Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

MỆNH GIÁ CỦA THƯƠNG YÊU...

 


Mấy chữ đầu đề của bài báo này là của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch hội Nhà văn Việt Nam, tôi mượn, chính xác là xin, để làm đầu đề bài viết nhỏ này.

Ấy là ngay từ khi bắt đầu cơn bão Yagi chớm và đất liền, rồi tiếp theo là “hậu Yagi”, tức là hoàn lưu bão, là những càn quét khủng khiếp của lũ ống, của lụt trắng xóa nhiều khu phố, làng mạc, những nhà văn Việt Nam đã tùy theo khả năng và chỗ đứng của mình để cùng chia sẻ với bà con hoạn nạn.

Là nhà thơ Nguyễn Đức Hạnh, ông là phó giáo sư của đại học Thái Nguyên, liên tục suốt đêm bão gầm rú dùng facebook của mình chia sẻ tình hình tại chỗ ông, Thái Nguyên, và thông tin từ các bạn phây của ông, là học trò ông, bạn đọc của ông. Hàng ngàn lời kêu cứu được chuyển tiếp, được chia sẻ. Đấy là đêm mà rất nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc bị cúp điện, tất cả tối om om trong nước cuồn cuộn, nước dâng tận mái nhà. Nhiều người leo lên nóc nhà chờ cứu. Nhưng không phải chỗ nào cũng vào được, vì tối, vì nước xiết, vì hiểm trở... Thừa nước nhưng không có nước uống, chia cắt không tiếp cận được, nhiều người phải ăn mì tôm sống và xong thì... không có nước uống...

Thái Nguyên có ít nhất 2 nhà thơ tôi biết làm như thế, là Nguyễn Đức Hạnh và Nguyễn Thúy Quỳnh, và đa phần những chia sẻ của các bạn ấy đều có trả lời, đều có kết thúc đẹp.

Không chỉ thế, thức cùng bão lũ, Nguyễn Đức Hạnh còn viết rất nhiều, những câu chuyện ứa nước mắt, những câu thơ nhói lòng, ông Hạnh càng viết càng hay, càng như lên đồng, đây là những câu thơ mới nhất của ông: “Qua bão càng thương nhau/ Đất lở ở Yên Bái/ Mưa lụt ngập Thái Nguyên/ Nước mắt đâu chả mặn?/ Mất mát đâu chia miền ?/ Cầu gãy.Trôi thôn bản/ Sóng đục ăn mùa màng/ Bình yên tan trong bão/ Mây trời màu khăn tang/ Thương nhau chia hộp Mì/ Vỉ sữa nhường bé trước/ Tiếng kêu người Việt đau/ Rung động lòng cả nước/ Hàng gửi từ trái tim/ Nhận bằng bao thổn thức/ Mưa tràn vào trong mắt/ Ứa bao dòng thương nhau/ Bão qua tình đọng lại/ Việt Nam mình keo sơn/ Rặng tre trước giông lốc/ Ôm nhau càng xanh hơn”...

Cũng gần như ngay lập tức, đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ Trần Mai Hường, người lúc nào cũng hừng hực sức sống và tình yêu thương, ít nhất là từ hồi Covid, cùng nhà thơ Bích Ngân chủ tịch hội và một số bạn văn đã hình dung ra ngay, sau bão lũ các cháu học sinh cần gì? Và họ ra một kế hoạch kêu gọi bạn bè và cả tự mình đứng ra, ủng hộ đồ dùng học tập cho các cháu, một hành động và nghĩa cử rất... nhà văn. Trích hẳn ra đây cái thông báo của nhà thơ Trần Mai Hường: “NHỮNG ĐỒNG TIỀN TỎA HƯƠNG.

Khi nhận nhiệm vụ chị Bích Ngân giao viết stt xin giấy vở cho học sinh vùng lũ cũng là lúc lòng tôi đang rất muốn làm một điều gì đó cho miền Bắc thương yêu. Miền Bắc thương yêu những ngày này đang tan hoang cùng cực. Sau cơn giận dữ đến khốc liệt của đất trời là bao số phận dân tôi cơ cực. Cả nước thắt lòng hướng về miền bắc, nín thở từng giờ dõi theo, và tôi biết tin trên đài báo chỉ là một phần nhỏ những gì mà đồng bào tôi đang gánh chịu.

Sài Gòn vẫn nắng thơm, thơm tình người, Sài Gòn luôn nhớ những ngày tâm dịch có miền Bắc miền Trung giang cánh tay thương yêu đùm bọc. Tôi thấm lắm, nhớ lắm vì những ngày ấy tôi là một trong những người nhận những ân tình ấy của các anh chị em mình gửi cho Sài Gòn. Mấy ngày nay, nhiều đoàn xe hướng về miền Bắc chở ăm ắp nghĩa nhân. Đọc tin lòng rưng rưng lắm...

Chúng tôi, những nhà văn nhà thơ nghèo, bạn của nhau cũng nghèo, nhưng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã nói, những đồng tiền này không theo mệnh giá ngân hàng mà nó mang MỆNH GIÁ CỦA THƯƠNG YÊU. Những đồng tiền của các anh chị em mình GOM GÓP cùng nhau tùy theo hoàn cảnh của mình không phân biệt ít nhiều bởi nó tỏa hương từ những TÂM HỒN ĐẸP, trân quý lắm

Bao nhiêu bàn tay đã đan nhau để  đến giờ này em cộng được khoảng 110 triệu đồng, với giá 6000 đ một cuốn thì được mười mấy ngàn cuốn sẽ đến tay các con ư, ôi vui quá, mọi người ơi. Cho phép em thay mặt nhóm được cúi đầu cám ơn các anh các chị.

Em xin đưa lên đây danh sách chi tiết như thêm 1 lần nữa tri ân mọi người. Em đã làm rất kỹ nhưng nếu thiếu sót gì mọi người nhắc em nhé”.

Khi bài báo này lên khuôn thì con số đã gấp mấy lần như thế.

Nhà báo nhà văn Nguyễn Thế Khoa cũng thông báo trên facebook của mình: “Được Droppii phối hợp cùng kêu gọi từ ngày 11/9, sáng nay 13/9, đoàn Cứu trợ của tạp chí Văn hiến VN do nhà báo Trần Đức Thọ (bút danh Giàng Nhả Trần), Giám đốc Điều hành dẫn đầu, đã lên đường hướng về Yên Bái - Lào Cai với 10 máy lọc nước trị giá 200 triệu, 1000 thùng quà trị giá 200 triệu và hơn 200 triệu tiền mặt.

Mong đoàn đem lại sự giúp đỡ đúng lúc, cần thiết cho người dân quê hương Yên Bái giàu đẹp đang giữa lúc tang thương và nguy hiểm nhất. Mong đoàn đi về may mắn an toàn”.

Nhà văn Nguyễn Bích Lan, nhiều người đã biết hoàn cảnh sức khỏe của chị, nhưng người “không gục ngã” này đã làm được như thế này: “Sau hơn một ngày đăng tin về việc chung tay cùng tôi giúp đỡ các gia đình có người thiệt mạng và thiệt hại nhà cửa nặng nề, cũng như hỗ trợ các cháu nhỏ đến trường sau bão lũ, tôi đã nhận được số tiền 214.999.999 từ các bạn hữu và các độc giả. Trong số tiền này có 100 triệu tiền nhuận bút của thầy Thích Pháp Hoà uỷ thác cho tôi sử dụng: đáng lẽ tiền này được dùng trao học bổng cho 10 cháu học sinh, sinh viên nữa, nhưng vì tình hình bão lũ thảm khốc nên thầy muốn chuyển tới giúp đỡ đồng bào. Đa số cô bác yêu cầu không sao kê, không cần báo cáo chi tiết, cứ tuỳ ý tôi thấy cần làm gì thì làm vì toàn là bạn và độc giả lâu năm của tôi (chỉ có vài cô bác mới quen). Nhưng tôi thấy việc công khai, minh bạch là cần thiết nên tôi treo thông báo này lên đây. Tôi có sơ sót gì mong mọi người nhắn tin, chỉ cho tôi biết để tôi bổ sung nhé.

Tôi đảm bảo sẽ dùng đúng việc, giúp đúng người và như mọi lần, tôi sẽ tặng đi nhiều hơn số nhận được này. Riêng trong đợt tái thiết này gia đình tôi cũng góp 3 triệu đồng vì chúng tôi thấy mình được ở chỗ khô ráo, sạch sẽ hơn cũng đủ may mắn rồi.

Cụ thể về việc sử dụng số tiền này tôi sẽ tổng hợp ngay sau khi xong việc.

Tiền lúc này rất quý, nhưng cũng có giá trị hữu hạn thôi. Lòng tốt của các bạn tôi, các độc giả của tôi vô giá! Xin cảm ơn mọi người rất, rất nhiều!”.

Nhà văn nhà báo Lưu Trọng Văn, người vừa sinh hạ một lúc hai tập tiểu thuyết đang được xôn xao tìm đọc là “Én ca” và “Chuyện làng Buông” thì viết ngay một đoạn ca từ để nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc. Ông nói là viết lời để phổ nhạc, nhưng nó đích thị là bài thơ, đọc xong cứ lặng đi, hết sức xúc động: “Lộc ăn nhanh vì mẹ bảo ăn nhanh chóng lớn./ Khôi ăn chậm vì mẹ bảo nhai kĩ no lâu./ Nam mơ thành siêu nhân/ Bay như đại bàng./ Quân mơ vào lớp một/ mẹ mua xe đạp/ anh chở đến trường./ Đứa thích cây nấm vì nấm xoè ô che mưa cho kiến./ Đứa vẽ bông hoa bên suối / để suối thấy hoa mà êm trôi./ Cô giáo hỏi:/ Ai thích múa nào?/ Cả lớp giơ tay./ Cô giáo hỏi:/ Ai yêu mẹ nào?/ Cả lớp giơ tay./ Các con ơi, ước gì lúc này / cô thấy cánh tay các con với với trong bùn đất / Cô ơi, tay chúng con không giơ lên được nữa rồi, / chúng con thương cô không biết được / chúng con đang ở đâu./ Cô gửi xuống đây cây đàn, cái kèn, cái trống treo ở vách tường lớp mình / để chúng con đàn, / chúng con thổi kèn,/ chúng con gõ trống/ cô sẽ biết chúng con đang ở đâu./ Cô sẽ biết chúng con đang ở đâu”.

Các chi hội nhà văn, hội Văn Học Nghệ Thuật Quảng Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế... cũng có rất nhiều hoạt động thiết thực hướng về bà con bị thiệt hại trong bão lũ.

Và cuối cùng, tôi muốn cop về đây một post  của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trên facebook cá nhân của ông. Ông viết với tư cách chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam, nhưng đồng thời là cảm xúc của một nhà thơ, đọc và xốn xang:

 “1/ 4h sáng nay, với khẩu hiệu: "Cơ quan Hội nhà văn hướng về đồng bào vùng lũ". Đại diện Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam và cán bộ, nhân viên văn phòng Hội đã lên đường đi Tuyên Quang mang hàng hoá, tiền mặt để hỗ trợ người dân ở một vùng bị lũ tàn phá. Hoạt động này được phối hợp với nhà thơ Tạ Bá Hương, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, chủ tịch Hội VHNT Tuyên Quang. Hội nhà văn Việt Nam sẽ liên hệ với các nhà văn hội viên ở một số tỉnh bị bão lũ tàn phá nặng để bàn về công tác hỗ trợ một cách thiết thực nhất.

2/ hiện nay thực phẩm, thuốc men cho những vùng bão lũ đã được nhiều cá nhân, nhiều tổ chức hỗ trợ. Hội nhà văn sẽ dùng số tiền được các nhà văn trong và ngoài Hội, các nhà hảo tâm, những người yêu văn chương ủng hộ để giúp những gia đình cụ thể bị bão lũ tàn phá và chịu nhiều mất mát ( người và tài sản) từng bước trở lại cuộc sống bình thường như sửa chữa nhà cửa, phục hồi sản xuất ( mua cây và con giống), sắm sửa sách vở, đồ dùng học tập cho trẻ em tới lớp.

3/ Hội nhà văn Việt Nam đề nghị các nhà văn hội viên hiện sinh sống tại các tỉnh bị bão lũ tàn phá hợp tác với Hội nhà văn như Thái Nguyên, Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai....để có được danh tính và địa chỉ của các gia đình đang gặp nhiều khó khăn để có kế hoạch trợ giúp một cách thiết thực.

4/ Có không ít những nhà văn không phải hội viên Hội nhà văn Việt Nam nhưng cũng đã gửi những đồng tiền quí báu của mình nhờ Hội chuyển tới người dân vùng bão lũ như nhà thơ Hoàng Hưng, nhà văn Nguyễn Quang Lập, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ( Canada)..... Hiện tại họ không đứng trong Hội nhà văn Việt Nam nhưng họ đứng trong cộng đồng của những người viết vì những điều tốt đẹp cho con người và tình yêu thương đồng loại của mình.

5/ Sáng nay, thứ 6 ngày 13, ngày mà người phương Tây quan niệm là không tốt nhưng lại là ngày lành với Hội nhà văn. Hội nhà văn vô cùng xúc động được đón tiếp những nhà hảo tâm đến Hội trực tiếp trao tiền giúp đỡ người dân vùng bão lũ.

Đấy là đại diện của Công ty sách Nhã Nam. Một đơn vị gắn bó với Nhà xuất bản Hội nhà văn nhiều năm nay để mang tới bạn đọc cả nước những tác phẩm văn học xuất sắc của văn học VN và của các nền văn học khác trên thế giới. Đại diện của Công ty sách Nhã Nam đã trao 50 triệu đồng cho Hội nhà văn.

Đấy là nhà văn Yên Ba, hội viên Hội nhà văn Việt Nam, trưởng ban biên tập của Nhà xuất bản Hội nhà văn và những người bạn là các ông bà: Vincent Vũ, Trần Thanh Tùng, nhà báo Vũ Kim Hạnh, nhà sưu tầm sách Nguyễn Thế Bách, Phạm Thu, Cao Văn Hân, Huỳnh Văn Truyền đã trao hơn 70 triệu trợ giúp người dân vùng bão lũ . Hội nhà văn sẽ chuyển những đồng tiền của tình người đẹp đẽ của tất cả mọi người đúng mục đích và đúng những người cần được giúp đỡ. ( Hội nhà văn Việt Nam sẽ công bố cụ thể những người, những gia đình được mọi người giúp đỡ và chia sẻ)

6/ Nhà báo, nhà văn Võ Đắc Danh hiện đang ở nước ngoài trao đổi kỹ với Hội nhà văn Việt Nam về cách giúp đỡ người dân ở vùng bão lũ một cách thiết thực và hiệu quả nhất và sẽ chuyển một phần tiền mà ông và nhóm bạn bè của ông quyên góp được cho Hội nhà văn để mang tới cho những gia đình gặp nhiều khó khăn nhất ổn định cuộc sống.

Bão lũ đã cướp đi của chúng ta nhiều con người vô tội, đã tàn phá nhiều làng bản. Nhưng trong mất mát, đau thương ấy, chúng ta nhận lại được tình người ấm áp và sẻ chia. Mọi thứ có thể bị tàn phá và bị cướp đi. Thời gian sẽ giúp nỗi đau thương của chúng ta nguôi ngoai và dựng lại cuộc sống. Nhưng nếu tình người bị tàn phá và bị cướp đi thì chúng sẽ trắng tay”.

Còn rất nhiều chuyện đáng kể đáng viết, nhưng sẽ không bao giờ hết, không bao giờ đủ, bởi mênh mông những tấm lòng, mênh mông những yêu thương của những người cầm bút luôn hướng về đồng loại, về nhân dân của mình.

Mục "Vấn đề hôm nay" báo Văn Nghệ, nhà thơ Mai Nam Thắng nhắn: Tôi làm số cuối cùng rồi nghỉ, ông viết cho một bài tươm tươm tí, coi như để... chia tay.



Không có nhận xét nào: