Thứ Hai, 16 tháng 1, 2023

NHỮNG CÁI TẾT ẤU THƠ Ở XỨ THANH

          Hồi ấy nhà tôi đang ở khu tập thể công đoàn tỉnh (tên hồi ấy, giờ là liên đoàn lao động) ở chỗ phố chợ Vườn hoa Thị xã Thanh Hóa thì mẹ tôi được phân công đi mở nhà máy Diêm 3-4, lấy ngày trận đánh của Hải Quân ta với không quân Mỹ ở Hàm Rồng, Thanh Hóa làm tên nhà máy.

          Một số cán bộ, công nhân của nhà máy Diêm Cầu Đuống vào làm hạt nhân, còn lại là tuyển công nhân tại chỗ, mẹ tôi là phó giám đốc, một bác người Huế tập kết, từ nhà máy Diêm Cầu Đuống vào làm giám đốc.

          Nhà máy Diêm 3-4 đóng ở xã Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa, khu sản xuất thì ở phía sát bờ sông, khu tập thể ở trong một khu rừng trám cổ thụ, dân ở đây gọi là cây bùi (có lẽ gọi theo vị của nó), bên cạnh đấy là trảu và sở. Mỗi dãy nhà tranh tre nứa lá có khoảng 4 đến 5 hộ, đều làm dưới các gốc trám khổng lồ. Có đâu chừng mười dãy như thế.

          Làng tôi ở không có chợ, mà ở làng bên cạnh, làng Châu Tử, có một cái chợ họp ngay trên bờ đê.

          Tết tôi thường được mẹ chở đi chợ Châu Tử. Chắc mẹ muốn cậu học trò lớp 2, lớp 3 là tôi được mở tầm mắt.

          Cả năm chúng tôi sống trong rừng trám, thế giới là cái rừng trám ấy. Tới mùa trảu và sở ra hoa thì rất đẹp, nhưng thời ấy bom đạn và đói, mấy ai nghĩ tới cái đẹp, lo sống đã. Lũ trẻ con chúng tôi chơi trận giả ngày này qua ngày khác ở đấy, thi thoảng được “xem” các đám ma vì bãi tha ma của làng cách khu tập thể chừng 200 mét, dậy sớm còn được xem cả... bốc mả nữa...

          Chợ Châu Tử chính là cái thế giới đầy màu sắc tết của tuổi thơ tôi thời ấy.

          Tôi nhớ khoảng 29 hoặc 30 tết, nhà máy nghỉ thì mẹ đi chợ, sau cái xe đạp Thống nhất là tôi, hớn hở và xúng xính dù hôm ấy chưa được mặc quần áo mới.

          Trước đó thì chú quản lý bếp ăn nhà máy đã xuống huyện để đăng ký thịt lợn. Thay vì mua lẻ thì nhà máy dồn phiếu của tất cả cán bộ công nhân viên rồi xin lệnh vào nhà dân bắt lợn hơi về tự làm thịt, theo phân tích của chú quản lý thì tự làm sẽ lợi hơn và đặc biệt sẽ có cuộc liên hoan tiết canh lòng lợn và cháo cuối năm.

          Nên mục đích  đi chợ của mẹ tôi chỉ là mua gia vị về chế biến chỗ thịt lợn được chia ấy.

          Tôi nhớ chợ Châu Tử họp ngay ở bến đò Châu Tử có cây gạo rất to. Cô giáo lớp 2 của tôi là cô Gái người làng này, hàng ngày vẫn đi bộ sang làng Phong Mục dạy học. Có hôm chúng tôi tổ chức đi... đón cô. Cả bầy lon ton đi trên đê, gặp cô giữa đường, cô vui mà trò cũng mừng.

Đồ mang tới chợ tất nhiên toàn đồ quê, đồ trong vườn, trong ao trong nhà. Trừ các bà hàng xén mua đi bán lại, còn lại tất cả là đồ của nhà.

          Thời bao cấp ấy, chả cứ “người nhà nước” như nhà tôi có tiêu chuẩn tết, mà hầu như nông thôn nhà ai cũng có. Hai món làm nên tết là tát ao của hợp tác. Và mổ lợn. Lợn đụng. Sau khi làm nghĩa vụ thì các nhà có quyền đụng lợn. Đấy là nguyên liệu chính của tết, còn phụ gia là phải đi chợ.

          Trí óc non nớt nhưng tôi vẫn nhớ chợ đầy màu sắc, mà nhiều nhất là ở chỗ mấy bà hàng xén, hồi ấy bị coi là thành phần “ngồi mát ăn bát vàng”, kim chỉ xanh đỏ tím vàng, tới giấy màu, chun quần cúc áo gương lược vân vân, đặc biệt món chỉ màu phất phơ hết sức quyến rũ các cô thôn nữ. Các cô này thường là tranh thủ mang cái gì của nhà đi bán, rồi lấy tiền ấy mua đồ cá nhân cho mình.

Một chỗ nữa thể nào tôi cũng phải xán vào là ông nặn tò he. Bằng bột gạo tẩm màu đủ loại, chơi xong... chén được.

          Dân Thanh Hóa vùng ấy nuôi gà trống thiến rất giỏi, giáp tết họ mang ra chợ bán, con nào con nấy béo mẫm. Tôi thấy mẹ tôi tần ngần chứ ít khi mua. Nhà tôi cũng nuôi gà, nhưng đa phần là mái đẻ để ăn trứng, khi nào có khách mới thịt. Nhưng vịt thì bao giờ tết cũng có một bầy, 2 anh tôi thường xuyên đi bắt nhái về cho chúng ăn, cũng béo mầm. Tết thế nào cũng có vài con vịt “lên đĩa”, từ hay dùng thời ấy. Nhà tôi lại là nơi các cô chú đồng hương quê Thừa Thiên Huế của ba tôi hay ghé, tết là đạp xe từ thị xã về nên bao giờ ba mẹ tôi cũng chuẩn bị đầy đủ một bữa liên hoan thịnh soạn nhất có thể.

          Tóm lại những thứ mẹ tôi mua chủ yếu để làm 3 món chính mà tết nào cũng phải có, một là thịt nấu đông. Giờ có tủ lạnh chứ hồi ấy làm gì có, bù lại tết miền Bắc rét quắt tai nên thịt nó tự đông rất nhanh. Hai là giò thủ và ba là món cuốn.

          Món cuốn là mẹ tôi mang theo từ quê Ninh Bình vào.

          Nó gồm giò thủ thái con chì, trứng tráng mỏng và thái cũng mỏng, tôm sông xào nhạt, hành hoa luộc và rau mùi, rau răm.

          Mẹ tôi cuộn củ hành trắng, miếng trứng vàng, con tôm đỏ, miếng giò thủ lốm đốm, rau mùi rau răm, rồi dùng lá hành quấn lại thành cái hoa rất đẹp, đặt trong cái bát ăn cơm Hải Dương trắng muốt cất kỹ trong chạn tết mới mang ra dùng, nó như một bát hoa đầy màu sắc, các cô chú tới ăn cứ nhìn chứ rất ngại gắp vì nó... đẹp quá.

          Tất nhiên thể nào cũng có một con vịt hoặc gà được ngả. Công thức cổ truyền mà tôi nghe các cô chú trong dãy nhà hay nói là: cổ cánh băm viên, gan lòng nấu miến, bốn chân nấu... chè. Chè là nói cho vần, chứ chân thì ninh su hào hoặc củ sắn vốn dĩ rất nhiều ở chỗ chúng tôi ở. Cổ và cánh băm viên xong rán, kho hoặc nấu canh. Gan lòng nấu miến thì ai cũng biết rồi, nhà tôi đi sơ tán đâu mẹ cũng thồ theo mấy gốc dọc mùng, tới nơi ở mới là kiếm chỗ đất ẩm trồng nó,  dọc mùng nấu canh, dọc mùng xào... là món thường xuyên. Ngày thường nấu không với mỡ, tết có tí gà hoặc vịt, dọc mùng nó cứ là tưng bừng hẳn lên.

          Náo nức nhất là sáng mùng một.

          Chúng tôi được mặc quần áo mới, áo bỏ trong quần hẳn hoi, quần thì xanh sĩ lâm (tới giờ tôi cũng không hiểu sao lại gọi là xanh sĩ lâm), áo màu trứng sáo, rộng thùng thình để có thể mặc lâu và sau đó truyền lại cho em, nhận tiền mừng tuổi, đa phần là mấy đồng xu rồi đi... đánh đáo.

          Con nhà máy Diêm nên chúng tôi đứa nào cũng có một khẩu súng bắn diêm. Báng súng bằng gỗ tự đẽo, cái van xe đạp và cái đinh cột bằng sợi thun là bộ phận dập cho thuốc diêm nổ. Ban đầu mẹ tôi cấm, nhưng sau các chú bảo không việc gì đâu, thuốc diêm không thể làm vỡ cái van xe đạp để gây nguy hiểm được, thế là mẹ xuôi xuôi. Tôi nhớ công cuộc sưu tầm van xe đạp là vất vả nhất, hồi ấy mấy nhà có xe đạp đâu, và mấy khi van hỏng, bởi cái xăm xe được vá tới mức không biết đâu miếng vá đâu là nguyên bản chưa vá, nên nếu van có việc gì thì sẽ sửa tới cùng, chỉ tới khi bó tay thì mới tới lượt chúng tôi sở hữu làm súng.

          Để đánh đáo, từ trong năm chúng tôi đã gom các ống kem đánh răng lại. Nên nhớ hồi ấy kem đánh răng rất hiếm, tới mức thấy anh em tôi đánh răng, các bạn học trong làng đã rất ngạc nhiên. Đa phần các bạn súc miệng rồi đi học, các chị lớn thì đánh răng bằng cau khô hoặc than, và nữa, người ta chế ra cái loại thuốc đánh răng bột đựng trong bì ni lông nên cái ống thuốc đánh răng rất hiếm. Cái đít của tuýp thuốc bằng chì, dồn nhiều tuýp thuốc lại, nung chì thành cục cái để đánh đáo.

          Vèo cái, ba ngày tết đã qua. Hồi ấy tết nghỉ đúng 3 ngày, rồi người lớn đi làm, trẻ con đi học...

 

Báo Thanh Hóa Hàng tháng số tết 2023


Những bạn học cấp 3 xứ Thanh một thuở.

 

                                                                       

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đọc bài này em thấy tuổi thơ em hiện ra bác ợ. Hình như trẻ con miền bắc thời bao cấp đều chung miền ký ức😂

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Văn Công Hùng nói...

Ahihi đúng rồi bạn ạ, ký ức thời ấy nó hẹp, nhưng sâu đậm, vì... khổ quá.