Tháng 7 này, trên khắp nước Việt Nam tổ chức rất nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Nó được coi là tháng tri ân.
Trước hết là tri ân những người con đã bỏ mình vì Tổ quốc. Họ đã hòa máu xương vào đất đai cây cỏ của đất nước, họ tan vào trời xanh, mây trắng, họ hiển hiện trong từng hơi thở nhịp tim mỗi chúng ta hàng ngày hàng giờ.
Tháng này có ngày 27/7, ngày để chúng ta tưởng nhớ và xúc động. Ngày để ta nén mình lại, để thấy mình rõ hơn khi soi mình vào những hương hồn liệt sĩ.
Tôi nhớ, lớp học cấp 3 của tôi ngày ấy, rất nhiều bạn đã bỏ dở buổi học để nhập ngũ, họ đi mà thậm chí lớp không biết, tưởng họ nghỉ học, cả tuần, thậm chí tháng sau mới biết. Rất nhiều bạn là nữ. Sau này tôi đến được nơi các bạn ấy đã đến, chỉ còn lá đổ rào rào trên những lối mòn rừng khộp, và tôi viết: “Những con đường hoàn thành, những đoàn quân đi qua. Trùng trùng quân đi hướng về chiến thắng. Chỉ những cánh rừng là im lặng, chiều mỏng manh bóng con gái nhạt nhòa. Đôi vai mảnh mai kia bao lần làm trụ đỡ cầu phà, bao lần em đứng làm cọc tiêu cho xe qua bến. Mà mưa bom bão đạn... Tiếng con gái ngọt ngào nâng bước những đoàn quân .
Tôi lật chiều lật cỏ để tìm em, chỉ gặp biết bao điều bình dị. Ngang dọc những cánh rừng con gái, nào đâu em thức ở phương nào?
Tôi đi nửa giờ xe để đến nơi ngày xưa em qua bằng một đời con gái. Bạt ngàn cao su rưng rưng nhựa trắng, lại gặp những bóng áo xanh một thời trận mạc. Lại gặp những vai tròn con gái, lại những tiếng cười trong trẻo tuổi hai mươi...
Em lẫn vào cây vào đất vào rừng, vào hôm nay khói hương nhòa nước mắt. Anh xin thay em chắp tay dõi về phương bắc, một dáng chiều tựa cửa phơ phơ...”.
Và rất nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân của họ, những người có công và các bà mẹ anh hùng sinh ra những anh hùng cho Tổ quốc.
Cũng tháng 7, chúng ta còn một tháng âm lịch, tháng của mùa vu lan báo hiếu. Nó là một cái lễ của Phật giáo, nhưng rất nhiều gia đình Việt Nam bây giờ coi đấy là ngày những người con báo ân cha mẹ dù họ không phải phật tử. Nó đã trở thành một cái lễ đầy tính nhân văn của dân tộc Việt.
Tôi rất xúc động khi chứng kiến những lễ cài hoa hồng trên ngực áo của những người con còn cha mẹ, chứng kiến sự tủi thân, xót xa của những người không được cài hoa! Nó đồng nghĩa với sự cô đơn, cô độc trên đời khi không còn cha mẹ, dẫu có thể họ đã rất lớn rồi, có con, thậm chí cháu rồi.
Và cũng tháng 7 âm ấy, còn cái lễ xá tội vong nhân. Tất cả mọi linh hồn từng tội lỗi đều được xá tội, “mọi linh hồn đều được đưa tiễn” như tên một cuốn sách của nhà văn nhà báo Xuân Ba.
Tháng này, rất nhiều hoạt động tri ân diễn ra, từ đi thăm, tặng quà, tới viếng nghĩa trang, thắp nến đặt hoa. Tôi đã đi qua rất nhiều nghĩa trang, nhưng cái nghĩa trang khiến tôi xúc động nhất là nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang. Những hàng bia trắng toát, những ngôi sao đỏ im lặng, chiều mênh mông nắng. Những vết đạn như vẫn còn tươi rói quanh đây.
Nghĩa trang này không quy mô, không lớn, không nhiều liệt sĩ như nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở Quảng Trị (Riêng tỉnh Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ), nhưng sao tôi cứ thấy nó xa xót. Có thể vì nó mới, có thể vì nó vô lý, có thể vì nó khiến ta không thể tin được, khiến ta nhói lên nỗi đau phản trắc, nỗi đau niềm tin...
Tôi cũng vừa tới viếng đền thờ Long Khốt của tỉnh Long An. Nơi này thờ hơn một ngàn liệt sĩ. Nó chỉ là một ấp của xã biên giới thuộc huyện Vĩnh Hưng mà bia khắc tên liệt sĩ kín xung quanh bốn bức tường nhà thờ. Tôi tới đấy với những người lính, cả lính đương nhiệm và lính cựu, họ khóc, tôi cũng nước mắt nhạt nhòa: “những người lính trở về/ những người lính hôm nay/ lặng im và nước mắt/ chín tiếng chuông cứa thinh không.../ rất nhiều chân nhang tần ngần/ không nỡ cháy/ chả còn vành khăn tang nào chờ nữa/ mấy chục năm rồi khăn trắng phải sang ngang” (Viếng đền Long Khốt- VCH).
Một lần chạy qua Hà Tĩnh, tôi giao ước với những người đi cùng, bằng mọi giá phải vào ngã ba Đồng Lộc thắp hương các chị thanh niên xung phong. Dẫu nhà thơ đàn anh Vương Trọng đã có bài thơ cực hay, được khắc vào bia đá, nhưng tôi vẫn không thể không viết: “Không thể chín bỏ làm mười/ "Chín bỏ làm mười răng được"/ chị về đi về đi/ về với bức thư còn dở dang chiều ấy/ về với mối tình thoang thoảng ngọc lan/ về, chiều nay không còn bom tọa độ/ về, chiều nay mẹ nấu canh cua.../ về đi về đi/ bốn mươi năm rồi mẹ vẫn đợi/ xin lạy chị nén hương này thắp vọng/ em chỉ là hạt cát của đời thôi.../ về chị nhé/ Ngàn Phố vẫn xanh chị tắm thuở nào/ về chị nhé/ sáu mươi tuổi rồi chị bắt đầu yêu/ về đi chị...”.
Ông anh nghệ sĩ nhiếp anh kiêm nhà thơ, nhà báo Lê Bá Dương, đồng nghiệp của tôi một thời ở một tờ báo, người khởi xướng việc thả hoa trên sông ở Quảng Trị hàng năm đã hàng chục năm nay, thì bắt đầu tháng 7 này từ tháng... 6. Trên một chiếc ô tô đời... ơ kìa, anh từ Nha Trang ra Quảng Trị thắp hương đồng đội. Chuyện anh thắp hương và rải hoa quá nhiều người biết rồi, không cần nhắc nữa, cả 4 câu thơ tuyệt bút của anh được đục vào bia dựng bên sông “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm” giờ như một biểu tượng của nghĩa nhân, của chung thủy, của đạo lý, của nỗi đau bất tử và sự xa xót cũng bất tử.
Nhưng, vâng, vẫn phải nhưng, giữa những sôi nổi ào ạt hoặc lặng thầm tri âm ấy vẫn có những nốt lặng.
Rất nhiều những tấm bia chưa có tên liệt sĩ, rất nhiều gia đình bỏ ra cả chục, vài chục năm đi tìm con em mình mà mãi không ra, tới khi phát hiện, thì té ra liệt sĩ người nhà mình đã nằm ở nơi mình qua cả chục lần mà không biết.
Năm nào đấy, tôi chứng kiến gia đình chị Phạm Tâm Hiếu, một nhà báo ở Hà Nội đi tìm anh là liệt sĩ hy sinh ở chiến trường K. Đã tìm rất nhiều nơi, kết nối nhiều kênh, tốn rất nhiều công sức và cả tiền bạc. Và gia đình đành tung... thám tử đi tìm, thì biết “Em nhận được thông tin ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai có một mộ được quy tập với thông tin: Liệt sĩ Phạm Hòa, quê Hà Nội, đơn vị C3E1F2, sinh năm 1956, mất ngày 3/6/1979. Như vậy đây khả năng cao là anh của em rồi, dẫu vẫn còn 2 thông tin hơi lệch: Tên thiếu chữ I (Hòa thay vì Hoài), và ngày mất thiếu số 1. Anh giúp em có thể hỏi nghĩa trang Ia Grai xem giúp có đúng có mộ như thế không? Nếu có, chắc chắn là anh của em. Em sẽ vào ngay”.
Tôi tham gia giúp, nhờ người quen ở sở LĐTBXH, ở huyện... tìm. Và đều... không thấy. Cuối cùng một người cháu từ Quy Nhơn chạy lên tận nơi chụp ảnh quay phim ngôi mộ thì khớp tất cả thông tin, thế là gia đình bay vào ngay lập tức và đưa liệt sĩ về quê sau bao cuộc kiếm tìm vất vả.
Hồi ấy tôi đã viết trên báo việc này và mong mỏi, ngành LĐTBXH phối hợp với quân đội đưa thông tin tất cả danh sách liệt sĩ, kể cả các thông tin liên quan nếu chưa biết cụ thể, lên mạng để gia đình bớt phải vất vả đi tìm. Tất nhiên tôi cũng biết, như trong bài nhà thơ Đỗ Trung Lai viết về cuộc đi tìm anh mình, liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn, rằng một cán bộ sở LĐTBXH đã nói với anh: “Anh xem! Nếu tất cả các gia đình ngoài Bắc đều đưa hài cốt liệt sĩ về quê, thì các nghĩa trang liệt sĩ ở Miền Nam này trống rỗng hết ư?”, nhưng đấy là việc khác, không phải ai cũng có nhu cầu đưa về, và từng trường hợp cụ thể ta có cách giải quyết. Như trường hợp liệt sĩ Đỗ Trung Cẩn, nhà thơ Đỗ Trung Lai kể, anh đã cùng một số sĩ quan quân đoàn 3... đào trộm liệt sĩ mang về với sự bí mật đồng ý của người quản trang.
Có phải vì thế mà sinh ra những kẻ lừa đảo, kiểu như “thầy Thủy” lừa bao nhiêu người đi tìm mộ liệt sĩ, bỏ cả xương động vật vào làm mộ giả để lấy tiền.
Tôi chơi với Nguyễn Thanh Bình, nguyên trưởng ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai. Chơi mãi mới biết anh là con trai của một ông rất “khủng”, ông Nguyễn Tư Thoan, nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Bình thời chống Mỹ. Những ai ở thế hệ tôi trở lên có lẽ nhiều người biết tên ông Thoan. Thời ấy Quảng Bình là rốn bom đạn, là cái cổ họng của con đường Bắc Nam đang chia cắt. Lãnh đạo được một tỉnh như thế phải là người như thế nào, để dân vẫn sống được, vẫn phục vụ chiến đấu, trực tiếp chiến đấu và bảo đảm hàng vạn quân qua lại cái cổ họng này mỗi ngày. Ông Thoan còn nổi tiếng vì ông làm... thơ, cả thơ của ông và thơ người ta gán cho ông, như cái bài “vòng lá ngụy trang” rất hay được ngâm thời ấy, một số người bảo của ông Nguyễn Tư Thoan đấy, sau tôi hỏi thì người ta bảo không phải. Theo con trai ông thì tất cả ông làm 6 bài thơ. Sống giữa rốn bom đạn như thế, sống chết gang tấc như thế, việc ngập đầu ngập cổ như thế, mà vẫn làm thơ được thì là thánh chứ chả phải người. Ông nói với con trai mình: “ba không phải là nhà thơ, nhưng nhân dân Quảng bình giỏi quá và anh hùng quá nên chỉ có Thơ mới ca ngợi được những công lao của nhân dân Quảng bình chứ viết thì không thể nào tri ân được những công lao đó và vì thế ông mới có cảm xúc chuyển tải thành thơ”.
Và cũng mới đây anh mới cho xem một phim tài liệu về ông Thoan, phim đã chiếu trên truyền hình.
Đoạn cuối thì tôi xa xót.
Giữa bom đạn bời bời như thế, ông Nguyễn Tư Thoan chủ trương làm đập Rào Nan để lo gạo cứu đói cho bà con, để nhân dân có gạo ăn mà chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Rất khó khăn để vừa thuyết phục vừa chỉ đạo, dành ra một phần nhân lực vật lực để quyết làm. Mới nhất, một tấm bia dựng ở đấy, nguyên văn: “Cuối những năm 60 của thế kỷ XX, để đáp ứng nhu cầu lương thực tại chỗ và chi viện cho chiến trường miền Nam, với quyết tâm sắt đá, thể hiện sức mạnh ý Đảng lòng dân, đứng đầu là bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan, công trình thủy lợi Rào Nan được xây dựng, đập làm bằng đá, dài 135 mét, chân rộng 30 mét, cao 6 mét, khởi công năm 1968 hoàn thành năm 1969. Chiến tranh ác liệt, đập Rào Nan vẫn hiên ngang giữa mưa bom bão đạn và phát huy giá trị suốt 5 thập kỷ qua, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho hàng vạn người dân vùng nam huyện Quảng Trạch, nay là thị xã Ba Đồn. Tháng 9 năm 2021, phiên bản mới được xây dựng bằng bê tông cốt thép để thay thế cho đập cũ từ nguồn trái phiếu chính phủ...”.
Xa xót là bởi, làm bí thư tỉnh Quảng Bình từ năm 1959 tới năm 1974 thì ông Thoan bị khai trừ ra khỏi Đảng vì có một đoạn lý lịch ông không khai, và năm 1989 thì ông mất.
Vấn đề ở đây là, nhân dân Quảng Bình rất yêu quý ông, họ tự góp tiền xây một tấm bia ghi ơn ông ở cái đập Rào Nan ấy, thế mà theo ông Trần Sự, nguyên chủ tịch tỉnh Quảng Bình, cấp dưới của ông Thoan thời ông Thoan làm bí thư và ông Văn Lợi, nguyên giám đốc sở Văn hóa Quảng Bình, rằng không biết có một chủ trương tồi tệ nào đó mà người ta đã đập nát tấm bia dân tự làm này. Và rồi lâu sau đó, có tấm bia thay thế tôi kể trên, nó do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn cùng đứng tên dựng. Một sự tri ân đáng trân trọng dù muộn.
Một chuyện nữa, trước khi mất, ông Nguyễn Tư Thoan nhắn lại cho các con, là ông bị oan khi bị khai trừ Đảng năm 1974 ấy. Thời ấy nó thế, chỉ một báo cáo có khi là số phận một con người. Tôi cũng không hiểu các con ông có tiến hành việc minh oan cho bố không, nhưng về Quảng Bình, và chả cứ Quảng Bình, nhắc tên ông thì hầu như ai cũng kính trọng.
Cũng mới nhất, tôi biết, nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân vừa vào Quảng Bình để làm chương trình nhạc Hoàng Vân tại mảnh đất mà nhạc sĩ nổi tiếng này cho ra đời ca khúc để đời “Quảng Bình quê ta ơi”, bài này, Hoàng Vân làm bởi chất xúc tác rất lớn của bí thư Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan. Ai cũng biết điều ấy. Bình khoe với tôi ảnh nhạc sĩ Lê Phi Phi tới thăm gia đình các chị anh ngay khi tới Đồng Hới, và ăn cơm cũng gia đình.
Nhà báo nhà văn Xuân Ba tả một đoạn về đám tang ông Thoan: “Đám tang ông hàng ngàn chiếc xe đạp lặng lẽ diễu bộ sau linh cữu”.
Cuối phim có chi tiết, tướng Đồng Sĩ Nguyên phát biểu, đề nghị khôi phục Đảng cho ông Nguyễn Tư Thoan.
Ở Huế quê tôi, cũng có một sự kiện tri ân rất xúc động, nhân dân tri ân lãnh đạo.
Là ông Phan Thế Phương được dân lập miếu thờ như một vị thần của làng, và giờ có một ngôi trường mang tên Phan Thế Phương, người khi làm giám đốc sở đã mang nghề nuôi tôm về cho dân làng, biến một ngôi làng nghèo trở thành giàu có ấm no. Bị tai nạn giao thông trong một chuyến đi vào miền Nam tìm đầu ra cho con tôm, ông đột ngột qua đời. Hàng nghìn bà con vùng đầm phá nghe tin đã lũ lượt kéo lên nhà ông chịu tang. Và sau đó họ rước hương hồn ông về lập miếu thờ. Và họ thờ ông đến nay, như một vị thần của làng, một cách tự nguyện và thành tâm. Ông trở thành một phần quan trọng của làng, máu thịt hơn máu thịt, xương cốt hơn xương cốt.
Tháng 7, tháng của tri ân, của đền ơn đáp nghĩa, nhưng với người Việt, có lẽ tháng nào cũng thế, ngày nào cũng thế, bởi nó là đạo lý, là nhân nghĩa và là sự thủy chung, có trước có sau với những người xả thân vì nước, tới những hành động vì người khác, vì cộng đồng.
Những hành động như thế, sự việc như thế, nhiều lắm trên đất nước ta.
4 nhận xét:
Bài viết hay, nhiều chi tiết cảm động, anh ạ
Cám ơn ạ
Rất hay và cảm động, em cảm ơn bác Hùng ạ.
Sao không viết thẳng tiếng Việt la Biết ơn thì có phải là rõ nghĩa hơn với Tri ân là từ Hán
Đăng nhận xét