Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

LÊN MĂNG ĐEN NHỚ NGỌC TƯỜNG (Bản full)

 

          Tôi vừa lên Măng Đen theo lời mời của mấy đồng nghiệp từ Đà Nẵng. Và trong cuộc chiêu đãi đậm chất bản sắc Tây Nguyên với lửa, xoang, chiêng và hát, một cô giáo Măng Đen hát bài “Măng Đen ca”: Tình ca Măng Đen.

          Và, tôi vụt nghĩ tới cái tứ, “lên Măng Đen nhớ Ngọc Tường”, dẫu mới cà phê với anh ở Pleiku.

          Tôi quen nhạc sĩ Ngọc Tường từ năm 1981, khi ấy anh đang là nhạc công của đoàn Đam San, cây ghi ta có hạng, hình như hồi ấy anh chưa sáng tác. Rồi sau đấy anh cứ âm thầm sáng tác, và ít nhất tới giờ, để lại hai bài hát cho 2 vùng đất, mà ai đã đến cũng phải hát hoặc nghe, là “tình ca Măng Đen” và “Pleiku thân yêu”. Thực ra về Pleiku anh có ít nhất 2 bài, nhưng bài “Pleiku thân yêu” vẫn được nhiều người thích và thuộc hơn.

          Măng Đen thời tôi và anh Ngọc Tường lên là một vùng còn hết sức hoang sơ. Có một lâm trường trồng thông, đa phần công nhân là nữ. Chị giám đốc rất ít ra mặt tiếp khách vì lý do riêng nhưng rất giỏi, công nhân rất nể và cả... sợ. Chính lứa công nhân đầu tiên này đã làm nên những triền thông cho Măng Đen hôm nay (tất nhiên không kể số đã được trồng trước đó).

          Bài hát của anh Ngọc Tường ra đời từ cái thời ấy, đâu như năm 1984.

          Mà lạ, ông nhạc sĩ này người Bình Định, viết bài hát về Tây Nguyên, nhưng lại bằng giai điệu dân ca Nghệ, và được biểu diễn khắp nước. Tôi nhớ đài Tiếng nói Việt Nam hồi ấy có mục “Ca nhạc theo yêu cầu khán thính giả” và rất nhiều thính giả đã yêu cầu được nghe bài này. Bây giờ thì có một số bạn bảo bài ấy đơn giản, bolero,  dễ hát nên dễ phổ biến vân vân. Nhưng tính tuổi đời nó cũng đã có mấy chục năm, và nó vẫn được hát thường xuyên. Cái đêm ở Măng Đen ấy, tự nhiên chả ai bảo ai, chúng tôi cùng bật dậy, và... hòa ca cái bài rất khó hát đồng ca ấy.

          Cũng như bài “Pleiku thân yêu” vậy. Rất nhiều lần, tôi đã nhập vào không khí âm nhạc, cùng gào lên, vâng, vì tôi hát dở lắm, trong cuộc vui khi tới cao trào “Em ơi có yêu anh, hãy về cùng phố núi, nơi tình yêu vẫy gọi...”. Nhiều lúc nghĩ, mình mà là lãnh đạo Măng Đen và Pleiku phải thưởng to cho ông này... Nghe bạn bè sành nhạc bảo, thực ra bài “Pleiku chưa xa đã nhớ” của Ngọc Tường hay hơn bài “Pleiku thân yêu” nhưng khó hát hơn nên mọi người ít hát, chỉ ca sĩ chuyên nghiệp mới dám. Tôi thì cứ nhớ, hồi khoảng những năm 84 tới 90 thế kỷ trước, ra sân vận động Pleiku xem bóng đá, nghỉ giữa hai hiệp thế nào cũng được nghe bài hát này do ban tổ chức sân mở, thích từ hồi ấy “Chia tay cùng biển lớn/về cao nguyên núi đồi/cầm tay nhau đi tới/phố nhỏ mà thân thương”. Quê ông vùng biển. Pleiku núi đồi, nó cứ ẩn hiện trong ca từ như thế...

          Mà ông nhạc sĩ này cũng dễ tính. Rất ít nhậu, nhưng bạn bè ngồi đâu đấy, gọi là ôm đàn tới. Hát say sưa, hát như... ca sĩ. Lặng lẽ như cây ghi ta, ông cứ thủ thỉ. Có một bài hát mà mấy ông sồn sồn mỗi khi nhậu rất hay hát, tôi không nhớ hết, nhưng đại loại là “khi em gọi chú bằng anh” thì gì gì đấy, rất hay vang lên mỗi khi bạn bè tụ họp.

          Hình như ông có phổ của tôi hai bài thơ, trong đó bài “Hoài niệm” đã được ông làm đĩa. Thì thi thoảng nghe vang lên ở đâu đấy lại nhớ, chứ ông là mẫu nhạc sĩ ít màu mè, ít xưng tên tuổi, thuộc loại lặng lẽ, ít tận dụng cơ hội để đánh bóng, để xưng danh. Nhưng ca khúc của ông, dẫu ông không nhắc, thì nó vẫn cứ vang lên ở nhiều nơi, nhiều cuộc, mà cái hôm Măng Đen của tôi vừa rồi là ví dụ.

          Lại nói Măng Đen. Tôi lên lần đầu từ hồi chưa chia tỉnh, cái hồi công nhân còn đang trồng rừng ấy. Mua bánh mì và sữa hộp vào rừng thông ăn trưa, lang thang trong ấy, để giờ lên chả nhận ra chỗ nào với chỗ nào. Nghe nói người ta có những quy định rất chặt chẽ để bảo vệ thông, nhưng khi các khách sạn với biệt thự mọc lên thì thông không thể không... quy hàng. Vả nữa, giờ Măng Đen không chỉ có thông, mà còn hoa, rất nhiều hoa đẹp. Rồi sau đấy lên mấy lần nữa, có lần đi cùng anh Đặng Ngọc Khoa, phóng viên báo Thanh Niên, khi đã bắt đầu có khách sạn nhà nghỉ ở đây, mỗi người làm vài bài thơ, bài thơ của anh Khoa sau được nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa phổ nhạc, là bài “Ngẫu hứng Măng Đen”, giờ là 1 trong hai bài, bài kia là “Tình ca Măng Đen” như đã kể, trở thành “Măng Đen ca”, rất nhiều người hát. “Đã yêu thì về, đã say thì đến, yêu nhau thì về, say nhau thì về... cùng về Măng Đen, cùng về Măng Đen...”. Giờ anh Khoa mất rồi, nhưng “Ngẫu hứng Măng Đen” thì còn. Hôm ở Măng Đen ấy, với tư cách là người biết và quen cả 2 tác giả, tôi lên giới thiệu với các bạn Kon Tum, các bạn Măng Đen về Ngọc Tường và Đặng Ngọc Khoa, và cuộc gặp sôi nổi hẳn lên, bởi những điều tôi kể chạm đúng vào điều tự hào của các bạn bản địa.

          Đời tác giả, được như Ngọc Tường thế, cũng không phải nhiều.

 

Bài đăng báo Gia lai cuối tuần

                                       







Không có nhận xét nào: