Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

CÀ PHÊ CHỒN



          Tôi nghiện cà phê cũng đã mấy chục năm rồi. Ly cà phê đầu tiên trong đời là cà phê đen, uống ở bến xe An Hòa, Huế năm 1975, nó khiến tôi suốt đêm chong chong ở cái nhà trọ tồi tàn thời ấy. Nếu tính cái thứ nước vừa đen vừa đắng ấy đổ vào người tới giờ dễ cũng phải mấy phuy, dù cà phê nó khác hẳn bia với rượu là không thể uống nhiều được. Một ly cà phê chưa đủ để người ta ực một ngụm, nếu uống theo phong cách trăm phần trăm của bia rượu thì chỉ tích tắc là xong. Thế mà, chỉ với mấy xê xê cà phê ấy, người ta có thể ngồi nhâm nhi cả buổi, nhanh cũng phải nửa tiếng, còn nhẩn nha có khi cả ngày.

          Thế tức là, cà phê nó lại không đua theo lượng, mà đua theo không khí. Không khí cà phê ấy, và nữa là chất lượng cà phê.

          Nhưng chất lượng cà phê nó lại là cái gì đấy rất tù mù.

          Như tôi, suốt mấy chục năm cà phê thì cũng chia ra mấy giai đoạn.

          Giai đoạn đầu, cà phê nhưng lại... không phải cà phê. Nó là thứ nước được  gọi là cà phê nhưng lại... rất ít cà phê. Thậm chí là, không có tí cà phê nào. Thế nó là cái gì? Nó gồm bột ngô (bắp), hạt cau, mỡ gà/ bò vân vân... cho ra một thứ đen đen đắng đắng. Và nó cũng quyến rũ con người như... cà phê.

          Rồi giai đoạn cà phê chiếm 2/3. Thì cũng uống như thế.

          Sau cái vụ "cà phê pin" rộ lên thì ý thức cà phê sạch bắt đầu. Người ta có cà phê phin sạch và cà phê ép càng sạch.

          Nhưng có một thứ cà phê mà có tiền chưa chắc anh đã được uống, dẫu trên thị trường đây đó thấy vẫn có bán: cà phê chồn.  

Lần tôi vào cafe 24 Pleiku, uống cà phê với mấy đồng nghiệp để tiện thể nhận tờ báo biếu và lời cảm ơn, kêu ly cà phê quen thuộc uống rồi, thì một lát chủ quán Xuân Dân bưng ra mấy ly cà phê chồn chiêu đãi. Một nhà báo nữ kêu lên: Ôi cà phê chồn, mấy trăm ngàn đấy, chắc nhờ oai anh Hùng. He he tôi bảo oai gì mà oai, chủ quán này tốt bụng từ lâu rồi, lấy cái sự khoái khẩu của khách làm niềm vui, chứ kinh doanh là... phụ.

Tất nhiên cà phê chồn nó khác hoàn toàn với cà phê... không chồn. Còn nó khác thế nào thì phải trực tiếp uống mới thẩm định được. Và nói luôn, cà phê chồn với cà phê hương chồn là hoàn toàn khác nhau. Chả biết tự bao giờ, người ta phát hiện ra rằng những hạt cà phê chui ra theo... cứt chồn, vì không tiêu hóa được, nhặt lại, rửa sạch rồi rang xay, nó là thứ thượng đẳng cà phê, là cái thứ nhiều người có tiền đống cũng không được xơi. Thế mà tôi, được uống miễn phí, được trực tiếp một chủ nhân cà phê sành cà phê vào loại bậc nhất thủ phủ cà phê Pleiku pha chế cẩn thận và chu đáo bưng ra.

Nhân tiện mới kể nhớ rằng cách đây dăm năm tôi có cả cân cà phê cứt chồn thứ thiệt.

Ấy là có ông Hoàng Văn Hùng, ở xã Ia Hrú, Chư Sê, lâu lâu lại gửi một phong bì dày cộp... thơ, gửi chuyển phát nhanh, cho tôi, khi ấy đương là tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ, nhờ đọc. Chữ nguệch ngoạc trên giấy học trò, nhưng thi thoảng có những bài thơ, câu thơ khá ổn. Nói thêm, tôi cương quyết không bao giờ đăng thơ dở trên tạp chí dù đấy là ông giời (Tạp chí văn nghệ địa phương rất hay bị trở thành nơi đăng thơ của các đồng chí lãnh đạo, nhất là các bác chuẩn bị về hưu, và đã về hưu), nên bị khá nhiều bác lãnh đạo ghét. Tôi chọn một số bài thơ của ông Hoàng Văn Hùng này in trên tạp chí. Ông ấy sướng lắm. Ông này là nông dân thứ thiệt, đi giữ rẫy thuê, tối thắp đèn dầu lên và... làm thơ.

Một hôm đến cơ quan thấy trên bàn có một túm như túm lạc rang đã bóc vỏ đùm trong miếng nilon rách, có kiến đang bò và cả đất nữa. Bèn hỏi nhân viên: Đứa nào to gan ăn lạc rang thừa bỏ lên bàn chú đấy. Chúng ngơ ngác hết, làm gì có đứa nào ăn gan hùm đâu chú. Mãi sau có một đứa đến muộn bảo: Hôm qua có một ông đi cái xe cúp, trông đỏ từ đầu đến chân, xệch xạc lắm, ghé vào gửi chú cái túm ấy, cháu chả biết gì nên để lên bàn chú. Lục mãi thì thấy có mấy chữ nguệch ngoạc quen quen biết là ông Hoàng Văn Hùng: "Em gửi anh mấy hạt cà phê chồn anh uống cho vui". Tìm số điện thoại bàn gọi mãi mới được thì đầu kia một giọng Nờ Lờ lẫn lộn oang oang: "A em chào bác. Em trông rẫy cho người ta, mỗi sáng dậy lại thấy có mấy bãi cứt chồn, lấy que gạt ra, mỗi bãi cứt có một hai hạt, em nhặt phơi khô để dành, hôm qua ra phố mua ít đồ em ghé biếu bác vì nghe nói nó ngon chứ em trông rẫy cà phê thuê cho người ta mà, cả đời có biết, có được uống cà phê đâu?".

Tôi mang chỗ cà phê ấy ra cà phê Thu Hà, nhờ ông Giác chủ quán xay hộ. Hôm sau ra thấy ông bao bì hút chân không rất kỹ 2 gói, mang về uống nhí nhách cả tháng. Hồi ấy mà cà phê được gói hút chân không là loại cực xịn, cà phê thường cũng hóa hạng nhất, huống gì đây là cà phê chồn thật. Là sát hông cơ quan tôi có cái quán cà phê cóc, thế là mang ra bỏ đấy, sáng ra thì chị chủ quán lấy cà phê ấy pha riêng cho tôi. Nhưng tính tôi thảo, nên có ai ngồi cùng là bảo chị ấy pha luôn cho. Nhiều khi không nói trước, nên bạn được mời chiêu một ngụm xong nhăn mặt: Cà phê gì mà nhạt toẹt, huhu...

Ấy là ông này quen uống cà phê hương liệu, cà phê trộn giời ạ. Đến lúc được uống cà phê xịn thì lại... chê.

Nên cứ đồn cứ nói thế cho oai, rằng tôi nghiện cà phê, thích uống cà phê... nhưng không phải ai cũng có thể biết thưởng thức cà phê cho nó ra cà phê. Và thi thoảng thì bị lừa.

Là vì tôi thấy trên thị trường có rao bán cà phê chồn, cực đắt.

Có ông đại gia kia, trồng mấy héc ta cà phê, mua chồn thả vào. Thứ nhất không phải con chồn nào cũng ăn cà phê. Thứ 2 không phải hạt cà phê nào ăn xong ị ra cũng ngon. Chỉ có quả chín mới ngon, mà theo một ông bạn cũng nuôi chồn để lấy... cứt, thì chồn rất ngẫu hứng, lúc ăn quả xanh, lúc ăn quả chín. Và ba, chồn ăn rất ít. Cái đùm cà phê chồn thứ thiệt mà ông Hùng kia tặng tôi, sau ông bảo, ông nhặt trong... 2 năm. Thế tức là để có cà phê bán ra thị trường, dẫu chỉ vài tạ, thì phải nuôi hàng triệu con chồn?

Vâng, không dễ để có cà phê chồn mà thưởng thức. Và khi có rồi, cũng chưa chắc đã biết nó ngon...






                                                             


Không có nhận xét nào: