Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

ĐỒ MẶT...XXX

Có một câu chuyện vui ở một vùng cực bắc, một bà bị bệnh phụ nữ, lên ủy ban xin giấy khám bệnh, giấy giới thiệu ghi: chị Lò Thị Tôn, đến bv khám...XXX. Bà này đến BV hỏi cô y tá: cô ơi chỗ khám XXX ở đâu. Cô này bảo: Bà ơi ở quê gọi thế nào cũng được, nhưng ở đây lịch sự người ta gọi là phụ khoa bà nhé, kia ạ, phòng khám phụ khoa ở kia. Thế là bà biết được cái XXX là cái phụ khoa. Chiều ấy nhà bà có 1 con gà không về chuồng, biết chắc chắn nó bị mất trộm, bà ra vỗ... phụ khoa và chửi: Chúng mày ăn gà của bà như ăn phụ khoa bà đây này, cha tiên sư bố chúng mày... lạ là mấy lần trước, khi bà vỗ XXX chửi chúng ăn XXX của bà thì chúng... thả gà ra, lần này chúng im thin thít, gà mất và bà cũng mỏi mồm chửi và vỗ... phụ khoa...

Là cứ nhớ câu chuyện ấy khi trên báo chí đang tranh cãi cái tập dịch "Những thứ họ mang" của Trần Tiễn Cao Đăng liên quan đến câu "mặt XXX". Thực ra trong đời thường, tôi, và nhiều bạn bè tôi cũng hay nói (yêu) nhau đồ mặt này mặt kia, có đứa còn ngoác mồm cãi lại: ví mặt tao với cái ấy nó... xúc phạm cái ấy... Vấn đề là anh dùng đúng nơi đúng chỗ, nó đắt và phù hợp văn cảnh. Như bà kia xuống phố thì dùng phụ khoa nhưng khi về mang phụ khoa ra chửi thì gà vẫn mất, nhưng chửi bằng XXX thì chúng phải thả gà, dù sự vật chỉ là 1.

Vấn đề là té ra TTCĐ dịch cuốn này không chỉ có cái từ gây tranh cãi ấy, nó còn một lô xích xông cẩu thả nữa. Sáng nay ngồi với nhà thơ Phan Hoàng, mình có bảo: kể ra bây giờ ngồi cặm cụi dịch một cuốn sách cho nó sạch sẽ chỉn chu thì cũng đáng phục thật. Nhưng lỗi đến như phát hiện của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì đúng là không thể chấp nhận. Và mình thấy cái có tình có lý của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nữa...

Nó đây:


Những thứ họ mang hay là câu chuyện về “các cô Ba”





Không hiểu sao, đọc phản ứng của một số bạn về chất lượng bản dịch của cuốn Những thứ họ mang, mình cứ nghĩ đến các “xiao san” (là từ lóng chỉ vợ bé của các quan tham Trung Quốc). Được ông chồng hờ mua cho chiếc túi hiệu của Louis Vuitton, họ mang đi khoe khoang suốt ngày cho tới khi có người căn cứ vào chất liệu và đường kim mũi chỉ bảo cái túi này chỉ là túi Louis Vuitton làm ở Quảng Châu, rằng họ đã bị lừa vì mua phải đồ giả. Thay vì im lặng cất cái túi ở nhà, các “dì Hai” (dịch một cách máy móc thì xiao san phải là “cô Ba bé nhỏ”) lại gân cổ lên thì mà là “nó cho cái túi mà đeo là tốt rồi” hoặc là “cho dù là hàng fake thì đây cũng là fake xịn”. Cơ khổ!


Bản dịch Những thứ họ mang là một bản dịch thảm họa. Thảm họa vì những lỗi dịch sai là những lỗi hết sức thông thường và cơ bản, và một học sinh phổ thông được học hành cẩn thận cũng không sai những lỗi ấy. Ở đây không thể nói là “dịch thoáng”, ở đây là những lỗi dịch sai hoàn toàn, và bất cứ một người đọc cẩn thận nào khi đọc những câu tiếng Việt vô nghĩa đều có thể nhận ra được.


Trước hết, xin nói về những lỗi mà tôi gọi là “dịch mà như không dịch”- đây là những lỗi liên quan đến hiểu biết về văn chương thời chiến của dịch giả cộng thêm lối dịch máy móc từ sang từ mà không tìm hiểu từ tương đương. Có một loạt những ví dụ kiểu “một loại dây đeo quanh thắt lưng có khóa” (trong khi tiếng Việt chỉ gọi đơn giản là cái thắt lưng) như “military payment certificates” được tác giả dịch thành “chứng nhận thanh toán cho quân nhân”, dog-tag” được dịch thành “thẻ ghi tên”, safety pins dịch là “kẹp giấy”, thức ăn nóng thì đựng trong “lon marmite màu xanh lục”, rồi “ insignia of rank” được dịch là “phù hiệu cấp bậc”, rồi ” he’d stolen on R&R in Sydney, Australia” được dịch thành “thó được ở Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí dành cho quân nhân ở Sydney, Úc”. Bất cứ ai quen thuộc với không khí lính trận đều biết không có thứ gọi là “chứng nhận thanh toán cho quân nhân” mà người ta gọi đơn giản là “phiếu quân dụng” hay người dân miền Nam hay gọi là đồng đô-la đỏ, dog-tag được dịch là thẻ bài, safety pins là cái kim băng, cái “lon marmite màu xanh lục” bí hiểm kia chỉ là cái cà-mèn nhiều ngăn của lính Mỹ, cái “phù hiệu cấp bậc” khó hiểu ta gọi đơn giản là “quân hàm”, “on R&R” chỉ nói về hoạt động “nghỉ xả hơi” của lính Mỹ ở nước ngoài (chứ không tồn tại một Trung tâm Nghỉ ngơi Giải trí quái quỉ nào). Khi dịch về vũ khí và khí tài quân đội, dịch giả đơn thuần là tảng lờ những từ anh không hiểu. Ví dụ, trong nguyên tác, tác giả viết “at various times, in various situations, they carried M-14′s and CAR-15′s and Swedish K’s and grease guns and captured AK-47s and ChiCom’s and RPG’s and Simonov carbines and black-market Uzi’s and .38-caliber Smith & Wesson handguns and 66 mm LAW’s and shotguns and silencers and blackjacks and bayonets and C-4 plastic explosives” được dịch thành “có những lúc, trong một số hoàn cảnh, họ mang M14 và CAR15 và súng máy Cark Gustav M/45 của Thuỵ Điển và súng máy hạng nhẹ và AK47 và Chi-Com và súng chống tăng và cạc bin Simonov tịch thu của địch và Uzi và súng lục Smith&Wesson 38 ly và LAW 66 ly và súng ngắn và bộ hãm thanh và dùi cui bọc da và lưỡi lê và thuốc nổ C-4 bằng chất dẻo mua ở chợ đen”. Chưa kể những lỗi dịch sai như từ “chợ đen” chỉ nói về súng Uzi thì lại nói về thuốc nổ C4, thì dịch giả bỏ qua không thèm dịch từ “ChiCom” (vốn nên dịch là Trung Cộng-ChiCom là viết tắt Chinese Communist) dùng để chỉ súng trường K56, từ CAR 15 là một loại tiểu liên cực nhanh, khẩu “cạc bin Simonov” đã quá thông dụng dưới cái tên súng trường CKC, khẩu LAW là súng chống tăng M72, “shotgun” không thể là “súng ngắn” còn thuốc nổ C4 là thuốc nổ dẻo (chứ không phải thuốc nổ bằng chất dẻo). Tất cả các loại máy PRC vốn rất thông dụng ở chiến trường Việt Nam với hai loại, PRC 25 và PRC77 và được gọi là “máy truyền tin” không hiểu sao lại được tác giả sáng tạo thành “radio vệ tinh” (máy PRC77 trong nguyên tác là scrambler radio máy truyền tin phá sóng). Anh Nguyễn Vạn Phú nói về sự hài hước khi dịch helmets và flak jackets (nón sắt và áo giáp, áo chống đạn) thành mũ cối và áo khoác (“Trong cái nóng ban trưa, họ bỏ mũ cối, cởi áo khoác”- lính Mỹ mà đội mũ cối mang áo khoác ra trận cũng là hình ảnh dí dỏm). Ngay cả những thứ đơn giản nhất như “smiling Buddha” cũng được dịch là “tượng Phật cười” một cách rất “ngoại quốc” trong khi nó có một từ tiếng Việt rất đơn giản là tượng Phật Di Lặc.


Những lỗi thứ hai, tạm gọi là những lỗi dịch do không hiểu đời sống và văn hóa Mỹ, dẫn đến những lỗi dịch hết sức buồn cười. Ví dụ như trong nguyên tác, tác giả viết về “Dr.Scholl foot powder” được dịch giả dịch ra thành “loại thuốc bôi chân của bác sĩ Scholl’s”, trong khi “Dr.Scholl” chỉ là tên thương hiệu của loại thuốc bôi chân cho bớt hôi (nên dịch thành “thuốc bôi chân hiệu Dr.Scholl”), hoặc “Sterno” là loại xăng khô đóng hộp thì được dịch là “đồ Sterno” (cái đồ quỉ quái gì đây?), “The Stars and Stripes” được dịch một cách thản nhiên là “cờ sao vạch” trong khi nó là tờ tạp chí của Quân đội Mỹ, hay “Sunday School”, cái tên mà nếu ai đọc Tom Sawyer đều biết người ta chỉ dịch là “trường Chủ nhật”- nơi dạy giáo lý cho trẻ em-lại được dịch là “trường dòng” vốn là trường đào tạo linh mục, “dope” là cần sa hay ma túy đều được dịch thành thuốc phiện (lấy đâu ra điếu để hút thuốc phiện vậy trời?). Cơ bản nhất, có lẽ là lỗi dịch ở ngay khổ đầu tiên của truyện ngắn, với nguyên tác “she was an English major” được dịch một cách ái ngại thành “nàng học khoa Anh ngữ” (trong khi một học sinh phổ thông cũng hiểu phải dịch là “nàng học khoa Văn” hay “nàng học khoa ngôn ngữ”). Hoặc như câu “hắn mang một đèn pin cỡ mạnh và mang trách nhiệm với sinh mạng của quân lính hắn” tôi cứ băn khoăn cái “đèn pin cỡ mạnh” thì liên quan gì đến sinh mạng của lính. Hóa ra trong nguyên bản là “He carried a strobe fight and the responsibility for the lives of his men”- tôi đoán dịch giả nhìn nhầm chữ “strobe fight” với chữ “strobe light”!


Chỉ ở truyện ngắn đầu tiên, hơn mười trang viết, tôi đếm được khoảng năm mươi lỗi dịch sai, dịch bớt xén, dich mà như không dịch. Chưa nói về dịch hay hay dở (vốn là thứ rất khó xác định), nhưng với số lượng lỗi sai như thế, liệu đã có thể gọi đây là một thảm họa dịch thuật nữa hay không? Với kiến thức và trình độ cả hai ngôn ngữ như vậy, liệu các tác phẩm khác của dịch giả này sẽ có chất lượng thế nào? Tôi tin rằng nếu cẩn thận đối chiếu kỹ các tác phẩm dịch khác của anh, danh sách những lỗi dịch thuật cơ bản sẽ không chỉ dừng lại ở đây. Và trách nhiệm của nhà xuất bản Nhã Nam, của công tác biên tập ở đâu khi cho ra đời những tác phẩm cẩu thả như thế?


Cho nên các “xiao –san” ơi (các cô Ba ơi), các cô có thể tự hào về việc mình bị lừa, mình tiêu thụ một sản phẩm nhái dưới qui cách, nhưng đừng nghĩ tất cả các độc giả đều không phân biệt đâu là sản phẩm có giá trị, đâu là sản phẩm giả.
------


Nguyễn Quang Thiều: Nguyên tác không 'tục' như bản dịch



Thay vì một vài câu trả lời về đoạn dịch gây tranh cãi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã chia sẻ với độc giả VietNamNet một sự hiểu biết và trải nghiệm suốt 20 năm của anh về Tim O’Brien và "Những thứ họ mang".


Một nhà báo của VietNamNet hỏi tôi một số câu hỏi về chuyện này. Vì thế, tôi viết ra một vài suy nghĩ nhỏ của mình để cùng trao đổi với dịch giả và bạn đọc. Cá nhân tôi là người lâu nay đánh giá cao năng lực dịch văn học của Trần Tiễn Cao Đăng. Anh còn là một người sáng tác truyện ngắn từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cuốn sách này tôi đã đọc từ rất lâu do Tim O’Brien ký tặng. Nhưng quả thực, tôi không nghĩ đến một câu tiếng Việt như Trần Tiễn Cao Đăng dịch.


Việc không ít bạn đọc phản đối câu dịch này là chuyện dễ hiểu. Cho dù câu tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng chính xác 100% và không thể có một cách dịch thứ hai nào nữa thì đông đảo bạn đọc cũng sẽ vẫn phản đối. Lý do duy nhất là văn hóa của người Việt Nam không thể coi những câu văn như vậy là văn chương cho dù văn chương viết về cái xấu. Câu chuyện văn hóa ở khía cạnh này là một câu chuyện không hề đơn giản. Có thể một ngày nào đó, bạn đọc Việt Nam sẽ chấp nhận được những câu văn như thế? Nhưng bây giờ thì chưa phải.





Một số ý kiến cho rằng dịch phải trung thực với nguyên bản. Điều này đúng nhưng thế nào là đúng với nguyên bản là một câu chuyện mà chúng ta sẽ bàn vào một dịp khác. Có bạn đọc bắt bẻ rằng trong câu tiếng Anh của Tim không có từ đ** mà Trần Tiễn Cao Đăng lại dịch ra chữ đ**. Bắt bẻ này không có lý cho dù tôi cũng chẳng thích cho từ đó vào và nếu có từ đó trong câu tiếng Anh thì cũng không cần phải đưa vào ở trong trường hợp này. Ai cũng biết, dịch là một sáng tạo mới xuất phát từ một sáng tạo trước đó. Thực ra sự sáng tạo tiếng Việt trong bản dịch là để đảm bảo truyền đạt được chính xác nhất và truyền cảm nhất văn bản của nhà văn ở một ngôn ngữ khác và một nền văn hóa khác.


Nhưng cá nhân tôi không chọn câu tiếng Việt của Trần Tiễn Cao Đăng bởi hai lý do:


Lý do thứ nhất: "cooze" hoàn toàn là một từ có nghĩa chỉ bộ phận sinh dục nữ. Nhưng liệu có phải nó chỉ có một nghĩa duy nhất như vậy không? Câu trả lời là  không. Cooze là từ tiếng Anh xuất phát từ một từ trong tiếng Arabic (cuiz). Nếu tôi không nhầm thì từ này du nhập vào nước Mỹ sau Đại chiến thế giới II. Nó là tiếng lóng và có hai nghĩa cơ bản: một là bộ phận sinh dục nữ, hai là chỉ một người đàn bà được nhìn nhận như là một mục tiêu của những thèm muốn nhục dục. Trong một từ điển, nghĩa đầu tiên của từ cooze được giải thích như sau: là một cô gái quê mùa, nông cạn, ít phẩm hạnh... chỉ để đáp ứng nhục dục mà thôi.





Hơn nữa, từ ghép dumb cooze không có nghĩa cụ thể như dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng đã dịch. Vì vậy, người dịch có thể dịch một thành một câu nào đó mà không bị bắt bẻ là dịch sai. Quả thực, tôi cũng không hiểu hết từ ghép này.





Tôi đã gọi điện cho những người mà tôi tin sẽ hiểu đúng nhất từ này và câu văn của Tim. Một trong những người đó là Bruce Weigl, một cựu binh, một nhà thơ Mỹ, một giáo sư ngôn ngữ, ông vừa nhận giải thưởng Finalist, giải thưởng chung kết dành cho những cuốn sách lọt vào vòng cuối cùng cho Giải Pulitzer về văn chương năm 2013. Năm nay, chỉ thiếu 1 phiếu là Bruce Weigl trở thành chủ nhân của Giải Pulitzer trao cho sách văn học của Mỹ.





Bruce là bạn của Tim đã nhiều năm. Cả hai cùng tham gia chiến tranh. Bruce giải thích cụm từ dumb cooze như sau: “the dumb cooze là một từ ghép giống như the dumb ass. Đó là một cách nói vui để trêu chọc hay chòng ghẹo ai đó. Một trong những nghĩa của từ “cooze” là chỉ một ai đó chậm hiểu một chút, nghễnh ngãng một chút. Và ở đây là một cách nói yêu và mang tính bạn bè. Ví dụ, nếu anh, Đức, Chu Lượng và tôi đang ngồi trên xe đi vãn cảnh chùa và vô tình tôi đánh đổ cà phê ra đầy xe, anh có thể nói với tôi “What a dumb cooze you are””.





Tôi muốn nói thêm để bạn đọc rõ: Bruce là bạn thân của chúng tôi hơn 20 năm nay. Và như vậy, chắc chắn tôi không thể mắng Bruce là ông có “cái mặt dumb cooze” hay Bruce mắng ai đó là bạn thân của mình có “cái mặt dumb cooze”. Và cho dù cô gái mà Rat (Chuột) coi là một kẻ thối tha thì tôi nghĩ Trần Tiễn Cao Đăng cũng có thể chọn một câu khác lột tả được sự tức giận và khinh bỉ của Rat mà không cần phải dịch câu đó như anh đã dịch.


Lý do thứ hai: Quả thực các dịch giả phải sáng tạo thì mới hy vọng bản dịch mang lại giá trị cho tác phẩm. Nhưng có một nguyên tắc vô cùng quan trọng đối với dịch giả là phải tìm cách chọn một ngôn ngữ phù hợp với văn hóa của đất nước người đọc mà vẫn lột tả được tinh thần của nguyên tác. Điều tôi nói đây là  khi ta gặp một số câu như câu văn của Tim.





Trong cả cuốn Những thứ họ mang theo, Trần Tiễn Cao Đăng làm rất tốt công việc của mình vì anh vốn là một dịch giả có uy tín. Nhưng cái câu mà bạn đọc đang phản đối thì Trần Tiễn Cao Đăng có cần thiết phải dịch như thế  hoặc nó có phải là câu quan trọng đến mức bỏ nó đi (hay dịch một câu tiếng Việt tương tự) thì toàn bộ tác phẩm đó sẽ sụp đổ hay không? Bạn đọc không cấm dịch giả dịch như vậy nhưng họ đòi hỏi một bản dịch chính xác, hay, và không “phạm quy” văn hóa.





Vì thế, dịch giả sẽ phải cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng khi quyết định dịch câu văn đó. Và với rất nhiều lý do hợp lý, câu văn đó hoàn toàn không nên dịch như vậy.





Hơn nữa, đoạn cuối cùng trong truyện Làm thế nào kể một câu chuyện chân thực về chiến tranh, Tim O’Brien viết: Và dĩ nhiên, cuối cùng, một câu chuyện chân thực về chiến tranh lại chẳng bao giờ kể về chiến tranh. Nó kể về một lối đi đặc biệt mà ban mai đến và đang trải dài trên sông khi mà bạn biết rõ rằng bạn sẽ phải vượt qua dòng sông ấy đi về phía dãy núi và làm những gì mà bạn thấy sợ hãi khi phải làm. Nó kể về tình yêu và ký ức. Nó kể về nỗi buồn. Nó kể về những chị em gái, những người chẳng bao giờ viết một dòng thư trả lời và chẳng bao giờ lắng nghe câu chuyện của chúng ta. (tôi tạm dịch vì không có bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng để trích dẫn)





Với âm hưởng tình cảm trong đoạn văn cuối ấy, tôi cảm thấy một nỗi buồn nhân văn ngập tràn trong toàn bộ con người Tim. Âm hưởng ấy cho tôi cảm thấy rằng Rat hay chính Tim không chửi rủa một cách cạn tình hay quá tục tĩu với cô gái đã không viết thư trả lời anh hay là đã không chịu lắng nghe câu chuyện đau thương mà anh đã kể. Mà dù thế nào thì cô gái ấy mới là người phải chịu đựng sự mất mát lớn nhất bởi chiến tranh. Cô đã mất đi vĩnh viễn một người ruột thịt của mình. Rat (Chuột) hay Tim đều hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Đôi khi, để hiểu được một câu nói cụ thể như câu của Tim, chúng ta phải cảm nhận được cả những điều ở bên ngoài câu nói ấy. Ngay cả khi đọc những tác phẩm viết bằng tiếng Việt thì việc đọc đối với chính bạn đọc Việt Nam không phải lúc nào cũng là hoàn toàn dễ dàng.





Lời giải thích của giáo sư, nhà thơ Bruce cũng chưa thật làm tôi thỏa mãn. Tôi đang tìm cách liên lạc với Tim để hỏi ông. Bởi ông chính là người viết ra câu văn đó.





Tôi gặp Tim O’Brien cách đây hơn 20 năm ở Hà Nội. Khi ấy Tim đến Việt Nam để tham dự cuộc gặp gỡ đầu tiên sau chiến tranh giữa các nhà văn cựu binh Việt Nam và cựu binh Mỹ thông qua Trung tâm William Joiner. Dăm năm sau đó, Tim quay lại Việt Nam cùng với người bạn gái của ông tên là Kate. Lúc đó Kate có viết một cuốn tiểu thuyết nhưng chưa có nhà xuất bản nào ở Mỹ nhận in. Tim nói với Kate về văn hóa Việt Nam và đặc biệt về Văn Miếu.





Tim cho rằng đó là ngôi đền văn chương duy nhất trên thế giới. Qua lời kể của Tim, Kate nghĩ rằng chị sẽ đến đó cầu xin các vị Thần phù hộ cho cuốn sách của chị được ra mắt. Tôi đã đưa Tim và Kate đến Văn Miếu. Họ đã thắp hương và cầu khấn. Từ đó đến nay, tôi không gặp lại hai người. Tôi không biết cuốn tiểu thuyết của Kate đã ra mắt bạn đọc Mỹ hay chưa. Nhưng có một điều tôi biết đó là những gì thật đẹp đẽ, thật nhân văn và thiêng liêng khi Tim nghĩ về văn hóa của một dân tộc khác cho dù dân tộc đó một thời đã là kẻ thù của nước Mỹ.





Có thể tôi sẽ liên lạc được với Tim và có câu trả lời của ông về câu văn đó. Và câu trả lời của ông dù đúng hay không đúng với câu dịch của Trần Tiễn Cao Đăng thì tất cả chúng ta, những người quan tâm đến câu chuyện này, đều hiểu thêm một điều gì đó trong cuộc sống hoặc ít nhất chúng ta cũng hiểu được đúng một câu văn. Và qua câu văn ấy, chúng ta hiểu được một cách tư duy hay là một cách ứng xử của con người ở một nền văn hóa khác.





Nhưng nếu câu của Tim viết với ý hoàn toàn đúng như Trần Tiễn Cao Đăng dịch thì tôi cũng sẽ nói với ông rằng: chúng tôi rất kính trọng ông, nhưng hãy cho chúng tôi dịch theo cách tốt nhất câu văn của ông cho bạn đọc Việt Nam lúc này. Và tôi chắc chắn rằng ông sẽ cười và đồng ý.





Vì đơn giản một điều rằng: ông biết điều gì làm nên quyền lực của văn chương hay cụ thể là quyền lực những trang viết của ông chứ không phải là một câu cụ thể như vậy.





Nguyễn Quang Thiều


vietnamnet.vn

4 nhận xét:

LQHans nói...

Nhờ bác VCH dịch câu lục bát:

Luân vân luân bất úy thùy
Úy nhân túy tửu chiến trì bại luân.

Việt Nam nói...

Hy vọng ông Cao Đăng sẽ sửa lỗi trong lần tái bản vậy. Có lẽ vì thế mà từ "translater" nó khác với từ "interpreter" chăng.
Bởi vậy nhà văn được mọi người kính trọng do phải đọc nhiều, đi nhiều, giao thiệp nhiều...để có được những tác phẩm đi vào lòng nhiều tầng lớp đọc giả chăng?

Nặc danh nói...

trời ạ, thật ko còn gì thật hơn....

Nặc danh nói...

Cây súng S%W .38 dịch thành 38 milimet (đường kính đầu đạn) là hết xẫy rùi, các bác còn đòi chi nữa ?