Mấy chục năm sống ở Gia Lai, tôi có may mắn chứng kiến nhiều cuộc khai quật di chỉ khảo cổ, mà sự kiện gây chấn động giới khảo cổ thế giới nhất là việc phát hiện về sự xuất hiện loài người tối cổ ở Rộc Tưng, thị xã An Khê, Gia Lai cách đây gần chục năm, đã khiến thế giới phải xem xét lại bản đồ sự xuất hiện loài người. Nơi đây, khi khai quật, các nhà khoa học của Nga và Việt đã phát hiện, gần một triệu năm trước từng có người tối cổ trú ngụ, sinh sống. Một tiến sĩ sử học chỉ cho tôi cái hố thám sát có những cục đá xếp lô nhô: Bếp người xưa đấy.
Ở các cuộc khai quật mà tôi được chứng kiến ở Chư Prông, Biển Hồ và An Khê (cùng của Gia Lai) đều thấy xuất hiện bếp. Các nhà khoa học căn cứ vào bếp của người xưa để tính toán các yếu tố lịch sử. Tôi không rành lắm việc này, nhưng lẩn mẩn nghĩ, có khi tại bếp chính là cái gốc văn minh của con người. Bếp, chính là nơi xác nhận sự sống của con người, dẫu có khi nó không hoặc chưa dùng để nấu nướng. Thì gần triệu năm trước ở Rộc Tưng, lưu vực con sông Ba ở An Khê kia, chắc gì con người đã biết nấu nướng, mà họ vẫn ăn sống nuốt tươi, nhưng vẫn hiện diện những cục đá làm bếp, và còn dấu tích của than, để các nhà khoa học bây giờ khẳng định con người từng ở đây từ thời ấy. Thì ra cái bếp chính là sự phân biệt rõ rệt nhất con người với con thú ngày xưa. Tất cả mọi thứ mọi việc như nhau, kể cả kiếm ăn, sinh con đẻ cái, sinh hoạt tình dục, nhưng một trong những cái con người hơn con thú chính là, con người có bếp. Ý thức sinh tồn, ý thức quần tụ, ý thức cộng đồng... bắt đầu từ cái bếp, dẫu rất thô sơ...
Suốt tuổi thơ sống nhiều ở Bắc khu Bốn và đồng bằng Bắc bộ, ấn tượng bếp trong tôi là những cái bếp cục gạch. Ba cục gạch dựng lên là thành cái bếp, nấu rơm, rạ hoặc lá thông, lá phi lao. Nhà có điều kiện hơn thì mới có bếp kiềng và nấu củi. Và thứ để giữ lửa là con cúi. Tức rơm được quấn với nhau thành dây dài, to cỡ cườm tay trẻ em. Lửa được giữ ở đấy, suốt ngày đêm, khi cần thì chúm môi thổi bùng lên thành ngọn lửa. Nếu tắt thì cầm cả cái con cúi ấy đi sang nhà hàng xóm xin lửa. Tiện nhất là dúi cục than vào giữa rồi thổi hoặc quay cho bùng lên. Nhưng đa phần hàng xóm cũng nấu rơm, thì dúi cái đầu con cúi ấy vào, cho nó bắt lửa rồi mang về, vừa đi vừa quay vừa thổi để lửa bén sâu vào cúi.
Rồi tới thời lò nấu mùn cưa và trấu. Tiến lên nấu than. Một dạo có anh họa sĩ ở Huế sáng tạo ra cái lò mẹ bồng con bán khắp nơi. Là cũng cái lò như thế nhưng có thể cùng lúc đặt được 3 nồi hoặc chảo lên bởi bên cạnh cái bếp chính nó còn 2 cái bếp con chĩa ra 2 bên mà lượng chất đốt vẫn chỉ dành cho một. Tiết kiệm triệt để. Giới họa sĩ nói riêng, văn nghệ sĩ nói chung thường nghèo, ở Huế càng nghèo, thế mà với phát minh này, anh họa sĩ kiêm nhà thơ nghèo thời ấy sống rất sung túc.
Lên Tây Nguyên, về các buôn làng, tôi lại gặp những bếp lửa rừng rực suốt ngày đêm trong các ngôi nhà sàn hoặc cả nhà rông.
Người Tây Nguyên xưa lấy bếp làm đơn vị để tính hộ. Cứ một hộ là một cái bếp, nó ở ngay giữa nhà. Nếu gia đình có thêm người (bắt chồng về) thì thêm một bếp. Người Ê Đê, M’nông ở Đăk Lăk, Đăk Nông còn nhà dài. Cứ thêm một gia đình, họ nối thêm ra một gian nhà, tất nhiên mỗi gian nhà của một gia đình như thế, bếp lửa luôn là trung tâm, có nhà kéo dài tới mấy chục bếp.
Trong các “công đoạn bếp” của con người, thời chưa có diêm tới quẹt ga như giờ, công cuộc giữ lửa là quan trọng nhất.
Nếu người Việt ở đồng bằng giữ lửa bằng rơm con cúi, thì người Tây Nguyên giữ bằng chính thứ họ đang sống chung hòa đồng: Củi rừng.
Củi cứ ngún suốt ngày đêm thế. Và té ra, cách giữ lửa này không chỉ là giữ lửa mà nó còn nhiều công dụng khác. Nhờ hơi khói bếp mà mái tranh, cái cột cái kèo nhà rất chắc chắn, không sợ mối mọt. Những quả bầu đựng nước, cái gùi xếp quanh sàn lên nước đen bóng. Và những món ăn gác bếp nó đúng là... gác bếp. Hiện nay món thịt trâu gác bếp của bà con Tây Bắc đang rất có giá. Tương tự như thế là món nai gác bếp của người Tây Nguyên xưa, giờ hết nai người ta chuyển sang bò. Bò một nắng chấm muối kiến của người Tây Nguyên đang được rao bán khắp nước. Món truyền thống nhất là... chuột. Vào nhà Tây Nguyên thấy những xâu chuột treo trên bếp, có khách quý mới hạ một con. Chuột núi sạch như chuột đồng bằng, ăn nhiều lá và củ rừng, thơm như thịt dúi...
Và cái bếp của người Tây Nguyên ấy, nó cũng là một thứ tài hoa cộng thông minh. Bốn thanh gỗ được lồng vào nhau làm cữ. Đất sét, hoặc đất tổ mối, nhào nhuyễn với muối hoặc tro. Đặt sát sàn 9 cái bẹ chuối tươi rồi đắp đất ấy lên, trong khuôn khổ của cái khuôn gỗ, thế là có cái bếp. À không, ba cục đá nữa. Có vùng bà con treo nồi trên bếp chứ không dùng đá như cái kiềng hay ông đầu rau của người Việt, cứ lủng la lủng lẳng thế nấu.
Trong cái bếp ấy, lửa thường xuyên được giữ. Không phải bằng củi thông thường, tức là củi đã được chẻ. Củi chẻ là dùng khi nấu ăn. Còn khi giữ lửa, người ta cho cả những thân cây gỗ khô vào. Nó không cháy bùng lên, mà cứ ngún thế. Khi cần chỉ việc thổi, rồi dí củi nhỏ vào, thông thường nhất là ngo (xà nu) tức nhựa thông, làm mồi thắp lửa.
Những đêm mùa khô, tức là mùa lạnh ở Tây Nguyên, chăn chiếu đơn sơ, cách tốt nhất để ngủ không bị lạnh là nằm quây xung quanh cái bếp lửa luôn phập phù ngun ngún ấy. Chúng tôi đã rất nhiều lần qua đêm ở nhà rông, ở ngay trong chính nhà sàn của bà con, cũng nhờ những cái bếp cháy suốt đêm như thế mà ngon giấc. Và kinh nghiệm của bà con Tây Nguyên là, nằm xung quanh bếp lửa, chân hướng về bếp thì sẽ ấm hơn đầu.
Và vì thế cái gầm nhà sàn của người Tây Nguyên là nơi chứa củi. Củi xếp hết sức đẹp. Người con gái Sê Đăng trước khi lấy chồng phải kiếm cho được cả một gầm sàn củi như thế. Vì sao nó đẹp. Vì nó đều tăm tắp. Các thanh củi phải bảo đảm không được dài quá khuôn bếp, thò ra ngoài dễ bị cháy lan ra sàn. Sàn nhà thì hoặc là bằng le hoặc bằng ván, đều là thứ... ưa lửa. Và đấy là cách phòng cháy hữu hiệu để người Tây Nguyên ở nhà sàn cả ngàn đời mà không, hoặc rất ít, bị cháy. Những cái đống củi dưới sàn nhà ấy, vô tình trở thành điểm cho rất nhiều tay máy ảnh xúm vào chụp mỗi khi xuống làng. Nó đẹp, đều chằn chặn, xếp tăm tắp như hàng mẫu trong siêu thị.
Phát minh đầu tiên và vĩ đại nhất cho tới giờ của loài người, vẫn là tìm ra lửa. Hồi học văn học cổ dại Hy Lạp ở đại học, chúng tôi luôn nhớ hình ảnh vị thánh Promete đã "tuẫn tiết trên tấm lịch triết học" ra sao để mà thán phục ông, thán phục tổ tiên mình. Bây giờ, sau thời đại rơm, sang thời đại củi. Sau củi tới bếp điện, từ dây ma xo tới bếp điện hồng ngoại. Và bếp từ. Đến mức nhà thành phố cũng vẫn giữ nếp quê cúng ông Táo nhưng chả biết ông Táo là ông nào, bèn mang ra... cổng cúng.
Bây giờ lửa nó không còn là lửa nữa. Bởi không còn ngọn như bếp điện. Thậm chí không thấy nó đỏ nữa, mà im lìm như bếp từ. Bà con Tây Nguyên nhiều nhà cũng đã chuyển sang dùng bếp ga. Nhưng trong các ngôi nhà sàn, nhà rông của làng Tây Nguyên, vẫn hiện diện cái bếp truyền thống. Lại nhớ chuyện hồi ông anh hùng Núp về hưu, nhà nước làm cho ông cái nhà rất xịn dưới làng Kông Hoa của ông, tên thật của nó là làng S’tơ. Nhà 2 tầng, bếp kiểu hiện đại, nhưng cuối cùng, giữa cái phòng khách sáng choang gạch men ấy, luôn hiện diện một đống lửa. Cứ về tới nhà là 2 ông bà, Núp và Ch’ rơ, sà vào đấy, thổi lửa lên, ôm ghè rượu...
VĂN CÔNG HÙNG
Bài trên Tạp chí Du lịch HCM số tết Quý Mão 2023
1 nhận xét:
Cháu chào bác. Hiện tại cháu đang muốn tìm cách liên lạc với bác Nguyễn Xuân Hưng để hỏi một chút về bộ Bình Mihn Đại Việt của bác ấy, cháu muốn mua tìm đọc mà không thấy ở đâu cả. Nếu được bác có thể cho cháu xin thông tin liên hệ của bác Nguyện Xuân Hưng không ạ. Hộp thư của cháu là trucquynhbk@gmail.com
Đăng nhận xét