Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2024

VỀ BÚT KÝ "THÁP MƯỜI MÙA NƯỚC NỔI" TRONG SÁCH GIÁO KHOA CÁNH DIỀU

 Nhà thơ Lê Văn Vỵ phỏng vấn nhà cháu cho mục Nhà văn với nhà trường của Tạp chí Nhà văn và cuộc sống, hôm nay ông bê về tạp chí Hồng Lĩnh đăng. Nhà cháu lại rước về đây để ai cần thì đọc ạ.

----------


Nhà văn với Nhà trường:

Ngữ văn lớp 6, tập 1 ( Bộ sách Cánh Diều) đã tuyển chọn “ Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của nhà thơ Văn Công Hùng nhằm minh họa cho thể loại Du kí.

Để giúp GV và HS tiếp cận với tác phẩm này, Chuyên mục Nhà văn với Nhà trường ( Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống; Hội Nhà văn Việt Nam) số 16 có cuộc PV nhà thơ Văn Công Hùng xung quanh tác phẩm này!

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Lê Văn Vỵ:

Kính chào nhà thơ Văn Công Hùng! Nhà văn sinh ra ở Thừa Thiên Huế, công tác tại Gia Lai, viết về Đồng Tháp Mười có khó khăn gì không ạ? Bản sắc đất nước, con người Nam bộ, nhất là phương ngữ Nam Bộ được sử dụng dày đặc và thành công. Nhà văn đã vượt mình như thế nào ạ?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Chính xác tiểu sử tôi là như thế này ạ: Quê ba Thừa Thiên Huế, quê mẹ Ninh Bình, sinh ra ở thành phố Thanh Hóa. Tôi ham đọc sách từ nhỏ, và đấy là cách tôi “đi” và hiểu nhiều vùng đất nước, nhiều chuyện nhiều việc trên đời. Tới chuyến đi về Đồng Tháp với nhà văn Hữu Nhân để viết cái bút ký “Tháp Mười mùa nước nổi” là chuyến thứ tư tôi về miền Tây.

Lê Văn Vỵ:

Tác phẩm dẫn nguồn Báo Văn nghệ, số 49, tháng 12 năm 2011, như vậy đã 12 năm trôi qua. Do yêu cầu của SGK nên tác phẩm chỉ trích đoạn. Xin nhà thơ cho thầy cô giáo, HS và độc giả được biết đôi chút về toàn bộ tác phẩm? Vị trí đoạn trích cũng như điều gì đã thôi thúc viết du kí này? Tác phẩm đã in vào tập nào chưa?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Lần ấy tôi họp ở Bến Tre, gần xong thì nhà thơ Hữu Nhân tìm, trước đó tôi chưa từng gặp anh, mới chỉ đọc nhau. Anh bảo chiều nay em về trước, anh có muốn biết thế nào là lũ đồng bằng thì mai sang Đồng Tháp, em đón. Thế chứng tỏ là anh ấy mới đọc bài tôi viết là về đồng bằng mà không gặp lũ, mà đồng bằng không lũ tức là dân đói, tức là bất thường. Tôi bảo đi chứ, đi ngay, tôi sẽ đổi vé để đi. Hôm sau từ Bến Tre tôi đi cả xe ô tô (đi nhờ), xe ôm... tới bến phà, qua phà thì Hữu Nhân đón, rồi anh đèo tôi bằng xe máy đi lung tung khắp nơi. Tới đâu mà được ông thổ công như nhà thơ Hữu Nhân trực tiếp chở đi thì đúng là bằng bắt được vàng. Ông Nhân nhiệt tình tới mức bỏ nhà ra khách sạn ngủ với tôi (điều mà tôi, dẫu rất hiếu khách nhưng cũng chưa làm được khi có khách tới Pleiku). Lúc ấy thì cứ đi vậy thôi chứ cũng chưa nghĩ sẽ viết gì, tất nhiên tôi có cái đức là đi tới đâu về cũng phải viết cái gì, vì tôi có cái blog và facebook nên phải “nuôi” nó hàng ngày. Về tôi viết hai bài lên blog vanconghung.com, sau đấy hình như là Lương Ngọc An ở báo Văn Nghệ nói, anh ơi, viết cho báo VN cái bút ký về Đồng Tháp Mười đi, gom mấy cái trên blog lại, viết thêm cho tươi. Thế là tôi ngồi viết lại thành cái bút ký 2855 chữ, đăng ở số báo mà bạn nhắc.

Tôi chưa in bút ký này vào tập sách nào dù tôi đã có mười sáu đầu sách, trong đó có 3 tập bút ký, tản văn...

Lê Văn Vỵ: 12 năm trôi qua, kể từ ngày tác phẩm in báo. Từ đó đến nay nhà thơ có trở lại Đồng Tháp Mười không? Đồng Tháp Mười bây giờ có gì khác? Mùa nước nổi có gì khác?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Tôi trở lại miền Tây khá nhiều lần vì giờ con gái tôi đang công tác ở Cần Thơ. Và tất nhiên đã khác rất nhiều. Nó hiện đại lên, nó thuận tiện hơn, nó tiện nghi hơn... nhưng điều ấy cũng đồng nghĩa với việc cái bản sắc văn hóa truyền thống có phần phai nhạt. Điều này cũng đúng với nhiều nơi, cả Tây nguyên nơi tôi đang sống. Nhưng đấy là quy luật, không thể khác. Có điều tôi quan tâm là năm nào dân cũng thắc thỏm chuyện lũ có về không? Có hồi người ta bàn chuyện ngăn lũ, chống lũ... nhưng rồi chính ông Võ Văn Kiệt, một người hết sức am tường mọi chuyện, trong đó có chuyện miền Tây, nói câu bất hủ” sống chung với lũ”, bởi với miền Tây, đồng bằng Nam Bộ ấy, lũ vừa là nguồn sống vừa là văn hóa, vừa là linh hồn vừa là vật chất của vùng đất này. Không còn lũ, không còn bản sắc miền Tây dù có thể họ vẫn sống.

Nhưng có những cái khác phải chấp nhận, ví dụ ngày xưa nhà của người miền Tây đều quay mặt ra... sông, sông chính là đường giao thông chính, giờ tất nhiên, như nhiều vùng khác, lại quay ra lộ (đường bộ), tất nhiên sông vẫn còn nguyên giá trị, dẫu nó đang bị sạt lở rất trầm trọng. Trên đường xuống Cà Mau, tôi chứng kiến những căn nhà bị đổ, bị lở sập xuống sông, dù nó từng cách sông mấy trăm mét.

Cũng đúng thôi, ngày xưa ghe chèo tay, giờ chạy máy, chưa kể còn xuồng cao tốc xé gió, chưa kể còn hút cát, cả công khai (có giấy phép) lẫn hút trộm...

Hay trước, người ta đi chợ nổi, Cái Răng chẳng hạn, là để mua bán, cả ăn uống, giờ chủ yếu là để thăm quan, ăn uống mua sắm trên bờ, xuống chợ nổi là để thăm quan...

Lê Văn Vỵ:

Mùa nước nổi của Đồng Tháp Mười bắt đầu và kết thúc vào thời gian nào thưa nhà thơ? Ở thời điểm đó sen còn “bung nở giữa bùn”, “tự tin khoe sắc hồng đặc trưng” nữa không nhà thơ?

(Vậy sen đã bắt đầu tàn thì nên hiểu sen là ký ức về Đồng Tháp Mười trong trang viết của nhà thơ có đúng không ạ?)

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Thực ra thì cái mùa nước nổi bắt đầu và kết thúc khi nào thì phải hỏi chính người miền Tây mới rõ, chứ tôi chỉ biết lõm bõm qua lời kể của nhà thơ Hữu Nhân và đọc trên sách báo, mà điều ấy ai cũng làm được. Khi sen tàn là tàn đại trà, còn nó vẫn còn những bông nở, vẫn còn nụ, còn gương sen. Quê tôi, ở Huế ấy, giờ cũng trồng rất nhiều sen. Trước chỉ có sen ở hồ Tịnh Tâm, giờ bà con trồng khắp nơi, để kinh doanh ấy. Và tôi vừa về, đúng mùa sen tàn. Nhưng trên những cánh đồng sen vẫn có những bông sen đang nở. Nó vươn lên kiêu hãnh giữa những lá sẽ khô, giữa những gương sen bắt đầu chụm hạt, cái phần chính, mục đích của bà con khi trồng sen.

Thế tức là, vừa là ký ức, và là thực tế. Khi viết, tất cả những điều ấy nó hòa vào, nhập vào, thành một... mùa sen.

Lê Văn Vỵ:

Do yêu cầu của SGK, nên người soạn sách “cắt, xén” biên soạn thành 5 mục. Mục 1 là Lũ Đồng Tháp Mười; mục 2 giải thích tên gọi Đồng Tháp Mười và tràm chim; mục 3 đặc sản cá linh và bông điên điển; mục 4 sen Tháp Mười; mục 5 khu di tích Gò Tháp và mục 6 cuộc sống của người dân Cao Lãnh. Việc biên soạn 6 mục như vậy có làm phương hại đến tác phẩm không? Có phù hợp với dạy- học tác phẩm cho đối tượng HS lớp 6 không?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Việc những người làm sách chọn tác phẩm và cắt, chia để phù hợp thì tôi nghĩ họ có lý do của họ. Và tôi tôn trọng họ. Họ chọn tác phẩm của tôi làm ngữ liệu để dạy trong sách giáo khoa về thể loại và qua đấy kết hợp giới thiệu thêm một vùng đất nước chứ không phải chọn tác phẩm văn học. Và tôi nghĩ họ làm thế là hợp lý, họ có chuyên môn của họ.

Sau khi vào sách, có một vài ý kiến phản biện, về những vấn đề cụ thể, như địa lý thế này, lịch sử thế này, nước ròng thế này vân vân. Nhưng trọn tác phẩm của tôi là cái bút ký, nó là cảm nhận của tác giả chứ không phải giáo khoa về địa lý, về lịch sử... và nó cũng được in trong mục giới thiệu thể loại chứ không phải tác phẩm văn học...

Lê Văn Vỵ:

Tác phẩm được viết theo thể loại du kí? Có thể phân biệt du ký với các loại hình khác của thể ký ở những điểm nào? Theo nhà thơ trong thời đại ngày nay khi ngành Du lịch phát triển ( Du lịch sinh thái; Du lịch sinh thái- văn hóa, lịch sử, tâm linh) thì du kí có vai trò quan trong như thế nào? Nhà thơ có tiếp tục loại hình này không?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Thực ra khi viết ấy mà, tôi chả chủ định viết thể loại này thể loại kia, mà cứ viết thôi, tùy cảm xúc và tư liệu mình có. Thế mạnh của tôi là viết nhanh, mới những gì mình vừa trải qua. Chuyến đi miền Tây đầu tiên của tôi là đi cùng nhà văn quá cố Nguyễn Đức Thọ, chúng tôi đi bằng xe máy, bốn này qua bảy tỉnh, đi tới đâu... nhậu tới đấy, và tối nào tôi cũng viết mấy trang. Có lẽ kiểu vừa đi vừa viết như thế mà nó thành du ký. Nó là cái thể loại thấy gì viết nấy, tất nhiên phải kết hợp với những gì mình đã biết trước đó, rồi so sánh rồi ngẫm nghĩ rồi khai thác cảm xúc bản thân. Nhà văn phải hơn những người đi du lịch bình thường là trước khi đến đấy anh đã phải tìm hiểu về nó, về những gì xung quanh nó, rồi tới nơi thì phải ngẫm ngợi, phải liên tưởng, phái khám phá và phải... động não, phải lao động, chữ nghĩa nó ra là phải nâng niu, phải đón ngay... để nguội là thiu, là quên...

Lê Văn Vỵ:

Trong Du kí, nhà văn  tôn trọng đời sống hiện thực, lựa chọn  hiện thực tiêu biểu để đưa vào tác phẩm, nhưng tác phẩm văn học không thể không tưởng tượng và hư cấu. Theo nhà thơ mức độ, vai trò hư cấu trong du kí ra sao, và cụ thể ở: "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” chỗ nào là hư cấu của tác giả ạ?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Tôi không hư cấu, hoàn toàn không. Những gì tôi kể là thật, nhân vật là thật, tôi thấy là thật. Có thể khi viết, tung hứng tí chỗ này chỗ kia chứ không hư cấu. À có chăng là ở đoạn kết của bài như thế này: “bình dị và an lành, tự tin và khảng khái, nhưng họ góp phần làm nên một Đồng Tháp năng động hiện đại khi đêm ấy tôi cùng Hữu Nhân dạo một vòng thành phố và nhận ra một đô thị Cao Lãnh vừa trẻ trung vừa hiện đại rất có gu kiến trúc, vừa mềm vừa xanh cứ nao nao như một câu hò vươn trên sóng...”. Nao nao như một câu hò vươn trên sóng là tôi tưởng tượng ra, như thế có thể gọi là hư cấu đấy.

Còn hư cấu, nếu có, trong bút ký, tôi nghĩ đấy là cách dùng chữ. Chữ hết sức quan trọng trong việc anh kể câu chuyện ấy. Nên sự việc ấy, ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng phải vào tay nhà văn nó mới thành bút ký.  Nhưng đấy lại là chuyện khác, nó do khả năng của từng người, và khả năng ấy nó quyết định đến sự đọc của bạn đọc. Được chọn vào sách giáo khoa nó cũng chứng tỏ là, những gì anh viết có người đọc, mà người đọc ở đây lại là có “con mắt xanh”, có chuyên môn, để tiếp tục lan tỏa...


Lê Văn Vỵ:

Vai trò của tả (đặc tả), kể; cách tổ chức câu văn, đoạn văn, lựa chọn từ ngữ trong du kí. Kinh nghiệm của tác giả viết Du kí?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Kinh nghiệm của tôi là phải viết ngay, viết tươi ngay khi cảm xúc còn nóng hổi, mình còn chưa dứt ra khỏi cảm xúc ấy. Vì mỗi người thường có rất nhiều việc, để một thời gian nó sẽ bị công việc mới cuốn đi. Tất nhiên viết ngay như thế có thể nó không sâu, thì thế mới gọi là du ký. Còn viết sâu nó khác. Nó là lặn ngụp cả cuộc đời, là nếm trải, là chính cuộc sống của tác giả, là mồ hôi, nước mắt và nhiều khi cả máu. Thì đấy là những cái bút ký văn học, có độ sâu, và đằm. Tôi vừa đi Hà Giang, cưỡi... xe xem đá thôi, và đọc lại cụ Nguyên Ngọc viết về Hà Giang, mới thấy sự khác nhau của du ký và bút ký văn học, dù chả có ai định nghĩa rạch ròi ra cả, nhưng tôi cảm nhận thấy thế thôi.

Còn cách viết, sử dụng ngôn ngữ, tổ chức câu văn vân vân thì rất khó để nói, vì như tôi, khi viết, tự nó ra chứ mình không điều khiển được nó. Nhiều khi nghĩ mãi không ra nhưng có lúc chữ tuôn ào ạt. Mà khi nghĩ mãi không ra mà cứ cố viết, chữ sẽ rất chán, nó bẹp dí, nó vô hồn, nó cứng như củi. Còn chạm được vào mạch, chữ nó tự ra, có những chữ, những hình ảnh, những suy nghĩ sau đọc lại cứ ngơ ngác hỏi: Sao lúc ấy mình viết được như thế?

Lê Văn Vỵ:

Có phải ký của Văn Công Hùng giàu chất thơ? Đâu là chất thơ bay bổng trong “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi”

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Lối viết ký của tôi giàu chất thơ đơn giản bởi tôi là nhà thơ. Tôi thích dùng hình ảnh thật đắt, thật sống động, và dùng chữ cũng rất riêng để tả chúng. Tôi không chịu được sự lặp dù viết cái bút ký vài ngàn chữ rất khó không lặp, huống gì lại viết nhiều, viết hàng ngày. Nhưng cố gắng để không lặp, cố gắng sáng tạo ra chữ mới, nếu không mới thì đặt được chúng vào ngữ cảnh mới, bắt chúng phải tươi lên, phải rộn ràng thở. Tôi hay nói đùa với bạn viết, chữ phải rạo rực hết lên, tung tẩy cả lên, phải đành đạch giãy lên, phải thật tươi. Tôi viết facebook hàng ngày cũng như thế.

Lê Văn Vỵ:

Độc giả được biết nhà thơ Văn Công Hùng là nhà thơ với “ Bến đợi”, “ Hát rong”, “ Hoa tường vi trong mưa” “ Vòm trời khác”,, “ Cầm nhau mà đi”,  “ Ngựa trắng bay về” (Trường ca); còn văn xuôi, mới chỉ xuất bản:” Tây Nguyên trôi”. Nhà thơ có ý định tiếp tục thể loại Du kí không?

Xin nhà thơ trao đổi đôi nét về quá trình sáng tác văn học. Những  giải thưởng, những dự định sắp tới?

Nhà thơ Văn Công Hùng:

Tôi làm thơ từ hồi còn là học sinh phổ thông, thời cấp 2 ở Thanh Hóa. Vào đại học Tổng Hợp Huế cũng vẫn làm nhưng... dấm dúi. Chính thức công khai làm là từ khi tốt nghiệp đại học và xung phong lên Gia Lai Kon Tum (hồi ấy chưa chia tỉnh). Tới giờ tôi đã có mười sáu đầu sách đã xuất bản, 13 thơ và trường ca, 3 văn xuôi (bút ký, tản văn) gồm:

1.Bến Đợi (tập thơ- Hội VHNT Gia Lai 1992).

