Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ, nhà nghiên cứu văn hóa ở Gia Lai vừa có bài viết thú vị trên một tờ báo, rằng là “Nên giữ lại “bia chiến bại” của người Pháp ở Đăk Pơ”.
Tôi nhiều lần qua lại nơi đây, là cái huyện Đăk Pơ và cái nơi diễn ra trận đánh nổi tiếng cách đây vừa tròn 70 năm mà ai học lịch sử phổ thông đều biết, chiến thắng GM.100, tức binh đoàn 100. Nó ngay đầu đèo Mang Yang, ngay bên đường 19. Sau này tôi còn được biết, nhà văn Nguyên Ngọc, khi ấy còn là anh lính trẻ, chính là người đã đi trinh sát cho trận đánh này. Ông đã vào làng S’tơ của ông Núp để tiền trạm, quen ông Núp từ đấy, để sau này gặp lại thì ông có tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” nổi tiếng. Ông Núp thì giữ nguyên tên còn làng thì đổi thành làng Kông Hoa. Trận đánh GM.100 này hòa cùng chiến thắng Điện Biên Phủ đã là cú hích quyết định cho việc ký kết hiệp định Giơ – Ne - Vơ cùng năm ấy.
Tôi cũng từng có bài viết về trận đánh nhau nổi tiếng này đăng trên báo Văn Nghệ, để sau đấy, trong bộ hồ sơ của huyện gửi các cơ quan chức năng xin làm cái tượng đài chiến thắng Đăk Pơ, người ta đã kèm cái bài của tôi như một cách “mở rộng” về mục đích ý nghĩa của việc cần làm tượng đài.
Và ban quản lý công trình hồi ấy cũng nhờ tôi viết cho cái bia giới thiệu tượng đài. Bia giới thiệu chứ không phải văn bia, thế mà tôi cũng phải ý tứ mãi mới viết được cho nó đủ đầy, bởi nơi đây không chỉ có gần 150 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, du kích đã nằm lại, nhiều người tới nay vẫn chưa tìm được hài cốt, nơi an nghỉ, mà còn rất nhiều những người dân quanh đấy, nhiều thân nhân lính Pháp cùng khoảng 500 sĩ quan, binh lính đối phương. Gần 70 năm (khi tôi viết) họ đã kịp là... hàng xóm của nhau rồi, nên tôi viết: “Chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ và góp phần quan trọng vào việc ký kết hiệp định Giơ Ne Vơ, chiến thắng Đak Pơ là một trang vàng trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.
Nơi đây, ngày 24 tháng 6 năm 1954, trung đoàn 96 (E96) Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân công hỏa tuyến, với quân số ít hơn ba lần đã đánh tan binh đoàn 100 (G.100) tinh nhuệ bậc nhất của quân đội Pháp thời ấy vừa được điều từ chiến trường Triều Tiên về với sự hộ tống của tiểu đoàn khinh quân 520.
Với chiến thắng Đak Pơ, quân ta đã bẻ gãy xương sống chiến dịch Atland, tiêu hao 1.100 địch, có 500 chết tại chỗ, 600 bị thương. Bắt sống 800 binh lính, trong đó có quan năm Barroux, chỉ huy G.100. Tịch thu 375 xe cơ giới, có 229 xe còn nguyên vẹn, 1 xe tăng, 18 đại bác 105 li...
Trung đoàn 96 có 147 đồng chí hy sinh, hiện đang được vinh danh và thờ tại đền tưởng niệm này, 80 đồng chí bị thương.
Không chỉ 147 liệt sĩ của trung đoàn 96, nơi đây còn nhiều liệt sĩ của bộ đội địa phương, dân quân du kích và nhân dân.
Và nhiều người vô danh khác.
Đền tưởng niệm và tượng đài này tưởng nhớ các liệt sĩ, những người đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước, vì sự phát triển hôm nay của Tổ quốc Việt Nam.
Máu xương của các liệt sĩ không bao giờ bị lãng quên. Sự hy sinh của các liệt sĩ luôn là tấm gương bất tử để các thế hệ con cháu noi theo.
Mãi mãi ghi ơn các liệt sĩ và mãi mãi không quên chiến thắng Đak Pơ...”.
Có câu “và nhiều người vô danh
khác”, nhiều người cho là thỏa đáng. Tôi trăn trở mãi và cuối cùng giữ được câu ấy.
Và giờ anh Nguyễn Quang Tuệ phát hiện còn có một tấm bia do người Pháp lập, anh gọi là “bia chiến bại” nhưng tên đúng của nó là “Bia tưởng niệm tử sĩ Pháp - Việt”.
Tấm bia này lâu nay vẫn tồn tại ở đấy, nhưng nó bị... quây lại trong một cái khung sắt.
Sáu năm trước, tấm bia này đã được UBND huyện Đăk Pơ đề nghị và tỉnh Gia Lai chấp nhận đưa vào “Danh mục kiểm kê di tích” và dự kiến lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích giai đoạn 2018-2023”. Anh Tuệ viết: “Theo kế hoạch, bia do người Pháp dựng sau thất bại tại trận đánh Đăk Pơ dự kiến trở thành di tích cấp tỉnh vào năm 2022, chấm dứt tình trạng không được chăm sóc, bảo quản nhiều chục năm nay”.
Và nếu như thế thì cái cụm di tích này sẽ hết sức thú vị. Có đền thờ, có tượng đài và có... bia chiến bại do chính đối phương lập.
Nhưng rất tiếc, cuối cùng thì, huyện Đăk Pơ, không hiểu vì lý do gì, đã loại cái bia ấy khỏi sự quản lý, khỏi cụm di tích vì huyện “không lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp tỉnh như dự kiến”.
Anh Nguyễn Quang Tuệ, đương nhiệm trưởng phòng nghiệp vụ Văn hóa sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai kết luận trong bài viết: “Chúng tôi cho rằng sẽ tốt hơn nếu hiện vật ấy được giữ lại, được quan tâm để trở thành di tích cấp tỉnh. Bởi chính nó là “nhân chứng sống” của Di tích cấp quốc gia Chiến thắng Đak Pơ, đồng thời là một phần không thể tách rời trong thắng lợi của trận phục kích kinh điển được bộ đội ta thực hiện 70 năm trước. Khoan nói về du lịch hay những gì tương tự, còn gì tốt hơn, nếu để chính những người thua trận tự đứng ra công nhận thất bại của họ?
Quốc lộ 19 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, bao gồm cả sự san ủi khẩn trương của máy móc ngay trên đoạn đường ngang qua “bia chiến bại”. Nên chăng huyện Đak Pơ cần có một giải pháp cấp thời cho hiện vật này trước khi quá muộn”.
Và tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến này của anh.
Một di tích nên được nhìn nhận từ nhiều chiều, nhiều phía, nó sẽ tăng sự thú vị, nó khiến lịch sử được tôn trọng và nhiều ý nghĩa.
Khi cái bia này không được đưa vào danh mục để bảo vệ, nghĩa là nó cứ nằm bên đường, ai muốn đập phá, muốn lấy mang đi đâu đều được...
Bài đăng báo Người đưa tin, ở đây.
Sau 2 ngày, anh Nguyễn Quang Tuệ nhắn tin: Huyện Đăk Pơ đã đưa lại bia này vào chương trình bảo vệ và bảo tồn. Báo chí cũng có ích phết hihi.
Nhà cháu và cái bia do mình viết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét