Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

NHỮNG CHUYẾN BAY KHÔNG MANG BOM... (Bản full).

 

          Từ trước năm 1975, Cù Hanh đã là sân bay lớn ở phía Nam. Bạn tôi kể đã có những chuyến bay chở khách thường xuyên về Huế và ngược lại. Và từng có một chuyến như thế từ Huế bay lên bị tai nạn, nhà bạn có người bay trong chuyến ấy.

          Lại một bạn nữa kể, đã từng “bay nhờ” máy bay quân sự từ Kon Tum xuống phi trường Cù Hanh. Mà ngày xưa ấy, hình như Pleiku không chỉ có sân bay Cù Hanh, mà còn sân bay quân sự nữa, ở mạn đường Lê Duẩn bây giờ. Anh Nguyễn Quang Hiền, một “chuyên gia lưu trữ” giải thích tại sao cái sân bay quân sự có tên Area lại đổi thành Holloway, là bởi viên phi công người Mỹ có tên như thế thuộc cơ số lính bay đóng ở sân bay Area, bị tử nạn, nên lấy tên ông ta đặt lại. Trước đó năm 1965, quân giải phóng pháo kích vào sân bay này làm 7 phi công Mỹ tử nạn. Hồi mới lên tôi hay nghe sân bay Holloway mà chả thấy đâu, thấy chỗ ấy chỉ có cái trường học. Máy bay C130 thường chở lính và người nhà của lính từ Kon Tum xuống Pleiku nên chuyện đi nhờ máy bay quân sự có thể là từ đây.

          Thời tôi lên thì la liệt các cọc sắt 3 cạnh và các tấm ri sân bay được sử dụng để làm nhà, rào vườn. Có hẳn những đội quân đi đào phế liệu về bán, trúng được những thứ này ngang trúng số. Nhà ai có con dao rèn bằng chốt ri thì cứ gọi là sắc lẹm, chặt xương bò như chặt chuối. Cũng những tấm ri sắt này được quân đội Mỹ dùng các chốt ri ghép với nhau lót trên đất hoặc cát thành đường băng dã chiến, máy bay quân sự lên xuống bình thường như đường băng hiện đại sau này.

          Lần đầu tiên tôi ra sân bay Cù Hanh đón khách là đón nhạc sĩ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Té ra cái sân bay bé tẹo, cả phòng chờ và đường băng. Hồi ấy nhà văn Nguyễn Bá Thâm còn kể vui là nhà văn thiếu tướng Nguyễn Chí Trung ra sân bay Pleiku để bay sang Campuchia bị trễ, máy bay đã cất cánh, ông đứng ở sân bay... vẫy mũ, thế là máy bay vòng lại đón ông lên. Nó cũng có lý, bởi đấy là máy bay quân sự, và ông thì là phái viên đặc biệt của thượng tướng Lê Khả Phiêu ở Camppuchia, sau này ông làm trợ lý cho ông Lê Khả Phiêu khi ông Phiêu làm Tổng bí thư.

          Hồi ấy khách toàn bay AN24 của Liên Xô, ghế hai hàng dọc thân như... xe lam thời bao cấp. Nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha được Ty Văn hóa Thông tin Gia Lai Kon Tum mời vào sáng tác, cùng một loạt các nhạc sĩ nổi tiếng như Thuận Yến, Vũ Thanh, Văn Thắng, Xuân Giao vân vân. Nhớ và nhắc Nguyễn Thụy Kha vì tới Pleiku nửa ngày là ông có ngay ca khúc “Những chuyến bay hòa bình” có cái điệp khúc “Những chuyến bay lên Cao Nguyên, những chuyến bay hòa bình/ Những chuyến bay lên Pleiku, những chuyến bay không mang bom”... ông ngồi ở phòng tôi, ôm ghi ta hát, gân cổ nổi chằng chằng, mặt đỏ như uống rượu vì đoạn điệp khúc... cao quá...

          Cũng hồi ấy, để được bay là vấn đề hết sức nan giải. Chỉ cấp lãnh đạo sở mới được bay. Mà mua được cái vé nó cũng hết sức trần ai khoai củ. Ra xếp giấy đi đường, cán bộ một bên, dân một bên. Người bán cứ rút 2 giấy cán bộ thì tới 1 giấy dân. Như đã nói, cán bộ thì hàm giám đốc sở, dân thì đa số là người buôn chuyến, chứ hồi ấy mấy người có tiền mà bay, đại gia hầu như chưa có. Nhưng nếu cán bộ bay thì bán lại tiêu chuẩn hành lý cho những người đi buôn, cũng gần đủ tiền vé, hoặc tiền ăn ở những ngày công tác. Tôi một lần được trưởng ty chỉ định tháp tùng ông ra Hà Nội đi họp bộ bằng máy bay. Ông bay trước, tôi phải tự chạy vé để bay, sau khi có tới mấy chữ ký từ phòng chuyên môn, phòng tài vụ và chữ ký của ông. Ra sớm xếp giấy. Mà cái kiểu xếp hàng với xếp giấy của ta thì biết rồi, tới giờ vẫn rất là lộn xộn huống gì thời ấy. Lạ là ai cũng biết tên người bác vé là chị Ng, trừ tôi. Kết quả là, cái giấy đi đường của tôi dẫu xếp rất sớm, nhưng cuối cùng thành ở cuối cùng, nằm tơ hơ tới khi giám đốc sân bay tuyên bố... hết vé. Bán vé hồi ấy ngay trên bàn, chưa có kệ với quầy như giờ, người mua vé đứng xúm xít xung quanh, ồn như chợ vỡ, thi thoảng lại có người cầm tập giấy lật lật ra cái chiều là sắp xếp lại nhưng kỳ thực là để tráo giấy của mình lên, và ngoài người bán vé là chị Ng thì còn giám đốc sân bay là anh T, có khi thấy người quen từ xa anh vẫy lại: bán cho anh này đi công tác tác gấp dù chả biết anh ấy có gấp thật không. Còn những người đi buôn, nghe nói số xếp giấy tờ chỉ là hãn hữu, họ đều mua trước hết rồi.

          Sau thời AN24 thì tới ATR72. Tới cả chục năm, tuyến Pleiku bay loại này. Đa phần chỉ bay thẳng Sài Gòn, còn Hà Nội thì phải Transit ở sân bay Đà Nẵng. Mỗi lần bay là vui như tết, bởi thời gian chờ ở sân bay Đà Nẵng khá lâu, thế là... hú bạn bè. Có ông khi lên máy bay bước líu ríu vì say, an ninh sân bay dọa không cho lên mới bước thẳng thớm lại. Có lần tôi từ Hà Nội về, dừng Đà Nẵng 3 tiếng, hú bạn bè, sau khi nhậu còn được bạn kêu cho một đùm ốc biển luộc, xách lên máy bay, 35 phút sau hú bạn bè Pleiku tới... nhậu tiếp.

          Giờ bay toàn phản lực, vèo phát tới. Tuy thế sân bay Pleiku vẫn chưa phát huy hết công năng khi chủ yếu mới bay 2 sân bay lớn 2 đầu đất nước là Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Từ tết, mới chỉ Bamboo Airways mở thêm các tuyến bay Đà Nẵng, Vinh và Hải Phòng, nhưng bay cách nhật. Muốn đi Huế, Nha Trang, Đà Lạt thì hoặc bay vòng nếu có điều kiện, hoặc đường bộ...

 

Bài đăng báo Gia Lai cuối tuần.

Nhà cháu và cảng hàng không Pleiku
Một đêm bác Tạo bác Kha uống rượu và hát, đọc thơ ở nhà nhà cháu, trải chiếu và ngồi.


 

 

                                                                      

Không có nhận xét nào: