Chưa kịp viết thì hôm nay thấy bác Lê Đình Cúc, PGS, TS mail cho mình: "Kính thưa nhà văn Văn Công Hùng.
" Kiến kỳ thanh bất
kiến kỳ hình."| Nghe tên anh đã lâu, cuối thế kỷ XX, qua anh Thạch, khi
anh Thạch còn làm viêc ở Tây Nguyên nhưng mãi bây giờ tôi vẫn chưa được
gặp Anh. Tôi vẫn đọc Anh, thơ, văn xuôi và cả... tạp văn. Hôm qua đọc blog
của Anh, trong đó có ý kiến của Anh về mại dâm. Tôi hoàn toàn đồng ý.
Tôi viết bài này gửi nhờ Anh post lên trang của Anh nhé. chúc Anh và
gia đình vui, khoẻ, Anh sáng tác được nhiều.
Thân mên
Ngày 22/4/2013
Lê Đình Cúc
---------
MẠI DÂM VÀ
VĂN HÓA.
`
Trong rất nhiều định nghĩa về văn hóa, định nghĩa của ông
Fredico Mayor – Giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 1987 – 1999 được nhiều người chấp
nhận: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của
đời sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như
đang diễn ra trong hiện tại…”
Như vậy là văn hóa nằm trong “mọi mặt của đời sống” “trong
quá khứ và hiện tại”, do con người sinh ra và phục vụ con người. Khách quan
phải thừa nhận ngôn ngữ, tôn giáo, văn học , nghệ thuật…là văn hóa. Mại dâm
cũng do con người sinh ra, đồng hành với sự tồn tại của con người trong suốt
chiều dài lịch sử của nhân loại. Vậy nó cũng phải là một yếu tố của văn hóa.
Văn hóa có những đặc điểm và quy luật đặc thù. Đó là bảo
lưu và bài trừ. Tự thân văn hóa sẽ bảo lưu những yếu tố tiến bộ và cách mạng
(không phải hiểu theo nghĩa chính trị) phù hợp với cuộc sống đòi hỏi. Cũng tự
nó bài trừ những yếu tố lạc hậu, phản động của phát triển xã hội. Dù là bảo lưu
hay bài trừ thì đều có độ trượt nhất định. Các thời đại khác nhau, các nhà cầm
quyền khác nhau khai thác và sử dụng những đặc điểm và quy luật này của văn hóa
để phục vụ cho chính sách của mình cũng khác nhau.
Với vấn đề mại dâm cũng vậy. Có nước thì cấm đoán ngặt
nghèo, có nước thì tự do hoạt động. Ở ngay một nước thì có thời kỳ coi vấn đề
này hết sức ghê tởm nhưng có thời kỳ thì coi là bình thường. Cuộc cách mạng
tình dục ở Mỹ (những năm 60 thế kỷ trước) tạo điều kiện giải phóng cá nhân ở
mặt tình dục và mại dâm phát triển. Cũng một nước, một xã hội nhưng dư luận
không khắt khe với tầng lớp nghệ sỹ, người mẫu, cầu thủ thể thao…nhưng mà các
chính khách dính vào thì bị lên án nghiêm khắc.
Như thế để thấy mại dâm không phải là cái gì đó ghê gớm .
Nhưng dù muốn hay không muốn thì mại dâm vẫn tồn tại khách
quan trong đời sống văn hóa của loài người hàng nghìn năm nay. Yêu cầu để mại
dâm tồn tại là quan hệ giới tính, kể cả quan hệ đồng tính, trước hết là thỏa
mãn nhu cầu của con người (trong đó nhu cầu bản năng là hết sức quan trọng).
Những nhà kinh điển của triết học Marx đã chỉ rõ là nó xuất hiện từ khi có quan
hệ hôn nhân một vợ, một chồng cùng loài người song hành đến ngày nay. Và chắc
chắn còn kéo dài vô tận cho đến khi còn con người, bởi văn hóa không phải là
lịch sử do đó không có ra đời và kết thúc. Khi còn con người là còn văn hóa.
Con người là sinh vật tuyệt vời nhất do tạo hóa sinh ra.
Con người là đỉnh cao nhất của sự tiến hóa, con người có lý trí, có tình cảm,
có nụ cười, tiếng khóc, có tình yêu, lòng căm thù có tư duy, có ngôn ngữ, có
chữ viết, trong đó có dục vọng và tình dục (sex), nhưng dù sao thì khởi thủy,
con người cũng là sinh vật.
Sinh vật với bản năng
là duy trì nòi giống. Cây cỏ có hoa đơn tính và hoa lưỡng tính, thụ phấn
nhờ gió, nhò côn trùng mới đơm hoa kết quả và cũng nhờ tự nhiên (côn trùng chim
muông, mưa gió mà phát tán giống nòi, sinh sôi khắp trái đất). Đến động vật bậc
thấp, chưa có hệ thần kinh, từ thủy tức đến giun cũng có cách duy trì nòi giống
của chúng theo bản năng. Tiếp đó, cao hơn là sinh vật đã có giống đực và giống
cái, cả trên cạn và dưới nước (tôm cá) cả sinh vật lưỡng cư là ếch nhái đều có
giống đực và giống cái và nhu cầu bản năng duy trì nòi giống là nhu cầu duy
nhất, quyết định sự tồn tại của mỗi loài.
Và vì không phải là con người nên việc giữ gìn nòi giống của
thực vật phải theo mùa – mùa hoa nở để thụ phấn, làm hạt cho mùa sau. Sinh vật
phải có chu kỳ, có mùa trao đổi và quan hệ giới tính để thụ tinh. Với động vật
là mùa “động đực”, chỉ ở thời điểm đó của mỗi loài thì con cái mới chấp nhận để
con đực giao phối.
Chỉ có con người là không có “mùa”, không có “chu kỳ” quan
hệ giới tính. Người phụ nữ chỉ có người kiêng mấy ngày có kinh còn đàn ông thì
bất kể. Chỉ khi dưới “Nữ thập tam, nam thập lục” nghĩa là còn
con nít, có thể chưa sản sinh ra hóc-môn và đến khi già (tùy thuộc từng người)
không có khả năng giao hợp nữa thì mới nghỉ. Còn thì quanh năm, tứ mùa…lúc nào
con người cũng có thể làm chuyện ấy. Cũng vì vậy mà con người đã sinh ra hai từ
khác nhau là tình yêu và tình dục. Trong sinh hoạt giới tính có
khi tình yêu và tình dục hòa làm một nhưng tất nhiên là nhiều khi tình dục
không trùng với tình yêu. Sinh vật, từ thực vật đến động vật không có hai khái
niệm này. Đến con người mới có và càng ngày hai từ này càng được sử dụng rộng
rãi. Và có nghĩa cụ thể trong đời sống.Nhu cầu tình dục là nhu cầu bản năng của
con người. Kinh Thánh cho ta biết mâu thuẫn đầu tiên của con người dẫn đến việc
Cain giết em trai Abel là mâu thuẫn xẩy ra khi tranh cãi ai là người được sở hữu
Eva, người đàn bà duy nhất trên trái đất .(1)Từ sử thi Ilat Odise đến Trường ca
Đam San và rất nhiều tác phẩm văn học khác, từ văn học dân gian đến văn học bác
học đều nói đến mục tiêu trong những cuộc chiến tranh đẫm máu là chiếm đoạt đàn
bà.
Như vậy để thấy nhu cầu tình dục là bản năng và mại dâm
không phải do ai đó sinh ra và là “sản phẩm của xã hội tư bản”, “xã hội do đồng
tiền quyết định”.
Đến nay đời sống tình dục của con người
đã trải qua 3 thời kỳ:
1. Con người vốn đi
lên từ kinh tế nông nghiệp, gieo trồng và chăn nuôi. Thưở ấy của cải dành dụm
được trước thiên tai, thú dữ là rất ít ỏi. Chưa đủ ăn đủ mặc nhưng bản năng duy
trì nòi giống vẫn là yêu cầu cao nhất của mỗi con người. Do đó quan hệ giới
tính là để đáp ứng nhu cầu đó. Quan hệ hôn nhân cũng phát triển từ bầy đàn đến
đơn vị gia đình đã ra đời. Từ gia đình mẫu hệ, kéo dài hàng vạn năm chuyển dần
sang phụ hệ (nói chung là vậy bởi ngày nay nhiều dân tộc vẫn là quan hệ mẫu
hệ).
Dù mẫu hệ hay phụ hệ thì quan hệ giới tính cũng đã bị ràng
buộc bởi quan hệ gia đình. Quan hệ vợ chồng hạn chế quan hệ sinh lý giữa một người với nhiều người.
2. Xã hội và kinh tế
phát triển, nhu cầu ăn mặc dần được đáp
ứng. Con người đã có ăn có mặc. Nhu cầu duy trì và phát triển nòi giống đã được
giữ vững, và dù là xã hội nông nghiệp lạc hậu, nghèo như nước ta thì vẫn xẩy ra
tình trạng “No cơm ấm cật – Dậm dật con người”, và nhu cầu thưởng thức cái đẹp,
cái lạ càng được nâng cao “Một cái lạ bằng một chạ cái quen”
đã phản ánh một nhu cầu có thật là đòi hỏi
thõa mãn một phần của đời sống tinh thần con người (nhu cầu vô tận của con
người ngoài nhu cầu vật chất có giới hạn) đó là nhu cầu giới tính. Nhu cầu này
ít ra là ngang với nhu cầu duy trì nòi giống.
3. Trái đất vốn nhỏ bé. Việc sinh sôi nẩy nở nòi
giống đã đưa đến hiện tượng bão hòa về con người. Học thuyết “Nhân mãn” của
Malthus ra đời, (có chỗ còn có thể bàn luận về học thuyết này) nhưng Học thuyết
nà cho thấy con người đã sinh sản theo cấp số nhân nhưng của cải vật chất thì bị
giới hạn. Chỉ trong thế kỷ XX, con người đã đông lên gấp đôi thế kỷ trước: 6 tỷ
người. Con người biết điều này đang đe dọa sự sống của chính mình. Tuy vậy nhu
cầu thỏa mãn giới tính thì càng ngày càng cao hơn. Ngoài nhu cầu bản năng là sự
sung túc và thỏa mãn đời sống vật chất là công nghệ truyền thông video, phim
ảnh, âm nhạc... kích động và khuyến
khích nhu cầu bản năng (các trang Facebook, Yahoo, Google…đầy các trang sex,
rồi những hình ảnh các minh tinh điện ảnh, người mẫu thay người tình như thay
áo). Con người phải nghiêm túc trong việc hạn chế sinh đẻ và lại phải nghiêm
túc trong việc đáp ứng nhu cầu thỏa mãn giới tính.Từ đó các phương pháp tránh
thai, các loại thuốc ngừa thai, bao cao su đã ra đời cùng với các loại thuốc
kích thích tình dục.
Đó là xem xét trên hiện tượng phổ biến của xã hội. Thực tế
để thỏa mãn nhu cầu giới tính và hạn chế sinh đẻ thì không phải bây giờ mới có.
Từ thời cổ đại, trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Ai Câp, trong các Kim tự
tháp thấy người ta đã tìm thấy dụng cụ tránh thai: ruột cừu bào mìn giống như
bao cao su ngày nay.
Như vậy để thấy thỏa mãn nhu cầu giới tính của con người là
khách quan, có lịch sử lâu đời, tồn tại song hành với sự phát triển của loài
người. Trong đó quan hệ giữa đàn ông và đàn bà ngoài quan hệ hôn nhân đã có từ
ngàn xưa, và cũng là khách quan. Cùng với nó là mại dâm ra đời. Mại dâm là mua
bán dâm. Có bên mua – bên bán. Trao đổi bằng vật ngang bằng hay bằng tiền, tức
là một giá trị chỉ là một biểu hiện cụ tể của việc thõa mãn giới tính mà thôi.
Mại dâm như một thứ nghề có từ thời
thượng cổ. “Đông Thu Chiến Quốc” viết
về Trung Quốc thời thế kỷ VI – III trước công nguyên có đoạn Tề Hoàn Công hỏi ý
kiến Quản Trọng chính sách để làm cho nước Tề hùng mạnh. Quản Trọng nói: “Khai
mỏ để đúc tiền, nấu nước bể để làm muối, cho lợi chung cả thiên hạ. Lại thu mua
hàng hóa của thiên hạ buôn để một chỗ, đến dịp cao mà bán ra để lấy lãi; làm ba trăm nhà lầu nữ (nhà thổ) cho khách
đi lại buôn bán tụ họp ở đó để đánh thuế, như thế thì của dùng phải đủ”.(
1) Ở nước ta, một nơi nghèo đói và là đất Nho học như vùng quê Hà Tĩnh, nơi có núi Mu Rùa (hình
núi giống mai con rùa) còn lưu lại câu ca dao:
Trăng lên đỉnh núi mu rùa
Cho anh mần chịu đến mùa trả khoai.
Hoá ra cái sự mua , bán này không chỉ có"
tiền ngay thóc thật" mà còn có thể " mần chịu", nghĩa là trả
sau!
Dưới mọi hình thức: nhà thổ, khách sạn sang trọng, khu đèn
đỏ (Red lantern), nhà khách, nhà nghỉ hay gái gọi…bản chất đều là thỏa mãn nhu
cầu giới tính của con người. Ở nước nào khắp trên thế giới đều có.
Vấn đề là chính quyền mỗi nước có cách tổ chức
và xử trí khác nhau cho phù hợp với văn hóa và xã hội của nước mình. Bởi mại
dâm cũng là một yếu tố của văn hóa.(2)
Hạnh Liên
-----------------------------
( 1) Phùng Mộng Long, Đông Chu liệt quốc, Nguyễn Đỗ Mục dịch,
Cao Xuân Huy hiệu đính. Nxb Văn học .H.2011.tr 185.
(2)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường:|" Mại dâm là môt hiện tượng xã hội, dù
muốn hay không vẫn tồn tại. Cần có sự đổi mới trong thái độ đối xử với người bán
dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế,xã hội phù hợp hơn là biện pháp
chế tài tư pháp."Báo Lao Động. Số ngày 10/8/2012.
2 nhận xét:
Đăng nhận xét