Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2023

NHÂN GẶP NỒI BÁNH CHƯNG TRÊN PHỐ (bản full)- Gialai cà kê

 Bài báo cuối cùng của năm âm lịch Nhâm Dần 2022

          Sáng ngồi cà phê với mấy cặp vợ chồng hưu, lao xao chuyện, rồi quay về chuyện chuẩn bị tết thời bao cấp.

          Một người kể: hơn hai chục năm trước, giờ này là đang tất bật mượn khuôn làm bánh thuẫn. Mà cũng không dễ mượn, phải đăng ký, các khu tập thể luân phiên nhau đổ.

          Giờ bánh thuẫn, bánh in, mứt các loại tự làm... thành của hiếm.

          Để có vài chục bánh thuẫn bánh in, cân mứt tết phải chuẩn bị trước cả tháng. Đường ư, trứng gà ư, bột ư, dừa ư... rồi củi, than và khuôn.

          Anh chồng khỏe mạnh được giao đánh bột. Chập mấy đôi đũa lại rồi cứ thế đánh. Cả khu tập thể rộn ràng tiếng đánh bột. Bột, trứng, đường... cho vào chậu theo một công thức rỉ tai nhau, rồi cứ thế quần quật đánh. Bao giờ bột nở tơi ra thì mang khuôn về và đổ. Có nhà đổ cả đêm. Cái khuôn mỗi lần chứa được khoảng dăm bảy cái mà có nhà đổ vài trăm cái, phần ăn, phần biếu, phần sau tết các con mang đi. Đổ xong còn sấy bằng than. Sáng mai tới cơ quan, mặt mũi bơ phờ vì thiếu ngủ, nhưng miệng tươi roi rói, vì một trong những việc quan trọng đã xong. Vui hơn nữa là nếu bánh thuẫn... cười. Bởi không phải nhà ai cũng làm cho bánh cười nhất loạt, mà có nhà do ông chồng đánh bột không kỹ chẳng hạn, bánh nhất loạt chỉ thù lù một nắm chứ không chịu nở phần trên bung ra như một bông hoa, gọi là bánh cười.

          Nhưng bánh mới là một phần nhỏ của sự chuẩn bị tết.

          Bởi thời bao cấp, mọi thứ được mua theo sổ, tem phiếu. Phải biết hôm nào cửa hàng nào bán gì để đi xếp hàng mua, nhiều khi bốn năm giờ sáng đã đi xếp sổ. Còn thiếu gì thì ra chợ. Mua sổ cũng phải tính toán, ví dụ phiếu thịt được 5 lạng, nhưng nếu mua xương hoặc mỡ thì được gấp đôi. Tính xem mua bao nhiêu thịt bao nhiêu xương bao nhiêu mỡ để dùng vào những việc cụ thể, từng món cụ thể.

          Vui nhất là thời ấy, đói kém nhưng vẫn... sang. Chợ thì phải cả chục ngày sau mới mở lại, các quán ăn sáng phải sau rằm, gọi là sau mùng. Mà khoảng 23 tháng chạp là đã cúng tất niên. Tất niên tức là sau đấy không làm gì nữa, chợ không họp, quán không bán. Vậy nên phải mua dự trữ. Các bà nội trợ lo xa phải dự trữ thực phẩm cho cả tháng, mà hồi ấy hầu như chưa có tủ lạnh. Tôi có kiểu dự trữ lo xa của tôi, ấy là nhà có cái chum, thế là giáp tết ra chợ Biển Hồ mua dăm chú cá chép về thả vào đấy, vừa để chơi, nhưng có khách thì chỉ ba mươi phút là nó thành món cá rán sốt cà chua ngay.

          Pleiku dân góp khá nhiều, mỗi người từ các vùng quê lại mang tới một món đặc sản tết quê mình. Người phía Bắc thì có giò thủ, thịt đông, người miền Trung, cụ thể là Bình Định, Quảng Ngãi thì thịt bò thưng, củ kiệu, canh khổ qua... Khách đến là dọn ra, hầu như tới nhà ai cũng có thủ tục dọn đồ ra mời nhau. Lâu thì thành mâm thành món, nhanh thì đĩa bò thưng củ kiệu hoặc thịt đông giò thủ. Rượu hồi ấy đa phần là tự ngâm thuốc bắc hoặc có loại Cô nhắc Bình Đông toàn cồn uống nhức đầu cả ngày, nhưng tới nhà ai cũng phải làm vài ly, nên đa phần đi một vòng về là... say mèm. May là hồi ấy đa phần đi bộ hoặc xe đạp nên ít tai nạn giao thông nguy hiểm.

          Hai tết đầu tiên khi mới lên Pleiku nhóm anh em chúng tôi không về quê ăn tết với bố mẹ, vì hồi ấy tàu xe ngày tết là cả nỗi đoạn trường, nên đa phần tết là... nhịn. Bếp ăn tập thể tết nghỉ, các quán ăn cũng nghỉ, chợ nghỉ... chúng tôi bèn rủ nhau... đi thăm, chúc tết các gia đình trong cơ quan, mục đích là để... qua bữa, thế mà cũng vẫn nhiều hôm vác bụng đói về, vì các gia đình cũng chỉ rượu với bò thưng củ kiệu. Sau này khi tôi có gia đình, lại được các bạn độc thân ghé thăm tết, bao giờ bếp nhà tôi cũng có nồi chân giò với vịt ninh măng, khách vào chỉ thả miến vào là thành món ăn no. Nếu muốn nhậu thì có cá ngoài chum, tôi nhoắng ba mươi phút cũng thành mồi rất bén rượu.

          Nhớ năm nào đấy nữa, cơ quan tôi liên hệ với địa phương quản lý cái hồ ĐăK Uy ở Kon Tum, đánh hẳn chuyến ô tô lên đấy mua cá về chia cho cán bộ. Con cá mè tới bảy chục cân, toàn mỡ. Bày ra giữa sân cơ quan chia, mỗi người được một khúc, phần tôi mang về rán, càng rán nó càng teo vì miếng cá toàn mỡ, cuối cùng nó còn miếng tóp mỡ bằng cái ly uống nước, dù trước đấy nó là khúc cá nần nẫn cả cân. Sau các chị nói mới biết, là cá mỡ thế chỉ kho với dưa mới “bảo toàn trọng lượng”.

          Bây giờ, chợ rồi siêu thị rồi cả... online 24/24, chắc chỉ nghỉ sáng mùng một tết, nhưng nhiều bà nội trợ vẫn giữ thói quen mua hàng dự trữ. Là gọi cho mối, gà vườn, heo vườn rồi bò cũng vườn, rau cũng vườn mà củ quả cũng vườn... về chất vào tủ lạnh ăn dần, dẫu giờ chả ai đến nhà chúc tết mà chịu cầm đũa, chứ đừng nói cụng ly vì món nồng độ cồn được xử lý rất nghiêm.

          Tết bây giờ khỏe hơn sướng hơn tết xưa rất nhiều. Nhưng có vẻ như cái sự lao xao tết xưa nó cũng vẫn là một cái gì khiến ký ức ta nôn nao. Chả thế mà, vẫn rất nhiều nhà gói bánh chưng. Họ gói không phải vì cần cái bánh chưng, bởi đặt mua bánh vẫn rất ngon, rất đẹp lại rẻ mà tiện. Mà, họ cần cái không khi tết, cái hương tết, vị tết, cái ký ức tết cứ nôn nao trong mỗi người.

          Nên không lạ, nếu khoảng từ 27 tới 30 tết, ta thấy, ta gặp đâu đấy trên phố, những bếp bánh chưng với những cái nồi quân dụng đương liu riu lửa,. Họ đang lưu giữ hương vị tết xưa như một phần ký ức tốt đẹp của đời mình, phần ký ức vất vả khốn khó nhưng lại cũng rất lạc quan, nghị lực...

Một anh chồng mẫn cán làm thịt gà chiều 30 tết thời bao cấp
Bánh chưng thời bao cấp, có mà ăn là may rồi, đòi nhân nhiếc gì? Có nhà không gói được bánh chưng thì đồ xôi hoặc nấu cơm nếp thay bánh
 

                                                                      

         

Không có nhận xét nào: