(Đọc “Đối thoại chuyển mùa”, thơ Phan Tùng Sơn, NXB Hội Nhà Văn 2023)
Tôi biết Phan Tùng Sơn thi sĩ trước khi biết anh là nhà báo. Đọc không nhiều, không hệ thống nhưng tôi rất ấn tượng với một giọng thơ đa dạng, khỏe, chắc và trữ tình. Tôi từng được về quê anh, cái vùng Hương Sơn đẹp như tranh vẽ, nơi cụ Hải Thượng Lãn Ông tìm về an trú những ngày cuối đời nhưng rồi vẫn được vời ra Kinh chữa bệnh để rồi có “Thượng kinh ký sự” nổi tiếng. Về và mới nghĩ, chính nơi này đã khiến anh, và nhiều người như anh, như một số bạn văn quê Hương Sơn của tôi, phải làm thơ, phải viết.
Vốn dĩ tôi rất nể những người làm báo ngày, báo chính trị mà vẫn làm thơ được, bởi hai cái món này nó rất nghịch nhau. Thêm nữa lại sống ở những nơi đô hội, nhộn nhịp tưởng như không còn thời gian để mà sống chậm. Làm thơ cần có thời gian để suy ngẫm, để lắng đọng cảm xúc, để quan sát, để liên tưởng, để có bài thơ bốn câu nhiều khi phải suy ngẫm, dồn nén cảm xúc cả tháng trời. Tôi cũng viết báo, làm báo, nhưng kiểu báo thiên về ngẫm ngợi, và thời gian không bị câu thúc, thế mà nhiều lúc cũng tắc tị thơ, có khi cả năm trời chả viết được bài nào.
Phan Tùng Sơn hiện là đại tá, phó trưởng cơ quan đại diện báo Quân Đội Nhân Dân tại thành phố Hồ Chí Minh, tức hội đủ cả hai điều kiện để... rất khó làm thơ, thế mà anh vẫn làm thơ, vì thế mà tôi rất nể anh.
Chúng tôi đã vài lần làm việc với nhau, nhưng là về báo. Có lần tôi và anh làm đẫy nguyên trang báo Quân đội Nhân Dân số cuối tuần, hai anh em tung hứng về Văn hóa Tây Nguyên, về “giữ Tây Nguyên giữa cái dùng dằng”. Dăm bảy lần cà phê và cả nhậu, nói đủ thứ chuyện, trừ... thơ. Thế nên giờ ngồi chìm đắm vào tập 45 bài thơ của anh, tôi nhận ra một Phan Tùng Sơn thi sĩ, rất thi sĩ.
Thơ anh trường liên tưởng rất rộng, từ cái lá, con chim, tiếng mưa rất khẽ, tới những con đường, dòng sông, từ cái thành phố anh đang sống ồn ào náo nhiệt nhưng vẫn có những khoảng tĩnh lặng cho con người sống chậm tới quê anh, vùng Hương Sơn địa linh nhân kiệt đẹp như tranh vẽ với nhiều địa danh nổi tiếng và những con người nổi tiếng.
Nhưng trên hết, anh vẫn là anh bộ đội, những câu thơ trĩu nặng trách nhiệm nhưng vẫn hết sức trữ tình và đau đáu nghĩa tình: “Sài Gòn mới câu dân ca em hát/ Tiếng chuông ngân xa vọng tháp Đức Bà/ Ai nằm đáy sông Sài Gòn thuở trước/ Hồn thiêng về thành phố buổi hoan ca”...
Cái phẩm chất thi sĩ là thế, giữa đám đông vẫn thấy lẻ loi, vẫn nhận ra những đơn nhất: Em sải bước về phố xa cao ốc/ Bỏ một người lơ lãng với trăng thơ...
Cái người ấy nó vừa “chênh chao” vừa hết sức nhạy cảm, có chút gì đấy tủi thân, nhưng là tủi thân của sự biết, sự hiểu, sự nắm quy luật dẫu thực ra, cảm xúc, tình cảm... nhất là của một người đang có cảm giác “như là yêu” chả có quy luật gì?
rét từng đợt lùa chênh chao đêm hạ/ góc phố quen thừa thẫn một người/ chợt xao động ngỡ bước chân ai đến/ ồ không/ không/ chỉ là tiếng lá rơi... (Hạ đông). Tôi yêu cái ngắt nhịp “không” “không” này thế. Mà cái tên bài thơ cũng lạ, đã hạ lại còn đông. Đời, mới biết, phức tạp phết, và chăng, vì thế mới sinh ra nòi thi sĩ?
Cũng đông nhưng lại còn như này: đừng thề thốt để mùa đông lỗi nhịp/ phía em còn bao kẻ đón người đưa/ đêm phố lặng biết đâu người tri kỉ/ về nghe đông bên một gã quê mùa… (Về nghe đông bên một gã quê mùa). Tôi dẫn bởi ngạc nhiên, nơi tác giả sống ấy, làm gì có mùa đông? Nó là một trạng huống cảm xúc, cái cảm xúc cô lẻ, cảm xúc tự ti, cảm xúc mặc nhiên. Mà phàm đã yêu, rất ít người có khả năng tự tin, đa phần là tự ti, cái sự tự ti khiến mọi thứ cứ mông lung, huyền ảo hết cả lên. Và có khi vì thế mà nó đẹp, nó đắm say, nó khiến kẻ đang yêu sẵn sàng... chết.
Cái khó của người làm báo nhưng còn làm thơ là phải biết tìm ra lúc để... vẩn vơ. Không phải ai cũng tìm ra cái tứ “Vẩn vơ đúng lúc” như của Phan Tùng Sơn dù trong cuộc đời, chúng ta rất hay gặp những vẩn vơ như thế: Đúng lúc muốn làm thơ thì cạn ý/ trời không trăng và phố xá không đèn/ em là ai và ta là ai nhỉ/ đúng lúc cần sao không thể gọi tên…- Vẩn vơ Đúng lúc. Sự vẩn vơ ở đây nó không chỉ và không phải là vẩn vơ. Nó ngồn ngộn thông tin, thông tin của cảm xúc.
Sài Gòn nơi anh đang sống và quê hương Hà Tĩnh của anh hiện diện trong tập khá đậm và nét: Sài Gòn chưa từng chậm/ Giờ như gấu ngủ đông/ Chỉ cách nhau vài bước/Mà dằng dặc rạch sông… Những mùa hoa trôi. Hoa trôi, cái hình ảnh rất đẹp. Tôi nhớ ở thành phố này còn có mùa hoa xoay. Những cây chò rất cao, đến mùa, những cánh hoa xoay như chong chóng, rơi xuống như những thông điệp của cao xanh, đầy cảm xúc, làm thành phố mềm đi, chậm lại, những bước chân phải dịu nhẹ, phải tần ngần, phải nâng niu.
Đây là Cần Giờ, chắc cũng phải “tương tư” với nó nhiều lắm anh mới bật ra bất ngờ về Cần Giờ như này: Em cần gì/ mà Cần Giờ/ mà đêm thả nước ngập bờ lao xao/ ... Cần Giờ/ một chút để thương / Cần Giờ một cõi.../ để nương nhau về... Một chút cần giờ...
Và đây là ký ức quê hương trong thơ anh: Ngày bé tôi sống ở làng, nhớ năm gặt hái mùa màng bội thu, cây rơm rộn tiếng chim gù, mục đồng ríu rít chọi cù đánh khăng… Tôi thường nghe dưới đêm trăng, quạt mo bà vẫy chị Hằng xuống sân. Có con chim khách về gần, sáng ra nó hót mấy lần trước hiên. Ông tôi bảo đấy điềm thiêng! Chim khách báo có người hiền về thăm.
Và những xưa cũ, chân quê. Chân quê nhưng ấm lòng, chân quê nhưng tình tứ, chân quê của những trái tim, những hồi hộp và thời gian: Bài ca cũ biết em còn hát nữa/ Biết em còn giữ ấm lá bùa mê/ Tóc sương khói anh trở về bến cũ/ Soạn lời ca cho những lứa chân quê… soạn lời ca cho những lứa chân quê
Và những vấn đề thời sự. Tất nhiên. Trước khi mở tập thơ tôi đã hình dung thể nào tác giả cũng đề cập những vấn đề này. Nó là trách nhiệm công dân, là nghĩa vụ người lính, và trên hết, cảm xúc thi sĩ. Nhưng cách anh đề cập vấn đề Covid khá nhuyễn (viết đến đây tôi lại nhớ tới cái đại án về giải cứu, về hối lộ mùa Covid vừa diễn ra với những toan tính nhơ nhớp, những đồng tiền bẩn thỉu của những kẻ táng tận lương tâm, lợi dụng dịch để ăn bẩn, rất bẩn): Bao cảnh đời như mình vậy/ Đêm nay nghe phố thở dài/ Bao lứa đôi như mình ấy/ Thương về khỏa nhớ hôm mai… Gửi vợ mùa cách ly.
Và cả tư cách người lính cũng hiển hiện trong thơ anh: Quân phục bạc màu đất đỏ/ Mưa rừng dựng thác ngang sông/ Nhớ về tích xưa chuyện cũ/ Thương ai hóa đá chờ chồng… Đã biết Đồng Xoài- Giờ thì bếp ăn đơn vị/ Đũa so đôi đứng đôi nằm/ Giao ban, bình bầu, kiến nghị/ Gửi lời về chốn xa xăm... khóc thương đồng đội.
Đọc tập thơ của Phan Tùng Sơn tôi có cảm giác như mình làm một cuộc du lịch. Du lịch cảm xúc, du lịch thời gian, du lịch không gian, du lịch nỗi niềm, du lịch chữ. Tất nhiên không phải tất cả đều hoàn hảo, tất cả đều toàn bích. Vẫn còn những lan man (triệu chứng của người... tham, tham dễ thương), vẫn còn những chưa tới, vẫn còn những thô vụng... Và, cái “vẫn còn” ấy, nó có ở tất cả mọi người, kể cả người đang viết những dòng này. Biết thế, nhưng vẫn thế. Bởi nghĩ cho cùng, có cái gì có thể tròn trịa, đủ đầy ở cuộc đời này. Vả, nhiều khi thiếu một tí, hụt một tí, vụng về một tí... nó lại gây nhớ, nó lại thòm thèm, nó lại... như là tình yêu ấy.
Đi nhờ nhau thuở bấy chừ/ Lời ca dao cũ mỏi nhừ thanh tân...
Trong một lần cà phê ở Hồ con Dùa Sài Gòn, thấy tạch phát, Phan Tùng Sơn chớp chân dung nhà cháu.
Hai bản chụp bài trên báo Văn Nghệ, một bản chụp báo, 1 bản PDF.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét