Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2024

SUY NGHĨ SAU BÃO- (Bài đăng Tạp chí Sông Lam số 47 tháng 9/2024)

 

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở vùng thường xuyên bão lũ, là khu IV. Bé tí, ở trong những dãy nhà tập thể tranh tre nứa lá của nhà máy Diêm sơ tán trong khu rừng toàn trám, trảu, sở của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, bão trong tôi là hình ảnh các cô chú công nhân leo lên mái nhà dùng cây tre, luồng đè lại các mái tranh, dùng dây néo các ngôi nhà lại. Những dãy nhà được dùng dây cột chặt vào cọc, và thường thì tối là bão vào, nằm trong nhà thấy cả dãy chung chiêng chao đảo, gió rít từng cơn. Sáng ra, cây cối đổ ngổn ngang... Một năm vài lần như thế, cũng quen, trẻ con còn thích nữa.


Lớn chút, ra sống ở một làng cách sông khoảng 3,4 cây số, dưới cái bờ đê cao ngất nghểu, chợ họp trên ấy, mùa hoa gạo nở đỏ rực. Nhưng khi nước lên, cuồn cuộn trôi, nước mấp mé mặt đê, rất kinh. Mùa này mẹ tôi hay rang ngô, những hạt ngô đã phơi khô cất trong chum, khi rang nở xòe ra trắng xóa như bông hoa cúc áo. Ngô rang ấy được bỏ trong những cái ruột tượng bằng vải xanh, treo trên cột nhà, đề tên từng người. Đồ quý, tức cái tay nải áo quần thì của mẹ tôi, nhiệm vụ của hai  anh em tôi là 2 cái ruột tượng ngô rang ấy. Đấy chính là lương thực chạy bão, mà chủ yếu là để “nếu vỡ đê là có trống ngũ liên, cả nhà sẽ chạy theo mọi người, nhớ đeo theo cái ruột tượng”. Và chưa lần nào phải đeo cái ruột tượng ấy để chạy trong nước cuồn cuộn sau lưng, nhưng tiếng trống ngũ liên thì tôi đã nghe nhiều lần, ấy là khi nước mấp mé đê, hoặc phát hiện chỗ có khả năng vỡ, người ta gõ trống cấp cứu, mọi người dồn lên đấy, để hộ đê, cứu đê. Cái ruột tượng ngô ấy, chừng mươi ngày thì mẹ tôi... giải phóng, cho anh em chúng tôi ăn, và bà rang mẻ khác cho vào, cứ thế qua mùa bão. Nói thêm, hồi ấy chưa hiện đại như bây giờ, mà trên đê có các điếm canh đê, trên ấy, mùa bão lụt, người canh 24/24, có việc gì là thúc trống ngũ liên.

Giờ, những ngày bão Yagi, rồi hoàn lưu bão ấy, với bao tang thương ấy, tôi cứ lởn vởn nhớ ngày xưa.

Và mới biết, sống ở vùng bão như thế, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến một cơn bão lớn như cơn bão số 3, tên quốc tế là Yagi này.

Có người thống kê, cứ năm Thìn là bão lụt lớn, nhưng lớn như năm nay là rất hiếm.

Giờ công nghệ hiện đại, thông tin cũng hết sức nhanh, thế mà những gì mà cơn bão gây ra đã làm chúng ta hết sức bất ngờ, dẫu đã lường trước, báo trước với thời gian khá dài để chuẩn bị “đón và tránh bão” nhưng thiệt hại mà Yagi gây ra vẫn hết sức đau thương.

Nhớ cái thời lạc hậu, chúng ta hay trào phúng về dự báo, rằng vừa chậm vừa sai. Nhưng lần này, những dự báo về bão là rất chính xác, từ cường độ bão tới tốc độ di chuyển. Chúng ta có thời gian chuẩn bị để tránh, để xử lý các tình huống.

Rất kinh, là nhận xét chung của nhiều người khi vừa qua trận bão. Nhưng té ra, những kinh hoàng hơn, kinh hoàng thật sự, lại nằm ở sau bão, từ chuyên môn gọi là “hoàn lưu bão”, dẫu chúng ta cũng đã chuẩn bị, nhưng cũng không ngờ nó kinh khủng tới thế.

Rồi sẽ có những mổ xẻ sau bão của các cơ quan có trách nhiệm, như cầu gãy gọn như một cú mìn nổ có định hướng để phá, kéo theo mấy cái ô tô và người chìm xuống, như cây bật gốc gãy đổ cả loạt ở Hà Nội, như phố thành sông để phải đi thuyền trên phố... phát mì tôm, tới sự kêu cứu trong đêm mất điện, mất sóng điện thoại, rồi lớn hơn, cả những ngôi làng bị lũ ống vùi lấp, hàng trăm con người đang ngủ không kịp ngơ ngác tại sao mình chết, tới anh trưởng thôn vừa cương quyết vừa đầy thông tuệ, đầy tri thức dân gian, khi cứu cả thôn mình thoát chết trong gang tấc bằng quyết định quyết đoán trong tích tắc, để tới mấy ngày lực lượng cứu hộ cứu nạn vẫn nghĩ cả trăm người này... mất tích, rồi hai chủ tịch xã bị cách chức... vân vân.

Thì ngay bây giờ chúng ta có thể nhìn thấy ngay những mặt được, mặt chưa được của việc cứu trợ.

Như lệ thường, tình thân ái, gắn kết cộng đồng của chúng ta luôn được đánh thức đúng lúc. Lâu nay đa phần những sự nhân ái sẻ chia là từ hai đầu dồn về cho vùng miền Trung, bởi miền Trung luôn là rốn bão lũ, nhưng lần này, bà con miền Trung và miền Nam, chả ai bảo ai, đồng lòng “hướng về miền Bắc”. Những món hàng, những chuyến xe, những tấm lòng... rùng rùng chuyển động.

Nhưng có vẻ như chúng ta chưa có một sự điều hành chung, nhất quán, dẫu Mặt trận Tổ quốc các tỉnh và Trung ương cũng đã khá nhanh vào cuộc, rồi hệ thống hội chữ thập đỏ cùng đồng hành...

Từ miền Trung, miền Nam, hàng loạt ngôi làng, đường phố, trường học, sân chùa... đỏ lửa nấu bánh chưng, bánh tét. Rất tốt và rất kịp thời, nhưng nếu phía đầu nhận không phân phối kịp, hoặc những người đi cứu trợ tự phát thì sẽ dẫn đến dồn ứ, ăn không kịp, mốc và thiu rất phí. Nó không chỉ là những tấm bánh thông thường, mà nó là tấm lòng, là tình yêu là sự nhân ái. Nhưng quả là, đã có sự lãng phí khi ăn không hết, và cả, bánh chưng mà nếu ăn vài ba ngày liên tục thì quả là, khá khó để dung nạp. Cần một “bộ tham mưu” để điều tiết thì chúng ta chưa có...

Rồi ngay chuyện chuyển tiền giúp đỡ (tôi cho là, sau vài ba ngày đầu cần cứu trợ thức ăn gấp thì khi nước đã rút ta có thể chuyển sang tiền, bởi có trăm thứ phải sắm, và những người trong cuộc họ sẽ biết chắt chiu những đồng tiền ấy để mua sắm hợp lý) thì cũng cãi vã nhau. Dân ta có vẻ rất thích cãi nhau trên mạng. Mới nhất là vụ ca sĩ Thái Thùy Linh lên tiếng vì bị một facebooker, xưng là thầy giáo, xúc phạm, khi cho rằng chị  “Lại mì tôm và dầu gội đầu kèm theo quần áo cũ mà thôi. Rất nhiều em ca sỹ đang đi thuê nhà và nuôi con nhỏ lại thêm tiền son phấn nên chắc tấm lòng từ thiện là rất lớn!”, sở dĩ ca sĩ Thái Thùy Linh bức xúc vì thầy giáo này đăng hẳn hình chị, và chị là người mấy năm nay làm từ thiện rất nhiều. Và quả là, đọc những tin nhắn đối đáp giữa thầy giáo này với Thái Thùy Linh tôi đã hết sức ngạc nhiên về tầm và cả văn hóa tranh luận của ông xưng là thầy này.

Năm nay UBMTTQVN có sáng kiến sao kê ngay và luôn tiền nhân dân ủng hộ bà con vùng bão lụt, và mấy hôm liên tục, các cụm từ “check var”, “phông bạt” được bàn tán. Là té ra khi check sao kê nhiều người phát hiện ra nhiều chuyện cười không nổi.

Có vẻ như một số người ủng hộ hoặc trực tiếp đi cứu trợ là làm theo phong trào. Thấy người ta bánh chưng thì mình cũng bánh chưng, thấy người ta áo phao mình cũng áo phao dù chỗ ấy đã hết lụt, và chuyển tiền để... chụp ảnh khoe, chuyển khoản 50 ngàn sửa thành 5 triệu để... “phông bạt”. Gặp “check var” nhiều trường hợp phải chuyển thêm cho đủ bởi đấy là tiền tập thể vân vân...

Dẫu có nhiều vụ tiêu cực đã xảy ra ở chính một số cơ quan MTTQVN, mà mới nhất là kế toán của UBMTTQVN tỉnh Gia Lai đang đi tù, chủ tịch mặt trận bị khởi tố... thì tôi vẫn cho rằng nên tập trung đầu mối cứu trợ vào đây. Và về địa phương rất cần dựa vào các cán bộ cơ sở. Chính họ chứ không ai khác, là người hiểu hoàn cảnh nhân dân của mình nhất, nên một số anh em cứu trợ có kinh nghiệm thường dặn nhau để dành quà cho gia đình số cán bộ này. Và nhiều người trong họ, hy sinh quyền lợi cá nhân rất nhiều, từ việc quần quật trong bão lũ lo chuyện thiên hạ không lo được việc nhà tới chuyện đa phần họ không nhận tài trợ, nhưng vẫn bị mang tiếng, vẫn bị... không tin tưởng, nên nhiều bà con đi cứu trợ thường... tự mình, dẫn tới chia không đều hoặc có nơi sử dụng thực phẩm không hết trong khi nhiều người không có.

Khi tôi viết những dòng này thì trên VTV một phó công an huyện đang trực tiếp ở hiện trường cứu nạn, trả lời phỏng vấn, trước ống kính camera ông nói rất cần máy móc, phương tiện cơ giới vào cuộc, bởi chỉ cứ bới tay như thế này, vừa không hiệu quả vừa rất lâu. Mà người mất tích vẫn nhiều, mà cái bãi bùn kia mênh mông lắm...



 

Không có nhận xét nào: