chứ các ông ấy được gọi là Pơtao. Có mấy Pơtao là lửa, nước, gió. Ông nước ông gió thì mất từ hồi nào, chỉ nghe đồn lại, nhưng ông lửa thì mới mất cách đây hai chục năm, và giờ có cái di tích ở Plei Ơi đang được quy hoạch làm du lịch.

          Thế ông này làm gì?

          Thì ông ấy cũng bình thường như mọi người, hàng ngày đi làm rẫy, tối về ăn cơm với gia đình, cũng có tất cả mọi thứ như dân làng, nếu như làng bình thường.

          Nhưng nếu mà làng có việc, nhất là hạn hán, thì ông có việc.

          Việc của ông lúc này là cúng cầu mưa cho dân làng.

          Và lúc này thì chính thức ổng là vua, vua không ngai. Dân làng tăm tắp nghe theo.

          Tôi đã từng nhiều lần đến thăm ông, từng uống rượu với ông, chụp ảnh ông. Chụp xong ổng cũng bảo: cho tiền chớ? Sổ tay tôi từng ghi về ông: "thực ra xã hội Tây Nguyên chưa có nhà nước. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, đến giữa thế kỷ XX thì Tây Nguyên vẫn còn đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ. Cái gọi là chính quyền mới chỉ xuất hiện vai trò của già làng, một vài nơi có tù trưởng như ông Chut Cheo Reo, người lãnh đạo nhân dân Jrai Ayun Pa chống pháp... Cho nên từ “Pơtao” như lâu nay ta hay dịch là “vua” thực ra là không chính xác. Ở đây, pơtao để chỉ mối liên hệ giữa người Jrai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ. Các Pơtao cũng đồng thời giữ mối liên hệ giữa huyền thoại và lịch sử. Thế tức là Pơtao là những người không thực quyền, họ chỉ có vai trò là cầu nối giữa cộng đồng với các đấng siêu nhiên, cụ thể ở đây là với việc cầu mưa...

Trong hệ thống các "vua" mang yếu tố thần quyền ở Tây Nguyên gồm "vua" lửa, "vua" nước, "vua" gió... thì "vua" lửa là người có vai trò lớn trong đời sống tinh thần các tộc người Tây Nguyên, đặc biệt là người Jrai. Ông "vua" này đã từng nhận sắc phong của triều Nguyễn trong những nỗ lực cố gắng của các vua Nguyễn muốn thâu tóm vùng đất Cao nguyên rộng lớn này. Siu Luynh (mất năm 1999) là đời Pơtao thứ 14 trong hệ thống các Pơtao đã tồn tại ở Tây Nguyên. Gọi là "vua" nhưng thực chất Siu Luynh không khác gì người bình thường, cũng đi làm rẫy kiếm ăn, lấy vợ sinh con, và ngài cũng biết... đòi tiền khi nhà báo đề nghị chụp ảnh. Ông chỉ thực sự có quyền khi mà hạn hán thì ông cúng cho... mưa? và mưa nhiều quá thì ông lại cúng cho... hết mưa để khỏi úng?".

          Nhưng cách đây hơn hai chục năm thì ông... thất nghiệp.

          Ấy là bởi người ta đã làm ở ngay khu làng ông một công trình thủy lợi khổng lồ, công trình thủy lợi Ayun Hạ. Nó đủ sức tưới cho mười ba nghìn năm trăm héc ta, rộng mênh mông, biến cả khu vực khô khát này thành vựa lúa nước khổng lồ.

          Theo tôi, nếu tính những gì nhà nước đã đầu tư lâu nay cho Tây Nguyên để phát triển kinh tế xã hội cho vùng đất này, thì hiệu quả nhất chính là các công trình thủy lợi, trong đó có công trình thủy lợi Ayun Hạ này. Kon Tum, Đăk Lăk... cũng có các công trình thủy lợi như thế. Nó một mặt điều tiết nước để biến đất rẫy Tây Nguyên thành ruộng lúa nước, thành những khu đồng bằng trên cao nguyên. Mặt khác nó điều hòa khí hậu, mà rõ nhất là ở Krông Pa.

          Đây là cái huyện rất lạ. Nó là điểm nối giữa cao nguyên Ayun Pa với đồng bằng Tuy Hòa. Và nó khô khát quanh năm. Có người giải thích cho tôi trong một buổi trưa không thể nào ngủ được vì nóng, rằng ông hãy hình dung đây nó như cái đít chảo, nó hút lượng nắng nóng của mặt trời xuống đáy, rồi quẩn ở đấy, không thoát lên được, và gió cũng không xuống được. Cứ như trên đời này có bao nhiêu oi bức, bao nhiêu tức tưởi, bao nhiêu âm ủ, bao nhiêu tích tụ không tan, bao nhiêu cái thứ khó chịu nhất cứ nhè nơi này mà chiếu xuống, mà hắt mà trút mà đổ xuống. Nóng mấy thì nóng, nhưng nếu có chút gió, chỉ cần phe phẩy thôi cũng được, thì nó cũng sẽ dịu bớt đi bởi nó sẽ được luân chuyển. Đằng này nó cứ như xoáy như cuộn, như ủ như hầm, quyện cứng lại trong một cái đít chảo có tên là Krông Pa. Cứ thế nó âm ủ ở đấy, nó luôn như cái lò gạch đang nung.

          Nhưng giờ, quay trở lại, nó đã mát rười rượi và cũng đầy màu xanh, là nhờ mấy cái công trình thủy lợi, như cái máy lạnh tự nhiên, nó cải tạo, điều hòa cả vùng đất này một cách hết sức thân thiện chứ không cưỡng bức. Nó hòa nhập và chia sẻ chứ không thải ra chất làm thủng tầng ô zôn theo hiệu ứng nhà kính.

          Tất nhiên cũng có ý kiến cho rằng, đắp những cái đập khổng lồ tích nước trên núi như thế là hành động hết sức mạo hiểm. Nó là những quả bom nước lơ lửng giữa trời, mà báo chí nhắc nhiều đến vụ đập Phú Ninh, Quảng Nam năm nào. Giữ được nó, không phải phá đập trong giờ phút hiểm nguy nhất là quyết định hết sức táo bạo, dũng cảm và thông minh của một vị lãnh đạo thời ấy, bởi nếu nó vỡ, cả thành phố Tam Kỳ và vùng rộng lớn xung quanh sẽ trở thành biển nước. Rồi những cái hồ khổng lồ ấy sẽ ảnh hưởng tới cả lực quay của trái đất. 90% vật chất hữu cơ của trái đất là do cây tạo ra từ nước, ánh sáng và không khí. Lại nhớ câu thơ rất hay của thi sĩ Xuân Diệu dạo nào: "Trái đất ba phần tư nước mắt/ đi như giọt lệ giữa không trung".

          Và như những bài trước tôi đã đề cập, rừng tự nhiên hết là một trong những nguyên nhân chính làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên. Rồi thủy điện, một hệ thống sông bị mấy con đập ngăn làm điện, bất cứ chỗ nào có nước cũng làm thủy điện, rầm rộ một thời, nắn sông vô tội vạ cũng khiến nước tự nhiên hết. Và trồng cây công nghiệp nhiều, nhất là cà phê, phải khoan giếng để tưới cũng ảnh hưởng rất lớn đến hệ nước ngầm trong vỏ trái đất... tất cả, nó khiến cho không chỉ Tây Nguyên thiếu nước, mà cả đồng bằng cũng liên lụy.

          Một anh bạn là chuyên gia nông nghiệp cho biết: hiện nay toàn tỉnh Gia Lai có trên 300 công trình thủy lợi lớn nhỏ từ hồ đập bổi tràn vân vân, tưới cho khoảng 40 ngàn héc ta, trong đó có 15 ngàn hec ta lúa 2 vụ. Hồ Ia Ly chung với Kon Tum rộng 7 ngàn héc ta mặt nước, hồ Ayun Hạ rộng 4 ngàn héc ta. Hiện đang làm thêm cái hồ Ia Mơ để tưới cho 30 ngàn héc ta cả Gia Lai và Đăk Lăk.

          Nhưng cũng phải thấy một điều nữa là, hiện nước ngầm đang bị khai thác thiếu kiểm soát nên tụt mạnh. Giờ có những quy định khá chặt chẽ, như muốn đắp một cái hồ phải có báo cáo tác động môi trường.

          Song nói gì thì nói, tốt nhất vẫn là tôn trọng tự nhiên.

          Thông tin từ các chuyên gia cho biết, hiện đang chuẩn bị là đỉnh hạn ở các tỉnh Miền Trung, Tây Nguyên. Trong khi đó ở Nam Bộ thì bị nước mặn xâm nhập. Và lý do mà nước mặn xâm nhập thì lại cũng là do... hạn, nước ngọt hết thì nước mặn thế chỗ.

          Pleiku chỗ tôi đang sống mấy hôm nào chiều cũng... dọa mưa, nhưng không mưa được. Cái không khí dọa mưa nó kinh lắm, oi bức hầm hập khó chịu. Và trong lúc ấy thì ở các tỉnh cực bắc, mưa đá to hơn hồi giao thừa năm nay.

          Tức là ở cả nước ta, chỗ nào cũng đang có vấn đề về... nước.
-------
Vẫn là loạt bài về Tây Nguyên cho báo Cảnh sát toàn cầu ạ.



                                                                                  
         

Không có nhận xét nào: