*Hồi mới lên Gia Lai, làm việc ở phòng Văn Nghệ, Ty Văn hóa Thông tin, ngoài công việc thường xuyên được phân công trong quyết định là quản lý xuất bản và biên tập Tạp chí Văn Nghệ, có một việc đột xuất tôi được phân công là làm thư ký cho cuộc thi sáng tác quốc ca của tỉnh Gia Lai - Kon Tum.
Là cuối năm 1981, quốc hội khóa 6 đã quyết định mở cuộc vận động sáng tác quốc ca mới để thay thế bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao đã là quốc ca Việt Nam từ năm 1946.
Thời hạn nhận ca khúc dự thi từ tháng 5 đến tháng 12/1981. Gần 1.500 bài hát do nhạc sĩ chuyên nghiệp lẫn không chuyên gửi về, được hội đồng giám khảo xét duyệt qua hai vòng, chọn được 17 bài hát để trình lên quốc hội nghe và lấy ý kiến nhân dân. Việc của tôi là ghi chép ai ở trong tỉnh tham gia sáng tác dự thi, nếu họ gửi trực tiếp cho ban tổ chức quốc gia thì nắm để biết, còn nếu họ gửi qua ty Văn hóa Thông tin thì cũng vào sổ rồi chuyển tiếp. Tôi nhớ Gia Lai - Kon Tum có bốn năm tác giả dự thi, có bác Nguyễn Chinh, khi ấy là trưởng phòng hành chính của trường trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Tây Nguyên.
Sau đấy, khi ban giám khảo quốc gia đã chọn được 17 bài thì tổ chức công diễn cho bà con xem để xin ý kiến. Từng tỉnh tổ chức công diễn, bộ Văn hóa Thông tin thì công diễn cấp quốc gia. Tỉnh Gia Lai Kon Tum tổ chức công diễn tại Nhà Văn hóa trung tâm, tức rạp Thăng Long cũ, bây giờ là trụ sở Nhà hát Ca múa nhạc Đam San.
Khi ấy phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh rất mạnh, 17 ca khúc chia ra, giao cho đoàn Đam San và khoảng 4-5 đội văn nghệ quần chúng dàn dựng, tôi nhớ có đội Công an tỉnh, tỉnh đội, trại Gia Trung, một hai công ty, nông trường cà phê nữa...
Ca sĩ Hoài Ba, chồng nghệ sĩ nhân dân Xuân La, khi ấy là phó đoàn Đam San (NSND Y Brơm là trưởng đoàn), trực tiếp chỉ huy đêm diễn của đoàn Đam San, quát tôi một trận tưng bừng vì xếp đoàn Đam San biểu diễn gần cuối. Tôi quan niệm đơn giản, đoàn chuyên nghiệp phải hát sau để “đỡ” cho các đội nghiệp dư, chứ anh hát trước thì nghiệp dư xoay xở thế nào? Và cũng để thấy, cái cuộc công diễn ấy nó công phu và trang trọng thế nào đến nỗi đoàn văn công chuyên nghiệp mà sợ phải diễn sau các đội văn nghệ quần chúng?
Và như chúng ta đã biết, rất công phu và cả tốn kém thế, nhưng cuối cùng quốc ca Việt Nam vẫn là “Tiến quân ca”. Vẫn là “Đoàn quân Việt Nam đi”, dẫu bây giờ có vài người nói ca từ nó hơi mạnh. Nhưng thực ra, theo giới sành nhạc, họ nói đa phần trên thế giới bây giờ, người ta chỉ cử quốc thiều, tức phần nhạc không có lời.
Cũng như nhiều người Việt Nam, mỗi lần nghe hát, hát và dự chào cờ có hát quốc ca là tôi lại rưng rưng. Nhiều lần trước tivi xem bóng đá trực tiếp, thấy cử quốc ca tôi đều bật dậy cùng mọi người chào cờ và hát theo trên... ti vi. Năm nào đấy, đi cùng một đoàn nhà văn là cựu chiến binh lên Kon Tum, vào ăn cơm chiều ở một nhà hàng, đúng lúc tivi truyền trực tiếp bóng đá, cử quốc ca, chả ai bảo ai, cả bàn chúng tôi cùng đứng dậy hát theo.
Quốc ca, quốc kỳ, chính là hiện thân của Tổ quốc.
*Và từ năm 1945 tới nay, ngày 2/9 còn được coi là tết độc lập.
Tôi yêu cách gọi này hơn, nó gần gũi thân thiện mà lại thiêng liêng hơn gọi quốc khánh. Dân tộc ta coi trọng tết. Đã có tết Nguyên đán, tết trung thu (và các tiết), giờ có thêm tết độc lập, vừa hay vừa ý nghĩa. Tết là vui vẻ, là may mắn, là gần gụi yêu thương mà cũng thiêng liêng hoành tráng. Tết vừa long trọng nhưng lại cũng hòa đồng, vui vẻ, nó cởi mở và tưng bừng, nó mở ra nhiều cung bậc tình cảm, kéo người với người với nhau dễ hơn…
Và ngay cái cụm 6 chữ tiêu ngữ dưới quốc hiệu “Việt Nam dân chủ cộng hòa” là “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” thì 2 chữ độc lập cũng đứng đầu. Nó là khát vọng, ước mơ, là ý chí, là niềm tin và lòng tự hào của cả dân tộc.
Và giờ, chính thức là từ 1945, nó là hiện thực, dẫu có thời gian dài chỉ là hiện thực của một nửa nước.
Nếu theo lịch sử Việt Nam đang phổ biến thì dân tộc ta có tới 4000 năm miệt mài đòi và giữ độc lập, với hàng núi xương hàng sông máu, lớp lớp con dân Việt đã ngã xuống để làm cái việc mà, Hồ Chủ Tịch, trong tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân đồng bào ngày 2 tháng 9 năm 1945 là “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Quá khứ của dân tộc chúng ta đẫm chất bi tráng. Vừa đau thương vừa hào hùng, nó đầy những nổi trôi, những vương triều, những số phận, những vàng son những dân dã, những da diết bồi hồi và cả những lãng quên lạnh lẽo, và vô ơn.
Nó làm nên số phận dân tộc.
Rồi tương lai. Tết bao giờ người ta cũng mong về một tương lai tươi sáng, một ngày mai đầy đặn hơn, một niềm tin không chỉ là tưởng tượng. Một hạnh phúc không phải ở câu chúc, ở đầu môi chót lưỡi, mà ở một hiện thực người ta cảm được, nhìn thấy và tiệm cận trong khả năng có thể.
Giá của độc lập, của hạnh phúc, của tự do vì thế mà... vô giá.
*Trong đời cầm bút của mình, bao giờ tôi cũng rưng rưng xúc động khi viết về Tổ quốc, về nhân dân và quê hương mình.
Tổ quốc của tôi đầy thăng trầm, mà như cái hồi còn học phổ thông, lũ học trò cấp ba thời ấy hay viết những câu mở đầu bài văn đầy... bắt chước nhau, kiểu như Tổ quốc là thanh gươm đẫm máu, Tổ quốc là phá Tống bình Thanh, Tổ quốc là bài ca ra trận, Tổ quốc là con tàu vươn khơi vân vân, sáo có, rỗng có, nhưng những lúc ấy thấy nó xúc động và thiêng liêng vô cùng.
Giờ, tới lúc trưởng thành, thấy Tổ quốc bình dị, gần gũi, thân thương hơn nhiều.
"Đất là nơi anh tới trường/ Nước là nơi em tắm/ Đất nước là nơi chúng mình hò hẹn/ Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm...". Tôi đọc lại và thấy sao ông Nguyễn Khoa Điềm... tài thế. Viết về đất nước, một đề tài rất lớn, rất vĩ đại, mà cứ như không, nhẹ tênh tênh, mà gợi, mà da diết đắm say, đọc mà rưng rưng thấy thương một đất nước gần gũi nhân hậu.
Thời sinh viên chúng tôi đã từng đọc đến nhàu "Bài thơ về hạnh phúc" của nhà thơ Bùi Minh Quốc viết cho chị Dương thị Xuân Quý đầy yêu thương dằn vặt, nhiều nữ sinh viên đã khóc khi năm nào đó tôi đứng lên đọc tặng bài thơ này trong một ngày mùng 8 tháng 3 năm ấy: "Thôi em nằm lại với đất lành Duy Xuyên/ Trên mồ em có mùa xuân nở mãi/ Trời chiến trường không một phút bình yên/ Trời chiến trường vẫn một sắc xanh nguyên...". "Nhớ không em cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt mái tóc mềm đẫm ướt...". Nó là ký ức nhớ mãi trong đời tôi, mà giờ mỗi lần gặp nhau nhắc lại, các bạn tôi vẫn rưng rưng.
Tôi vừa được mời tham gia chấm chung khảo giải thưởng văn học 5 năm lần thứ 4 của tỉnh Quảng Nam, đọc 52 cuốn sách từ tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tới thơ, tản văn... và nhận thấy, tới hơn một nửa trong số ấy viết về chiến tranh. Và cũng mới thấy máu xương của dân tộc này đổ ra cho độc lập tự do hôm nay lớn biết nhường nào. Chiến tranh tàn khốc và ám ảnh, và ở vùng Quảng Nam còn tàn khốc và ác liệt hơn nhiều nơi khác. Chả thế mà người ta mới tính là, ở đây nhiều liệt sĩ và nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất nước. Xuống Tam Kỳ họp ban chung khảo, thấy cuộc sống yên bình cứ trôi, tôi cứ ngơ ngác, hay là những gì mình vừa đọc, những gì mình biết, mình nghe về hôm qua chỉ là một giấc mơ.
Để thấy cuộc sống hết sức kỳ diệu. Nó tự khâu lành vết thương, bằng một năng lượng diệu kỳ bí ẩn nào đó, nhưng đồng thời, nó cũng luôn nhắc chúng ta những điều không thể quên.
Văn học Nghệ thuật tham gia vào việc “đánh thức ký ức” ấy, tất nhiên đánh thức để yêu thương hơn, để hiểu giá trị sống hơn, để trân quý hôm nay hơn, chứ không phải đánh thức để hận thù, để khơi gợi trả thù...
Đoàn quân Việt Nam đi, mang theo những rung động tươi mới, những ước mơ đang thành hiện thực...
Tôi có những câu thơ về nước mắt trong cái trường ca “Lời vĩnh cửu”, nhưng lại không phải là nước mắt: "Có gì mong manh hơn nước mắt, nhưng cũng không có gì mạnh bằng nước mắt. Dẫu trong veo nhưng mặn chát nghìn trùng. Ai cũng hiểu nước mắt đâu chỉ là nước mắt, nó là bể dâu sấp ngửa phận người. Nó được chắt ra từ tận cùng khổ đau tận cùng sung sướng, từ tận cùng nhịp thổn thức trái tim. Nó cứng như đá hoa cương mềm như hoa cải ven sông, mềm hơn cả những gì dịu dàng nhất. Nó là tinh hoa của hạnh phúc, là những điều không thể nói người ơi"...
Đoàn quân Việt Nam đi...
------------
bài trên báo Gia Lai số đặc biệt 2/9.
Ảnh by nhà cháu:
1. Giảng viên một trường đại học ở Sài Gòn thăm và chào cờ Lũng Cú.
2. Thượng úy trẻ nhất toàn quân thời điểm nhà cháu chụp cháu ở đỉnh cờ Lũng Cú.
3. Bản chụp bài báo.
4 nhận xét:
Tuyệt vời!
Hihi cám ơn bạn ạ
Bài viết như nói giùm cho những con người Việt đồng tâm đồng điệu! Xứng là người cầm bút của đất Việt!
Cảm xúc đỉnh quá bác Hùng ơi!
Đăng nhận xét