2.Hát rong  (tập thơ NXB Đà Nẵng 1999).

3.Ngựa trắng bay về (trường ca NXB Quân đội Nhân dân 2002).

4.Hoa tường vi trong mưa (tập thơ NXB Đà Nẵng 2003).

5.Mắt cao nguyên (Văn xuôi NXB Đà Nẵng).

6.Gõ chiều vào bàn phím (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2007).

7.Lời vĩnh cửu (Trường ca NXB Hội Nhà Văn 2007).

8.Đêm không màu (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2009).

9.Lục bát Văn Công Hùng (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2010).

10.Vòm trời khác (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2012).

11.Cầm nhau mà đi (Tập thơ NXB HNV 2016).

12.Trong cơn mơ có thực (Tập thơ NXBHNV 2019).

13.Tây Nguyên trôi (Tập bút ký ghi chép về Tây Nguyên 2019).

14.Chợt. Tập thơ. NXB Văn học 2022.

15. Từ Tây Nguyên. Văn xuôi NXB Văn học 2022.

16.Nhặt chuyện văn nhân. Chân dung văn học NXB Văn học 2022.

Tôi không lấy làm quan trọng chuyện giải thưởng nên thôi xin không nhắc ở đây. Tôi có may mắn là được sống và công tác trong môi trường văn chương chuyên nghiệp từ khi tốt nghiệp đại học tới nay, tức là có không khí văn chương chứ chuyên nghiệp thì nước ta có ai chuyên nghiệp đâu? Từng là Tổng biên tập một Tạp chí văn nghệ cấp tỉnh, từng là ủy viên Ban chấp hành hội nhà văn VN một khóa... nên cơ hội gặp gỡ, học tập, trao đổi... có thuận lợi hơn một số anh em nhà văn nhưng phải làm các công việc không gắn với văn chương...

Dự định của tôi ư, thực ra là tôi... chả có dự định gì, dù tôi viết hẳn lên mục tự giới thiệu của blog tôi là “Cố gắng viết đến khi nào hết chữ thì thôi”. Tôi có may mắn là hay được các báo dùng bài, chắc do họ thấy bạn đọc thích đọc tôi, nên họ đặt bài, có đặt định kỳ, đặt đột xuất, và dự định của tôi là, viết đến khi nào hết được đặt, hihi. Thực ra giờ về hưu, giữ chuyên mục cho vài tờ báo, cũng mệt lắm, hết sức câu thúc về thời gian. Nhưng bù lại, là được vui, được đọc nhiều (tôi giữ mục giới thiệu “gương mặt thơ” cho một tờ báo nên hàng tuần đều phải  đọc rất nhiều thơ), được  tung tẩy với chữ (giữ một mục thích gì viết nấy cho một tờ báo khác, khi đăng bài tôi tòa soạn chua một dòng ở dưới bài “Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả” nên luôn phải làm mới chữ.

Tất nhiên, ngay bây giờ, tôi có thể in vài cuốn sách, bản thảo đầy trong máy rồi, và nói thật, từ xưa tới nay, tôi chưa bao giờ phải bù lỗ khi in sách. Nhưng thôi, từ từ đã, cứ viết đã, đăng báo đã, mười sáu cuốn chưa phải nhiều nhưng cũng không quá ít với đời người cầm bút. Biết đủ là đủ, tôi dặn mình thế...

Cảm ơn Nhà thơ Văn Công Hùng đã đồng hành cùng GV và HS đổi mới học Ngữ văn và độc giả Nhà văn và Cuộc sống.

Kính chúc nhà thơ sức khỏe, sáng tạo tiếp tục có những tác phẩm xuất sắc. Trân trọng cảm ơn!






 


4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Trân trọng cám ơn tác giả Văn Công Hùng . Rõ ràng phải bằng chính tâm hồn và tư duy của mình thì các em học sinh mới có thể cảm nhận được những gì mà các tác giả muốn gửi gắm, đều này là đích hướng đến của CT PDPT 2018, nó đòi hỏi rất nhiều tâm huyết của người dạy

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn bạn nhé.

Nặc danh nói...

Em thấy anh đã truyền cho các em học sinh tình yêu thiên nhiên,yêu quê hương yêu Tổ Quốc.Đó là một thành công của người cầm bút.

Văn Công Hùng nói...

Hihi cám ơn bạn ạ.